Tuyển sách "Những gương mặt nhà văn Hà Tĩnh" trân trọng giới thiệu chân dung Nhà văn Đức Ban, sinh năm 1949, quê quán Can Lộc - Hà Tĩnh. Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà văn Đức Ban
Họ và tên khai sinh: Phạm Đức Ban
Ngày tháng năm sinh: Ngày 10/01/1949
Quê quán: Xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
Dân tộc: Kinh;
Hiện thường trú tại: Số 125, Đường Nguyễn Du, T.p Hà Tĩnh
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990.
* Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác:
Năm 1966 tốt nghiệp trường cấp 3 Can Lộc, rồi về quê làm ruộng. Năm 1972 đi Thanh niên xung phong , làm ở phòng Tuyên huấn, Tổng đội 299.P18. Từ năm 1974 đến 1982, cán bộ Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh rồi Nghệ Tĩnh . Năm 1983 vào học Khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. Sau đó về biên tập và sáng tác văn học tại Hội VHNT Nghệ Tĩnh. Từ 1991 đến 2005 làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội VHNT Hà Tĩnh kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh. Từ năm 2005 đến 2009 làm Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh. Năm 2009 nghỉ hưu theo chế độ và sinh sống tại phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh.
* Tác phẩm chính đã xuất bản:
Mưa rừng (Tập Truyện ngắn; in chung); Hội VHNT Hà Tĩnh; 1975; Hoa cúc vàng (Tập truyện thiếu nhi; NXB Kim Đồng; 1985; Tái bản năm 2000); Những tiếng chim (Tập truyện thiếu nhi; NXB Thuận Hóa; 1986); Sương mù chưa tan (Truyện vừa; NXB Văn hóa Dân tộc; 1986); Nơi có chuyện cổ tích (Tập Truyện ngắn; NXB Nghệ An; 1988); Trăng vỡ (Tiểu thuyết; NXB Hội Nhà văn; 1992; Tái bản 2003); Đêm thức (Tập Truyện ngắn; NXB Văn học; 1994); Cây cải lên trời (Tập Truyện ngắn; NXB Hội Nhà văn 1997); La Sơn Nguyễn Biểu (Kịch dài; NXB Sân khấu; 2003); Mạng nhện bạc (Tập Truyện vừa (NXB Hội Nhà văn; 2003); Khúc hát ngày xưa (Tập Truyện ngắn; NXB QĐND; 2004); Chuyện vẫn còn (Tập Truyện ngắn; NXB Hội Nhà văn; 2005); Con Mèo mun (Tập Truyện Thiếu nhi chọn lọc; NXB Kim Đồng; 2007); Đức Ban - Truyện ngắn và Truyện vừa chọn lọc; NXB Hội Nhà văn; 2008); Đức Ban Tác phẩm chọn lọc; NXB Hội Nhà văn 2009); Lửa Ngàn sâu (Kịch dài; NXB Sân khấu; 2012); Giọt nước mắt màu đất (Tập Truyện ngắn; NXB Hội Nhà văn; 2014); Người thân thương - (Tập chân dung nhà văn; NXB Hội Nhà văn, 2018).
* Giải thưởng văn học:
- 4 Giải A, 1 giải C Giải thưởng VHNT Nguyễn Du của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh và tỉnh Hà Tĩnh; 1 Giải A, 1 Giải C - Giải thưởng Ủy ban Trung ương Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; Giải B Truyện ngắn Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016.
Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Nhà văn của những kiếp ba đào thời hiện đại” của Nhà lý luận phê bình Văn Giá được rút từ tuyển sách “Những gương mặt” Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2019.
NHÀ VĂN CỦA NHỮNG KIẾP BA ĐÀO THỜI HIỆN ĐẠI
1. Cầm trên tay tập truyện ngắn của Đức Ban, người đọc bị giữ lại ngay lập tức bởi cái tựa đề: “Giọt nước mắt màu nâu đất”. Như một thúc đẩy, không thể không đọc ngay vào cái truyện ngắn mà tác giả lấy làm tên của cả tập truyện. Đọc sâu vào văn của Đức Ban, thì hóa ra tất cả các truyện của ông đều tập trung phát hiện và miêu tả những số kiếp ba đào của thời hiện đại, của thời hôm nay, thời mà tất cả chúng ta đang cùng chung sống, cùng tham gia vào việc kiến tạo cả những cái hay và cái dở của đời sống này. Toàn những kiếp sống đa đoan khủng khiếp.
