Văn nghệ Hà Tĩnh giới thiệu bài viết Lại bàn về việc nên lựa chọn dị bản "chợ" hay "rợ" trong bài thơ "Qua đèo Ngang" của tác giả Phạm Quang Ái
Trong sáu bài thơ còn lại của Bà Huyện Thanh Quan[1] thì Qua Đèo Ngang là một tác phẩm được coi là có giá trị nhất. Trước đây nó được đưa vào học trong SGK Văn học 9, nay lại tiếp tục được đưa vào học trong SGK Ngữ văn7 (tập 1). Tuy nhiên, việc hiểu cho đầy đủ về bài thơ thì hiện nay đang gặp nhiều trở ngại. Đó là vấn đề thời điểm sáng tác, những hiểu biết cần thiết về tiểu sử tác giả, thực tế đối tượng mà bài thơ phản ánh. Lại thêm tình trạng văn bản sưu tầm của người đời sau chép sai lệch nhiều[2]. Nghĩa là thiếu dữ kiện cần thiết cho việc hiểu và đánh giá bài thơ một cách khoa học từ hình thức đến nội dung. Cho nên, một chữ "chợ" (hay "rợ ") trong câu thơ thứ tư của bài thơ mà làm điên đảo giới nghiên cứu cả mấy thập kỷ nay (cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI). Sau đó, trên tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, vấn đề lại được xới lên bàn bạc sôi nổi. Gần đây, trên website http://vannghethainguyen.vn của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (2017) lại đăng bài viết Đọc “chợ” hay “rợ” trong bài thơ Qua đèo Ngang của tác giả Như Châu3 (đăng ngày 03/11/2017)hoặc mới đây nhất, trên mạng xã hội facebook, nhiều người vẫn tiếp tục khẳng định chữ “rợ” là lựa chọn đúng nhất của tác giả Thanh Quan cũng như của độc giả ngày nay với nội hàm chỉ người dân tộc thiểu số. Thậm chí, nhiều người không có kiến văn cũng nhảy vào bình tán loạn xạ. Như vậy, xem ra tình hình không những chưa có gì sáng sủa mà còn ngày càng trở nên rối rắm. Để góp thêm một tiếng nói, chúng tôi xin bàn thêm về vấn đề nên chọn chữ "chợ" hay "rợ" cho bài thơ Qua Đèo Ngang, trên cơ sở đó đề xuất thêm một cách hiểu về chữ "rợ ".
1. "Chợ" hay "Rợ"?
Nhìn toàn cục, chúng ta thấy đây là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú thể bằng, có kết cấu chặt chẽ, niêm luật phân minh, đối trượng tề chỉnh. Xét về cấu tứ, thì bốn câu đầu tả cảnh, bốn câu sau tự tình. Cảnh trong bốn câu đầu là cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của con người. Câu phá đề giới thiệu thời điểm và vị trí của người ngắm cảnh. Toạ độ của điểm nhìn là từ trên cao nhìn xuống, vì vậy mới thấy rõ nét cảnh cỏ cây chen đá, lá chen hoa, lom khom dưới núi...,lác đác bên sông... Cảnh thiên nhiên chỉ được đặc tả trực tiếp trong mỗi câu thừa đề. Với việc lặp động từ "chen" nữ sĩ đã khắc hoạ đậm nét cái cảm nhận của mình trước cảnh tượng rậm rịt, chen chúc, xúm xít của cây, đá, lá, hoa. Trên cái nền hoang vu đó của thiên nhiên, con người chỉ là mấy nét điểm xuyết của một bức tranh thủy mặc. Người thì lom khom..., nhà thì lác đác... trong cái bạt ngàn của rừng cây núi đá. Đấy là hình ảnh con người thường thấy trong bức tranh ngư, tiều, canh, mục của thơ ca trung đại nói chung. Trong bài thơ này, hình ảnh người tiều phu đã được định danh (tiều vài chú) và khắc hoạ trong cái tư thế đang lom khom chui rừng hái củi của chú. Còn những cái nhà lác đác đó là nhà gì? Của ai?
