22-04-2025 - 23:05

Nguyễn Tiến Chương - Trần Quang Đạt với công tác văn hóa, văn nghệ Hà Tĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số đặc biệt 223+224/2025 trân trọng giới thiệu bài viết “Nguyễn Tiến Chương - Trần Quang Đạt với công tác văn hóa, văn nghệ Hà Tĩnh” của tác giả Phạm Quang Ái.

 

Cố Bí thư Nguyễn Tiến Chương (1920 – 2022), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (1972 – 1976) và nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1976 – 1981) và cố Chủ tịch Trần Quang Đạt (1927 – 2007), nguyên Chủ tịch UBHC tỉnh Hà Tĩnh (1972-1976) và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (1979-1983) là hai chính khách nổi tiếng không chỉ ở xứ Nghệ, nổi tiếng không chỉ vì có nhiều chính tích tốt đẹp mà còn vì tầm vóc văn hoá của hai ông được thể hiện trong sự quan tâm sâu sắc đối với công tác văn hóa, văn nghệ và trí thức, văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Hai ông đều là những người tham gia công tác cách mạng và kháng chiến từ những ngày đầu của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như thời kỳ xây dựng và bảo về đất nước sau năm 1975, hầu hết thời gian hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của hai ông đều gắn bó với quê hương. Trên từng chặng đường trưởng thành, phát triển, các ông đã để lại một sự nghiệp chính trị phong phú, đa dạng với nhiều cống hiến nổi bật, để lại cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh/Nghệ Tĩnh, đồng chí, đồng nghiệp nhiều dấu ấn sâu sắc.

Sinh ra và lớn lên trên quê mẹ (Nha Trang, Khánh Hòa), nhưng ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Tiến Chương đã trở về quê cha (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tham gia sự nghiệp kháng chiến kiến quốc trong lực lượng vũ trang địa phương. Năm 1946, ông được giao làm công tác tuyên truyền, huấn luyện cho dân quân tự vệ xã Cấp Đình (nay là xã Phong Bắc, huyện Kỳ Anh); năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử làm cán bộ Việt Minh huyện, phụ trách đội tuyên truyền kháng chiến của huyện và sau đó làm bí thư chi bộ và chính trị viên đại đội du kích tập trung huyện Kỳ Anh. Đầu năm 1948, ông được Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ định là huyện đội trưởng huyện đội Kỳ Anh, Ủy viên Ủy ban kháng chiến và ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, phụ trách công tác quân sự. Năm 1950, ông được Tỉnh ủy Hà Tĩnh điều ra làm Tỉnh đội phó; đến năm 1951, trúng cử Tỉnh ủy viên dự khuyết, ông được Bộ Tư lệnh Liên khu IV cử làm Tỉnh đội trưởng. Cuối năm 1953, ông lại được điều lên làm Tham mưu phó Quân khu IV và trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, ông được chỉ định về phụ trách quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1955, ông được chỉ định làm Trưởng phòng Dân quân Bộ Tư lệnh Quân khu IV, phái viên quân sự của quân khu bên cạnh Ủy ban Cải cách ruộng đất Liên khu IV.

Như vậy là suốt trong chín năm chống Pháp, cố Bí thư Nguyễn Tiến Chương chủ yếu là hoạt động trong công tác quân sự địa phương. Nếu không có một sự cố bất như ý xảy ra thì có lẽ cuộc đời ông sẽ gắn bó với binh nghiệp và sẽ có một sự thăng tiến cao trong quân đội nhân dân Việt Nam. Biến cố đó là cuối năm 1955, ông bị quy sai trong công tác chỉnh đốn tổ chức ở Hà Tĩnh và bị bắt giam. Sau khi được sửa sai và phục hồi, ông chuyển qua hoạt động trong công tác Đảng và Chính quyền địa phương. Từ năm 1956 – 1975, qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, ông đều trúng cử Tỉnh ủy viên, lần lượt được phân công giữ các chức vụ như Ủy viên Thường trực Đảng, Phó Bí thư trực Đảng, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC tỉnh Hà Tĩnh (1967 – 1972), Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (1972 – 1975) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1976-1981). Từ lúc nghỉ hưu (1981) đến năm 2012, hơn 30 năm ông vẫn liên tục tham gia cống hiến cho công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể nơi cư trú.

Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, được trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Trong quá trình công tác, đặc biệt là ở cương vị lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy và chính quyền địa phương, cố Bí thư Nguyễn Tiến Chương luôn dành tâm huyết,  sự quan tâm sâu sắc trên nhiều lĩnh vực công tác. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và trí thức, văn nghệ sĩ, ông rất quan tâm và thấu hiểu, ở cả hai phương diện công tác và đời thường. Qua hồi ức của những cán bộ, đồng chí gần gũi ông như cố Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Ký, cố Trưởng Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh/Nghệ Tĩnh Võ Hồng Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu, cố học giả Thái Kim Đỉnh, cựu nhà giáo Nguyễn Văn Hoàn – nguyên cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh/Nghệ Tĩnh (1973-1977), PGS.TS Lê Quốc Hán,… chúng ta thấy được tình cảm sâu nặng, sự quan tâm sát sao của cố Bí thư Nguyễn Tiến Chương đối với lĩnh vực văn hóa – giáo dục, văn học nghệ thuật và những nhân vật tiêu biểu trong các lĩnh vực này.

Trong nhiều lần được tiếp xúc với các ông Võ Hồng Huy, Thái Kim Đinh lúc sinh thời, tôi từng được nghe các ông nói về cố Bí thư Nguyễn Tiến Chương bằng những nhận xét đầy thán phục. Trên cương vị của một lãnh đạo chủ chốt, cố Bí thư Nguyễn Tiến Chương luôn giữ vững lập trường, nguyên tắc nhưng trong xử lý, trao đổi công việc ông luôn linh hoạt và hết sức thấu tình đạt lý. Tuy là một cán bộ chính trị cao cấp nhưng do có một trình độ học vấn ban đầu tương đối vững vàng và một vốn tự học, vốn kinh nghiệm phong phú lại có một tâm hồn thi sĩ nên ông Nguyễn Tiến Chương có tầm văn hóa cao trong định hướng lãnh đạo và ứng xử giàu chất nhân văn. Trong sách Nguyễn Tiến Chương – cuộc đời và sự nghiệp (NXB Đà Nẵng 2022), qua hồi ức của cựu nhà giáo Nguyễn Văn Hoàn và PGS.TS Lê Quốc Hán, chúng ta được biết cụ thể hơn về sự quan tâm đó của ông. Đó là việc ông trực tiếp làm trưởng đoàn đi khám phá thác Vũ Môn để tìm hiểu về tiềm năng thủy điện và tiềm năng văn hóa – du lịch của cảnh quan này; hoặc là việc ông quan tâm đến sự bồi dưỡng nhân tài cho ngành giáo dục, kiên trì tìm mọi giải pháp để giúp thầy giáo Lê Quốc Hán, một người rất giỏi môn Toán, được giải thoát những ràng buộc về lý lịch để được tiếp tục học tập, nghiên cứu ở môi trường đại học.

Đồng chí Nguyễn Tiến Chương tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn kiểm tra công trình Hồ Kẻ Gỗ, năm 1979. Ảnh: Tư liệu

Ông Nguyễn Tiến Chương không chỉ là một cán bộ chính trị cao cấp luôn kiên trì phấn đấu cho lý tưởng cách mạng vì dân vì nước mà ông còn là một trí thức có tâm hồn nghệ sĩ thanh cao chan chứa tình cảm nhân văn. Bình sinh dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn luôn dành thời gian để thả hồn mình trong thơ ca. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, trong bài viết “Người viết thơ lên xanh biếc Lam Hồng” đề tựa cho tập thơ Quê hương (NXB Văn học, 2010) của Nguyễn Tiến Chương, nhận xét: “Thơ là người, tôi nhận ra trước hết ở ông sục sôi tinh thần cách mạng, tâm huyết một cách hiếm có, một người lạc quan, tin tưởng, phơi phới sức xuân, sức sáng tạo và rất có tầm chiến lược…ở Nguyễn Tiến Chương, có một điều đặc biệt là trọng tình bạn, trọng nghệ sĩ, hay nói một cách khái quát hơn là biết trọng hiền tài. Và thủy chung tình nghĩa” (Sách đã dẫn, tr.7-10). Trong thơ ông, có khá nhiều những bài thơ Đường luật thù phụng, tặng đáp với những người bạn trí thức, văn nghệ sĩ như Nguyễn Tài Đại, Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh. Đáng chú ý là bài thơ “Đến chơi nhà anh Thái Kim Đỉnh” (Sách đã dẫn, tr.92), viết năm 1983, vừa chan chứa một tình cảm thương yêu, quý trọng bạn văn vừa pha nỗi ngậm ngùi, trăn trở trước cảnh nghèo của một văn nghệ sĩ đầy cốt cách.

