16-08-2024 - 00:27

Nhiếp ảnh: Muôn nẻo đến, đôi ngả đi

Năm 2023 giới nhiếp ảnh cả nước kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023). Bảy chục năm với một đời người thì dài, nhưng với một chuyên nghề thì còn non trẻ… Nhìn vào danh sách những người được phong tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước do đã và đang hoạt động nhiếp ảnh, thì những người cầm máy ở Việt Nam đều ngầm tự hào, thầm cảm ơn sự ghi nhận của xã hội đối với lực lượng nhiếp ảnh…

Những giải thưởng cao quý mà các nghệ sĩ nhận được đã nói nên điều gì? Đầu tiên hẳn là do cơ duyên, thứ mà người ta vẫn dễ dàng thừa nhận: “Thời thế tạo anh hùng”. Riêng với nhiếp ảnh còn là khoa học, là năng khiếu trời ban, là lòng đam mê gắn liền với tình yêu quê hương sứ sở. Mọi thành tựu liên đới đến kĩ thuật, nghệ thuật đều phải gắn liền tới học thuật. Với nhiếp ảnh Việt Nam thì phải nhấn mạnh đến sự tự học, tự nghiên cứu và tự trả giá. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh được tôn vinh cũng không xa rời môi trường chung ấy. Nếu điểm ra những lợi thế cùng những hạn chế của không gian sáng tạo và hoạt động, thì đó vừa là nhận thức và ý thức cần thiết ở lĩnh vực phê bình - tự phê bình trong một tổ chức hay mỗi cá nhân.

     Tại Việt Nam, có hai hoạt động thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật mà người ta cho rằng đang ngầm cạnh tranh nhau về số người tham gia đông đảo. Đó vẫn là thơ và nhiếp ảnh! Trong khi thơ ca ở xứ này thì rễ đã vươn dài và vắt qua nhiều thế kỷ. Được kế thừa từ thủa truyền miệng, đến khi có chữ viết thì lan rộng, lưu sâu; khắc cốt. Những áng thơ bởi thế như đã trường tồn song hành cùng tuế nguyệt. Hệ thống giáo dục thời nay lại còn thiên vị phổ cập thi ca cho học sinh từ khi lẫm chẫm bước vào lớp một, rồi được “nhồi sọ” tới hết cấp ba, “cấp bốn”… Những Trường viết văn, hay các Viện nghiên cứu thì huyền bí, thơm thảo như được nhúng ảo mờ trong làn hương của hoa mộc lan. Thì nó cũng phải sao đó mới quy tụ được các thi sĩ, tiến sĩ đường bệ “mũ cao - áo dài”. Nhà nước lại dành cho họ chế độ biên chế suốt đời, hưởng lộc theo thứ, theo bậc trong các ban bệ cao vời vợi. Ấy thế mà thân phận của “nàng thơ” vào đận vận hạn còn bị hẩm hiu, cũng bị bạc đãi, bị ruồng rẫy đến nhạt chua như chén rượu để bay hơi bên rìa cái mâm gỗ…

     Chẳng buồn nhìn lên; không cả ngó xuống. Tự tin và kiêu ngạo, Nhiếp ảnh sau vài trăm năm âm ỉ tích tụ, gần đây chợt như cơn đại hồng thuỷ từ bốn hướng trào ngập chốn. Nó ồn ã như cậu trai bẻm mép lọt vào trường nữ sinh tuổi mười sáu. Tới đâu cậu cũng được vồ vập, được làm thân và bị níu chân bởi nụ cười mê đắm. Chỉ riêng mảng ảnh dịch vụ, núp dưới cái biển hiệu “Ảnh viện” uỷ mị và lưỡng tính như chỉ người đổi giới. Vậy mà đã nối gót nhau sinh sôi như nấm sau mưa. Không ít những “chuyên gia”, những ông chủ - bà chủ bên trong mấy tiệm ảnh ấy, có người mới hơn năm trước còn đang giúp việc ở một hiệu ảnh nào đó. Giờ như con chim tự thấy đã đủ lông; đủ cánh muốn được thả mình vào với trời đất mênh mông. Tìm một cõi riêng để cất lên tiếng hót của tự do, là đã chấp nhận phó thác bản thân cho những bất trắc; rủi ro, nhập nhoà sáng – tối của “thành & bại”.