Một thoáng Hoành Sơn Quan - Ảnh: Trần Công Việt
1.1. Cách hiểu truyền thống thì cho đó là nhà chợ, lều chợ. Nhưng về sau, nhiều người thấy rằng, vào thời bà Huyện Thanh Quan sống và đi qua đây (nửa đầu thế kỷ XIX), thì dưới chân đèo Ngang chưa thể có dân cư đông đến mức có chợ búa mua bán đàng hoàng như vậy (có nhà chợ). Căn cứ của họ là vào đầu thế kỷ XX, chung quanh đèo Ngang còn heo hút, hoang vu, chưa có người ở. Vì thế họ đề xuất chọn dị bản có chữ "rợ" với nghĩa ban đầu là nhà của dân tộc thiểu số, nhà của dân mọi rợ[3]. Khi cách hiểu này được tung ra lập tức bị những người theo quan điểm "dân tuý " phản đối kịch liệt. Đặc biệt, một nhà báo người địa phương này cho rằng hiểu như thế không những xúc phạm tác giả bài thơ, mà còn xúc phạm dân bản địa nên đã viết một bài báo dài bác bỏ và phê phán. Từ tri thức thực tế và căn cứ vào bài thơ Xích mộ hải môn lữ thứcủa Lê Thánh Tông (1442 -1497) và bài thơ Hoành Sơn đạo trungcủa Ngô Thì Nhậm(1746-1803) viết về đèo Ngang, tác giả bài viết đã hùng hồn phản bác cách hiểu trên và khẳng định rằng thuở ấy cư dân dưới chân đèo hiển nhiên đã có chợ [4]. Trước tình hình đó, một số người tự uốn nắn bằng cách hiểu "rợ " là lều trại của dân sơn tràng làm để ở tạm khi đốt than, kiếm củi, làm gỗ dài ngày trong rừng[5]. Trên phương diện thực tại được phản ánh trong bài thơ, cách hiểu này của họ xem ra có lý.
1.2. Chúng tôi thuộc vào số những người theo quan điểm trả về cho bài thơ chữ "rợ" mà trước đây khi sưu tầm người ta đã lầm là chữ "chợ "[6]. Để khẳng định lại ý kiến này, chúng tôi xin bổ sung một số căn cứ sau đây:
1.2.1. Có thể dưới chân đèo Ngang, thời Lê Thánh Tông, cuộc sống con người đã trù mật đến mức có chợ. Nhưng qua hàng trăm năm phân tranh Trịnh-Nguyễn, thì đây là chiến tuyến hiểm ác của cả hai phe. Hiện nay vẫn còn vết tích thành quách của quân đội Lê-Trịnh. Với sự tàn phá khốc liệt của một cuộc chiến hàng trăm năm thì đến cỏ cây, muông thú còn khó sống huống nữa là người. Tiếp đến, vài mươi năm dưới thời Tây Sơn, cuộc loạn vẫn còn chưa dứt, dân xiêu tán vẫn chưa có cơ hội về đây quần tụ. Vì thế, sang đầu thời Nguyễn, thì chốn này vẫn còn hoang vắng là lẽ đương nhiên[7].
1.2.2. Dù là thơ vịnh cảnh hay thơ tự tình, thì trong thơ chữ Hán trung đại, cái màn sương mù của ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng vẫn làm mờ nhoè hiện thực cuộc sống dân dã thường ngày. Các nhà nghiên cứu đã nhất trí với nhau rằng: "Truyền thống thơ cổ có thừa kinh nghiệm và hình mẫu để giúp nhà thơ khái quát thành hình tượng nghệ thuật cuộc sống với phong, hoa, tuyết, nguyệt, sơn, thuỷ hữu tình...Nhưng truyền thống đó có một khoảng trống lớn khi phải phản ánh hiện thực cuộc sống ở mặt "không nên thơ", dung tục và dân dã."[8] Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào câu chữ, hình ảnh trong những bài thơ chữ Hán nói trên để khẳng định sự tồn tại của một hiện tượng, sự vật nào đó khó mà thoả đáng.
