16-09-2021 - 14:33

Làng cổ Nài Xuyên, Nài Thị

Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết "Làng cổ Nài Xuyên, Nài Thị" của tác giả Lê Văn Tùng trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 180, tháng 8/2021

Nài Xuyên, Nài Thị là hai làng cổ, cùng với một nửa làng Nủi Yên, thêm xóm Yên Định của xã Hoàng Hà nhập vào (1945) thành xã Thạch Hòa (1954), sau đó Thạch Hòa đổi tên gọi thành Đại Nài (nay là phường Đại Nài, thuộc thành phố Hà Tĩnh).

1. Về tên gọi Nài Xuyên, Nài Thị

Theo cách hiểu thông thường thì "xuyên" là sông, "thị" là chợ và qua thực địa cũng cho ta thấy rõ Nài Xuyên là làng ở gần sông hơn (sông Rào Cái) và Nài Thị là làng có chợ (chợ Đạo rồi chợ Phủ cũ). "Xuyên" và "Thị" thì đã rõ. Song còn "Nài" là gì thì đến nay chưa có giải thích nào thỏa đáng. Theo nhà nghiên cứu Bùi Thiết (trong "Nài, Nao, Nạo, Nủi") thì ở vùng này có hai từ "nài" phổ biến: "Nài" là kiên trì, không nản như "kêu nài", "van nài"; nài là dụng cụ để leo lên cây cau "nài trèo cau". Tuy nhiên cả hai từ "nài" này đều không giải thích được gì cho tên gọi của làng cả.

Ngày xưa, trường đua ngựa, vận động viên đua ngựa, trại thuần dưỡng voi ngựa cũng đều gọi là "nài". Vận động viên đua ngựa nhỏ tuổi gọi là "nài nhí". Tuy ngày nay, như trong một bài thơ vui nhà thơ Nguyễn Lê viết "... Cầu trong xóm vắng gọi cầu Đông/Núi Nài không thấy NÀI ĐUA  NGỰA", nhưng ngày xưa thì rất có thể có một "Nài" luyện tập voi ngựa ở đây. Bởi đây đã từng là vùng biên viễn, vùng đồn trú, vùng phên dậu của đất nước một thời. Dưới triều Lý vùng đất này đã từng náo động về các cuộc hành quân đánh Chiêm của Khai thiên vương Đào Thạc Phụ (1020), của Lý Thái Tôn (1044), Lý Thánh Tôn (1069), của Lý Thường Kiệt (1075, 1104), Tô Hiến Thành (1167)... Ở đây xa xưa đã từng có một đồn binh lớn, đó là đồn Đại Nài, một hậu đồn trọng yếu của tiền đồn trấn lỵ Dinh Cầu. Theo sách "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" của Lê Quang Định, thì cho đến triều Gia Long đồn Đại Nài vẫn tồn tại một thời gian sau mới bãi bỏ.

Một số tài liệu còn cho rằng dưới thời Lê, có thể lỵ sở huyện Thạch Hà cũng đặt bên cạnh đồn Đại Nài. Hiện nay chưa tìm thấy một tài liệu nào ghi chép, cũng không có một dấu tích gì của đồn sở nữa, nhưng chúng ta có thể dự đoán chắc chắn rằng đồn trại thời ấy đã đặt ngay dưới chân núi Nài.

Nhiều địa danh rất cũ mang tính lịch sử vẫn tồn tại cho đến ngày nay cho ta thấy đây là một vùng đất từng giữ vị trí hiểm yếu một thời như: Đội Dinh (nơi đóng quân), Trường Bia (gần miệu Bà, nơi tập bắn), Trường Bắn (nơi xử người phạm tội), ruộng tịch điền (4 mẫu, nơi vua quan đến hạ lệnh xuống mùa), Hồ Huyện (vùng công ty Cầu), và đặc biệt có Cồn Voi Mẹp (ở Hòa Hợp), Vườn Voi (ở vùng vườn Cố Khoái)... Như vậy rất có thể ở đây thời xa xưa đã từng có một trại chăn nuôi thuần dưỡng, luyện tập voi ngựa, và chữ "Nài" bắt nguồn từ đó.

