Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Đốm lửa núi Hồng và đoàn kịch thơ Hà Tĩnh” của nhà văn Phan Trung Hiếu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng các liệt, năm 1959, từ tiền thân là Đội tuyên truyền văn hóa lưu động, Đoàn văn công Hà Tĩnh được thành lập. Với khí thế sôi nổi của phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, các diễn viên của Đoàn đã hăng hái xông pha trên các chiến trường phục vụ bộ đội, về với các miền quê động viên nhân dân vững tay cày tay súng bảo vệ quê hương. Nhiều cán bộ diễn viên của đoàn như diễn viên sân khấu Bùi Đức Hậu, nhạc công Dương Danh Lạc; nghệ sỹ múa Nguyễn Thị Mạnh Tường, Trần Văn Sửu…đã anh dũng hy sinh trên đường đi phục vụ. Chương trình của Đoàn hồi đó mang tính tổng hợp gồm đủ loại ca, múa, ngâm thơ, hò vè, đọc tấu và một số vở kịch ngắn, hoạt ca, hoạt cảnh, của các tác giả trong tỉnh như Phan Lương Hảo, Trần Văn Chi, Từ Thanh Liên, Nguyễn Sỹ Thiện … Những chương trình mang hơi thở của đời sống chiến đấu và sản xuất được đưa tới phục vụ cán bộ chiến sĩ trên các trận địa pháo ở thành phố, vùng biên giới Việt- Lào ở miền Tây Quảng Bình, chiến trường đường 9 Khe Sanh, ra Hà Nội phục vụ cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sang diễn ở nước bạn Lào đã được đón nhận nồng nhiệt.
Sang đầu thập kỷ 70, để tập trung cho những vở kịch dài hơi có thể diễn trọn vẹn trong một đêm, Đoàn Văn công Hà Tĩnh được tách chia làm hai: Đoàn ca múa do Nhạc sĩ Lê Hàm phụ trách và đoàn kịch thơ Hà Tĩnh do ông Lê Kính phụ trách (Thời điểm này ở Nghệ An, Đoàn văn công miền xuôi Nghệ An được tách thành Đoàn Dân ca Chèo và Đoàn kịch nói, Đoàn Cải lương). Sau khi Đoàn kịch thơ thành lập, một số vở diễn lớn nhiều màn, cảnh được dàn dựng và lưu diễn khắp trong và ngoài tỉnh để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Lúc này, chương trình kịch mục của Đoàn, chủ yếu vẫn là hai vở kịch dài “Đốm lửa núi Hồng” của Nguyễn Thế Kỷ (Giải Vàng Hội diễn sân khấu toàn miền Bắc năm 1970) và “Cô Tám” của Phan Lương Hảo cùng do đạo diễn Văn Sung dàn dựng. Chính tác phẩm “Cô Tám” cùng với “Mai Thúc Loan”, “Xôn xao rừng quế” của tác giả Phan Lương Hảo đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Riêng vở “Đốm lửa núi Hồng” từng được Hội Nghệ sĩ Sân khấu chịn đề cử để trao “Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật” ở cấp chuyên ngành năm 2016.
Một cảnh trong vở "Cô Tám" của Đoàn kịch thơ Hà Tĩnh
Nhà thơ, kịch tác gia Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1931 tại thị trấn La Hà, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Sau khi ra Bắc tập kết, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội, ông được nhận về công tác tại Hà Tĩnh. 10 năm công tác tại miền đất này trong chiến tranh chống Mỹ đã để lại cho ông nhiều ân nghĩa, tạo động lực để viết vở kịch thơ “Đốm lửa núi Hồng” về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Vở diễn có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công chúng vì đã làm sống lại không khí một thời những người dân cùng khổ nhen nhúm ngọn lửa đấu tranh cách mạng để giành lấy chính quyền cách mạng. Những nhân vật như vợ chồng địa chủ Bát Xu, Nuôi Khuyên, O Hạnh, Cu Lươn... là những nguyên mẫu ngoài đời bước lên sân khấu, có sức thu hút người xem.
Vở diễn “Đốm lửa núi Hồng” của Nguyễn Thế Kỷ (đạt giải Vàng đặc biệt trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng năm 1970) cùng với vở “Cô Tám” của Phan Lương Hảo có thể xem là những đỉnh cao, dấu mốc nghệ thuật sân khấu vang bóng một thời. Chính những năm tháng ấy đã hình thành một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp về sáng tác kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế mỹ thuật và một thế hệ diễn viên gạo cội mà sau này tên tuổi gắn liền với các vai diễn. Hơn 50 năm nhìn lại, đội ngũ văn nghệ sĩ thời ấy người còn kẻ khuất nhưng họ vẫn đóng đinh trong tâm trí khán giả với các vai diễn trong "Đốm lửa núi Hồng" của Nguyễn Thế Kỷ như Lý trưởng (Lê Phế Quang giành HCV tại Hội diễn sân khấu toàn miền Bắc năm 1970, O Hạnh (Dương Lệ Thích- HCB), Vũ Thanh Minh); Nuôi Khuyên (Minh Ngọc- HCB), Sỹ Nghệ, Tôn Đức Tý), Bát Xu (Văn Chí, Đức Liên), Cu Lươn (Minh Hợi, Ánh Tuyết), vợ Bát Xu (Tố Chinh, Tuấn Mỹ), Mẹ nuôi Khuyên (Bích Hòa, Nhật Tân); Anh Phí (Hồ Xuân Ngô), Cố Thưởng (Thanh Tịnh, Đặng Duy Bảy), Tây đồn (Văn Lợi), thầy Sáng (Sỹ Nghệ, Hoa Ban), Hương Kề (Xuân Hồng), Chú Hà(Việt Hùng, Đình Chung , bà Mai(Hương Lan), bé Mai (Ngọc Kính)…. Trong các vở diễn, ngâm thơ Trung, cổ thi là chính, thi thoảng mới xuất hiện các làn điệu hò, ví, dặm, làn tiên…
Trong vở “Cô Tám”: Cô Tám (Hồng Loan, Minh Nguyệt), Chủ tướng Phan Đình Phùng (Sỹ Nghệ), Tú Vinh (Văn Chí, Tôn Đức Tý), Tướng quân Cao Thắng (Hồ Xuân Ngô), Noọng Pu (Minh Hòa); Cô Hòa (Lệ Thích); Quan Ba Sác lơ (Hoa Ban)...
