07-06-2021 - 08:47

Nguyễn Ái Quốc và sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nguyễn Ái Quốc và sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam” của tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh

       Rạng sáng ngày 01/9/1858, tại bán đảo Sơn Trà, hạm đội Pháp - Tây Ban Nha do tướng Rigault de Genouily chỉ huy đã nổ súng đánh chiếm vịnh Đà Nẵng, mở đầu cho một cuộc viễn chinh của Pháp ở Đông Dương kéo dài gần 80 năm sau đó. Từ đây, Việt Nam từ một đất nước tự do, có hàng ngàn năm văn hiến đã trở thành một dân tộc thuộc địa. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nền độc lập và chủ quyền của dân tộc ta bị xâm phạm, Nhân dân Việt Nam không chỉ bị bóc lột về kinh tế, áp bức về chính trị mà còn phải chịu nỗi đau mất nước. Chế độ phong kiến Việt Nam cùng với hệ tư tưởng Nho giáo ngày càng tỏ ra bất lực trước yêu cầu của công cuộc chống ngoại xâm.

       Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ khắp nơi, từ phong trào Cần Vương, Văn Thân đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế; từ phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân đến phong trào chống thuế ở Trung Kỳ và rất nhiều các cuộc đấu tranh quần chúng dấy lên hết đợt này đến đợt khác nhưng tất cả đều thất bại.

       Nguyên nhân thất bại của các phong trào yêu nước đó là do không có đường lối đúng đắn và thiếu một giai cấp tiên tiến lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo những phong trào ấy đều chưa nhận rõ được nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là phải đánh đổ đế quốc thực dân Pháp, giành lại độc lập và đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, mang lại ruộng đất cho dân cày; chưa nhận rõ lực lượng đông đảo nhất trong Nhân dân là nông dân… Tuy rất khâm phục tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, nhưng Nguyễn Ái Quốc không tán thành với con đường cứu nước mà các cụ đã chọn.

Ngày 05/6/1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ở bến cảng Nhà Rồng

       Trăn trở với vận mệnh đất nước, rút ra nhiều bài học từ các nhà cách mạng tiền bối, ngày 5/6/1911, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định xuống tàu đi sang phương Tây, tìm con đường cứu nước mới. Cũng từ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam gắn chặt với cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Hồ Chí Minh.

       Có thể thấy rằng, quyết định sang nước Pháp của Nguyễn Tất Thành là sự lựa chọn khác biệt, táo bạo, thể hiện một tư duy độc lập và tầm nhìn mới mẻ về hướng đi và con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ.

       Trong khoảng thời gian từ năm 1911 - 1919, Nguyễn Tất Thành đã vừa lao động để kiếm sống, vừa nghiên cứu tình hình xã hội ở các nước thuộc địa, các nước tư bản lớn như Mỹ, Anh, Pháp. Quá trình này giúp cho Nguyễn Tất Thành vừa nâng cao nhận thức về văn hóa, xã hội, về thế giới quan và nhân sinh quan so với khi còn ở trong nước. Người đã tìm hiểu kỹ các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Người đánh giá cao tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và quyền con người của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu như Cách mạng Mỹ (1776), Cách mạng Pháp (1789)… nhưng cũng nhận thức rõ những hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc khẳng định con đường cách mạng tư sản không thể đưa lại độc lập và hạnh phúc cho Nhân dân các nước nói chung, Nhân dân Việt Nam nói riêng.

       Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Người rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”. Năm 1918, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng xã hội Pháp và trở thành người Việt Nam đầu tiên tham dự một chính đảng tại Pháp. Kể từ đây, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu những hoạt động chính trị trực tiếp để tìm ra con đường giải phóng đất nước.

       Tháng 6 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc cùng với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường viết bản Những yêu sách của Nhân dân An Nam gồm tám điểm, gửi Hội nghị Véc Xây nhằm kêu gọi các nước giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, nhưng không được hội nghị xem xét. Bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Phân tích cách mạng tư sản Mỹ 1776 và cách mạng tư sản Pháp 1791, Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận: “Tư bản nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến rồi thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân. Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.

       Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận Bản Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê Nin qua báo Nhân đạo. Trong hai ngày, 16 và 17/7/1920, lần đầu tiên ở Pháp, báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội, cho công bố toàn văn tác phẩm quan trọng của Lê Nin: “Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”… Tác phẩm này của Lê Nin đã làm cho Nguyễn Ái Quốc vô cùng xúc động, tin tưởng và vui mừng đến rơi lệ: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

       Từ đó Nguyễn Ái Quốc đứng hẳn về lập trường của những người chủ trương gia nhập Quốc tế thứ ba trong Đảng xã hội. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (12/1920) Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Cũng từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã chính thức từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, mở ra một con đường mới cho cách mạng Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

       Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa đã giúp Nguyễn Ái Quốc lý giải được nguyên nhân thất bại của các phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, đồng thời nhận thức được con đường đi của cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản. Có thể nói, Nguyễn Ái Quốc là một trong số ít các nhà yêu nước đầu tiên ở các nước thuộc địa tiếp thu được ánh sáng từ bản Luận cương của V.I. Lê Nin, nhận thức và nắm bắt được xu hướng phát triển của thời đại mới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Cũng từ đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực, hướng mọi hoạt động, kiên trì và quyết tâm truyền bá lý luận Mác - Lênin, tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về nước, tiến hành cuộc vận động đấu tranh giải phóng dân tộc theo đường lối cách mạng vô sản. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Còn trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người giảng giải: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Ai là những người cách mệnh? “Vì áp bức mà sinh ra cách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh cành bền, chí cách mệnh càng quyết”. Dân chúng công nông là gốc cách mệnh, tư bản là hoạt đầu… Đàn bà trẻ con cũng giúp làm cách mệnh được nhiều. Có thể thấy, tư tưởng xuyên suốt trong hai tác phẩm Bản án chế độ thực dân PhápĐường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc đó là kêu gọi sự thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

       Về đoàn kết quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ, cách mạng Việt Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. “Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân Việt Nam”. Nguyễn Ái Quốc nêu 3 vấn đề lớn: Cách mạng Việt Nam phải đứng hẳn về phía phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc thế giới để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa trên thế giới; xác định rõ quan hệ lợi ích dân tộc và cách mạng thế giới, giữa quyền lợi và trách nhiệm, sự thống nhất của quan hệ này; xác định rõ quan hệ cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc là tác động qua lại. Cách mạng thuộc địa không thụ động ngồi chờ cách mạng chính quốc. “Không có con đường nào giải phóng dân tộc ngoài con đường của chủ nghĩa xã hội, con đường của cách mạng tháng Mười Nga”. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê - Nin”.

       Như vậy, dưới ánh sáng soi đường của Quốc tế cộng sản, của Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa do Lê Nin vạch ra, và dưới ảnh hưởng trực tiếp của cuộc đấu tranh thành lập Đảng Cộng sản Pháp, chân lý cách mạng của thời đại, đã dần sáng tỏ, từng bước được khẳng định vững chắc trong nhận thức của Nguyễn Ái Quốc. Đó chính là bước chuyển biến quan trọng, quyết định về chất trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc.

       Sau một thời gian dài chuẩn bị, đến ngày 27/10/1929, khi Quốc tế Cộng sản gửi những người Cộng sản Đông Dương tài liệu về việc thành lập một Đảng Cộng sản Đông Dương, thì Nguyễn Ái Quốc đã rời Xiêm để đến Trung Quốc, chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (18/2/1930). Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng tôi họp vào ngày 6/1… Các đại biểu trở về An Nam ngày 8/2”. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ đây. Về sau lấy ngày 3/2 hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

       Bằng những hoạt động lý luận, thực tiễn thiết thực và đúng hướng ở Pháp, ở Liên Xô và Trung Quốc; từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chân lý cho cách mạng Việt Nam, dần đưa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam ra khỏi tình trạng khủng khoảng kéo dài về lãnh đạo cũng như hướng dần nó vào quỹ đạo của phong trào vô sản thế giới.

       Thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam sau năm 1930 cho thấy: Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản theo tư tưởng Cách mạng tháng Mười Nga, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn sáng suốt, duy nhất đúng đắn. Qua các chặng đường cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã lãnh đạo toàn dân vượt qua những thử thách cam go của lịch sử, chiến thắng đế quốc, thực dân. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống Pôn Pốt, chống Trung Quốc xâm lược… là thắng lợi thắng lợi của trí tuệ và bản lĩnh của Nhân dân Việt Nam, của khát vọng và ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

       Năm 2021, tròn 110 năm ngày Bác Hồ rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), đây là sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu một thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam đã gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn lại thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam kể từ năm 1930 đến nay cho phép chúng ta khẳng định, sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản theo tư tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là sự lựa chọn sáng suốt, duy nhất đúng. Vai trò tìm đường, mở đường và dẫn đường của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hướng dân tộc, cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác mãi mãi được lịch sử dân tộc, Nhân dân Việt Nam và thế giới ghi nhận, tôn vinh.

N.T.L

 

Tài liệu tham khảo: Mai Văn Bộ (2011), Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, Hà Nội; E. Cô-bê-lép (1985), Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, Liên Xô; Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; Nguyễn Ái Quốc (1976), Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb Sự thật, Hà Nội; Nguyễn Ái Quốc (1982), Đường Cách mệnh, Nxb Sự thật, Hà Nội; Nguyễn Ái Quốc (2020), Nhật ký trong tù, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

. . . . .
Loading the player...