    Không ai phân định rạch ròi, nhưng nhiếp ảnh ở thì hiện tại, người ta có thể xếp thành những hạng mục sản phẩm căn bản đứng sánh vai nhau: Ảnh dịch vụ, ảnh chơi, ảnh nghệ thuật... Bản thân mỗi hạng mục cũng bị pha tạp, đôi khi không phân định được đặc tính căn bản nó thuộc dòng sản phẩm nào. Chúng đẹp hoàn mĩ; nên có thể trao đổi mua bán cho một tổ chức, một cá nhân. Chủ nhân của bức ảnh biết đâu lại còn cao hứng tung lên trang FB, Zalo để cộng đồng mạng thưởng thức miễn phí… Cũng từ việc phân loại ấy, người ta có thể gọi những người làm ra thứ hàng hoá kia theo thuộc tính chuyên môn: Thợ ảnh – người chơi ảnh – nghệ sĩ nhiếp ảnh. Và đừng vội xếp hệ bậc cho những người cầm máy, bởi họ vốn đã được cuộc đời quăng quật không chút nương nhẹ và cái gì được cho là “hữu danh vô thực” họ ít­­ màng đến. Vậy để xác thực hơn, có tính bao trùm hơn, người ta nên chăng phải trả lại tên gọi: “Nhà nhiếp ảnh” cho một người biết chụp ảnh hội tụ đủ năng lực, đủ tầm lãng tử và cả duyên may, giải quyết được tất cả những nhiệm vụ đó! ( Nếu tên: “Nhà văn” được cho là đẹp và cao quý với một người cầm bút, thì tên: “Nhà nhiếp ảnh” cũng thật giản dị và trân quý cho một người cầm máy)

      Nhìn vào lực lượng biết chụp ảnh hùng hậu của Việt Nam, người ngoài chắc nghĩ ở xứ ta phải có nhiều trung tâm đào tạo bài bản từ hệ dạy nghề, hệ cao đẳng và hệ đại học cho chuyên ngành này. Nhưng không: Họ tự tìm đến, tự trang bị và tự học nhiếp ảnh! Hôm qua, hôm nay và chắc rằng ngày mai vẫn sẽ thế. Nhìn vào chương trình đào tạo của chuyên ngành đại học báo chí ở trong nước, thì cũng chỉ thấy vài đề mục mỏng dính, cũ kĩ và lạc hậu nói về nhiếp ảnh. Khi đọc lời giới thiệu của Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, quảng bá về Khoa Nhiếp ảnh của trường: “Từ năm 1998, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tiến hành đào tạo khóa Nhiếp ảnh đầu tiên với trình độ cao đẳng, thuộc Khoa Nghệ thuật điện ảnh. Năm 2002, khóa Nhiếp ảnh đại học đầu tiên được đào tạo. Vào ngày 17/01/2005, Khoa Nhiếp ảnh được thành lập với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nhiếp ảnh. Các thế hệ giảng viên của Khoa Nhiếp ảnh là những nhà báo, nghệ sỹ đầu ngành.” (nguồn:Trường SKĐA)

    Với tham vọng: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nhiếp ảnh” nhưng thực tế các sinh viên sau khi ra trường, còn lại bao nhiêu phần trăn số người đã tốt nghiệp gắn bó với nhiếp ảnh, thì chưa thấy có số liệu thống kê. Trong danh mục các giảng viên được trường mời dạy, thì thấy chủ yếu là các nhà lãnh đạo, quản lý của các Hội. Bản thân họ hầu như chưa được qua đào tạo sư phạm, nên ta hiểu các giảng viên chỉ đủ khả năng truyền đạt những kinh nghiệm sẵn có của bản thân, đã kinh qua nhiếp ảnh thế nào…