Tuy nhiên "Nài" cũng chưa phải là cái tên xưa nhất và duy nhất của vùng đất này. Ở đây cũng đã từng có một tên gọi khác rất cũ là Đa Mang trại.

Gia phả họ Trần Hậu, phường Thạch Quý cho biết: Thủy tổ họ này (không rõ tên) từ huyện Quỳnh Lưu vào xã Cẩn Tiết (sau là Trung Tiết) từ năm Quý Tỵ (1533). Ngày ngày ông phải lặn lội sang bên trại Đa Mang bắt tôm, bắt cá kiếm sống, và một hôm quá đói rét đã bị chết gục giữa đồng. Hôm sau, người nhà đến để đưa ông về thì mối đã đùn lên lấp hết thi hài ông thành một ngôi mộ lớn. Người thời bấy giờ gọi đó là ngôi mộ "thiên táng". Ngôi mộ ấy ở gần rú Nài. Về sau, con cháu ông là Trần Hậu Hoa theo chúa Trịnh đi đánh nhà Mạc có công, được phong đến Thái bảo Diên quận công. Lúc chết được dân trại Đa Mang lập miếu thờ. Và hiện nay, bảo tàng Hà Tĩnh cũng còn lưu giữ một đạo sắc phong thần cho Thành hoàng trại Đa Mang. Như vậy rõ ràng từ xa xưa khi ở đây mới có một cụm dân cư thưa thớt gọi là trại thì tên gọi thời bấy giờ là Trại Đa Mang.

Người dân Nài Xuyên, Nài Thị (gọi tắt là Xuyên,Thị) rất tự hào về quê hương mình, một vùng quê vừa được chọn làm phủ lỵ, vừa có sông, có núi, sơn thủy hữu tình: Quê em sông Phủ núi Nài/ Tình cao hơn núi nghĩa dài hơn sông.

Thành phố Hà Tĩnh từ cửa ngõ phía Nam. Ảnh: Huy Tùng (Nguồn Báo Hà Tĩnh)

 Núi Nài, có tên là Cảm Sơn. Nhưng do núi nằm trên địa phận xã Đại Nài nên cũng được gọi là núi Nài. Còn sông Phủ thì đó là một đoạn của sông Rào Cái (Rào Cấy). Rào Cái là một sông lớn của huyện Thạch Hà, bắt nguồn từ nhiều khe suối trên dẫy Trà Sơn, có chiều dài 71Km. Rào Cái khi chảy qua những vùng đất khác nhau có những tên gọi khác nhau. Phần chảy qua xã Đại Nài gọi là sông Nài (có tài liệu ghi là "Nại" - Nại Giang). Trong đó đoạn chảy qua phủ lỵ Hà Hoa (Hà Thanh), sau là phủ lỵ Thạch Hà dài khoảng 3 - 4 km gọi là sông Phủ, chiếc cầu bắc qua sông ở đây cũng gọi là cầu Phủ (hoặc cầu Nài), rồi chảy qua xã Hoàng Hà gọi là sông Hoàng Hà, ở đây có cầu Đò Hà, chảy qua Đồng Môn gọi là sông Đồng Môn, đến ngã ba Sơn trở xuống lại gọi là sông Hộ Độ, hoặc lạch Sót.

2. Chuyện cụ Cử Tốn và việc chọn đất đặt tỉnh thành

Năm Tân Mão (1831), Minh Mệnh thứ 12 bỏ đạo, lập tỉnh Hà Tĩnh. Khi còn là đạo, Hà Tĩnh cũng đã từng có đạo thành được xây dựng khá đẹp ở Đại Nài. Tuy nhiên dù đơn vị hành chính "đạo" được nâng lên thành "tỉnh", nhưng đạo thành lại không được chọn nâng cấp lên tỉnh thành mà lại phải dời ra đất Trung Tiết.

