Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nguồn năng lượng yêu thương từ thơ chống dịch Covid” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.
Trong những ngày này cả nước đang dồn sức chống dịch covid, giãn cách xã hội là một trong biện pháp mạnh để tránh lây lan dịch bệnh trong hoàn cảnh ngặt nghèo thì sự kết nối chia sẽ cộng đồng đùm bọc “Thương người như thể thương thân” vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Và thơ chống dịch Covid như tiếp thêm một nguồn năng lượng mới từ trái tim đến với trái tim cùng chung nhịp đập thiết tha nhân lên tình yêu thương gấp bội. Đó là những vần thơ viết ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những người chống dịch không quản vất vả nắng mưa với những sắc màu: áo trắng (ngành y tế), áo xanh (bộ đội) và áo vàng (công an). Tuy đôi lúc cũng có chút lo lắng bức bách nhưng vượt lên vẫn là sự lạc quan hy vọng đã tác động mạnh mẽ tới tình cảm, ý thức cộng đồng. Trong những ngày chống dịch chúng ta tự hiểu mình hơn và nhận ra sự đổi thay trật tự thường nhật của cuộc sống để tự tin lấp đầy sự trống trãi khi bị giãn cách xã hội: “Có một ngày thành phố bỗng vắng hoe - Phố xa im lìm không bóng người qua lại - Tôi chạy xe lòng bỗng dưng trống trãi - Đâu náo nức mọi ngày, đâu nhịp bước song đôi” (Thành phố của tôi - Bùi Minh Huệ). Bằng sự tinh tế nhạy cảm giàu nữ tính nhà thơ Phạm Quỳnh Loan dâng trào cảm xúc mạnh liệt trước sự biến đổi nhanh chóng của xã hội khi xuất hiện một mùa mới trong bốn mùa thời tiết quanh năm đó là “Mùa khẩu trang”. Chị viết: “Viết gì đây khi bình minh vừa thức - Tia sáng mở ngày phấp phỏng những bản tin - Những F0, F1 cách ly” và: “Thế giới đảo chao bởi vòng xoáy loài siêu vi bé nhỏ”. Lo lắng là có thật, bất an là điều khó tránh khỏi. Thơ thường chạm đến những trắc ẩn thường trực là sợi dây đàn rung lên những tần số vi diệu nhất và bày tỏ chân thành nhất khi Phạm Quỳnh Loan thổn thức không thể cầm lòng trước những hình ảnh: “Chiến sĩ tuyến đầu tắm mồ hôi phòng hộ - Em bé chào đời kín mặt khẩu trang”. Ôi, tấm khẩu trang vải mỏng lại là tấm lá chắn diệu kỳ để ngăn luồng Covid. Thi sĩ Khánh Chi vốn là một thần đồng thơ tuổi nhỏ, bây giờ thơ chị đằm sâu hơn tuy thế vẫn giữ được những câu hỏi đồng vọng hồn nhiên của một thời: “Dù đã biết bao lần ta cười khúc khích với nhau - Sau chiếc khẩu trang kia chẳng ai biết ai - Đang cười, đang khóc”. Và thường trực trong những ngày chống dịch này chiếc khẩu trang hiện diện quen thuộc như tấm bùa hộ mệnh. Khánh Chi phát hiện khá nhạy cảm một hiện thực thường ngày đã len lỏi vào những bí ẩn riêng tư nhất của mối quan hệ con người kể cả trong tình yêu: “Ngày hôm qua đôi bạn trẻ mới yêu nhau trên Facebook - Chúng mình thương nhau vào thời đại khẩu trang - Chưa bước ra đường đã nghe nhắn tin - Nhớ mang khẩu trang em nhé! - Bên nhau tay nắm tay đi giữa lòng phố nhỏ - Chẳng thấy nụ cười của nhau”. Ôi nụ cười là ngôn ngữ của tình yêu là nụ hoa của con người giờ đây cũng không được thể hiện bộc lộ truyền cảm cho nhau. Có lẽ cái khoảng cách vô hình này là giới hạn quá lớn vì đó chính là giao cảm muôn đời. Bởi nụ cười hạnh phúc đôi khi là môi trường lây nhiễm Covid!? Có thể nói đây là những câu thơ chứa đựng bao nỗi niềm canh cánh và sâu thẳm, chạm đến cõi trắc ẩn thế gian trong nhũng ngày đại dịch.
