Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Khúc ca ân tình tháng 7” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Tháng 7 là tháng nghĩa tình, tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống dành độc lập tự do cho dân tộc. Tháng 7, trong lòng mỗi người ai cũng có những cung trầm sâu thẳm với bao cung bậc khác nhau. Con số 7 như bảy nốt nhạc ngân lên vang vọng và da diết. Tháng 7, vào giữa hè khi cái nắng thiêu đốt lại tưng bừng nở bao sắc hoa, rất nhiều màu hoa đỏ. Cái màu hoa như có gì lay thức gợi nhớ lại rực lên như ánh lửa chớp đêm công đồn đánh giặc. Và bảy sắc cầu vồng tháng 7 bắc qua những cơn mưa mùa hạ tưởng là ảo ảnh mà ánh lên bao lấp lánh ân tình. Sắc cầu vồng như kết nối mở ra bao hoài vọng từ mất đến được, từ quá khứ đến tương lai. Đó cũng chính là ánh hào quang lịch sử là khúc ca chan chứa sắc màu vọng lên từ đất, chiếu dọi xuống từ trời. Và tôi cứ nghĩ bảy sắc màu bắc cầu vồng ấy chính là nhịp cầu bất tử của những người đã mất khắc vào đất trời tổ quốc. Và mây, mây bông trắng nõn bồng bềnh xếp thành những bông hoa huệ trắng. Chợt giật mình chuỗi sấm cuối chân trời nén lại những cơn giông âm ỉ. Tiếng sấm mà cứ nghe như tiếng đại bác rền vang. Tiếng vọng của Trường Sơn với những dàn ve úp mặt vào cây kêu sốt ruột. Tiếng vọng của Trường Sa nối tiếp bao lớp sóng bạc đầu. Tiếng vọng của những nghĩa trang liệt sĩ với hàng hàng ngôi mộ như những phím đàn trắng ngân lên từ bầu đàn lòng đất mẹ những âm thanh, những sẻ chia, những đồng vọng. Mỗi phím đàn là một số phận con người, mỗi cung bậc. Các anh nằm bên nhau vẫn theo đội hình hàng dọc, đội hình đánh giặc. Các anh vẫn hát đồng ca theo nhịp bước quân hành. Có ngôi mộ có tên và những ngôi mộ không tên nhưng không vô danh! Các anh luôn trẻ mãi, dừng lại tuổi đôi mươi. Và ngôi sao mộ chí như sao trên mũ vẫn sáng ngời ngời…
Tìm đồng đội - Ảnh: Huỳnh Nam
Khúc ca ân tình tháng 7 với bao nghĩa tình thương nhớ. Các cựu chiến binh, thương binh về thăm lại chiến trường xưa tìm lại những kí ức một thời lửa cháy. Vẫn đôi dép lốp cao su, vẫn chiếc mũ tai bèo bi đông nước, vẫn khoác trên lưng chiếc ba lô sờn bạc họ đi tìm các hài cốt liệt sĩ đồng đội của mình đang ẩn khuất nơi những cánh rừng sâu, đồi hoang cỏ mọc. Hậu phương của người lính có thêm những ngôi nhà tình nghĩa được dựng lên bằng tình làng, nghĩa xóm. Những viên gạch đúc từ những tình cảm thân thương để dựng lên mái ấm từ mạch nguồn “Uống nước nhớ nguồn” của truyền thống dân tộc ngàn đời xa xưa. Mẹ đã được tôn vinh mà chỉ có đất nước ta - Một đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh bao hy sinh mất mát mới có danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” và các con của mẹ là “Bộ đội Cụ Hồ”. Tháng 7, con số bảy là con số nhà Phật với bao nghĩa cử tôn nghiêm dâng lên đài hương bảy bông sen tinh khiết, loài hoa được xem như quốc hoa của dân tộc.
Tháng 7 năm nay cả nước đang gồng mình “chống dịch như chống giặc”. Khúc ca ân tình đó lại cùng đồng hành với những nghĩa cử cao đẹp, những đoàn thiện nguyện tình nguyện nấu những bữa cơm ngon, góp thêm chai nước lọc cho những khu cách ly. Kẻ thù giấu mặt: Covid - 19 đã làm xáo trộn đời sống không chỉ mỗi người mỗi nhà mà còn mỗi làng, không chỉ mỗi làng mà rộng ra cả nước cả thế giới. Tháng 7 này ta lại được chứng kiến sức mạnh đoàn kết của tình người trong cơn hoạn nạn. Có những thứ vắc - xin mới được nảy sinh trong cuộc chống đại dịch này: Đó là “vắc- xin ý thức” tự giác vớicộng đồng, “Vắc- xin tình thương” mà trong bài thơ “Sau tấm khẩu trang” tôi mới viết gần đây có câu: “Mũi tiêm chặn nguồn covid - Vắc - xin truyền cả yêu thương”. Và tấm khẩu trang như một tấm lá chắn ngăn ngừa dịch bệnh nhưng: “Cách ly mà chẳng cách lòng”. Chúng ta lại được nghe những từ quân sự của một thời chiến tranh trong những ngày này: Truy vết, chốt chặn, phong tỏa... Mỗi ngôi nhà, ngôi làng là một pháo đài chống dịch. Chưa bao giờ khúc ca ân tình lại được hòa âm cộng hưởng thăng hoa cao trào đồng lòng, chung sức lan tảo như những ngày này.
Tháng 7 này chắc các anh hùng liệt sĩ đã nằm trong lòng đất mẹ thân thương vẫn như ngân vọng lên “Bài ca không quên” đồng hành với cuộc chiến chống đại dịch hôm nay. Một cuộc chiến toàn diện cam go nhiều thử thách bởi kẻ thù như cái ác vô hình chực chen vào gặm nhấm và làm ô nhiễm tình người. Nhưng những người con đất Việt đã có một chất xúc tác đặc biệt đề kháng mãnh liệt bắt đầu từ truyền thống ngàn đời. Đúng như nhà thơ Huy Cận đã từng khẳng định tầm vóc, bản lĩnh, nghĩa tình dân tộc: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững - Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa - Trong và thực, sáng hai bờ suy tưởng - Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”.
N.N.P