Có người đã từng đặt câu hỏi tại sao vùng "Sông Phủ - Núi Nài" sơn thủy hữu tình, giao thương thuận lợi như thế lại không được chọn làm nơi đặt tỉnh thành, tỉnh lỵ?

Chuyện kể rằng năm Quý Tỵ (1833), hơn hai năm sau lập tỉnh Hà Tĩnh, triều đình đã cho chọn đất để xây tỉnh thành. Vị quan đầu tiên về khảo sát đã quyết định lấy vùng đạo thành cũ với hơn 70 mẫu đất để mở rộng xây thành Hà Tĩnh, trong đó núi Nài được chọn làm nơi dựng cột cờ của tỉnh thành, ông rất tâm đắc về địa điểm này. Tuy nhiên dân hai làng Xuyên, Thị thì lại rất lo lắng, lo mất hết đất canh tác, lo nhà cửa phải di dời. Rất may viên quan ấy lại là học trò cũ của cụ cử Nguyễn Trọng Tốn, người vừa cáo quan về nghỉ ở quê. Cụ Tốn đã mời viên quan (học trò cũ) ấy về trò chuyện, đàm đạo. Cụ khẩn thiết nêu vấn đề Hà Tĩnh còn nhiều nơi đất đai thoáng rộng, sơn xuyên tú khí.... Vùng Xuyên Thị này tuy có đẹp nhưng đất đai chật hẹp, dân cư đông đúc mà nghèo khổ, nếu phải xây tỉnh thành, tỉnh lỵ thì hết đất, mất kế sinh nhai, dân cư phiêu bạt, vừa tốn kém  lại vừa khổ cho dân.

Mặt khác cụ cử Tốn còn viết mật thư cho ông Nguyễn Trọng Thường, tri phủ Lệ Thủy, cũng là học trò cũ của cụ, để ông này dâng sớ góp thêm tiếng nói. Cuối cùng tỉnh thành được chuyển ra vùng đất làng Trung Hậu, thuộc xã Trung Tiết. 70 mẫu đất đạo thành cũng được trả lại cho dân Nài Xuyên, Nài Thị canh tác làm ăn.

3. Sự tụ cư, thành lập làng

Cách đây vài vạn năm, khi sóng đại dương còn vỗ lên bờ núi Báu Đài, Nhật Lệ thì ngọn núi Nài chỉ như một hòn đảo bé xíu giữa đại dương mênh mông. Nhưng rồi trải qua nhiều lần biển tiến, biển lùi, Rú Nài đã trở thành nơi sinh sống của một nhóm người Việt cổ. Bằng chứng là dưới chân Rú Nài có một khu di chỉ đồ đá nhưng đã bị đào bới, không còn giữ lại được.

Cũng chưa ai biết rõ hai làng Nài Xuyên, Nài Thị này bắt đầu có từ khi nào, nhưng cũng như quy luật chung của sự tụ cư, vùng ven sông, ven khe suối thuận lợi cho việc sinh sống bao giờ cũng là điểm chọn đầu tiên cho việc định cư lập nghiệp.

Theo hồi ký của ông Nguyễn Xuân Đào, một cán bộ tiền khởi nghĩa của xã Đại Nài (viết năm 1991) thì ở vùng Nài Xuyên, Nài Thị này có gần 30 dòng họ đến đây sinh cơ lập nghiệp, từ những họ ít như họ Đậu, họ Lưu, đến những họ đông đúc như họ Lê, họ Nguyễn, có họ đã có đến 15, 17 đời.

Các họ Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình, họ Dương, họ Trần Văn là những họ đến sớm, cư trú khá lâu đời và lập nên làng Nài Xuyên (gần sông).

Các dòng họ Nguyễn Công, Nguyễn Đình, Lê Văn, Lê Đăng, Hồ Trọng, Hồ Đức, Trần Bá, Nguyễn Thừa, Phan..., đến sau hơn và lập nên làng Nài Thị.

