04-10-2023 - 03:01

LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP VỚI DANH NHÂN HỌ NGUYỄN TIÊN ĐIỀN

Hướng đến Lễ kỷ niệm 300 năm năm sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 -2023), Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh: "La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền

 

LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP

VỚI DANH NHÂN HỌ NGUYỄN TIÊN ĐIỀN

 

Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775) và Toản Quận công Nguyễn Khản (1734 - 1786) là hai nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam dưới thời Lê Trung Hưng. Họ là hai cha con thuộc dòng dõi họ Nguyễn Tiên Điền. Cả Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản đều đỗ Tiến sĩ, làm quan cùng triều.

La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) là học trò của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm nhưng lại là anh em rể với Toản Quận công Nguyễn Khản. Tuy có mối quan hệ mật thiết, gần gũi nhưng giữa La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp với Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản lại có lối sống, cách hành xử và ứng xử với thời cuộc khác biệt.

1. Trước hết, đối với Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm thì Nguyễn Thiếp chính là học trò của ông. Người đã gửi Nguyễn Thiếp làm học trò của Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm là Tiến sĩ Nguyễn Hành.

Nguyễn Hành (1701 - ?), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Khoa Quý Sửu (1733), năm Long Đức thứ 2, đời Lê Thuần Tông. Khoa thi này có Nguyễn Huệ (1705 - 1735), là anh của Nguyễn Nghiễm cũng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Như vậy, so với Nguyễn Huệ và Nguyễn Hành thì Nguyễn Nghiễm tuy ít tuổi hơn nhưng lại đỗ trước một khoa.

Không những là học trò của Nguyễn Nghiễm mà Nguyễn Thiếp còn là anh em rể với Nguyễn Khản - con trai cả của Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm. Vợ Nguyễn Thiếp tên húy là Nghi, vợ Nguyễn Khản húy là Vệ, hai bà là con gái của Thái bộc Tự khanh Đặng Thái Bàng, quê xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân. Cụ Đặng Thái Bàng từng giữ các chức Tri huyện Anh Sơn (Nghệ An), Viên Ngoại lang bộ Lễ, Lang trung bộ Hình, Hiến phó xứ Sơn Nam, Thái bộc Tự khanh… Sau khi mất, ông được truy phong là Đạt đạo Đại vương, phong làm phúc thần, cho dân lập đền thờ và cấp ruộng đất để tế lễ hàng năm. Giữa Đặng Thái Bàng và Nguyễn Nghiễm có mối quan hệ khăng khít, vừa là thông gia, vừa là quan cùng triều.

Mặc dù là học trò nhưng Nguyễn Thiếp không hề cầu cạnh “ông thầy” làm quan Tể tướng của mình. Đã một vài lần Nguyễn Nghiễm cân nhắc, tiến cử Nguyễn Thiếp làm quan nhưng ông đều lưỡng lự, từ chối. Mãi đến năm 1756, khi đã 33 tuổi, Nguyễn Thiếp mới chịu ra nhận chức Huấn đạo Anh Đô. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng: “Xét gia phổ họ Nguyễn Tiên Điền, thấy năm trước (Ất Hợi, 1755), Nguyễn Nghiễm về làm hiệp trấn Nghệ An. Có lẽ cũng vì ông nên mới có việc bổ này”. Tuy nhiên trong bài “Hạnh Am ký” Nguyễn Thiếp đã nói rõ: “Năm Bính Tý (1756), vì ta nhiều tuổi và có đậu, được bổ làm huấn đạo Anh Đô”(1).

Rồi đến cả việc dự thi Hội, Nguyễn Thiếp cũng không ham hố: “Năm Cảnh Hưng Quý Hợi, tuổi 21, đậu hương giải. Mỗi kỳ xuân vi tới, thì cãi nhau không dứt. Tả tướng (chỉ Nguyễn Nghiễm) nói đi nói lại, bảo với ông rằng: “Đỉnh hương còn dành đó. Chỉ một mình không chịu nghe sao”. Ông đáp “Ấy vì đối với hành thạch, tôi vốn không có bụng mà thôi”(2).

Năm 1766, khi Nguyễn Thiếp ra Bắc Hà đã đến chơi nhà Nguyễn Nghiễm, thấy ở dinh quan Tể tướng có hai chữ lớn “Phú Đức”, ông đã làm bài tán như sau:

Phú, phú, phú, tiền lúa vật báu, của nhóm người nhóm, dầu là một trong năm phúc, nhưng vẫn là cái kho chứa oán; chớ cầu chớ làm, gặp sao hay vậy.

Đức, đức, đức, nhân nghĩa lễ trí, khuôn dân phép vật, sửa được là thánh hiền, làm sai là quỉ quái; phải lo, phải gắng, tự nhiên có đức”.

