Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chân dung Nhà văn Trần Đắc Túc sinh năm 1949, quê quán Thị trấn Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được rút từ tập sách "Những gương mặt nhà văn Hà Tĩnh".
Nhà văn Trần Đắc Túc
Họ và tên khai sinh: Trần Đắc Túc
Ngày, tháng, năm sinh: 01/04/1949
Quê quán: Khối Phúc Sơn, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
Thường trú tại: Khối Phúc Sơn, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
Dân tộc: Kinh
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016;
Chuyên nghành: Văn xuôi
* Vài nét về quá trình học tập và công tác:
- Năm 1966 tốt nghiệp Trường cấp 3 Thị trấn Nghèn.
- Từ năm 1966 đến năm 1969 học công nhân kỹ thuật tại Thượng Hải, Trung Quốc.
- Từ năm 1969 đến năm 1979 công tác tại Nhà máy phụ tùng ô tô số 1 (đóng tại Hà Nội). Cũng trong thời gian này vừa đi làm vừa thi và học tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp. Năm 1973 tốt nghiệp Đại học.
- Từ năm 1980 đến năm 1990 là Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ của Nhà máy phụ tùng ô tô số 1 Thái Nguyên.
- Từ năm 1990 đến năm 1994, chuyển về công tác tại Đài Truyền thanh, truyền hình huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
- Từ năm 1994 đến năm 2009 làm Phó Trưởng phòng Văn nghệ, Trưởng phòng Chuyên đề của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh.
- Từ năm 2009 đến nay nghỉ hưu theo chế độ và hiện sinh sống tại Khối Phúc Sơn, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
* Tác phẩm chính đã xuất bản:
- Mưa chuyển mùa, NXB Hội Nhà văn, 2004
- Đêm làng Đống, NXB Hội Nhà văn, 2013
- Có một đời sông thắp lửa (tập truyện ngắn và tạp văn), NXB Hội Nhà văn, 2015.
Tuyển in chung:
- Truyện ngắn hay 1993
- Truyện ngắn chọn lọc, NXB Hội Nhà văn 1999.
- Tuyển văn Hà Tĩnh thế kỷ XX, NXB Thanh Hóa 2003
- Truyện ngắn hay dành cho bạn đọc trẻ - NXB Thanh Hóa 2003
* Giải thưởng văn học:
- Giải A cuộc thi Truyện Ký Tạp chí Hồng Lĩnh 1994
- Giải B Giải thưởng Văn học Nguyễn Du 2000 - 2005
- Giải thưởng UBTQ LH Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2013
- Đã hoàn thành bộ Kịch bản văn học và lời bình cho các tập phim Tài liệu nghệ thuật về đất nước con người Hà Tĩnh, phát trên các kênh sóng VTV và HTV như: Người con sông La (TBT Trần Phú) TBT Hà Huy Tập, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng, Huyền thoại núi Hồng, Áo lá hồn quê. Truyện Kiều trong cõi trăm năm v.v...
Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Nhà văn của Làng Vòng” của Nhà văn Đức Ban được rút từ tuyển sách “Những gương mặt” Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2019.
NHÀ VĂN CỦA “LÀNG VÒNG”
Trần Đắc Túc cùng tuổi với tôi, học với nhau cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3 đến năm 1966, hết lớp mười, mỗi đứa tản ra mỗi nẻo. Đang chiến tranh, bom đạn như vãi trấu, có chia tay chia cẳng gì, có thư từ tin tức đâu. Đến một dạo đọc Báo Lao động gặp những cái truyện ngắn viết về đề tài công nhân ký tên Trần Đắc Túc cứ ngờ ngợ có phải Trần Đắc Túc xưa kia. Không nhộn nhạo người người, lớp lớp như nay, thời ấy người làm văn chương ít, in được cái truyện ngắn trên báo chí Trung ương là sang, là quý hiếm lắm. Nên mới nhiều lần hỏi han mà vẫn không ra gốc tích Trần Đắc Túc.