Hãy bắt đầu bằng câu chuyện Giọt nước mắt màu nâu đất. Bố con ông lão gắn bó với cái làng ven biển, một ngôi làng linh thiêng, nơi có đến thờ Mẫu, cô con gái xinh đẹp. Rồi đùng một cái, khu công nghiệp dựng lên. Làng tan hoang theo nghĩa đen. Hình dáng đổi thay. Lòng người rạn nứt. Dân cư chao đảo. Hàng loạt các thân phận nổi chìm. Cô con gái của ông lão bỏ đi theo người nước ngoài. Kết thúc tác phẩm là một khung cảnh khốc liệt: cơn sóng thần đã cuốn phăng toàn bộ khu công nghiệp mới thành hình, ông lão cũng bị cơn sóng cuốn trôi, tử nạn… Ở hầu hết các truyện của Đức Ban đều có những thân phận nổi chìm, thậm chí có một đời sống khốc liệt. Truyện Sóng biển Duềnh dựng lên thân phận một nhân vật vốn là viên quan chức cao cấp đầu tỉnh, về sau bị sập bẫy giữa chính trường, khi trở về già như một kẻ tàn phế, cô độc… Nhân vật Hân trong Thăm thẳm rừng xanh dữ dội không kém. Từ một anh cán bộ văn hóa vùng biên “đảo ngũ”, trở thành một ông chủ lừng danh, sau nhanh chóng trở thành một kẻ thân tàn ma dại. Kết cục, không chịu được cảnh bị vợ làm nhục, nhân vật đã tìm đến cái chết vào đúng lúc vợ đang cùng chúng bạn hoan hỉ tưng bừng tại nhà mình… Nhìn chung, không một truyện nào của Đức Ban lại quên xoáy vào nhận diện và miêu tả loại người ba đào chìm nổi này. Đó là một lựa chọn riêng của Đức Ban. Lựa chọn nào, làm nên phong cách ấy. Đức Ban đã quen hơi bén tiếng với những nổi chìm khốc liệt của đời sống này, nên, như một nhất quán, ngòi bút của anh cứ phải tìm về với những nhân vật ba đào, chìm nổi, đa đoan như vậy. Không có nhân vật nào trong trang văn Đức Ban có được một đời sống vuông tròn an lạc cả. Đức Ban là nhà văn của những số kiếp ba đào.
Khi dựng lên các nhân vật này, nhà văn không quên miêu tả cái môi trường mà nhân vật tồn tại, hoạt động trong đó. Về điểm này, nhà văn hết sức nhất quán: ông lựa chọn miêu tả những không gian sinh tồn theo hướng bể dâu, nghĩa là thay đổi bất trắc, khó lường. Không gian trong Nước mắt màu nâu đất thì đã rõ. Không gian trong truyện Chốn xưa tiêu biểu cho đặc điểm này. Từ một ngôi làng có thật trong quá khứ, nằm ở phía thượng nguồn, có lai lịch tiểu sử hẳn hoi, nay biến mất do cái dự án quái gở của một kẻ có thế lực đã chết. Có hai người tìm về nơi đó: một bà lão về để thắp hương an ủi cho những linh hồn vật vờ chưa siêu thoát, một chàng trai về theo di nguyện của người cha - thủ phạm của cái dự án vĩnh viễn dở dang kia. Cả hai, bằng cách này cách khác đều chìm vào cõi hư vô… Truyện nào cũng vậy. Người đàn bà bên bến cầu Giằng đã dựng lên thân phận một người đàn bà cô độc, bị lừa tình, trong một không gian làng cổ kính đang trong quá trình thay đổi quyết liệt.
Như vậy, có thể thấy rằng, cả nhân vật, cả khung cảnh, không gian mà nhân vật sinh tồn trong đó được nhà văn Đức Ban cảm nhận và miêu tả theo hướng “Thương hải biến vi tang điền”, những số kiếp ba đào trong những cuộc bể dâu lớn của/thuộc thời đại hôm nay.
