Ông là nhà văn – nhà lý luận phê bình: Hà Quảng. Ông là thầy giáo – nhà giáo ưu tú: Trần Ninh. Ông có một giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng với lối tư duy của người làm lý luận phê bình và trong cuộc sống ngày thường cũng thế.
Dung dị mà chân tình, chu đáo mà khoáng hoạt. Chỉ có đôi lúc bất chợt nào đó tôi nhận ra ở ông vẻ ngơ ngác thần tình của một người làm thơ. Bởi ông vốn khi bước chân vào sáng tạo văn học là làm thơ. Và trong số các học trò của ông trưởng thành sau này có nhiều người là tác giả thơ. Nổi bật trong số đó là hai nhà thơ: Dương Kỳ Anh và Lê Quốc Hán…
Chân dung nhà văn Hà Quảng
Còn nhớ những năm chiến tranh chống Mỹ trong cái giàn âm hưởng thi ca chống Mỹ thời đó nỗi trội chất tráng ca hào hùng thì bất ngờ tôi được đọc tờ báo văn nghệ in năm 1966 bài thơ “Trăng làng” của Hà Quảng. Tình cờ thôi, hôm đó có một đoàn các chú bộ đội từ miền Nam ra an dưỡng đóng quân ở xóm nhà tôi sơ tán. Tôi chơi khá thân với một chú là trợ lý tuyên huấn luôn có cái đài bên hông và đặc biệt có rất nhiều loại báo. Còn chú ấy thích tôi vì tôi là người làm giao liên chuyển thư tình của chú ấy cho cô giáo lớp tôi. Trong trang tờ báo văn nghệ mà tôi đưa đến cho cô giáo có bài thơ “Trăng làng” với cái tên tác giả : Hà Quảng. Tôi mãi mê đọc thấy lạ. Bởi không khí chiến tranh ngày ấy sục sôi lắm. Tối tối mấy anh em tôi phải chia nhau ngủ ở các hầm nhà khác. Thế mà bài thơ này lại có một không khí thật bình yên của những buổi gặt đêm với những câu thơ theo cảm nhận của tôi lúc ấy là rất đẹp: “Hạt giống trở mình nhô mầm biếc – Uống ánh trăng vàng chốc hóa cây…” Và sau này khi đã trở thành nhà thơ đọc lại bài “Trăng làng” tôi vẫn thấy hay trong những hình ảnh: “ Lưỡi hái lùa trăng lên ống tay..” Phải thật tinh tế lắm mới phát hiện được vẽ đẹp lãng mạn với tình quê như thế...
Rồi cái ngày tôi nhập ngũ huấn luyện tân binh ở Hương Sơn thì lại gặp Hà Quảng trong một tập thơ in chung với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “Tình ca người lính”. Chất giọng trường ca của ông thật lôi cuốn trong một mạch trữ tình thế sự. Bằng đi khá lâu không thấy ông xuất hiện thơ trên báo chí mà thỉnh thoảng tôi được đọc một số bài lý luận phê bình của ông nhất là mảng văn hóa Hà Tĩnh và các bài dành cho nhà trường. Và nhất là cho đến khi tốt nghiệp trường Viết Văn Nguyễn Du về công tác ở Hội Văn nghệ Hà Tĩnh tôi mới có điều kiện gặp ông nhiều hơn. Ông kể: Những năm 1966 ở Hà Tĩnh có một nhóm văn nghệ sĩ chơi khá thân với nhau: Hà Quảng, Xuân Hoài, Trần Quốc Anh, Vũ Duy Thông, Nghiêm Đa Văn… đây là những người bạn thơ phần lớn làm nghề giáo. Họ thường đọc cho nhau nghe những bài thơ mới, khi thơ được in báo thì chuyền tay nhau đọc và đãi nhau món quà mọn từ đồng nhuận bút có khi là một chục các trích nướng mua ở chợ cho bữa cơm quây quần bên nhau. Ông nói: Hồi đó thầy giáo Trần Quốc Anh có bài thơ “Cam đầu mùa” khá hay: “Con chim hót giữa mùa cam hái quả - Tiếng hót trong ngần bay đụng hạt sương rơi”. . Hồi đó Vũ Duy Thông ở Thông tấn xã Việt Nam đã nổi tiếng với bài thơ “Bè xuôi sông La” . Còn Nghiêm Đa Văn với dáng người thấp đậm đà cũng được nhiều người biết đến với tác phẩm “Đàn trâu Nghệ”. Cả hai bài thơ của hai ông nhịp điệu gần giống nhau thể thơ năm chữ, bốn chữ. Hình như cái chất ví giặm của xứ Nghệ đã ngấm vào hồn thơ của các ông. Có thể nói về nghề nghiệp của họ khác nhau mỗi người một miền quê nhưng chính những năm tháng ác liệt ấy, tình người tình đời mới trong sáng đắm say với văn chương biết bao. Có lần nhà thơ, nhà giáo Lê