(Nguyên văn: Phú, phú, phú, tiền cốc hóa bảo, tài tụ, nhân tụ ngũ phúc chi nhất, chúng oán chi phủ, vật cầu, vật vi, an kỳ sở ngộ.

Đức, đức, đức, nhân nghĩa lễ trí, dân di vật tắc, tu chi thánh hiền, bội chi quỉ hoặc, tất chức, tất lực, tự nhiên hữu đức.

Tiên Điền gia Phúc đức nhị đại tự tán)

Việc một người học trò nhưng đã có ý nhắc nhở, khuyên răn thầy học của mình, hơn nữa ông thầy lại là một vị quan đang giữ chức Tể tướng đầu triều, quyền cao chức trọng thì có lẽ cũng chỉ có La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp mới bản lĩnh làm được mà thôi.

2. Trong La Sơn Phu tử, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có viết: “Gia phả dòng họ Nguyễn Huy xã Trường Lưu có chép rằng: Trần Chánh Kỷ (3), người Thuận Hóa, đậu cử nhân (hương cống) tới kinh (Thăng Long), yết kiến cụ Thái bảo Nguyễn Nghiễm, hỏi đến nhân tài nước Nam. Cụ thái bảo trả lời: “Đạo học sâu xa thì Lạp Phong xử sĩ, văn chương phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ thì chỉ có Nguyễn Huy Tự”(4).

Về chuyện Trần Văn Kỷ ra Thăng Long dự thi Hội, Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Kỷ người Thuận Hóa, vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà. Năm Đinh Dậu (1777) niên hiệu Cảnh Hưng, Kỷ thi ở trấn đậu giải nguyên. Năm Mậu Tuất (1778), Kỷ tới kinh thi Hội, sĩ phu ở Bắc Hà, Kỷ có giao thiệp quen biết ít nhiều. Năm Bính Ngọ (1786), Bắc Bình Vương đánh lấy thành Phú Xuân, sai người tìm Kỷ hỏi việc Nam, Bắc. Kỷ đối đáp rất nhanh và rất hợp ý, nên Bắc Bình Vương rất trọng, cho ở vào chỗ "màn trướng", việc gì cũng bàn với Kỷ, lúc nào cũng gần bên Kỷ, không mấy khi xa rời”(5).

Qua đoạn trích trên có thể thấy Trần Văn Kỷ ra Thăng Long vào năm 1778, trong khi đó Tể tướng Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm mất năm 1775. Như vậy ở đây Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã có sự nhầm lẫn, Trần Văn Kỷ không thể gặp và hỏi Tể tướng Nguyễn Nghiễm được. Người Trần Văn Kỷ gặp ở đây chính là Toản Quận công Nguyễn Khản.

Như vậy, dù biết Trần Văn Kỷ có ý giúp Tây Sơn nhưng Nguyễn Khản vẫn giới thiệu với ông ta về sĩ phu Bắc hà, trong đó người đầu tiên được giới thiệu chính là Lạp Phong xử sĩ, tức La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, điều này cho thấy, Toản Quận công Nguyễn Khản dù lúc bấy giờ đang rất được các chúa Trịnh tin yêu, là bậc đại thần quyền cao chức trọng nhưng vẫn rất kính trọng tài năng của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp - một người không hề giữ chức vụ gì trong triều lúc bấy giờ. Việc Nguyễn Khản giới thiệu La Sơn Phu tử chắc hẳn không phải vì hai ông là “người nhà”, mà trên hết phải là tài năng đức độ của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp đã động đến đất kinh kỳ, đến ngay cả những người như Hiệp trấn Bùi Huy Bích cũng quý mến tặng thơ, Huy Quận công Hoàng Đình Bảo biết tiếng, tiến cử với Chúa Trịnh Sâm: “Xem như vậy thì năm cụ bị triệu, Hoàng Đình Bảo có thế lực nhất trong triều. Mà lúc Bảo làm trấn thủ Nghệ An, thì Bảo và Bùi Huy Bích đã để ý đến các bậc danh vọng ở xứ, nhất là đến cụ…”(6). Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng đã nói rõ: “Còn lẽ gì nữa mà Trịnh Sum mời cụ ra? Muốn thoán vị thì thiếu gì trọng thần tán trợ, mà phải cần đến ông già ở chốn sơn lâm. Hoàng Đình Bảo đó sao không dùng, lại mời đến cụ? Có lẽ cụ bấy giờ nối tiếng lý số tinh thông như trạng Trình xưa, cho nên chúa muốn hỏi cụ một câu vận mệnh như trước đó hai trăm năm, ba họ Mạc, Trịnh Nguyễn tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về thời vận”(7).