Về âm nhạc, xuất hiện với tên tuổi của các nhạc sĩ như Vi Phong, Lê Hàm. Điều thú vị là nhiều cặp đôi diễn viên trong Đoàn Văn công Hà Tĩnh sau này đã trở thành vợ chồng: Đức Tý- Ánh Tuyết, Duy Bảy – Tuấn Mỹ, Sỹ Hoạt – Lệ Thích, Tố Chinh- Đức Liên, Thanh Minh – Thế Nhuần (lái xe cho Đoàn),…
Với tác giả Nguyễn Thế Kỷ, ngoài việc sáng tác kịch bản, đây cũng là thời gian ông cùng với một số anh em tham gia vận động thành lập Hội VHNT Hà Tĩnh, làm Thư ký thường trực của Tạp chí Sông La. Sau này, ông về công tác tại Hội VHNT tỉnh Nghĩa Bình (nay là Quảng Ngãi và Bình Định), Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc. Nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia Nguyễn Thế Kỷ đã từ trần vào ngày 28/02/2021 tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 91 tuổi.
Đến năm 1976, nhiều tác giả, đạo diễn, diễn viên của Đoàn kịch thơ của Hà Tĩnh khi nhập chung vào Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục phát huy năng lực sở trường, kinh nghiệm trong hoạt động sân khấu để góp phần vào thành công các vở diễn trong thời kỳ nhập tỉnh và cả sau khi tách tỉnh. Tác giả Phan Lương Hảo với vở "Mai Thúc Loan" (Kịch hát Dân ca), "Xôn xao rừng Quế" (Cải lương); Nhạc sĩ Vi Phong chuyển thể viết nhạc cho vở” Tiếng hát người áo rách” năm 1990; đạo diễn Hoa Ban dàn dựng cho các vở: “Cô gái sông Lam”, “Vụ án kỳ lạ”, “Nàng Mai tế chồng” ... Họ tiếp tục đảm nhiệm các vai diễn khi tham gia phục dựng lại “Đốm lửa núi Hồng”: Nuôi Khuyên (Tôn Đức Tý), Cu Lươn (Ánh Tuyết), O Hạnh (Vũ Thanh Minh, vợ Bát Xu (Tuấn Mỹ, Tố Chinh), Mẹ nuôi Khuyên (Hồng Loan); cố Thưởng (Quang Tứ),…và luôn có mặt đồng hành trong quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca với đỉnh cao là vở "Mai Thúc Loan" - HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 như Vũ Thị Minh - HCV với vai cô Vải trong vở” Mai Thúc Loan”, Hạnh trong” Đốm lửa núi Hồng”, kỹ sư Châu trong” Hoa đất”; Tôn Đức Tý trong vai Tổng quản vở “Mai Thúc Loan”, Ông Tham trong “Hoa khôi dạy chồng” - HCB, vai Nguyễn Văn Tường - HCB trong vở “Người trong kỳ vọng”, Ông vua- HCB trong “Hải thượng lãn ông”, Phó Chủ nhiệm Quỳnh trong “Hoa đất”, ông vua trong “Vua hóa hổ”; Tuấn Mỹ (vợ Xã quan trong vở “Mai Thúc Loan)”, Quang Tứ (vai ông già Chương trong “Cô gái sông Lam”, Chủ tịch Tuần trong “Lời thề thứ 9”, đạo diễn các vở: “Linh hồn của đá”, “Tiếng hát người áo rách”, “Nàng Mai tế chồng”, “Hoa khôi dạy chồng”; Duy Bảy (vai Quang Sở Khách trong”Mai Thúc Loan”, ông Tuế trong “Hoa đất”, Quan huyện trong “Vụ án kỳ lạ”; Tuấn Mỹ - HCB trong vai vợ Xã quan, bà Bạc trong Hoa đất, vợ Quan huyện trong “Nghêu Sò Ốc Hến”; Nhật Tân (vai Mẹ Seo trong “Cô gái sông Lam”, cô gái TNXP trong “Mười cô gái Đồng Lộc”)…Một số nhạc sĩ, diễn viên của Đoàn sau này trở thành đạo diễn, cán bộ giảng dạy, phụ trách quản lý nghệ thuật như: Vi Phong, Duy Bảy, Hoa Ban, Quang Tứ…
Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng cái tên Đoàn kịch thơ Hà Tĩnh cùng những vở diễn như “Đốm lửa núi Hồng”, “Cô Tám” và tên tuổi các tác giả, đạo diễn, diễn viên… một thời gian khổ nhưng huy hoàng ấy vẫn còn mãi trong tâm tưởng của công chúng yêu nghệ thuật sân khấu. Họ là những người đã góp công đặt nền móng cho một nền sân khấu cách mạng luôn đồng hành cùng sự nghiệp của Đảng, góp phần không nhỏ tạo bản sắc độc đáo cho cả một vùng văn hóa xứ Nghệ.
Tháng 8 năm 2023
P.T.H