Mặc dù là một chính khách lão luyện trường đời với một tầm văn hóa đáng nể và thường xuyên quan tâm sâu sát đến trí thức, văn nghệ sĩ nhưng ông Nguyễn Tiến Chương chỉ thể hiện tình cảm của mình trong thơ, còn trong công tác lãnh đạo, ông luôn tôn trọng lĩnh vực công tác của họ một cách tế nhị, ít khi bộc lộ thái độ hoặc can thiệp trực tiếp.

Tương phản với phong cách làm việc trầm ổn, điềm tĩnh của cố Bí thư  Nguyễn Tiến Chương là phong cách làm việc việc hăng hái, xông xáo của cố Chủ tịch Trần Quang Đạt. Cũng trưởng thành từ cơ sở, Trần Quang Đạt tham gia cách mạng và kháng chiến từ những năm đầu, 1945 - 1946, trải qua nhiều lĩnh vực công tác, khi tham gia phong trào thanh niên cứu quốc địa phương, khi làm công binh xưởng, khi tham gia công tác vận tải phục vụ chiến trường chống Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông trở về Hà Tĩnh làm Trưởng ty thủy lợi, trưởng ty giao thông. Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông được giao làm Trưởng Ban đảm bảo giao thông phục vụ chiến trường miền Nam. Đỉnh cao công tác của ông là làm Chủ tịch UBHC tỉnh Hà Tĩnh (1972 – 1976) và Chủ tịch UBND Nghệ Tĩnh (1976-1983). Điểm nổi bật ở ông Trần Quang Đạt là dù được giao bất cứ công tác gì, khó khăn hay thuận lợi, ông đều xông lên tuyến đầu, bất chấp gian khổ, hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một cách sáng tạo.

Về công tác văn hóa – giáo dục, văn học nghệ thuật, cố Chủ tịch Trần Quang Đạt cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Trong hồi ký của cố Chủ tịch Trần Quang Đạt, có một số tư liệu, tuy không nhiều nhưng rất quan trọng, nói về kỷ niệm sâu sắc của ông với trí thức, văn nghệ sĩ. Về quan điểm, thái độ, tấm lòng đối với văn nghệ sĩ, ông gói gọn trong một lời tâm sự giản dị: “Tôi rất quý trọng anh em văn nghệ sĩ” và kể lại những “pha” ứng xử rất văn hoá, rất thấu tình đạt lý giữa ông với họ. Đó là chuyện nhà viết kịch Thế Kỷ, vì bất mãn với lãnh đạo Ty Văn hoá nên bỏ đi buôn. Ông đã dành nhiều đêm ngồi tâm sự với nhà viết kịch giữa cánh đồng xã Thạch Vĩnh (nơi các cơ quan tỉnh đóng thời chiến tranh) để động viên Thế Kỷ trở về với sự nghiệp sáng tác. Khi kịch tác gia Phan Lương Hảo sáng tác hai vở kịch thơ về Phan Đình Phùng và Mai Thúc Loan đã gặp một số khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, ông đã động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tác giả có đủ nghị lực kiên trì hoàn thành hai tác phẩm quan trọng nói trên. Và đó cũng là hai tác phẩm góp phần xứng đáng cho Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà kịch tác gia Phan Lương Hảo được truy tặng vào năm 2013. Về sau, khi cả hai vị đã về hưu, trong một bài thơ hoạ lại bài thơ của ông Đạt có nhan đề là Tình bạn thương nhớ mèo (ông Đạt sinh năm 1927, tuổi Đinh Mão, nên mới lấy nhan đề bài thơ tự hoạ ngày xuân như thế), ông Hảo viết bài thơ Nhớ ơn mèo để họa lại, trong đó, có hai câu kết rất ý nghĩa:

