07-11-2022 - 23:22

Người thầy của tuổi thơ tôi

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký “Người thầy của tuổi thơ tôi” của tác giả Phan Thế Cải.

Trong cuộc đời tôi, từ thời thơ ấu đến giảng đường đại học, có không biết bao nhiêu thầy cô đã dạy dỗ và giúp đỡ mình trên chặng dường dài. Nhưng một người khắc sâu vào tâm khảm tôi, đó là thầy Thái Khắc Vị, thầy giáo dạy vỡ lòng ở làng tôi ngày ấy.

Tôi sinh ra ở xóm Xuân Thủy, xã Sơn Thủy (nay là xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn). Làng tôi hồi ấy nghèo lắm, lại thường xuyên bị lũ lụt uy hiếp, nên mùa màng bị thất bát liên tục. Hầu hết các gia đình, đều nằm trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Trẻ em ở làng nghèo, ham chơi hơn là ham học, lên đến tám tuổi, chín tuổi mới đi học vỡ lòng.

Tôi còn nhớ thầy Vị, hồi đó khoảng mười tám tuổi, vừa học xong lớp Bảy phổ thông. Thầy người đậm, hơi thấp, da trắng hồng với nụ cười rạng rỡ. Cả làng tôi hồi ấy, thanh niên nếu tốt nghiệp được cấp 2, họ đều nạp đơn đi học các trường sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đi công khắp mọi miền tổ quốc, nhằm thoát khỏi cái khổ sau lũy tre làng. Chỉ riêng thầy Vị, không có tham vọng ấy. Thầy vẫn làm xã viên hợp tác xã, hàng ngày ra ruộng cày cấy cùng bà con cô bác. Thấy thầy Vị có trình độ văn hóa chuẩn, lại yêu trẻ con, nên chính quyền địa phương xã Sơn Thủy, nhờ thầy nhận dạy giúp cho lớp vỡ lòng, vì đang “khủng hoảng” giáo viên. Thầy Vị vui vẻ nhận lời. Sau đó, thầy được đi dự lớp bồi dưỡng giáo viên dạy vỡ lòng “cấp tốc” do ngành giáo dục huyện Hương Sơn mở. Hồi ấy, các giáo viên tham gia dạy vỡ lòng ở các thôn làng, đều được tính trọn một ngày công như xã viên đi ra đồng sản xuất. Được bao nhiêu công, sẽ quy đổi bằng thóc sau mùa vụ thu hoạch.

Tôi vào học lớp vỡ lòng, đúng thời điểm thầy Vị làm giáo viên ở thôn. Tôi còn nhớ như in buổi đầu tiên tôi theo chị dâu tới lớp, đó là chiều ngày mồng 06/9/1964. Chị dâu tôi, đã chuẩn bị cho tôi hai cuốn vở bằng giấy nâu, một chiếc bút ngòi lá tre và một lọ mực tím đựng trong ống thủy tinh có đế gổ hình vuông. Chị dặn dò tôi, một cuốn vở chép bài, một cuốn vở làm toán. Ngày đầu tiên đi học, tâm trạng tôi vừa háo hức, vừa ngỡ ngàng, bởi bạn bè cùng trang lứa đông lắm. Tôi thoạt nhìn chúng, thấy đứa nào cũng đi chân đất, mặc quần cộc, tóc tai khét lẹt mùi mồ hôi vì ít tắm giặt. Chúng đùa nghịch, chạy nhảy nháo nhào như ong vỡ tổ.. Thầy Vị vẫn biết, dạy lớp đồng ấu này không đơn giản, nên ngay từ buổi tựu trường, thầy đã nhanh chóng đưa các em vào kỹ cương, nề nếp. Thầy mời tất cả các em, ra sân xếp hàng ngay ngắn, rồi gọi từng em vào bàn ngồi. Em nào nhỏ bé, thầy xếp ngồi trước, em nào lớn thầy xếp ngồi sau. Tôi và thằng Danh, thằng Dùng, đều thuộc diện “bé hạt cải” nên được thầy ưu tiên cho ngồi bàn đầu. Ngày học đầu tiên, thầy Vị chưa dạy chữ, thầy chỉ đưa cho chúng tôi xem tấm ảnh Bác Hồ kính yêu và tập cho chúng tôi hát đồng thanh bài “Em yêu Bác Hồ Chí Minh”. Đã mấy chục năm rồi, hình ảnh thầy Vị đứng trước lớp, đưa tay bắt nhịp với giọng hát trầm hùng, vẫn văng vẳng bên tai tôi: “Em yêu Bác Hồ yêu chòm râu thưa, đôi mắt long lanh/ Yêu vầng trán rộng tình thương mênh mông ngàn muôn nhi đồng/ Chúng em hướng về Bác Hồ kính mến/ Luôn nhớ rằng làm tròn lời Bác khuyên răn/ Yêu Nhân dân, yêu Tổ quốc/ Chăm học hành/ Yêu lao động, trọng kỷ luật/ Giữ vệ sinh, cho Bác vui lòng”. Sau khi cả lớp thuộc bài hát này, thầy Vị căn dặn chúng tôi ba điều cần thực hiện ngay: Điều một, đi học đúng giờ. Điều hai quần áo, tóc tai, sách vở phải sạch sẽ. Điều ba, ngồi học không được nói chuyện riêng, không được xích mích nhau. Sau đó, thầy chỉ định thằng Lý lớn tuổi và nhanh nhẹn hơn bọn tôi, làm lớp trưởng. Giao nhiệm vụ cho Lý, điều khiển xếp hàng, điều khiển hát đồng ca hàng ngày trước mỗi giờ học. Phân công tổ nhóm, tham gia trực nhật vệ sinh môi trường. Theo dõi sĩ số lớp hàng ngày, xem bạn nào nghỉ học.