1.2.3. Cảm hứng của nữ sĩ khi vượt đèo là cảm hứng khắc khoải buồn của một người đang cố vượt qua chính mình, vượt qua lời nguyền của kẻ tôi trung (tôi trung không thờ hai vua) mà gượng gạo theo về cùng chủ mới (nhà Nguyễn). Thân gái dặm trường, lòng đầy buồn thương, hoài niệm, lại gặp cảnh núi cao chặn bước, rừng rậm ngăn chân vào lúc chiều tà, tâm trạng người lữ khách ấy không thể dung dưỡng được bất cứ một hình ảnh vui tươi, sống động nào của sinh hoạt con người. Nếu là "chợ " thì dẫu lác đác mấy nhà, hẳn phải có tụm năm, tụm ba kẻ mua, người bán. Đó là nói ở cấp độ tả thực, chứ xét ở cấp độ ước lệ, tượng trưng thì đã nói đến chợ bao giờ cũng gợi lên cảm giác đông vui, tấp nập. Nên chi, Nguyễn Trãi, người mở đầu truyền thống thơ Nôm dân tộc, khi miêu tả cuộc sống thanh bình, no ấm, đã chọn cảnh sinh hoạt chợ búa làm biểu tượng:
...Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dõi cầm ve lầu tịch dương...
(Bảo kính cảnh giới, Bài 43)[9]
Vậy, từ "chợ " với cái ý niệm đông vui do nó gợi ra, làm thế nào mà phù hợp được với ngữ cảnh bài thơ và tình điệu của nhân vật trữ tình? Để đăng cao giãi lòng cùng trời đất, con người phải cô độc giữa cao rộng, hoang vắng. Đó là một trong những mô típ của truyền thống biểu hiện con người vũ trụ trong văn học trung đại Việt Nam và Trung Hoa. Tuy có sự xuất hiện của con người, nhưng vài chú tiều lom khom trong bịt bùng, ngút ngát rừng cây, thì cảnh đó chỉ làm cho lòng người càng thêm hiu hắt. Nét thẩm mỹ ấy về đề tài ngư, tiều, canh, mục đã được định hình hơn bốn trăm năm trước bà Huyện, trong chùm thơ Tứ thú của Lê Thánh Tông (Hồng Đức quốc âm thi tập). Mặt khác, xét về thi pháp thì ở hai câu thực, vế trên đã tả cảnh rậm rịt, hoang dã của thiên nhiên thì vế dưới phải đối bổ sung bằng một nét cảnh heo hút của con người để tô đậm nổi buồn hiu quạnh. Tóm lại, ý đồ nghệ thuật của tác giả là tạo sự tương phản giữa cảnh tự nhiên chen chúc, quấn quýt với cảnh sinh hoạt thưa thớt, rời rạc của con người để dựng nên một bức tranh quạnh vắng trong bốn câu đầu nhằm làm tiền đề cho sự bộc lộ nổi lòng trong bốn câu sau. Với ý đồ đó thì nữ sĩ chẳng có lý do gì mà chọn chữ "chợ".