Mãi đến năm 1986, Trần Đắc Túc tìm đến nhà tôi. Mới hay, năm cuối chiến tranh chống Mỹ, anh phiêu bạt lên vùng Tây Bắc rồi loay xoay thế nào cũng chẳng rõ mạch nguồn trở thành cán bộ Tuyên huấn Nhà máy Cơ khí Sông Công tít mù trên Thái Nguyên.
Trần Đắc Túc nói, lang bạt đủ rồi, nếm cảnh chồng Bắc, vợ Nam đủ rồi nay muốn chuyển về quê. Thủa ấy, ông Lê Quang Úy, bạn tôi làm Giám đốc Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan đóng ở Thành phố Vinh đã nhiệt tình giúp cho Trần Đắc Túc về phòng Thi đua Tuyên truyền.
Mấy năm sau thì chia tỉnh. Tôi về Hà Tĩnh, Trần Đắc Túc ở lại Nghệ An. Bẵng đi một thời gian, anh gặp tôi nói đã chuyển về Đài Phát thanh Can Lộc, ngay cạnh nhà. Giờ mới thật là về quê, Trần Đắc Túc nói, không dấu nổi sung sướng. Lại một thời gian sau, tôi không nhớ rõ là bao nhiêu năm, anh gặp tôi, nói Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh gọi vào Ban chuyên đề; có đất dụng võ rồi. Tưởng Trần Đắc Túc nói để mà nói, ba hoa chút vậy, không ngờ anh “múa võ” có đẳng cấp thật. Xong cái phim, phóng sự, chân dung truyền hình nào, anh in vào đĩa tặng tôi, nói ông phải xem nghiêm túc nhé. Cái làng văn nghệ sống với nhau tốt lắm nhưng cũng nhiều thói tật. Văn mình thì ở trên trời xanh, văn người thì bẹp dí nơi bùn đất. Tặng sách cho nhau thì bản duy nhất dành cho anh, chị... Anh chị nhận, nói cảm ơn nhiều. Xong bỏ đâu đó không nhớ. Hỏi, anh, chị đọc của tôi thấy thế nào thì vui vẻ rằng, hay rất hay. Nghĩ thế, nên tôi mới bảo, ông yên tâm, tôi sẽ nghiêm túc. Mà tôi xem một cách nghiêm túc thật. Thực lòng, lúc đầu cái sự nghiêm túc vì tình cảm, trách nhiệm bạn bè. Nhưng sau thì khác, sau thì tôi bị cái hình ảnh, cái lời bình trong phim của Trần Đắc Túc lôi cuốn, thuyết phục. Chẳng biết anh học đạo diễn thời nào, học ở đâu, ai dạy mà nhiều phim có tầm vóc không chỉ với đài tỉnh lẻ mà với cả đài Quốc gia. Những phim tài liệu như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng… phim Khoa giáo như Huyền Thoại núi Hồng, Áo lá hồn quê… phát trên cả 3 kênh sóng VTV.
Gặp lại Trần Đắc Túc, tôi nói phim của ông được. Anh hỏi thật không, thật không? Tôi nhắc lại mấy lần, Trần Đắc Túc mới tỏ ra yên tâm. Lát sau nói, tôi đẻ nó ra tôi biết tim gan phèo phổi, mụt nhọt, sài đẹn nó thế nào. Phim của tôi không chỉ được mà là rất được.