Bên trong một lớp học trường cấp 1 xã Cam Lộc, Quảng Trị năm 1973. Ảnh: Ishikawa Bunyo (Nguồn ảnh: https://cand.com.vn/)

Thầy Vị dường như trút hết cả niềm đam mê, nhiệt huyết cho học sinh. Đặc biệt, chữ thầy viết rất đẹp, lại hay tổ chức các trò chơi sau những giờ giải lao hấp dẫn như trò “Bịt mắt bắt dê” “Mèo đuổi chuột” nên bạn nào cũng hứng thú trong học tập. Chỉ sau mấy ngày, lớp học đã đi vào nề nếp. Không ít bạn đã trở thành “ngôi sao sáng” của lớp như Hồ Thị Hồng, Võ Thanh Dùng, Trần Đình Sước, Trần Vực.. Để khuyến khích học sinh trong học tập và rèn luyện, thầy Vị đã sáng kiến làm một lá cờ “đuôi nheo” màu đỏ và một tấm bìa màu xanh, giống như tờ báo tường, kẻ đậm bốn chữ “Vươn lên học giỏi” dưới “măng séc” được chia làm hai ô lớn hình chữ nhật. Học sinh nào viết chính tả đẹp, làm toán giỏi được điểm 10, thì thầy Vị hướng dẫn chép lại thật nắn nót thành bài mẫu dán lên tấm bìa treo lên cạnh tấm bảng, để mọi người cùng xem. Còn lá cờ nhỏ, hàng ngày đi học ai học điểm cao nhất lớp, ngoan nhất lớp được cầm cờ về “khoe”  thành tích với gia đình.

Thật bất hạnh cho thân phận tôi, hai tháng đầu của niên học, tôi thuộc diện trong nhóm 7 học sinh học kém nhất lớp. Lớp học có 42 bạn, mỗi lần “xướng sổ” để đánh giá chất lượng học sinh, tôi đứng thứ 38. Cha tôi họp phụ huynh được thông báo kết quả này, ông buồn lắm. Mẹ tôi cũng buồn, vì anh chị tôi đều học hành tử tế, chỉ có tôi là “tối dạ”. Tôi “tối dạ” bây giờ nghĩ lại cười thầm, bởi ngồi trong lớp tôi thường nghĩ mông lung tới chuyện hái ổi, hái gôm, hái chùa cùm chín, chuyện đi mò cua ở ruộng, chứ chẳng chú ý gì đến lời thầy giảng cả. Có một điều kỳ lạ, tôi lại thích xem tranh minh họa ở cuốn “Vần vỡ lòng” nên thuộc lòng tất cả các bài ở sách, khi nhận diện được hình ảnh sinh động các con vật và người từ tranh vẽ. Còn khi che hình ảnh đó, hỏi các chữ trong sách tôi chẳng biết một chữ nào. Người làng tôi lúc đó, gọi là “Thuộc mồm” mà nhiều trẻ thường hay mắc phải.

Cha tôi hướng dẫn tôi ba đêm liền tập viết, nhưng tôi chỉ viết được vài ba chữ đơn giản như “O, A, C” đến chữ “Ph, Nh, Kh” và nhiều chữ khác thì tôi không viết được. Trong lúc đó, thằng Dùng và nhiều bạn khác trong lớp, đã biết tính phép cộng, trừ (từ 1 đến 100 và thuộc lòng bản cửu chương) còn tôi chả biết gì cả. Thằng Danh bạn thân của tôi, cũng chung cảnh ngộ “học dốt như tôi” nên mỗi lần ra chơi tôi và nó cố tình xa lánh bạn bè. Nhưng khốn nỗi càng xa lánh, bọn chúng càng diễu cợt, chọc tức hai đứa chúng tôi. Khi Danh bị điểm 1 có đứa nói “Bữa ni đường trơn, thầy Vị tặng Danh chiếc gậy chóng đấy” hoặc tôi bị điểm 2 chúng nó lại chế “Nhà ông Cường lắm cau, nên thầy Vị tặng Cải chiếc câu liêm để hái cau”. Tủi nhục, trước lời chọc tức này, tôi và Danh rủ nhau bỏ học và dấu biệt gia đình đi vào núi xa tìm hoa quả ăn.