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, các dòng họ cũng phát triển không đều nhau. Họ Hồ Trọng, Hồ Văn từ lâu đã có những người đậu Cử Nhân, Hoàng Giáp, sau này vẫn tiếp tục phát triển tốt, có những Giáo sư đầu ngành như Hồ Tôn Trinh.... Các họ Lê Văn, Lê Đăng, Nguyễn Công cũng là những họ phát triển mạnh cả đinh và điền. Theo sổ sách xưa thì ruộng đất tại địa phương này họ Lê và họ Nguyễn Công chiếm nhiều nhất. Họ Nguyễn Công từ ông cao cao tổ Phú Xuân Hầu về sau nhiều đời tiếp tục có khoa bảng, đến nay con cháu cũng nhiều người có học vị, học hàm cao. Họ Nguyễn Đình từ làng Nủi đến cũng phát triển khá thịnh vượng nhất là về kinh tế.

4. Quá khứ đau thương và anh dũng

Cũng theo hồi ký của ông Nguyễn Xuân Đào thì cho đến sau cách mạng Tháng Tám vùng Xuyên, Thị này có 696,5 mẫu đất, trong đó 554,61 mẫu là đất canh tác, còn lại là núi đồi, hoang bãi, ao hồ, đường sá,..., có 744 hộ dân với 2223 nhân khẩu.

Là vùng vừa phụ cận tỉnh lỵ, lại vừa có phủ lỵ, nên dân ở đây vừa nông dân, vừa là thị dân. Do gần tỉnh, gần phủ nên một số trai tráng sống bằng nghề lính: Khố xanh, khố đỏ, lính tập, lính tuần sai, lính thợ... Một số khác đi phu Mường Phìn, Mộ Dạ, Đắc Pao, Đắc Pét, đồn điền cao su.... Bên cạnh một vài người được làm cai, làm ký thì hầu hết là khổ sai, bệnh tật, có đi không có về.

Cùng với nghề rừng rú, than củi còn có nghề làm bánh đa, bánh lá, bánh nếp... (64 hộ), rồi nghề xáo gạo, đi khắp chợ Đình, chợ Đạo, chợ Vực, chợ Trổ.... Ở Hoa Lộ, một số người có sức khỏe còn làm nghề kéo xe tay, cái nghề "Ngựa người, người ngựa" rất cực khổ. Dưới thời Minh Mệnh có chủ trương khuyến khích "tằm tang canh cửi", một số gia đình có trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, nhưng không duy trì, phát triển được. Tóm lại người dân Xuyên, Thị xưa đã làm rất nhiều nghề để sinh sống, nhưng ngoài nghề nông ra thì các nghề khác đều tạm bợ, không có một nghề thủ công truyền thống nào và do đó cũng không hình thành một làng nghề nào cả.

Dưới chế độ thực dân phong kiến, vùng này có 45 quan lại hào phú, 15 người làm từ phó lý trưởng trở lên. Địa chủ có nhà mỗi năm thu trên hàng ngàn gánh lúa, có nhà ba đời bá hộ, do được hưởng lộc điền nên rất giàu có. Có 7 địa chủ người ngoại xã nhưng lại chiếm rất nhiều ruộng đất Đại Nài, trong đó nhiều nhất là bà Ký Tá ở Thị Xã. Toàn xã có 396/474 hộ nông dân thì đã có 321 hộ làm ruộng rẽ của địa chủ, có 204 người phải đi ở thuê, có gia đình cả nhà đi ở, có 15 bà mẹ trẻ phải bỏ con đi ở vú, có 24 gia đình phải bán con vì nạn sưu thuế nợ nần, có 219 người phải bỏ quê tha phương kiếm sống thì 83 nằm lại xứ người không còn trở về quê nữa. Nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã cướp đi 372 người, có 36 hộ chết sạch không còn ai. Năm Bính Thìn (1916), hạn hán, đói, đậu mùa cũng nhiều gia đình bị xóa sổ.