Quốc Hán học trò “cưng” của thầy Hà Quảng kể lại: “Thầy có rất nhiều sách. Vì thầy quá yêu sách tôi không dám mượn về chỉ đến đọc ở nhà thầy trọ. Một lần nắng quá tôi xin ở lại nghĩ trưa cùng thầy. Thầy nằm rất thẳng đôi mắt ngước nhìn lên trần nhà nghĩ ngợi một điều gì đó. Hình như thầy đang nhớ mẹ già một mình ở quê xa. Bởi sau chiều thầy rưng rưng đọc bài thơ của Nadim Himit viết về mẹ với “Mẹ già bước lên cầu thang dẫm phải chiếc đinh” và tỏ ra rất bồi hồi. Nhà ông mặt tiền lại ở một con đường phố khá nhộn nhịp vì gần chợ. Cả dãy phố đều mở cửa buôn bán hoặc cho thuê. Chỉ có nhà ông có một khoảng sân nhỏ trước cửa cho khách đến chơi để xe. Sau một cú bấm chuông ông mới thủng thỉnh từ trên gác đi xuống. Thật ra là từ phòng viết bộn bề sách vỡ. Cũng như hồi ông còn là trưởng phòng bên sở Giáo dục tôi qua ông có việc đến phòng ông chỉ thấy vài cái ghế xếp cạnh tường không có bàn kê uống nước. Vì ông tiết kiệm thời gian tối đa ít bỏ phí vào những câu chuyện vô bổ!. Nhưng khi gặp anh em bạn viết thì sẵn sàng càp phê tán gẫu, hay nổi hứng lên cũng sẵn sàng vào quán bia nghe mọi người “chém gió” còn ông thì lặng lẽ nhấp từng ngụm nhõ lon bia Heniken. Những giây phút thư giản hiếm hoi đó đã cho ông nạp thêm “năng lượng sống”. Hình như mấy chục năm làm nghề dạy học rồi làm quản lý cái áo ấy khá chật chội ràng buộc với ông. Và từ khi được nghĩ hưu ông mới thật sự sống và viết thật với mình. Nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng là học trò cưng của ông đã có lần chia sẻ với thầy Lê Quốc Hán: “Thầy Ninh mãi mãi là người cha tinh thần của chúng ta” .Và còn nói thêm: Thầy Ninh nhận xét về tiến sĩ toán học –Nhà thơ Lê Quốc Hán rất chính xác: “Lê Quốc Hán là nhà toán học cũng là thi sĩ. Nhưng điều đáng nói hơn cả hai phương diện sáng tạo đó của con người anh đều được trưng với ánh sáng của Đức Tin”. Nhà thơ Dương Kỳ Anh nhớ lại: Hồi đó ở Kỳ Anh chúng tôi học dưới hầm bằng ánh ngọn đèn dầu. Khi có máy bay đèn dầu cũng phải tắt học bằng ánh sáng con đom đóm. Các thầy giáo như thầy Hà Quảng không những dạy chúng tôi về kiến thức mà con dạy chúng tôi tình yêu văn chương, niềm say mê văn học, dạy chúng tôi làm người lương thiện. Tôi còn nhớ có lần thầy Hà Quãng chép một bài thơ của tôi lên bảng đen treo dọc bờ hàng giao thông dẫn vào lớp học. Cái bảng đen đó thường ngày thông báo cho học sinh những điều cần biết. Khi trông thấy nhiều thầy, cô và các bạn học sinh cùng lớp đứng đọc bài thơ mình viết tôi không cầm được nước mắt vì vui sướng.
Tôi nhớ hồi đi học trường Viết văn Nguyễn Du đã say mê viết về biển. Và những bài thơ về biển đầu tay đó được in báo, nhà văn Hà Quãng đọc rất kỹ và khuyến khích tôi theo hướng tiếp cận này. Trong một bài viết khá công phu về trường ca biển của tôi ông đã nhận ra: “Nguyễn Ngọc Phú triền miền những suy tư về biển. Biển nuôi dưỡng nguồn thơ anh, mang lại cho anh nhiều thi hứng nhiều suy nghĩ sâu lắng. Ngược lại anh luôn là ngừơi gắn với biển những tình cảm nồng thắm” .Ông là người luôn ủng hộ cái mới, những cách tân về thi pháp. Ông là người khơi dậy cho tôi những cảm hứng sáng tạo. Nhớ lần tôi với ông bàn về những cây bút trẻ như thơ của Phan Thị Vàng Anh, Ly Hoàng Ly… còn khá xa lạ trong cảm thụ các bạn viết, bạn đọc Hà Tĩnh. Chính con “mắt xanh” của ông đã kịp thời có những bài viết khá sâu sắc và mới mẻ về những cá tính sáng tạo này in trên tạp chí Hồng Lĩnh, tạp chí Nhà Văn . Vì thế tuy ở tỉnh lẻ nhưng tầm phổ quát nhạy bén qua dự cảm của ông đã “hòa mạng” vào dấu ấn truyền thông văn chương cả nước.