Dưới chân đèo - Ảnh: Cao Cường
2. Nên hiểu chữ "Rợ" như thế nào?
Như trên đã nói, trong sáu bài thơ còn lại của bà Huyện Thanh Quan, thì có hai bài đề cập đến tứ thú (ngư, tiều, canh, mục) là Chiều hôm nhớ nhàvà Qua Đèo Ngang. Về nguyên tắc thi pháp, đây không phải là những bài thơ vịnh cảnh đơn thuần, nên tác giả không thể đưa vào toàn bộ hình ảnh tứ thú. Nghĩa là tứ thú chỉ được đưa vào vài nét để tượng trưng cho không khí quạnh buồn. Hình ảnh ngư ông gác mái, mục tử gõ sừngđã mở ra nổi buồn man mác muôn đời trong bài thơ Chiều hôm nhớ nhà. Hai hình ảnh này lại cũng nằm trong cặp câu thực, tả thực, vừa có chức năng làm tiêu điểm cho toạ độ chiếu vật của toàn bộ hình tượng bài thơ, vừa có chức năng làm xuất phát điểm cho việc khắc hoạ cảm giác buồn của người cô lữ. Tương tự, hai câu thực trong bài Qua đèo Ngang cũng có chức năng như vậy. Cứ trong lẽ ấy mà suy, thì vế trên đã có vài chú tiều ắt vế dưới phải được bổ sung bằng một vài ông ngư, cậu mục. Chỉ có thể là ông chài hoặc trẻ chăn trâu, chứ bối cảnh bài thơ không cho phép xuất hiện bác thợ cày. Nhưng đây lại là địa hình dưới núi, bên sông, dưới núi đã lom khom vài chú tiều thì bên sông tất phải là lác đác...mấy ngư phủ. Suy đoán này không phải là tư biện cá nhân, mà cái lề luật cấu tứ, lập ý của thơ Đường nó bắt buộc nhà thơ trung đại phải làm như vậy. Vấn đề còn lại là cái nhà rợ này là nhà gì? Như đã cắt nghĩa ở trên, cố nhiên, theo chúng tôi, nó không phải là lều trại của dân sơn tràng, bởi họ cũng là tiều phu, mà lặp lại đối tượng trong một tổ chức hình thể ngôn từ như vậy thì là phản bổ sung dẫn đến phản cảm chứ không phải là đối bổ sung. Và xét về cấu trúc ngôn từ, cũng không phải là nhà của rợ, dân tộc thiểu số hoặc dân mới tụ cư còn quá thưa thớt. Bởi vì, hiểu như vậy “rợ”sẽ là danh từ chỉ người và một tài năng nghệ thuật ngôn từ như bà Huyện thì chỉ có thể nói là rợ mấy người; nghĩa là yếu tố cuối cùng của ngữ thể đảo này tất nhiên phải là một danh từ chỉ đơn vị ( kiểu như: người, kẻ, anh, chàng, chú, gã,...). Còn chữ nhà, trong trường hợp này, ngữ cảnh này không thể chuyển nghĩa để chỉ người kiểu như: nhà văn, nhà báo, nhà bác học,...Vậy trong ngữ cảnh này, chỉ có thể coi chữ rợlà định danh cho một cái gì đó có liên quan đến ngư dân. Nhưng cụ thể là cái gì thì phải ra công tìm hiểu. Trên cơ sở tư liệu điền dã về sinh hoạt cổ truyền ở địa phương, những tri thức về phương ngữ học tiếng Việt, tổng hợp lại, chúng tôi thấy rằng:
2.1. Ở xứ Nghệ, nhiều nơi gọi cái vó là cái rớ. Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh định nghĩa từ “rớ” như sau: " Rớ1.d. Vó cất cá, tôm nhỏ (đan dày hơn vó)..."[10].Từ điển tiếng Việtđịnh nghĩa từ “vó” như sau: "Vó2.d. Dụng cụ đánh bắt cá, tôm gồm có một lưới, bốn góc mắc vào bốn đầu gọng để kéo..."[11] Tuy vậy, đối với nhiều thổ ngữ trong vùng, vó to, vó nhỏ gì họ đều gọi là “rớ”tất.