Sớm tối giúp dân lo diệt chuột,

Làng văn, nhà báo nhớ ơn mèo

Đó còn là kỷ niệm sâu sắc của Tiến sĩ Sinh học Nguyễn Thái Tự - giảng viên Khoa Sinh Trường Đại học Vinh, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình nghiên cứu ngư loại học. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự kể, Cố Chủ tịch Trần Quang Đạt là người đã tận tình giúp ông săn tìm loại cá chình rất quý hiếm có ở hang Xai Phố trên sông Ngàn Phố để làm vật mẫu nghiên cứu. Rồi chuyện Cố Chủ tịch Trần Quang Đạt giúp nhà nhà Nghệ Tĩnh học nổi tiếng Ninh Viết Giao trong sự nghiệp sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian. PGS Ninh Viết Giao cho biết “Nếu không có cụ Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, thì tôi sẽ không có thành tựu sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian xứ Nghệ. Và nếu không có ông Trần Quang Đạt, thì tôi đã không có cơ hội để được nhà nước phong chức danh PGS”.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động thể hiện trách nhiệm, ân tình của Cố Chủ tịch Trần Quang Đạt đối với trí thức, văn nghệ sĩ. Nhưng cảm động nhất vẫn là việc ông, lúc bấy giờ đang là Chủ tịch UBHC tỉnh Hà Tĩnh, chịu trách nhiệm điều hành trăm công ngàn việc của một địa phương vừa trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt và đang bước vào một thời kỳ xây dựng đất nước cực kỳ sôi động và cũng rất phức tạp, đã bỏ ra nhiều ngày để trực tiếp “phục vụ” nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác được những “bài hát đi cùng năm tháng” về quê hương xứ sở như các bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và bài “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, những bài hát mà đến nay nếu không có chúng thì quê hương núi Hồng sông La có lẽ sẽ không được nổi tiếng như vậy. Ông không chỉ tạo mọi điều kiện vật chất cho vị nhạc sĩ tài danh đi thực tế mà với những hiểu biết sâu sắc truyền thống lịch sử - văn hoá cũng như thực tiễn địa phương lúc bấy giờ, đã phân tích, góp ý tận tình để nhạc sỹ cảm nhận được thấu đáo văn hóa truyền thống và hiện thực cuộc sống tỉnh nhà; thậm chí, với ít nhiều tư chất nghệ sĩ, ông còn thẳng thắn góp ý cho nhạc sỹ về ca từ. Rõ ràng, nếu không có sự tận tâm của Cố Chủ tịch Trần Quang Đạt thì chắc chắn quê hương Hà Tĩnh đã không có được những nhạc phẩm nổi tiếng nói trên. Nhưng cũng vì sự tận tâm đó mà ông đã bị một số đồng chí trong ban lãnh đạo UBND tỉnh lúc bấy giờ đưa ra chất vấn, kiểm điểm ông rằng: “Chủ tịch tỉnh mà không lo làm kinh tế lại đi lo văn nghệ”. Ông đã phản bác lại đồng sự, đồng chí để bảo vệ quan điểm của mình: “Kinh tế đã có tập thể lãnh đạo Uỷ ban lo, tất nhiên Chủ tịch cũng phải lo, nhưng văn nghệ thì dù ta cố gắng mấy cũng không sáng tác được.”