2. Tại sao thế giới nhân vật và không gian tồn tại trong truyện ngắn Đức Ban lại toàn mang tính chất bể dâu khốc liệt như vậy? Tránh không cắt nghĩa theo hướng luận giải trực tiếp, thông qua miêu tả, nhà văn đã tập trung vào mạch nguồn văn hóa như một lý do quan trọng quy định sự thay đổi của từng nhân vật và hoàn cảnh, không gian mà nhân vật sống trong đó.
Đổi thay nhằm phát triển kinh tế để làm giàu là cần thiết. Nhưng đổi thay cốt làm giầu bằng mọi giá đã như một lực lượng hắc ám ra tay hủy hoại văn hóa, cả bề mặt lẫn tầng sâu của nó. Ngôi làng Yên Linh biến mất một cách thảm khốc, do tất cả, từ người làng cho đến những kẻ bên ngoài không coi ký ức, không coi tâm linh ra gì, tất cả đã bị giải thiêng, còn trơ lại một đời sống trần trụi, cằn cỗi, thực dụng trắng trợn. Với cô con gái của ông lão kia, tất cả chỉ có tiền, và một đời sống hưởng thụ cùng một chút sĩ diện thâm căn cố đế của con người tiểu nông ngàn đời… Ông, nhân vật quan chức hồi hưu trong Sóng bến Duềnh cũng vậy. Về điểm này, cần dừng lại một chút với nhân vật giáo sư trong câu chuyện Lối trong rừng.
Chuyến về làng của vị giáo sư nọ với cậu con trai ông Cố đạo, người giữ linh vật. Người đọc chứng kiến một pha khá bất ngờ: linh vật bị mất. Hóa ra ai cũng hiểu đó là một màn dàn dựng “ngoạn mục”, một thông điệp muốn nhắc nhân vật giáo sư về cách nhìn, cách ứng xử đối với văn hóa tâm linh. Người Cố đạo và dân làng gìn giữ linh vật như một đức tin thiêng liêng. Trong khi đó, ông giáo sư trong vỏ bọc trí thức, đã nhìn linh vật bằng một sự phân tích ráo hoảnh của một kẻ duy vật thô sơ, dung tục. Cái đáng lo nhất là anh con trai của ông Cố đạo cũng có cái nhìn dung tục của một kẻ “vô đạo” không kém… Tôi nghĩ rằng, trong cuộc đổi thay dữ dội này, đổi thay về kinh tế là cần thiết, nhưng vì kinh tế mà làm biến dạng, biến mất văn hóa đang là một tình trạng tràn lan và hết sức đáng báo động hiện nay.
Nhà văn Đức Ban đang ở giữa “trận tiền” để lên tiếng kêu cứu về sự mất mát nguy hiểm này. Chừng nào mất văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh, chừng đó con người sống với nhau chỉ còn là thực dụng, dung tục và phá hủy.
3. Đi theo hướng lựa chọn này, nhà văn Đức Ban tiến hành một số thao tác nghệ thuật cần thiết và tỏ ra có hiệu quả.
Điểm dễ nhận thấy đầu tiên là nhà văn đã khá công phu nghiên cứu và sử dụng các tư liệu thuộc văn hóa dân gian và văn hóa bác học truyền thống. Trong khá nhiều truyện, ông không ngần ngại trích dẫn cả những bài khấn niệm của nhà Phật, cả những truyện có tính truyền kỳ trước đây (Chốn xưa, Giọt nước mắt màu nâu đất…). Ở chiều sâu hơn, nhà văn xử lý chất liệu, nhân vật theo hướng quy chiếu vào văn hóa, lấy văn hóa làm định vị. Truyện nào cũng vậy.
Khung cảnh làng quê trong cuộc bể dâu ở nhiều truyện đều được miêu tả trên một phông nền và một chiều sâu văn hóa. Ở đó có chùa chiền, đền thờ, có cầu đá, có các huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, thần phả; nhất là có những con người của làng, tuy không nhiều chữ nghĩa, nhưng họ có đức tin, họ gắn bó sống chết với làng, họ yêu làng, biết nâng niu thiên nhiên, nâng niu ký ức. Họ rất xa lạ và không thể chịu đựng nổi với những sự tàn phá hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại các thực thể văn hóa hiện hữu của quá khứ để lại, hủy hoại những niềm tin tâm linh có tự ngàn đời.