3. Năm 1756, khi gia đình rơi vào “cảnh nhà nghèo, mẹ già, vì sự ăn mặc bó buộc”, Nguyễn Thiếp mới chịu ra làm quan, giữ chức Huấn đạo Anh Đô. Soi lại thời điểm đó ta có thể thấy lúc này gia đình bên vợ của Nguyễn Thiếp đang ở vào thời kỳ sung túc, có bố vợ là Đặng Thái Bàng làm quan lớn trong triều, gia đình em vợ là Nguyễn Khản cũng thuộc hàng rất giàu có, vậy mà để gia đình Nguyễn Thiếp phải chịu cảnh nghèo, “vì sự ăn mặc bó buộc”.

Xét về quan hệ gia đình, điều này là khá lạ bởi người Việt vốn có truyền thống yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong quan hệ cha con, anh em họ hàng. Nguyễn Thiếp khí khái có thể không nhận sự giúp đỡ của đằng vợ, nhưng với vợ của ông, bà không nhận sự giúp đỡ của bên ngoại cũng là một điều hiếm có. Qua việc này cho thấy, khi lấy Nguyễn Thiếp, bà đã chấp nhận hy sinh, cam chịu nghèo khổ, xa rời cuộc sống vinh hoa, theo chồng về nơi thôn dã, núi rừng để ẩn dật. Đây cũng là phẩm chất rất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam dưới thời quân chủ, cũng là một bài học lớn cho chúng ta ngày nay.

Giá sư Trương Chính trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du đã nêu một nhận định khá thẳng thắn: “Khi nói đến quê hương nhà thơ (Nguyễn Du), nhiều nhà nghiên cứu thường hay ca tụng cảnh sông Lam núi Hồng, cố làm cho ta thấy cảnh núi cao sông rộng đã hun đúc nên nhân tài. Đó là quan điểm của các nhà phong thủy. Thực ra, ở đâu mà không có cảnh núi cao sông rộng, và ở đâu mà không có nhân tài! Chẳng qua ở thời đại phong kiến, một người làm quan cả họ được nhờ...”(8).

Nhận định nêu trên của Giáo sư Trương Chính không phải không có cơ sở nhưng riêng với mối quan hệ giữa La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp với dòng họ Nguyễn Tiên Điền thì điều này hoàn toàn không xảy ra.

4. Qua một vài suy nghĩ về mối quan hệ và những ứng xử giữa Xuân Quận công Nguyễn Nghiêm và Toản Quận công Nguyễn Khản với La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp cho thấy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì La Sơn Phu tử vẫn luôn hiện lên những phẩm chất vô cùng cao đẹp. Dù cuộc sống có khó khăn, mặc xung quanh nhiều vinh hoa cám dỗ, nhiều cơ hội thăng tiến nhưng trong ông vẫn luôn thanh bạch, giữ tầm hồn thanh tao, tiết tháo, không màng vật chất, danh lợi.

Ngày nay, nhắc tới Nguyễn Thiếp là nhắc tới một tâm hồn của một con người có nhãn quan nhìn xa trông rộng, dù ở ẩn nhưng ông vẫn luôn dõi theo thời cuộc, đau đáu với nỗi khổ của nhân dân, mong muốn có một vương triều minh quân để muôn dân được nhờ. Là người ở ẩn, nhưng việc ở ẩn của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp không phải vì ưa nhàn hạ. Ở trên am núi, ông vẫn coi trọng hành đạo thông qua ứng xử và dạy học, nhờ đó mà Nguyễn Thiếp đã truyền nếp nho phong ra khắp vùng, người đời đều biết tiếng và kính trọng. Nguyễn Thiếp ẩn cư ngoài lẽ để ẩn bệnh như một duyên cớ ra, nguyên nhân chính là ẩn cư để đợi thời, cái thời chính đạo minh quân mà ông mong mỏi: “Đến khi chính đạo ra vào thung dung”.

Chính những năm tháng ở ẩn nơi thôn dã, Nguyễn Thiếp đã tiếp xúc với cuộc sống của người dân lao động nghèo khổ, nhưng lành mạnh và chất phác, điều này đã giúp ông hiểu được mong muốn của nhân dân, đây cũng là cơ sở tư tưởng cho Nguyễn Thiếp sau này hợp tác với Tây Sơn.

La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp “ẩn mà không ẩn” là vì vậy./.

             Nguyễn Tùng Lĩnh

__________________

(1). Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu tử, Nxb Minh Tân, Pari, 1951, tr.57.

(2). Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu tử, Nxb Minh Tân, Pari, 1951, tr.37.

(3). Tức Trần Văn Kỷ.

(4). Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, Nxb Minh Tân, Pari, 1951, tr.109.

(5). Ngô Gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.306.

(6). Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu tử, Nxb Minh Tân, Pari, 1951, tr.90.

(7). Hoàng Xuân Hãn, La sơn Phu tử, Nxb Minh Tân, Pari, 91.

(8). Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn học, Hà Nội, 1978, tr.25.

. . . . .
Loading the player...