    Theo lời đáp từ phỏng vấn của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến (nguyên hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du): “Khâu quan trọng nhất của Trường Nguyễn Du là chiêu sinh. Ở thời chúng tôi, mỗi khoá chúng tôi nhắm sẵn một số người chưa qua đại học nhưng có năng khiếu văn chương, có tác phẩm đáng chú ý. Trần Đăng Khoa, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương…, đều do chúng tôi nhắm trước” (Nguồn:Trang Blog Vương Trí Nhàn).  Vậy ở Trường Nguyễn Du, họ đề cao việc tìm người có năng khiếu là trước nhất. Còn Khoa Nhiếp ảnh của trường SKĐA Hà Nội, có làm được việc đó không(?) 

     Nhiếp ảnh từ khi ra đời (thế kỉ 18) theo thời gian, đã luôn được các nhà nghiên cứu, chế tạo ở các nước tiên tiến ưu tiên để phát triển. Ngành công nghiệp trong nước chưa tự làm ra máy ảnh và các thiết bị chuyên dụng, nhưng các nhà nhiếp ảnh ở Việt Nam đã sớm tiếp nhận những công cụ tân tiến nhất trên thế giới, cạnh tranh nhau chào bán sản phẩm ngay trước hiên nhà. Thế hệ cầm máy ảnh hôm nay, đang vinh dự được chứng kiến những đổi thay căn bản về lĩnh vực nhiếp ảnh. Mới hôm qua còn chưa hết ngỡ ngàng nhìn những hãng sản xuất phim nhựa giải thể, thì nay đã choáng ngợp với những thiết bị số liên tục được cải tiến… Máy móc gọn nhẹ hơn, độ nhạy “bén” hơn. Có thiết bị bay cao, lại có thiết bị khi lặn chụp được ở dưới nước… Phóng viên viết bài và chụp ảnh bằng cái điện thoại mỏng dính, chỉ một loáng là sự kiện có thể đã ngập tràn các trang tin điện tử. Thực tế khi cơ hội trải đều cho mọi công dân, thì khoảng cách giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư đang nhanh chóng bị xoá nhoà. Những thách đố về các vấn đề kĩ thuật trong khi chụp đang được tích hợp tự động hoá ngay ở thiết bị ghi hình. Một người đam mê với cái đẹp, lại sẵn có vốn văn hoá, hiểu chút ít về công nghệ là có thể tham gia hoạt động nhiếp ảnh. Bằng chứng rằng, những năm gần đây lực lượng viên chức khi nghỉ hưu còn dồi dào sức khoẻ, đã tìm thấy ở nhiếp ảnh một thú chơi với đầy niềm đam mê tự nhiên, không ít người nhanh chóng thành công và thực tế đã góp sức không nhỏ cho hoạt động nhiếp ảnh của Việt Nam.

     Câu lạc bộ DLA (đi là ảnh) ở Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quang Ngọc làm chủ nhiệm, người ta có thể thấy ở đó đã hội tụ đủ mọi thành phần trong xã hội tham gia. Những kiến thức căn bản về chụp ảnh, làm hậu kì, hướng dẫn đi thực tế…, đã được đào tạo tại chỗ bởi những người đi trước có chuyên môn giỏi truyền đạt. Mô hình CLB được ban chủ nhiệm duy trì trong một không khí trẻ trung, sôi động. Sự tận tâm, sự cống hiến vô tư và tính tự quản như được lộ thiên trong sinh hoạt CLB... Thiết nghĩ một thành phố cả chục triệu dân, mà có vài ba CLB như thế hoạt động, thì phong trào nhiếp ảnh sẽ tươi mới lên rất nhiều.