Sau năm ngày liền, không thấy chúng tôi đi học, thầy Vị tìm đến gia đình tôi hỏi chuyện. Lúc đó, hai đứa mới thú nhận với cha mẹ là mình bỏ học. Hôm đó, sau khi thầy Vị về tôi và Danh đều bị một trận đòn đau.

Nhưng tối hôm sau, tôi lại thấy thầy Vị đến nhà tôi. Thầy bảo cha tôi, làm cho tôi một góc học tập riêng, sắm thêm hai chiếc đèn hoa kỳ nữa, để thầy kèm cặp tôi mỗi tối. Suốt bốn tháng ròng, dầu mưa hay rét thầy vẫn tới nhà tôi đều đặn. Ban đầu viết chính tả, thầy hướng dẫn tôi cầm bút chì kẻ từng đường thẳng trên trang giấy, rồi tư thế ngồi vào bàn, vị trí đặt lọ mực tím, cách cầm bút chấm vào lọ mực. Thầy cấm kỵ tôi, khi viết tuyệt đối cầm tay gần ngòi bút và cúi mặt quá gần trang vở. Suốt cả tuần liền, thầy Vị đến luyện viết cho tôi, tới mười giờ mới về. Hôm sau, thầy Vị lại dạy cho tôi học toán, thầy mang theo một bó que tính mà thầy tự làm. Thầy mở bó que ra, bảo tôi cầm từng que tính tập đếm (từ con số 1 đến 100). Rồi thầy giảng giải cho tôi rõ “Phép cộng là phép thêm vào, phép trừ là phép bớt ra”  hướng dẫn phép cộng và phép trừ, qua đếm từng que tính và ghi ngay vào vỡ để tôi nhớ.. Sau đó, thầy tặng tôi một cuốn vỡ viết có in bẳng cửu chương ở trang bìa, nhắc tôi mỗi ngày cố gắng đọc cho được mười lần, bao giờ thuộc mới thôi.

Sau bốn tháng thầy Vị kèm cặp, tôi đã đọc thông, viết thạo và làm được các bài toán thầy ra tại lớp. Nhiều bài chính tả, bài toán của tôi đạt điểm 10 được thầy cho chép lại để dán lên tờ bìa “Vươn lên học giỏi”. Từ một cậu học sinh thuộc diện “dốt đặc cán mai” tôi đã dành được vị trí thứ ba của lớp vỡ lòng năm ấy. Rồi bước sang lớp 1 đến lớp 10 phổ thông, tôi đã trở thành cậu học sinh, mang lại niềm vinh quang cho bản thân và gia đình qua các kỳ thi học sinh giỏi của huyện và của tỉnh.

Khi tôi bước vào lớp Một, thầy Thái Khắc Vị đã lên đường nhập ngũ, tham gia nhiều trận đánh khốc liệt ở chiến trường Quảng Trị. Tôi nhớ vào trung tuần tháng 8/1968, thầy được đơn vị cho về phép thăm nhà. Chúng tôi ùa nhau, tới thăm thầy. Lúc này thầy Vị đã giữ chức vụ Chính trị viên đại đội ở một đơn vị thông tin. Thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng gia đình thầy rốt ráo giục thầy hỏi vợ. Mọi người giới thiệu cho thầy: “O Lợi con ông Trị ở xóm Hương Thủy, một người con gái đảm đang hiền hậu của một gia đình gia giáo”. Thế là trầu cau nhà thầy, đã bén duyên gái quê. Tiếc thay, định tổ chức lễ cưới, thì làng tôi xẩy ra một trận mưa bão khủng khiếp, thế nên đành hoãn lại, chờ đến dịp người lính có kỳ nghỉ phép sau.

Thế nhưng ai biết được sự đời! Thầy tôi đã hy sinh trong một đợt pháo kích trúng hầm, khi đang làm nhiệm vụ truyền mật mã về cho sở chỉ huy ở mặt trận Khe Sanh.

Nhận được tin này, tôi và nhiều bạn bè, cô bác ở quê đau như muối xát vào tim. Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, bạn bè tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả, nhưng mỗi lần về lại cố hương, nhắc lại lớp học vỡ lòng xưa, chúng tôi lại thương thầy, nhớ thầy vô hạn.

 11- 2022

                                                                   P.T.C

. . . . .
  00:00           
00:00
 
00:00