Việc tạo điều kiện thuận lợi để Cố Nhạc sĩ Nguyền Văn Tý sáng tác hai nhạc phẩm để đời là “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, được Cố Chủ tịch Trần Quang kể lại trong hồi ký như sau: “... Khi thấy tôi tỏ ra ưu ái với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, thì hai Phó Chủ tịch đã kiểm điểm tôi rằng là không lo làm kinh tế lại đi lo cho văn nghệ. Tôi bảo vệ quan điếm của mình là kinh tế đã có tập thể ủy ban lo, tất nhiên Chủ tịch cũng phải lo nhưng văn nghệ thì dù ta cố gắng mấy cũng không thể sáng tác được. Trong khi đó các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình đều có bài hát của tỉnh mà Hà Tĩnh lại chưa có. Sau đó, qua nhiều lần trao đổi, bàn bạc góp ý, bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” được cuộc sống chấp nhận. Bè bạn yêu cầu phải có phần thưởng xứng đáng cho nhạc sĩ. Tôi đưa vấn đề ra và Ủy ban tỉnh đã quyết định giao cho ngành văn hoá tổ chức khen thưởng. Sau đó, nghe tin Ty Văn hoá không tổ chức lễ trao thưởng mà đã trao tay, tôi bực vô cùng. Nhưng việc đã rồi, tôi phải gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý động viên, thông cảm và mời anh ở lại chơi. Nể lời tôi, anh ở lại đi thăm công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ. Vào công trường, chứng kiến cuộc sổng sôi nổi, khí thế hăng say lao động, anh quyết định ở lại sáng tác. Bài hát mà anh khởi thảo sáng tác đầu tiên có nhan đề là “Em đi làm thuỷ lợi”, nghe xong tôi đã không đồng tình với nhan đề bài hát cũng như một số chi tiết trong ca từ. Tôi trao đổi vớt anh về câu hát mở đầu và cũng là tên bài hát là “Em đi làm thuỳ lợi” sẽ lặp lại tên bài hát “Em đi làm tín dụng” mà anh đã sáng tác từ năm 1971. Anh Tý do dự. Sau đó, khi nghe mấy bài thơ về Kẻ Gỗ, anh xóa bản thảo cũ, sáng tác bài mới với nhan đề là “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Bài hát mới được hát lên để nhiều người cùng nghe thử, số đông rất đồng tình nhưng anh Xuyên Hải, Phó Văn phòng Ủy ban tỉnh nhận xét là thiếu không khí Xô-Viết, anh Tý chấp thuận và phải mất mấy ngày để sửa chữa, bổ sung mới. Đó là những câu như: “Nghệ Tĩnh mình ơi Sông Lam rọi núi Hồng/ Bạn về theo bạn đàọ núi ngăn sông/ Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục,…”. Và bài hát ấy đã đáp ứng mong đợi của bao người.”[1]

Sau này, khi đã cao tuổi, bồi hồi nhớ lại những năm tháng ấy, cố nhạc sĩ đã kể lại: “Tôi nhớ lúc đó ông Trần Quang Đạt, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, mời tôi đến thăm công trình hồ Kẻ Gỗ. Dù lúc đó cũng bận rộn công việc nhưng tôi sắp xếp đi ngay” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhớ lại và cho biết lúc đó ông 51 tuổi, cùng gắn bó với hàng vạn con người làm hồ Kẻ Gỗ trong một tháng trời. Chính từ sự thấu hiểu, cảm phục sức người phá đá đào sỏi, nhạc sĩ đã viết Người đi xây hồ Kẻ Gỗ với những ca từ vừa đẹp đẽ vừa mạnh mẽ.

Để có cảm hứng sáng tác, ban ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quan sát công trình, tối đến cùng anh em trong đoàn văn công trải chiếu ngủ ngay dưới thềm một ngôi chùa. Chủ tịch tỉnh đến thăm, thấy chỗ ngủ không được tốt thì bảo ông ra nghỉ khách sạn nhưng ông từ chối vì ông thấy thích ở đây hơn bởi được gần gũi mọi người, được hiểu hơn về việc xây hồ Kẻ Gỗ, về cuộc sống sinh hoạt của bà con nông dân... Theo như bộc bạch của ông, ca từ bài hát phải sát với thực tế của mảnh đất, con người nơi đây mới dễ đi vào lòng người. Đến giờ, dù tuổi tác sắp phản bội trí nhớ nhưng ông vẫn nhớ như in cảnh vật ngày ấy: “Họ đi thành từng đoàn, từng tốp, cùng nhau làm việc, nói cười. Nhiều cảnh tượng làm tôi xúc động, nhất là trên công trường nắng chang chang họ luôn tranh thủ làm việc để việc xây hồ hoàn thành đúng hạn”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho biết trong đời ông, đó là lần đầu tiên chứng kiến sức người được huy động tối đa cho một công trình xây dựng có ý nghĩa to lớn như thế…”[2]