Các nhân vật trong những không gian văn hóa khác nhau cũng vậy. Nếu ai không thật lòng với văn hóa, biến văn hóa thành món trang sức hoặc trục lợi như nhân vật quan chức hồi hưu nọ (Sóng bến Duềnh) cuối cùng có vẻ như bị “quả báo”. Tinh thần công lý dân gian cũng đã có mặt trong cảm quan của nhà văn Đức Ban và được thể hiện khá rõ trong một số truyện như Giọt nước mắt màu nâu đất, Sóng bến Duềnh, kể cả truyện Thăm thẳm rừng xanh.
Cũng liên quan tới điều vừa nói, do coi trọng văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh, nên nhà văn Đức Ban đã không ngần ngại trộn lẫn giữa cái thực và cái ảo.
Điều này không chỉ thể hiện trong miêu tả không gian, mà nhiều khi tác giả miêu tả chính con người. Kết thúc câu chuyện Giọt nước mắt màu nâu đất là hình ảnh cô gái hiện về như có như không, gục xuống ngực ông lão đã chết, để rồi từ hai hốc mắt ông rỉ ra những giọt nước mắt màu nâu đất - một hình ảnh đầy ngụ ý. Hình ảnh những bóng người chập chờn nhân dạng trong hương khói cùng những lời khấn niệm của bà lão trong truyện Chốn xưa đã dựng lên một không gian tâm linh có chiều sâu và có khả năng gây ám gợi đối với người đọc. Khá nhiều truyện, Đức Ban đã có chủ ý đan cài giữa cái thực và cái ảo. Điều này vừa xuất phát từ cảm quan văn hóa của nhà văn, lại cũng vừa là cách tham gia vào kiến tạo hình tượng, biểu đạt ý đồ nghệ thuật mà nhà văn muốn gửi gắm qua tác phẩm.
Thêm nữa, do gắn bó trực diện với đời sống hôm nay, nhà văn Đức Ban có một cảm quan hiện thực khá bén nhạy, tinh tế, chiều sâu. Điều này được thể hiện ở việc miêu tả nhân vật, khung cảnh, chi tiết… Tôi muốn nói đến cách dụng công và xử lý cái bất thường. Đức Ban hay tìm đến cái bất thường, và dùng nó để can dự vào số phận nhân vật. Cuộc sống làng Yên Linh đang chảy trôi bình thường, vô sự, tự nhiên một hôm “dăm chục người về làng, leo lên đồi chụp hình” (Giọt nước mắt màu nâu đất), thế là cuộc sống bỗng chốc đổi thay. Đang làm phóng viên ở một tờ báo trung ương, bị thu hồi thẻ với lý do phát ngôn nghịch nhĩ nào đó, “chú Huyên” về làng, và ném đời vào những thăng trầm, bất trắc với một nghiệp chướng chữ nghĩa dai dẳng, bất trắc không kém (Bên đường phố). Một ngôi làng bình yên, những cuộc đời bình lặng, chiếc cầu mới được xây, bỗng chốc tất cả thay đổi, vui ít, buồn nhiều; kết thúc là hình ảnh một người đàn bà nằm sấp mặt dưới vũng nước trên cây cầu cũ (Người đàn bà bên bến cầu Giằng)… Do quan niệm cuộc đời luôn đổi thay bất trắc khó lường, nên nhà văn Đức Ban thường thích chọn những cái bất ngờ, tự dưng ở đâu ập đến, có vẻ như rất ngẫu nhiên so với khoảnh khắc thực tại, nhưng lại chẳng ngẫu nhiên chút nào nếu so với đại cục. Cái bất thường, bất ngờ đó, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, chẳng qua là những biểu hiện đa dạng của cái Vô thường.
Như vậy, trên đại lượng lớn, nhà văn Đức Ban đã cảm nhận rất sâu cái vô thường của cuộc đời này. Mọi cái bất trắc, mọi cái biến thiên, mọi nông nỗi của những kiếp sống trên mặt đất này đều trở nên bé nhỏ, khiêm nhường, thậm chí vô nghĩa trước cái Vô thường vĩ đại của Tạo hóa. Vậy thì phải có một cách thế tồn tại thế nào đó để còn lại chút gì được là chính mình, được là chính dân tộc Việt mình?
Phải chăng đó là một thông điệp nhân văn thầm lặng, thao thiết mà Đức Ban muốn giãi bầy cùng bạn đọc hôm nay?...
Vinh, 21/11/2014