Nhìn vào khối lượng các tác phẩm xuất bản của ông , tôi thấy ông nghiêng cảm nhận về thơ về có những phát hiện khá tinh tế có sức thuyết phục . Với tập “Đến với thơ đương đại” của ông được tặng thưởng của Hội đồng lý luận phê bình trung ương năm 2018 Hà Quảng luôn cập nhập văn học đương đại những vấn đề mới mẻ đặt ra để lý giải để truyền cảm hứng cho mọi người. Có thể nói ông đắm say với không khí sáng tạo. Một đắm say cô đơn nhưng không đơn độc. Hành trình suy tưởng và phát hiện của ông đã kết nối được giữa ông với dòng cảm hứng của thời đại. Và riêng về Hà Tĩnh sức đọc , sức viêt của ông khá dồi dào khi viết và biên soạn cuốn “Nhà văn Hà Tĩnh đương đại”. Đây là gương mặt tổng quát tinh thần khá phong phú và sâu sắc, sinh động thiết thực của văn chương Hà Tĩnh qua các tác giả. Ông phải sống hết mình với bạn bè đọc thật kỹ về họ và có sức đồng cảm liên tài mới định vị cho mình cái tâm thế nhiệt huyết ân tình ấy. Qua những tác phẩm của ông , tôi thấy có một nét khiêm nhường dung dị của con người ông. Ông chọn “Văn chương một góc nhìn” “cảm nhận và suy ngẫm” qua “Văn chương kí ức và sáng tạo” . Tiến sỹ Đặng Lưu nhận xét có lư về Hà Quảng : “Hà Quãng luôn tỏ ra điềm tĩnh đưa ra kiến giải của riêng mình góp thêm một tiếng nói có sức thuyết phục . Thái độ của người viết là luôn luôn đặt lợi ích của học thuật lên hàng đầu ,chịu khó lắng nghe ,theo dõi chấp nhận nhiều cá tính ,nhiều tiếng nói khác biệt, nâng niu những tìm tòi nhưng cũng không khoan nhượng với những điều tác giả cho là lệch chuẩn . .”
Nhà lý luận phê bình Hà Quảng tại hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh lần thứ VIII
Ngoài đời, ông là người điềm tính- quá điềm tĩnh. Có lẽ phong thái của một nhà gíao chăng. Ông mực thước, chuẩn mực nhìn qua có vẻ “trung dung”. Nhưng không, ông là người có “cá tính quyết liệt ngầm” và cả “kiêu ngầm” nữa, rất có ý thức rõ về mình một cách tự tin và bãn lĩnh nhưng lại mềm mại quyết đoán mà vẫn an nhiên. Tôi có lần chứng kiến ông nổi nóng – một kiểu nổi nóng khá bình tĩnh và đỉnh đạc khiến con người bất đồng với ông sau đó cũng có vẻ hối hận . Ông là người không ham muốn quyền lực chức tước, yêu công việc sáng tạo văn chương và quý những bạn đồng ngiệp trẻ. Tôi nhận ra một Hà Quảng ung dung thư thái an nhiên thì lại có một Hà Quảng tinh tế lãng mạn bay bổng. Ông tôn thờ cái đẹp cái trong suốt có phần quý phái . Đến nhà ông bao giờ trên bàn cũng có một loại hoa tươi hương dịu nhẹ . Có được điều này bởi có bàn tay và khiếu thẩm mỹ của vợ ông một hoa hậu trong nhà là chị Vinh: vốn là hoa khôi học sinh của ông. Vẻ đẹp mặn mà, dịu dàng của chị luôn tạo ra ánh sáng hồi quang mà ông luôn tôn trọng và đồng điệu. Các con ông có người là nhà giáo và có tham gia viết phê bình. Không khí ấm ấp thân thương của gia đình ông ngỡ như không bao giờ có “phê bình” và cũng không bao giờ “lý luận” tranh cãi. Một không gian có vẻ cổ điển truyền thống mà vẫn luôn tươi mới. Như hoa trên bàn, như chữ trong sách, một hợp âm êm đềm du dương của một bản nhạc mà ta gọi là : Hạnh phúc! Ông bây giờ đã qua tuổi 75 mà nhìn phong độ còn rất trẻ , sức viết của ông còn dồi dào. Có lần tôi hỏi vui: Nếu được trở lại từ đầu thì thầy chọn nghề gì? Ông cười thoải mái : Thích nhất vẫn là nghề giáo và viết văn. Nói rồi mắt ông nhìn ra xa . Hôm đó chúng tôi đứng trên đỉnh Hoành Sơn Quan: Một bên Hà Tĩnh - quê cha ông và bên kia Quãng Bình - quê mẹ. Cái tên Hà Quảng chính là ghép nối hai vùng đất thân thương đó. Và tôi bất ngờ nhận ra trong giọng nói của ông mang cả âm hưởng của hai vùng đất gió Lào cát trắng nhưng không nặng thổ ngữ mà có gì nhẹ nhàng, bay bổng trầm ấm như có một mạch nguồn nào đó nữa. Riêng điều này thì chỉ có ông mới biết. . .
Nguyễn Ngọc Phú
Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 10 năm 2018