     Thường chỉ một chút lãng quên cập nhật cái mới. Một chút say dài với thành quả của quá khứ. Một chút tự ti mà đánh rơi đi cảm hứng tự học - thứ đã dựng nên tên tuổi cho những cá nhân, khi nhận ra thì luôn luôn đã muộn. Không cưỡng lại được với sự đè nặng của năm tháng, nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh đã hụt hơi với cuộc chạy đua cùng thời gian. Chẳng có gì lạ, khi thấy ông chi hội trưởng một Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ở địa phương nọ, đang chậm chạp dò tìm vài ba người trong danh sách hội viên của mình, xem ai còn đủ sức khoẻ cùng đi xe máy đến thăm một hội viên đang nằm viện. Năm 2022 Hội NSNA VN kết nạp thêm được ba chục hội viên mới. Thì Ban thi đua lại nối dài danh sách số hội viên để mừng thọ… Tuổi cao, đồng nghĩa với sự hạn chế hoạt động chuyên môn và cũng đồng thời khó khăn bội phần với việc cập nhật sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Nếu nhìn sâu vào nội tình ở mọi chi hội nhiếp ảnh của Hội NSNA Việt Nam, thấy số người hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hẳn có đến bảy chục phần trăm. Những người hoạt động mạnh, tích cực thành ra lạc lõng. Nếu ai đã từng ngồi dự một buổi gặp mặt của các Cựu chiến binh, thì mối dắt câu chuyện mà họ thấy hào hứng nhất, không phải quy về những chuyện thời sự của cuộc sống hôm nay, hay những tiếp đón trang trọng mà Ban tổ chức giành cho họ. Họ khóc, cười với nhau bởi những kỉ niệm ùa về từ thủa nào đó giữa thời trận mạc kia. Còn trong buổi sinh hoạt của không ít chi hội nhiếp ảnh hiện nay, những câu chuyện bàn sâu về chuyên môn; nghiệp vụ đang thưa vắng dần. Cảnh rời rạc - không ăn khớp - tĩnh lặng bao trùm. Có người hiện diện ở đó, như muốn đại diện cho nhiếp ảnh một thời, nhiều hơn là muốn tiếp tục hoạt động nhiếp ảnh. Kì thực, đứng giữa thế hệ nhiếp ảnh trẻ thời kĩ thuật số và lớp nhiếp ảnh thời phim nhựa, ông chi hội trưởng dù cố gắng mấy, cũng không thể tìm ra được hoà khí chung. Tựa như ông sẽ bất lực, nếu cứ loanh quanh để kết nối cái laptop đời mới, với chiếc máy đánh chữ ở những năm sáu mươi của thế kỉ trước.   

    Khi ngắm những khuôn hình thấm đẫm niềm đam mê, hội tụ đầy đủ mọi cơ duyên (Thiên thời – địa lợi – nhân hoà), người đời cứ nghĩ tác giả sinh ra là để làm việc đó. Ngay các nghệ sĩ, không ít người còn bối rối để tự trả lời câu hỏi: Cơn mơ nào đã dẫn mình đến với nhiếp ảnh(?) Chắc chắn câu trả lời của mỗi người sẽ một khác. Song dù có trăm lối để vào, thì hình như cũng chỉ có đôi ngả để ra: Cạn duyên và về già. Hành trình của nhiếp ảnh Việt Nam trong tương lai, hẳn vẫn sẽ được nối dài theo nhịp bước của bảy chục năm trước: Trách nhiệm – đam mê – sự dấn thân và sự tự học. Lớp nhiếp ảnh trẻ được trang bị kiến thức của thời đại bốn chấm không, họ phải chạy đua để không tụt hậu với trí tuệ nhân tạo. Họ lại được bay nhảy học tập ở khắp nơi trên thế giới, có điều kiện “tách xa” để thấm đẫm tình yêu quê hương qua nỗi nhớ gia đình và sứ sở. Và lớp nghệ sĩ “già” hôm nay còn gì bận tâm mà không tin tưởng để trao sứ mệnh cho họ? Cũng không ai khác, chính họ phải ghé vai lĩnh nhận trọng trách, hiện thực hoá giấc mơ là sẽ đưa Nhiếp ảnh Việt Nam trở thành cường quốc nhiếp ảnh trong tương lai.

Thái nguyên, tháng Giêng năm Quý Mão

Vũ Kim Khoa

. . . . .
Loading the player...