Sinh thời, từ thực tiễn hoạt động cách mạng, từ cái tâm lớn với đời, từ cái tầm cao xa của nhận thức, cố Chủ tịch Trần Quang Đạt đã thấm nhuần từ trong máu thịt rằng, trí thức, văn nghệ sĩ là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, dân tộc, nên phải có sự biệt đãi xứng đáng để họ có thể cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn thế, trí thức, văn nghệ sĩ là những người có tâm hồn, cốt cách đặc biệt, họ rất nhạy cảm nên cũng rất dễ bị tổn thương tâm lý, tư tưởng. Vì thế, đối đãi với họ phải rất thành tâm và tế nhị, phải ứng xử thấu tình đạt lý thì mới làm họ tâm phục và khơi được nguồn sáng tạo mạnh mẽ ở họ. Nếu chỉ dùng quyền thế, mệnh lệnh một cách cứng nhắc thì dễ làm thui chột nhân tài, thậm chí khiến họ bất mãn, quay ra chống đối, hoặc phản ứng tiêu cực, gây bất lợi cho xã hội. Quan điểm chính trị thấm đẫm chất nhân văn và tấm lòng tử tế nói trên của cố Chủ tịch Trần Quang Đạt đối với trí thức, văn nghệ sĩ tuy không được ông phát biểu trực tiếp nhưng thể hiện đậm nét trong những mẫu chuyện ứng xử của ông đối với họ.

Cố Chủ tịch Trần Quang Đạt không chỉ đối đãi với trí thức, văn nghệ sĩ với tư cách là một chính khách có tầm văn hoá mà còn rất “cận nhân tình” với họ ở tư cách một người am hiểu văn chương và có tâm hồn nghệ sĩ. Ông đọc khá nhiều tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm văn học dịch như Người mẹ, Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Đội cận vệ thanh niên, Tuyển tập truyện ngắn Lỗ Tấn, Rừng thẳm tuyết dày, Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Paris, Ruồi trâu,Thơ Maiacopxki, Thơ Puskin, Thơ Đường,.. Ông còn biết làm thơ, về già còn tập làm thơ Đường luật để xướng hoạ với bạn bè và giải bày tâm sự. Thời chiến tranh chống Mỹ, khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBHC tỉnh kiêm Trưởng Ban Đảm bảo giao thông, ông đã làm thơ về các cô thanh niên xung phong đập đá vá đường. Bài thơ khá hay và đã gợi hứng cho nhạc sỹ Ánh Dương sáng tác nên nhạc phẩm nổi tiếng Chào em cô gái Lam Hồng. Thời hoạt động sôi nổi nhất của ông Trần Quang Đạt, từ trung ương cho đến địa phương, có nhiều cán bộ lãnh đạo biết sáng tác văn chương và am hiểu sâu sắc hoạt động văn nghệ. Họ sáng tác hay phê bình văn nghệ đều vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và để có điều kiện thuận lợi nhất cho việc lãnh đạo tốt công tác văn nghệ phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến kiến quốc. Không ai trong các chính khách thời ấy, lấy việc sáng tác văn nghệ hoặc việc gần gũi, hiểu biết hoạt động văn nghệ và văn nghệ sĩ, trí thức để làm sang cho bản thân, để đánh bóng bản thân mình. Dường như, những cán bộ chân chính nhất thời đó đều thấu hiểu rằng, chính từ văn nghệ và thông qua những ý kiến phản biện của trí thức, văn nghệ sĩ, chính trị sẽ có “kênh” tốt nhất để có thể tiếp cận sâu sắc thực tiễn sinh động cuộc sống, góp phần quan trọng cho sự ra đời những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử - văn hoá cụ thể của xã hội.

Ngày nay, một số người có thể cho rằng, giá trị của các di sản văn nghệ thời trước đổi mới, bây giờ đã bộc lộ giới hạn, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, văn nghệ thời đó đã xứng tầm với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta. Sự khai phóng để trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh chặng đường 50 năm qua vươn lên phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng, có công lao và tâm đức không nhỏ của những chính khách như cố Bí thư Nguyễn Tiến Chương và cố Chủ tịch Trần Quang Đạt.

P.Q.A

______________

 

1. Ninh Viết Giao – Phạm Quang Ái – Nguyễn Thanh Tùng, Trần Quang Đạt một thời để nhớ, NXB Nghệ An, 2011, tr. 139;

2. https://tuoitre.vn/bai-hat-mot-thoi-cua-nguyen-van-ty-1263568.htm

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nhiều tác giả, Nguyễn Tiến Chương – cuộc đời và sự nghiệp, NXB Đà Nẵng, 2022;

2. Nguyễn Tiến Chương, Quê hương (tập thơ), NXB Văn học, HN, 2010;

3. Ninh Viết Viết Giao – Phạm Quang Ái – Nguyễn Thanh Tùng, Trần Quang Đạt một thời để nhớ, NXB Nghệ An, 2011

. . . . .
  00:00           
00:00
 
00:00