Do ở gần tỉnh lỵ và phủ lỵ thường xuyên bị mật thám và bọn tay chân lùng sục, trấn áp, chăng lưới..., nhưng trong đen tối, nghèo khổ, khó khăn ấy người dân Nài Xuyên, Nài Thị đã một lòng hướng về cách mạng. Tiêu biểu là lớp thanh niên đầy nhiệt huyết thời bấy giờ như các ông Trần Cúc, Nguyễn Trọng Điềm, Hồ Bá, Dương Tường, Lê Nghi, Hồ Tôn Quyền, Nguyễn Thừa Liễn, Nguyễn Xuân Đào...., người thoát ly khỏi quê liên lạc với các tổ chức cách mạng, người ở lại quê bí mật gây dựng phong trào. Năm 1927, các ông Trần Cúc, Hồ Bá, Nguyễn Trọng Điềm vào tổ chức Tân Việt. Năm 1931, ông Hồ Phi Long tham gia phong trào Hồ Hảo, bị bắt và đày vào nhà lao Ly Hy. Tiếp đó các ông Dương Tường, Hồ Bá lợi dụng "Liên Thành thư quán" để khâu nối hoạt động và đều bị bắt. Ở tại quê, các ông Trần Cúc, Lê Nghi, Nguyễn Thừa Liễn tham gia hoạt động Việt Minh bí mật, lập các tổ chức cách mạng biến tướng ngay trước mặt kẻ thù như "Hội Ái hữu", "Hội Tương tế" ở các thôn Hoa Lộ, Liên Phượng... Mặc dầu sau đó ông Trần Cúc bị bắt giam tại nhà lao Vinh, ông Nguyễn Thừa Liễn bị trấn áp, nhưng phong trào vẫn bí mật được duy trì.

Sau khi Nhật hất cẳng Pháp ngày 09/3/1945, một phong trào kháng Nhật cứu nước dâng lên mạnh mẽ khắp nước. Số thanh niên Đại Nài đã tham gia hoạt động nhiều nơi, lần lượt trở về địa phương chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Các đơn vị tự vệ  được hình thành với vũ khí thô sơ và công khai luyện tập, nhưng hào lý địa phương vẫn không hề giám can thiệp. Chưa bao giờ lòng căm thù và lòng yêu nước thiết tha trong nhân dân, nhất là trong thanh niên lại sục sôi đến thế. Đi đến đâu cũng nghe các nhóm thanh niên hát vang bài ca "Tiếng gọi thanh niên" của Lưu Hữu Phước: "Nào thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống".... Tối 17/8/1945 lực lượng tự vệ và đông đảo nhân dân Đại Nài, cùng với các lực lương quần chúng từ Phù Việt, Đan Chế.... vào bao vây chiếm phủ đường Thạch Hà (ở Hoa Lộ, gần cầu Phủ). Tri phủ Nguyễn Tấn và nha lại binh lính đã nhanh chóng đầu hàng và nạp lại con dấu cùng các hồ sơ tài liệu cho Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên phủ đường Thạch Hà, đánh dấu thắng lợi rực rỡ của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện. Sau khi chiếm được phủ đường lực lượng biểu tình của Đại Nài vui mừng reo hò tỏa về các thôn xóm mít tinh mừng thắng lợi và chuẩn bị cho ngày mai (18/8) giành chính quyền cấp tỉnh. Một số binh lính Pháp và lính Nam triều bỏ hàng ngũ về đã nhanh chóng được cuốn hút vào làn sóng cách mạng. Thời cơ ngàn năm có một đã đến!. Chính quyền địch tuy chưa thật sự bị đánh bại hoàn toàn, nhưng cả bầu trời và mặt đất hầu như đã thuộc về quần chúng cách mạng...

Trải qua nhiều thăng trầm biến động, hai làng Nài Xuyên, Nài Thị nghèo đói ngày xưa, nay đã trở thành phường Đại Nài, một phường văn minh, thịnh vượng thuộc thành phố Hà Tĩnh.

          L.V.T

. . . . .
Loading the player...