Làm truyền hình, tác phẩm có làng nhàng thì tên tuổi cũng dễ được công chúng rộng rãi biết đến và lại có tiền, nhiều tiền, còn văn chương viết chảy cả máu mắt ra mà mấy ai đọc, nhuận bút thì còm cõi, chưa nói không khéo bị tai bay, vạ gió. Nghĩ vậy nên tôi không chờ văn Trần Đắc Túc. Đùng một bữa anh đưa cho tôi một cái truyện ngắn có tên Chơi dao. Tôi còn nhớ ấy là năm 1994. Truyện viết về một tay lãnh đạo nọ dùng một thằng chăn vịt như con tin để thực hiện những hành vi vô tư và cả không trong sáng của mình. Có khi lờ mờ nhận ra thằng cha ấy chẳng nên tin nhưng vì cái lợi trước mắt mà dùng. Rốt cuộc thân tàn danh liệt vì thằng con tin của mình. Tôi kể tóm gon cái truyện ấy vì những năm đầu chín mươi thế kỷ trước ấy có được cái truyện viết chặt chẽ, dồn nén và có tính ẩn dụ như thế là hiếm, là hay. Rồi Chơi dao được giải thưởng của Tạp chí Hồng Lĩnh. Sau đó Trần Đắc Túc lại phim, rồi phim. Không những vắng mặt trên chiếu văn, anh vắng mặt luôn cả những cuộc chơi, cuộc nhậu của làng văn nghệ. Trách, Trần Đắc Túc hoác miệng cười, giọng đầy chất diễn nghe buồn thiu: Tớ có uống được đâu. Ngồi với các ông làm mất vui của các ông.
*
Trần Đắc Túc làm ở Thị xã nhưng tối tối lại đi xe máy về nhà. Nhà anh ở làng Phúc Sơn, sát ngay Thị trấn Huyện. Xưa vùng này có tên Trảo Nha nghĩa là nanh, vuốt, nghe đến khiếp. Làng ngoảnh mặt ra sông Nghèn, lối vào làng chạy giữa ruộng lúa. Ngoảnh phía nào cũng thấy bùn, cúi, ngửng đều nghe mùi bùn và mùi lúa chín hoặc mùi rơm rạ mục. Hai bên lối vào nhà là những khoảnh vườn xanh mướt, những ngôi nhà thấp, trông vào tối âm xâm, sâu tun hút. Nhà Trần Đắc Túc cũng vậy, khác chăng có thêm hơi ẩm đất, hơi ẩm gỗ, ẩm ngói lành lạnh, nằm lọt thỏm giữa um tùm cây cối, những thứ cây làng nào cũng có, gắn bó bao nhiêu đời với người nông dân, những cái cây ngườì ta trồng lên không phải để chơi cảnh mà để giúp cho sự sinh tồn của con người, nó ra cái ăn, cái uống, nó chở che con người tránh thiên tai, nắng gió. Láng giềng của Trần Đắc Túc toàn nông dân nòi, nhẫn nhục chịu đựng, gan góc, cởi mở, nghĩa tình, lạc quan thành truyền thống, thành cốt cách. Nhớ lần ấy, Trần Đắc Túc ở tỉnh về, ngươi vợ, một cô giáo làng cưng chiều anh có tiếng, nấu một ấm nước chè xanh. Trần Đắc Túc bỏ mặc tôi ngồi một mình say mê chỉ đạo vợ nhặt chè, vò chè, chọn củi tre khô nhóm bếp... Nước ủ chín, anh ra góc vườn đứng dưới cây chuối ngoảnh bốn phía cất giọng tha thiết mời bà con sang uống nước chè xanh… đớ... Lát sau thì nhà anh râm ran tiếng cười nói. Nghe cách xưng hô, nhìn cử chỉ của họ tôi thấy Trần Đắc Túc được bà con quý trọng lắm. Chẳng phải anh là cán bộ tỉnh về làng, là nhà văn, nhà báo gì đâu, dân Trảo Nha chỉ nể trọng tình người chứ coi chức tước, địa vị xã hội bằng nửa con mắt. Trần Đắc Túc hỏi han công việc làm ăn, sự này, sự kia của người này, người nọ. Rồi chăm chú nhìn, chăm chú lắng nghe, có lúc còn nuốt nước miếng ừng ực. Anh ta đang làm nghề. Tôi nghĩ thế. Chao ôi, vài buổi uống nước chè xanh dạng, kiểu thế này, viết hàng năm không hết chuyện. Tôi nói với Trần Đắc Túc vậy. Anh cười hiền, lặng lặng nghe, chẳng biết nghĩ gì. Nhiều lần tôi nói Trần Đắc Túc cũng cười hiền, cũng lặng lặng nghe nhưng cũng không biết anh nghĩ gì. Tôi tin Trần Đắc Túc sẽ viết tiếp những cái truyện như Chơi dao. Không viết làm sao chịu nổi.