2.2. Chúng tôi đã vào huyện Kỳ Anh, địa bàn đèo Ngang, để tìm hiểu và đã được một số dân bản xứ cho biết rằng: xưa kia, cư dân địa phương này có nghề đánh cá bằng cách cất vó bè bên sông, suối trong vùng. Vó bè là loại vó lớn, cần vó được buộc néo vào một cái cọc cố định bên bờ sông, đầu cần vó có dây ròng rọc dùng để ghìm vó xuống nước khi thả vó và kéo vó lên khi cất. Ở đuôi cần vó, thay cho việc dùng chân đạp cánh tay đòn khi cất vó, người ta đeo một khối đá nặng để trợ lực cho việc kéo vó. Đây là loại vó đánh bắt cố định, nên người ta cất chòi cao để canh giữ. Thổ ngữ xứ đèo Ngang vẫn gọi loại vó này là “rớ”, và chòi canh vó là nhà rớ.
2.3. Trong hệ thống ngữ âm của phương ngữ Nghệ-Tĩnh, các tiếng có thanh sắc và thanh nặng biến đổi theo kiểu đối ứng với nhau. Nghiên cứu về phương ngữ học tiếng Việt, Gs Hoàng Thị Châu cho rằng: "...Đặc biệt ở các hệ thanh điệu Nghệ Tĩnh và Huế là hệ thanh điệu trầm, có nghĩa là nét đối lập về âm vực bị mờ đi. Do đó các đường nét âm điệu đối lập được sử dụng để thay thế, cặp thanh điệu sắc / nặng đan chéo nhau như hình chữ X...."[12]. Tiếp tục quán triệt quan điểm này, NCS Nguyễn Văn Nguyên ở Đại học Vinh, trên cơ sở cứ liệu điền dã phong phú, toàn diện của mình, đã cụ thể hoá: "...Cặp thanh nặng - thanh sắc có sự tương ứng hai chiều đan chéo nhau như chữ X: thanh nặng được phát âm gần như thanh sắc, thanh sắc lại được thể hiện gần với thanh nặng ở nhiều thổ ngữ. Số lượng từ có sự đối ứng nặng-sắc, sắc-nặng là khá nhiều"[13]. Ở phần phụ lục trong luận văn Ts của mình, tác giả Nguyễn Văn Nguyên đã vẽ một tập bản đồ xác lập một số đường đồng ngữ phụ âm đầu, vần cái và thanh điệu. Trong đó, ở bản đồ thứ 16, anh đã xác định rõ toạ độ mà ở đó cặp phát âm đối ứng nặng-sắc, sắc-nặng, kéo một vệt dài liên tiếp từ Kỳ Anh ra Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương,...[14] Sự đánh dấu trên bản đồ đồng ngữ này cũng phù hợp với sự tìm hiểu của chúng tôi tại Kỳ Anh.
Ngày nay, tuy không còn phổ biến loại vó bè nói trên nữa, nhưng các cụ lớn tuổi bảo rằng ngày xưa họ vẫn gọi nó là “rớ” và phát âm gần như“rợ”, nhà canh vó bè được gọi là nhà rợ. Nếu quả đúng như vậy thì cách phát âm tiếng “rớ” thành “rợ” là có cơ sở ngữ âm từ xa xưa. Vả lại thời nữ sĩ Thanh Quan qua đây, khu vực này còn hạn chế về giao lưu hơn bây giờ nhiều, tiếng Việt chưa phát triển như bây giờ, thì biểu hiện của sự đối ứng trong việc phát âm không phân biệt sắc-nặng nói trên càng rõ nét. Và như vậy thì có rất nhiều khả năng, cái chữ "rợ" này chính là chữ "rợ" trong bài thơ đầy ám ảnh của bà Huyện.
