19-04-2017 - 21:26

Ghi chép: Từ chạn sách ngày ấy...

Hướng về Ngày sách Việt Nam lần thứ IV (21/4). Tạp chí Hồng Lĩnh giới thiệu ghi chép: "Từ chạn sách ngày ấy..." của tác giả Bùi Đức Hạnh.

 

 

Nhà ông bà ngoại tôi hướng mặt ra sông, cửa trông bến nước. Dòng sông tôi cùng bè bạn thỏa thích tắm mát những ngày hè. Dập dìu trên sông những con thuyền cánh buồm no gió, ngược xuôi chợ Tổng, chợ Vi.
Vậy mà giờ đây, chỉ mới sau mấy mươi năm dâu bể, dòng sông chở đầy kỷ niệm tuổi thơ chỉ còn trong ký ức, sót lại những bãi bồi, bãi cạn. Trong hoài niệm, tôi bỗng nhớ đến tuyệt tác “Sông Lấp” của Tú  Xương: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...
Nhà ngoại tôi vốn dòng dõi các cụ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lượng, Tiến sĩ Nguyễn Hành, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (ở làng Mật, xã Kim Lộc), hàng chục đời kế tiếp có người đỗ đạt, khoa danh, nặng tình thông gia với họ Nguyễn Trường Lưu, họ Phan Song Lộc mà sinh thành những bậc hiền tài, góp phần làm nên “Sạc Sơn tứ diện giai công hầu”.
Ông ngoại tôi thưở nhỏ có theo đòi Hán học, nhưng có lẽ vì nhà nghèo nên sau làm nghề thợ mộc, tài chạm khắc, mẹo mực nổi tiếng cả vùng. Bà ngoại người Trường Lưu, dong dã, hiền lành, thương chồng con hết mực. Tính ông nóng nảy, thẳng như mực tàu; tính bà nhu mì hiền hậu như hạt lúa củ khoai. Sắt cầm tình hảo, song thân bù trừ cho nhau mà sống một đời hạnh phúc cùng con cháu cho đến đầu bạc, răng long. Tuy công việc cày cấy, thợ mạc, nuôi tằm dệt vải vất vả quanh năm suốt tháng, nhưng cả hai ông bà lại rất say cổ tích, thần thoại, điển cố, điển tích... Cả ông và bà thuộc nằm lòng những nhân vật trong Tam quốc, Thủy hử, Đông Chu, Tây du, Hồng lâu mộng...
Còn nhớ như in những buổi tối ngày xưa, cả nhà quây quần bên bếp lửa sim nồng đượm, ông tôi thường “gây chuyện” trước hỏi bà rằng Lưu Bị tìm đến Khổng Minh mấy lần? rồi thì A Đẩu bị bắt ra răng? Kẻ nào hãm hại Kiều đầu tiên?... Nhanh nhạy, thông tường lại có con cháu hùn vô nên bà trả lời ngay không phút trì hoãn. Ông thường lại hay bẻ chuyện, đôi khi to tiếng qua lại, cho đến khuya lửa củi đã tàn tro thì mới chịu thôi. Thời gạo châu củi quế, cũng nhiều lúc gieo neo, túng bấn nhưng câu chuyện văn chương thì luôn có ở trong nhà. Những đêm chong đèn ông đọc bà nghe, khi về già con cháu đọc ông bà nghe. Những câu chuyện trong sách vở thấm vào tâm trí theo ngày tháng. Ông bà ngoại tôi nhờ thế trở mà thành những người đọc theo kiểu bình dân, xem ra cũng chẳng kém phần lãng mạn, sang trọng. Nhiều bữa chỉ vì chuyện một ông Gia Cát mưu lược hơn người, Tào Tháo đa nghi, Tôn Ngộ Không tinh nghịch biến hóa khôn lường hay thầy Đường Tăng cẩn trọng trên đường đi Tây Trúc lấy kinh cũng làm ông bà giận nhau, đôi khi mất đến vài ba ngày... Dẫu vậy, tôi vẫn cảm nhận được ở ông bà tình nghĩa phu thê thật sâu nặng, thủy chung. Sau khi bà mất, mỗi bữa bưng bát cơm lên, ông lại nước mắt giàn dụa trong nỗi nhớ thương bà đến khôn nguôi suốt tháng trời... 
Những năm 50 thế kỷ trước, không giàu có gì, nhưng nhờ tích góp và có lẽ  để “khoe nghề” nên ông tôi đã cất một ngôi nhà gỗ lim hai tầng, có căn gác lửng. Ông bảo làm vậy vì đất chật nhưng trời thì có chật mô, mà cũng làm trên cao cho bọn nhà giàu khỏi đến tranh giành. Về sau gặp một cơn bão lớn, ngôi nhà bị hư hại nhưng cái gác vẫn còn và trở thành cái chạn.
Cậu Nguyễn Trương Bình, anh ruột mẹ tôi từ năm 1956 đã làm việc ở tỉnh ủy Hà Tĩnh. Là người biết khá nhiều về Hán văn và Pháp văn, với tư chất khá thông minh, ông là người rất ham học, không những học giỏi mà còn là một tín đồ nhiệt thành của văn hóa đọc từ ngay từ rất sớm. Năm 1959, cậu được điều động tăng cường cho miền núi và trở thành một trong những người lãnh đạo cao nhất của Ban tổ chức tỉnh ủy Sơn La lúc bấy giờ. Nhưng rồi mệnh trời đã sớm đưa ông đi gặp cụ Tô Hiệu và các bậc tiền bối khi tài năng đang thì nở rộ ở tuổi hạn 49. Tôi đã đến nơi người cậu ruột yên nghỉ, trên đồi cao, khói hương trầm thơm bay trong gió núi, hoa ban nở trắng một vùng, sáng đẹp như những trang sách ngày nào còn vương trong ký ức.