Cùng một mạch cảm xúc nhiều thổn thức như thế “Thành phố giữa mùa đại dịch” của tác giả Nguyễn Loan lại cắt nhịp tiết tấu câu thơ như những nghẹn nấc nối tiếc: “Nhà nhà đóng cửa - Trường lớp vắng hoe - Tháng năm đang hè - Phượng thưa thớt nở” nhưng: “Thành phố giữa mùa đại dịch - Mang tiếng “lạnh cảm” nhưng không vô tình”. Chúng ta vẫn có quyền “Hy vọng” như tên một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Viết Chiến mới viết gần đây: “Anh còn gì trước vẻ đẹp bình yên - Không lụy tàn trong mùa dịch bệnh”; Và ông tự đặt câu hỏi: “Sao sự sống lại mỏng manh đến vậy” để rồi nhà thơ khẳng định: “Em thân yêu! Trái đất không lụy tàn - Vì sự sống vẫn muôn đời bất diệt” và: “Ta yêu thương hy vọng ở con người - Sự trụ vững sau muôn trùng tai họa”. Vâng đúng thế, đó là sự tự tin và ta có quyền tự tin vào đội ngũ các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Tác giả Trần Vũ Thìn vốn là một nhà báo khi tác nghiệp không may là F1 phải tập trung cách ly. Trong những ngày này ông đã viết bài thơ “Gửi người thân yêu chống dịch” khá cảm động: “Trằn trọc một mình trong khu cách ly - Ngày lại ngày giữa bốn bề vắng lặng”. Nhưng dù cách ly vẫn không cô đơn bởi có những người thầy thuốc kề bên chăm sóc chu đáo: “Thương lắm các em dậy sớm, thức khuya - Lo cho các anh miếng cơm, bát cháo”. Đó là những con người cũng có những tâm tư riêng: “Nhớ chồng, nhớ con nỗi nhớ đằm sâu - Nhưng cố quên tất cả vì người bệnh - Dù bất kể mưa tuôn gió nắng - Tiếng gọi từ lòng mệnh lệnh trái tim”. Nữ tác giả Mai Hoa chỉ gói gọn trong một từ “Thương” khi viết về những người lính chốt chặn chống dịch: “Cầm hộp cơm lên - Mưa chan chín phần còn một - Đói mệt nhưng anh cố nuốt” trong hoàn cảnh: “Thương các anh chốt chặn ngoài trời đơn sơ lán trại - Hơi nóng bốc lên miền đất hoang hoải”. Có thể nói cuộc ra quân chống dịch lần này là cuộc chiến đấu của cả cộng đồng không chỉ bằng tri thức khoa học y học mà bằng cả đạo lý con người và thơ chống dịch chính mà mạch đập, nhịp đập của dòng máu nhiệt huyết. Tôi thật xúc động khi đọc những vần thơ của người trong cuộc đang chống dịch đó là bác sĩ Vũ Quốc Tuấn trong bài thơ “Nếu anh không về”: “Nếu anh không về trong buổi chiều nay - Em đừng buồn và lo âu quá nhé - Nhớ đón con và động viên cha mẹ - Bởi tổ quốc cần anh chẳng thể ngồi yên - Khi Covid tràn lan đất nước - Anh không thể nghĩ tình riêng”. Ở đây ý thức công dân, ý thức cộng đồng cũng là một vắc-xin vô cùng hiệu quả của những người “Lương y như từ mẫu” .Trong bài thơ “Tin nhắn từ tâm dịch”, Nhà thơ Nguyễn Giúp đã vẽ nên thật sinh động, tươi tắn, trẻ trung, lạc quan yêu đời của người con chống dịch nới với bố: Con đã được nghỉ chưa? - “Giờ cả đoàn mới đang ăn tối ạ” - 21 giờ rồi! - “ Mẫu xét nghiệm còn nhiều, 2 giờ sáng sẽ tạm xong - Ngoài giờ chúng con cười khúc khích -Chuyền tay nhau chai nước chanh leo vắt - Cơm chiều bọn con đánh hết veo”. Và phía sau các anh có một hậu phương vững chắc mà hậu phương đó cũng có thể biến thành chiến trường nếu dịch lan đến. Thế nhưng tấm lòng của những người vợ thủy chung, đảm đang đã là một điểm tựa tinh thần chung nhau chống dịch. Đó là lời động viên của Nguyễn Thị Mai Trâm trong bài thơ “Viết trong ngày giản cách”: “Tháng bảy buồn nên sợi nắng cũng nghiêng - Ngày Covid chậm như hạ chí - Thương nơi đó anh chưa hề ngơi nghĩ - Vẫn căng mình dập tắt dịch lây lan”.
Sống trong vùng tâm dịch Sài Gòn ngày ngày được chứng kến bao hoàn cảnh số phận và “định vị” cả chính mình, nhà thơ - nhà báo khá sắc sảo Lê Thiếu Nhơn có cái tâm trạng “Chiều chiều ngóng tin Covid”: “Trốn tránh đã chồn chân, chống dịch đã mệt nhoài - Ta tập ngồi yên giữa đại dịch toàn cầu - Thinh lặng một giây chờ bão giông một phút - Tự tại một giờ đổi được bao ngày lo âu”. Và thi sĩ bỗng nhận ra một loại Covid khác nữa khi tự hỏi: “Các bệnh từ lòng tham hay căn bệnh từ tội ác - Đám mây cũng lây nhiễm trên trời thói ích kỷ nhân gian”. Với một sự trầm tĩnh điềm đạm của người con xứ Huế mộng mơ nhà thơ Võ Quê đã nói hộ chúng ta về một tình yêu bất diệt, tình yêu con người để chiến thắng đại dịch: “Khi nhiễm dịch dễ thương vong tang tóc - Ta tìm nhau trìu mến thân thương - Những tỵ hiềm, hận thù đối nghịch - Nhờ tình yêu nhân loại đã tan dần”. Thơ chống dịch covid chính là sự rạng ngời một nguồn năng lượng mới lớn lao: Năng lượng tình yêu và tình thương của con người của cả nhân loại.
Hà Tĩnh, tháng 09 năm 2021
N.N.P