11-07-2023 - 00:41

Nắng gọi mùa

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tùy bút “Nắng gọi mùa” của Nhà văn Phan Trung Hiếu

       Một tháng Năm nữa lại về. Ngoài kia nắng đã ong vàng, ngọn gió nồm dịu dàng vuốt ve da thịt dễ làm ta thèm một phút ngả lưng, cảm thấy buồn ngủ đến díu mắt. Trong mơ màng, tiếng cu gáy đều đều từ ngoài sân vườn vọng vào như gọi về bao ký ức.

       Tháng Năm gắn với những ngày hội lớn của non sông, những dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của quê hương dân tộc. Có cảm giác tháng Năm được bắt đầu từ không khí náo nức đợi chờ ngày nghỉ lễ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5. Một tuần sau đó là ngày kỉ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, để nhắc nhớ thời khắc lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" thắm đỏ màu máu của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm trời chống thực dân pháp "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Những ai đã qua thời thơ trẻ cũng khó mà quên 15/5/1941 là ngày thành lập Đội Nhi đồng Cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập. Tháng Năm càng trở nên đặc biệt hơn vì ai cũng mong đến ngày sinh của Bác 19/5/1890, vị lãnh tự thiên tài đã dẫn đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam cập bến bờ thắng lợi. Dưới sự chỉ đạo của Bác, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh đã ra đời lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu nhằm tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng trong xã hội trong công cuộc vận động kháng chiến và kiến quốc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941) khẳng định: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.…Gần đây, tháng Năm còn được nhớ đến vì có thêm “Ngày của Mẹ” được tính là Chủ nhật thứ hai của tháng 5 thêm một dịp để tôn vinh những người phụ nữ đã tần tảo, chịu đựng nhiều gian khổ hy sinh để vun đắp hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái…

       Còn biết bao dấu mốc quan trọng khác của quê hương, dân tộc, của các ngành, các cấp nhưng thiết tưởng chỉ với chừng ấy thôi cũng đủ làm cho tháng Năm với mỗi chúng ta rực rỡ đến diệu kỳ. Với tôi, tháng Năm còn có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt vì đã được mẹ sinh ra trên cõi đời này. Vốn là đứa trẻ trai hiếu động, ham chơi nên khi cứ qua một mùa hè, da dẻ tôi lại bắt nắng đen nhẻm đến nỗi nhiều người cứ gọi bằng cái biệt hiệu “Hiếu đen”. Đổi lại, tôi có thêm bao niềm vui khi được thỏa thích trong những ngày nghỉ hè với các trò chơi con trẻ như đánh khăng, chơi gụ, tắm sông, bắt ve, bọ vừng, cất rớ, đi câu, đánh trận giả, đá bóng nơi sân cỏ bờ đê...

       Tháng Năm còn là mùa no ấm, khi trong đồng ngoài bãi, lúa khoai đã đến kỳ thu hoạch. Mỗi sáng, người người lo dậy sớm để quang gánh, đánh xe cải tiến ra đồng để rồi gần trưa, cuối chiều trở về sân kho hoặc trở về nhà riêng với những gánh nặng oằn vai của lúa, ngô, khoai lạc, đậu, vừng. Với người dân ven bờ sông La quê cũ của tôi thì đây chính là dịp được thưởng thức món canh hến ngọt mát vị quê được mua về từ chợ Thượng, chợ Trổ hay từ những người đội nắng quảy thùng, rá đi dọc bờ đê với tiếng rao “Ai mua hến không?!” nghe thoảng ngọt như tiếng hát.

Bằng lăng tím - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

       Tháng Năm còn là mùa đọng lại trong ký ức sắc màu của các loài hoa. Làng quê tôi thời ấy có những đầm sen rộng mênh mông, cứ chờ nắng về để bật dậy những lá non, chồi tím để rồi nhuộm hồng cả mặt hồ vào giữa hạ. Đây cũng là mùa của những chùm phượng vĩ đốt mình cháy đỏ trên cây trước sân trường báo hiệu mùa thi, đến lúc phải xa thầy cô, bè bạn. Còn theo mãi trong ta một sắc vàng hươm của hoa mướp cùng chi chít bầy quả thõng thượt trên giàn, là sắc tím đến nao lòng của bằng lăng, hoa mua, hoa bèo đồng nội. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là màu vàng như mật ong của nắng, khi bầu trời hình như được đẩy lên cao hơn, nắng rải vàng lên cây lá, nắng thêu hoa óng ánh nghịch đùa trên sóng nước của những bến sông quê. Đứng trên bờ đê, nom rõ giữa vàng mơ của lúa và màu xanh rì cỏ dại, nhấp nhô những chiếc nón trắng của các mẹ, các chị đang hối hả gặt hái lúa trên đồng.

       Hạ nắng còn chở về cho không gian náo nức những âm thanh. Từ tiếng gà dậy sớm náo nức báo sáng lúc bình minh đến tiếng chim chuyền cành líu ríu trên những ngọn cây, tiếng ve sôi râm ran khắp đường làng ngõ xóm như kích động lũ trẻ chúng tôi tìm đủ mọi cách để săn lùng chủ nhân của những âm thanh quyến rũ kia. Những chiều hè, dọc bờ đê lại nghe vọng lên tiếng sáo diều vi vu trôi trên bầu trời xanh ngắt. Và hình như chỉ có trăng mùa hạ mới hiện ra một vẻ đẹp đủ đầy viên mãn. Ban đêm mà cứ rờ rỡ như giữa ban ngày, vừa đủ sáng để tôi cùng lũ bạn bày trò chơi trận giả, hoặc ngồi hóng mát bờ đê ngắm cảnh sáng trăng trong dịu dàng của hương sen, hương lúa.

       Chiều nay, tôi đạp xe dạo quanh một vòng trên phố mà ngắm không chán mắt dãy bằng lăng tím trên dọc tuyến đường Phan Đình Phùng, Hải Thượng lãn ông. Trời phơn phớt nắng, phố xá mùa covit nên khá vắng vẻ hơn so với mọi ngày. Chợt thoảng nghe vọng lên từ một quán nhỏ ven đường thơ thớt khách một giai điệu quen thuộc của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Gọi nắng cho tóc em cài, loài hoa nắng rơi, nắng đưa em về miền cao gió bay …” Tháng Năm - khoảnh khắc giao mùa như đang lật giở từng trang sách mới. Chợt nhận ra, đôi khi ta không cưỡng cầu gọi nắng nhưng nắng vẫn cứ hồn nhiên cất tiếng gọi ta về cùng bao hoài niệm đã qua.

P.T.H

. . . . .
Loading the player...