Quả đúng thế. Trần Đắc Túc câm lặng chừng gần nửa năm cho đến một ngày anh đưa đến cho tôi một tập bản thảo gồm 10 cái truyện ngắn. Đưa xong thì bỏ về không nói lấy một lời. Những lần trước anh đưa băng phim truyền hình cho tôi xem bao giờ cũng ngồi lại nói không dứt về những cái hình, cái cảnh trong những cái phim ấy hàng giờ liền. Nói đến nhức đầu, nói đến chóng mặt. Với văn, Trần Đắc Túc cẩn thận; chắc vậy. Những cái truyện ngắn ấy Trần đắc Túc viết về làng quê, về mỗi căn nhà, mỗi con người ở đây. Những truyện ngắn của anh đượm một tinh thần, một quang cảnh gần gũi, giản dị và thân thương với một giọng văn có hương vị riêng, giản dị, đằm thắm. Đọc xong tôi bị ám ảnh bởi những thân phận, những cuộc đời và cả những vấn đề nóng rẫy của thời cuộc. Ngẫm, tôi với Trần Đắc Túc có tuổi thơ và một phần tuổi trẻ ở hai vùng quê giống nhau về khung cảnh, về con người làm nên vùng quê ấy, cùng trong các thể chế chính trị, các sự kiện lịch sử, nên mới cứ thấy những trang văn của anh gần mình, động cả vào gan ruột mình. Về sau tôi còn được đọc thêm những tản văn của Trần Đắc Túc: Làng xưa bạn cũ, Chè xanh xứ Nghệ, Tiếng chợ, Lửa sông, Chuồn chuồn ơi. Rồi tôi hình dung một Trần Đắc Túc quần cộc, áo nâu lội đồng sau làng, lội bùn bên sông Nghèn trước làng, rồi lướt mướt thong thả về cái ngõ sâu hun hút lâm thâm bóng lá cây. Khác xa những khi mũ áo chững chạc lên màn ảnh truyền hình, hoặc dự họp tỉnh, họp huyện, họp ngành này, hội nọ. Trước sau gì rồi Trần Đắc Túc cũng là con người của xứ đồng, của bùn đất, của luá khoai, rau dền, rau má, của màu đỏ hoa giong giềng, màu máu hoa bần, của cánh diều bay trên khoảng không thanh sạch, của mưa thưa, mưa nhặt, nắng vàng và của những dằn vặt, mơ tưởng nhỏ nhoi đọng lại giữa công ăn việc làm vất vả của những ngươì nông dân luôn thắc thỏm, mong ngóng hạt lúa, củ khoai. Có gắn bó lắm, thấu hiểu lắm, đồng cảm với người nông dân lắm, với nắng mưa, lũ lụt hạn hán triền miên mới viết được những dòng: Đảm thấy mình khoẻ thế, phăm phăm lội giữa đồng sâu, một tay vơ đẫy những lác cùng năn, một tay lùa xuống bắp chân vừa gỡ con đỉa trâu, vừa khoắng bùn nhổ cỏ. Năm ngón tay anh như hàng răng bừa thép, sục sâu quanh gốc lúa, bong bóng đất sủi lên ào ào. Mùi bùn bốc lên nồng nàn. Những con đỉa nhao lên, lặn hụp.
(Làng Vòng).
Thấy Trần Đắc Túc viết ít, nghĩ tiếc, mấy lần định nói vài câu thúc giục nhưng rồi tôi im lặng. Con người coi cái danh, cái lợi của văn chương, do văn chương đưa lại không là gì, còn cái gọi là phụng sự, là trách nhiệm là của chính mình, do chính mình quy định cho mình thì có rã họng, có dí bút vào tay cũng chẳng ích gì. Thôi thì mặc anh ta, biết đâu cái tính cách như đã nói và cái sự chỉn chu, coi con chữ như máu thịt của mình ấy sẽ làm nên một cái gì lớn hơn những cái đã làm./.
2012
Đ.B