2.4. Trong truyền thống ngữ văn của người Việt, tuy thơ chữ Hán nặng về ước lệ, nhưng thơ Nôm, đến thời bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, ngôn từ thi ca được dệt bằng nhiều yếu tố lấy từ chất liệu của cuộc sống dân dã cho nên thực tại đã hiện lên đậm nét trong thơ. So với thơ Nôm cùng thời, thơ bà Huyện vẫn còn nhiều ước lệ. Riêng bài Qua Đèo Ngang thì từ đề tài cho đến ngôn ngữ đã rất sinh động, gần gũi với cuộc sống thường ngày. Để miêu tả được cái thực trước mắt đồng thời thể hiện được tâm trạng ai hoài, có thể nữ sĩ đã rộng lòng dung nạp vào vốn ngôn từ thi ca của mình những thổ âm, thổ ngữ cần thiết. Điều này đã có tiền lệ từ thời Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông.
3. Từ nỗi niềm của bà Huyện ngày xưa đến nỗi niềm của người cầm phấn ngày nay.
Khi cầm phấn giảng cho học sinh cái hay, cái đẹp của bài thơ, mà một chữ vẫn còn chưa thông hiểu, thì người giáo viênNgữ văn chân chính lâm vào bi kịch. Còn một chữ tồn nghi dai dẳng trong tâm trí thì người cầm phấn còn ăn không ngon, ngủ không yên như Đỗ Phủ, Giả Đảo thời Đường Trung Hoa, khi làm thơ tìm không ra chữ. Bởi sự lựa chọn câu chữ của những nghệ sĩ ngôn từ như Thanh Quan là vô cùng khắc nghiệt. Nếu căn cứ và suy luận của chúng tôi mà đúng, thì ơn trời, châu lại về Hợp Phố, một chữ vàng lưu lạc của nữ sĩ lại về trang điểm cho áng thơ kiệt tác của bà. Và từ cái chữ đó, ánh sáng thẩm mỹ của bài thơ lại thêm phần rực rỡ. Tuy nhiên, đây chỉ là mong ước của chúng tôi, của một niềm tin có thể còn đơn độc; cũng như nổi niềm một mảnh tình riêng ta với ta.. của bà Huyện. Mong rằng khi bài viết này được công bố, nổi niềm riêng của chúng tôi ít nhiều được chia sẻ.
P.Q.A
_____________________
[1] Hợp tuyển thơ văn Việt nam, tập3, Nxb Văn Hoá, HN, 1963;
[2] Phan Hữu Nghệ , Phân tích văn bản một số tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu, Nxb ĐHSP. HN, 2003; tr. 311-318;
[3] Như Châu, Đọc “chợ” hay “rợ” trong bài thơ Qua đèo Ngang, http://vannghethainguyen.vn/2017/11/03/doc-cho-hay-ro-trong-bai-tho-qua-deo-ngang/
[4] Phan Hữu Nghệ, Sđd, tr. 311-318
[5] Về một chữ trong bài thơ "Qua Đèo Ngang", Tạp chí Hồng Lĩnh, Hội LHVHNT Hà Tĩnh, số 43/tháng 4-2000; tr. 70-72;
[6] Trần Đình Sử , Đọc văn học văn, Nxb GD, HN, 2001; tr. 70-71;
[7] Phan Hữu Nghệ, Sđd, tr. 311-318;
[7] Nhiều tác giả, Phong thổ ký các huyện tỉnh Hà Tĩnh, -Sở VH-TT hà Tĩnh xb, 2001; tr. 121-136;
[8] Lã Nhâm Thìn, Thơ Nôm Đường luật, nxb GD 1997, HN; tr. 134;
[9] Đào Duy Anh (chủ biên), Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH, HN, 1976; tr.453;
[10] Nguyễn Nhã Bản (chủ biên), Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, Nxb VH-TT, HN, 1999; tr. 356;
[11] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, TTTĐ & Nxb Đà Nẵng, 1992; tr. 1097;
[12] Hoàng Thị Châu, Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb KHXH, HN, 1989; tr. 216;
[13] Nguyễn Văn Nguyên, Miêu tả đặc trưng ngữ âm phương ngữ Nghệ Tĩnh, Luận án TS Ngữ văn, Đại học Vinh, 2002; tr. 171;
[14] Nguyễn Văn Nguyên, Tlđd,tr. 217