Cậu tôi chính là người đã biến cái chạn sau cơn bão năm ấy thành cái chạn sách có một không hai ở một làng quê hẻo lánh, xa xôi (ở quê tôi, thường thì mỗi nhà đều có chạn để lúa khoai, có mấy ai lại đi làm chạn để đựng sách bao giờ!). Chạn sách nhà ngoại tôi có đến hàng trăm cuốn với gần như trọn bộ các tiểu thuyết Minh - Thanh, của văn học Nga xô viết, văn học Trung Quốc hiện đại; văn học Pháp, Anh... nhưng nhiều nhất vẫn là các tác phẩm văn học quen thuộc trong nước. Những Hugo, Balzac, Gorky, Tolstoy, Ostrovsky, Sholokhov, Lỗ Tấn, Nguyễn Du... như đã hiện diện nơi đây bởi những kiệt tác trứ danh của họ. Mỗi cuốn sách chỉ có giá một vài đồng, có cuốn chỉ vài ba hào theo thời giá bấy giờ, nhưng giá trị tinh thần thì vô kể, không gì có thể đo đếm được. Cậu tôi tích góp từ những đồng lương ít ỏi tìm mua những cuốn sách ấy mà đem về theo kiểu “kiến tha lâu thì đầy tổ”.
Từ khi biết đọc, tôi đã mon men trèo lên chạn sách nhà ông ngoại để đọc, về sau thành nghiện, say mê nhiều bữa đến quên ăn...
Từ những người trong nhà, dần dà những cuốn sách từ chạn ông bà ngoại tôi được học trò, nam nữ thanh niên trong làng mượn và chuyền tay nhau đọc. Nhiều quyển đọc đến sờn rách, chỉ đến khi không đọc được nữa thì mới thôi. Bọn nhỏ  chúng tôi đọc trên lưng trâu, khi nấu ăn cho mẹ, dưới hầm trú ẩn; đọc thâu đêm suốt sáng, đọc mọi lúc mọi nơi. Các o dân quân đọc sách trên mâm pháo nơi trận địa phòng không bắn máy bay. Sách gối đầu gường. Bạn bè tôi ngày ấy, dù bữa đói bữa no, nhưng sách thì không thể thiếu. Những cuốn sách đầu đời đã soi rọi dẫn đường cho thế hệ chúng tôi từ rơm rạ mà lớn lên, thành người có ích. Bạn bè tôi, như Paven, như thép đã tôi, từ trang tiểu thuyết mà bước vào chiến trận, nhiều người đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc mình.
Thấm thoắt thời gian, mới đó mà đã mấy chục năm, nhưng ký ức về dòng sông tuổi thơ, về ông bà ngoại, về người cậu thân thương và cái chạn sách thì vẫn mãi trong tôi, không thể phai mờ.
Chuyện cũ kể lại, tôi không dám đề cao cái chạn sách nhỏ của nhà mình, cũng không dám nói rằng mình là người đọc nhiều. Sách thì biết đọc bao nhiêu cho đủ cho vừa! Vốn một thời dạy học, rồi làm việc ở huyện, gần đây là người phụ trách ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà, tôi thật sự thấy vai trò hết sức to lớn của sách và việc đọc sách trong đời sống hôm nay. Sách là kho tàng tri thức của toàn nhân loại, là người thầy vĩ đại của mỗi chúng ta. Mỗi tác phẩm, mỗi cuốn sách là một phần chân dung, một mảnh ghép của cuộc sống. Sách truyền đến cho ta cảm hứng sáng tạo, lòng yêu đời, yêu người và khát vọng vươn lên. Người đọc cảm thấy mình được “trường xuân bất lão”, cuộc sống hình như dài hơn về thời gian, rộng hơn về không gian mà các cuốn sách đem lại.     
Nói thì vậy, nhưng nhìn vào thực trạng văn hóa đọc hiện nay, sẽ thấy mừng thì ít mà lo thì nhiều. Mừng vì còn đó nhiều thư viện lớn, còn những tủ sách gia đình, còn những bạn đọc say mê. Đặc biệt công nghệ thông tin bùng nổ, mạng Internet có thể tải cả thư viện điện tử với dung lượng khổng lồ và nhiều tiện ích cho người đọc. Nhưng lo, trăn trở và buồn khi người đọc sách ngày càng ít. Học sinh ham trò chơi điện tử hơn đến thư viện, thanh niên tụ tập nhộn nhạo nơi quán xá rượu bia thay vì đến chốn thư phòng... Nhiều người than thở, rằng văn hóa đọc bao giờ cho đến ngày xưa?
Nhìn ra thế giới, các nước phát triển trước hết và bao giờ cũng là các cường quốc của văn hóa đọc. Ở đó mỗi người dân là một độc giả, họ đọc sách bất cứ nơi đâu, trong nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng hay trên ghế đá công viên... Đọc như là một thói quen thường nhật, một nét văn hóa đẹp, như một nấc giá trị của con người hiện đại.
Từ câu chuyện vui buồn ấy, thiết nghĩ đã đến lúc làm thực, không phải là hình thức hay phong trào nữa, phải làm sao cho việc đọc sách đi vào nếp sinh hoạt của mọi lứa tuổi, việc đọc sách lan tỏa sâu rộng trong các thôn làng, cơ quan công sở, trong mỗi gia đình. Chấn hưng văn hóa đọc là cách để tạo lập, chỉnh đốn những chuẩn mực giá trị xã hội, nền móng để tạo ra người tài.

Viết nhân Ngày sách Việt Nam 21/4
                               B.Đ.H

. . . . .
Loading the player...