06-01-2020 - 05:51

Những đóng góp trong việc giới thiệu thành tựu Folklore học của Nguyễn Đổng Chi ra nước ngoài

Tạp chí Hồng Lĩnh số 160 giới thiệu bài viết "Những đóng góp trong việc giới thiệu thành tựu Folklore học của Nguyễn Đổng Chi ra nước ngoài" của Đặng Thị Hảo

 

       Ôn Thị Mỹ Linh là một Tiến sĩ Folklore, làm luận án tại Cộng hòa liên bang Đức- quê hương của anh em nhà học giả Grimm, có bộ sách nổi tiếng hàng trăm năm nay với tên gọi Chuyện kể trong nhà và cho trẻ nhỏ, nhưng từ lâu đã được nhân dân Đức và nhân dân thế giới gọi một cách trìu mến là Truyện cổ Grimm để xác nhận phong cách đặc thù của hai ông trong tập truyện dân gian này, nó cũng là công lao to lớn mà hai ông góp vào ngành Folklore học hiện đại. Luận án của Ôn Thị Mỹ Linh lại mang một chủ đề khá độc đáo và lý thú: So sánh những điểm tương đồng giữa anh em Grimm của Đức và Nguyễn Đổng Chi của Việt Nam. Những vấn điểm cốt yếu mà chị phát hiện và nung nấu trong bản luận án: nêu lên những điểm tương đồng giữa bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam nổi tiếng từ nhiều thập kỷ nay của Nguyễn Đổng Chi và bộ Truyện cổ Grimm (ra đời từ 1812). Chúng tôi xin tóm tắt lại mấy điểm sau đây.

Folktales and Fairy Tales: Traditions and Texts from around the World, 4 tập, 1590 trang, in lần thứ hai, 2016

       1.Xét về ngữ cảnh văn hóa, anh em Grimm viết Truyện cổ Grimm giữa hoàn cảnh nước Đức bị chia cắt thành hàng trăm bang dưới sự chiếm đóng của quân đội Pháp. Khi Napoléon đại bại vào đầu thế kỷ XIX, nước Đức được giải phóng, nhưng để tái thiết lại đất nước thì phải ra sức xây dựng lại, trong đó mục tiêu mấu chốt đối với tầng lớp trí thức là làm sao nhanh chóng hồi sinh một nền văn hóa thống nhất của dân tộc Đức vốn đã có truyền thống từ lâu. Với bộ sách cố tích của mình, hai anh em Grimm là hai trong số những trí thức đã thể hiện nhiệm vụ khó khăn gian khổ và cao cả ấy bằng công phu sưu tập hiếm thấy để tìm lại “tinh thần Đức” tản mác từ lâu trong đời sống dân dã. Nguyễn Đổng Chi cũng vậy, sinh năm 1915, ông trưởng thành trong giai đoạn Việt Nam có nhiều biến động phức tạp về cả chính trị và văn hóa.Từ một chế độ thuộc địa và bảo hộ của người Pháp đã kéo dài hơn 50 năm, trải qua nhiều cuộc đấu tranh gian khổ hết chặng này đến bước khác, người Việt đã quyết tâm giành bằng được độc lập về tay dân tộc mình. Để góp phần vào con đường kiên trì giữa sống và chết đó, bên cạnh hoạt động cách mạng mà ông đã tự nguyện tham gia từ 1939, trong tư cách một trí thức yêu nước, mục tiêu sâu xa và xuyên suốt của học giả Nguyễn Đổng Chi là dùng ngòi bút đa năng của mình nhằm thể hiện sức mạnh tinh thần Việt Nam và ý chí độc lập, thống nhất từng thấm sâu trong máu người Việt Nam. Các công trình nghiên cứu sưu tập Folklore của ông là một phương diện học thuật giúp ông thực hiện lẽ sống cao cả nói trên. Nếu nghiền ngẫm thấu đáo các tầng nghĩa khác nhau trong các công trình này, người đọc có thể tìm ra sự tích hợp nhiều mặt của một cảm quan nhạy bén về sức mạnh thống nhất dân tộc về văn hóa ở trong ông. Vì thế, tuy có nhiều đóng góp văn hóa khác nhau và mặt nào cũng nổi trội, khi nhắc đến anh em Grimm độc giả Đức thường nhắc đến Chuyện kể trong nhà và chuyện cho các trẻ nhỏ, cũng như khi nhắc đến Nguuyễn Đổng Chi, độc giả người Việt thường nhắc đến Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Trong cuốn Bách khoa thư về truyện cổ tích (Enzyklopädie des Märchens, 2011), Giáo sư Jörg Engelbert của Đại học Hamburg, một trong những nhà nghiên cứu Đức hiếm hoi am hiểu đặc biệt ngôn ngữ, văn hóa và văn học Việt Nam đã giới thiệu Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam tới học giả và độc giả châu Âu. Engelbert đánh giá cao tập truyện cổ tích này: “Bộ sưu tầm truyện cổ tích phong phú nhất và hệ thống nhất của người Việt từ trước tới nay là tuyển tập truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984), gồm 200 truyện cổ tích với hơn 1.000 dị bản khác nhau thuộc bản kể của các dân tộc lân cận hay bản kể của các dân tộc thiểu số Việt Nam”.

       2. Về quan điểm và phương pháp, anh em Grimm coi việc sưu tập các nguồn tư liệu điền dã trong dân gian là trở lại với các nguồn tinh khiết của tinh thần Đức, từ đó bảo tồn được cốt tủy tiếng nói hiện đại của văn học Đức và tạo được mối liên thông giữa văn học viết và văn học truyền thống ở tận cội nguồn. Hai ông đòi hỏi người nghiên cứu phải tôn trọng nguồn tinh khiết ấy, tránh thay đổi bản kể theo ý muốn chủ quan của mình. Phương pháp của Nguyễn Đổng Chi cũng không khác. Trong Lời nói đầu bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, ông viết: “Tôn trọng chủ đề và kết cấu đã có của những truyện cổ tích, trong đời sống truyền miệng từ xưa, chúng tôi cố gắng trình bày nguyên không sửa chữa. Trường hợp những truyện có nhiều địa phương kể khác nhau về chi tiết hay toàn phần chúng tôi sẽ ghi tóm tắt ở mục Khảo dị để tiện tham khảo. Nếu truyện có nội dung tương tự với truyện của các dân tộc khác ở trong nước hay nước ngoài chúng tôi cũng làm như vậy”. Rõ ràng hai quan điểm thể hiện trong đoạn trích cho thấy, không hẹn mà gặp, ngòi bút sưu tầm truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi rất gần gũi với anh em Grimm; quan điểm thứ nhất là cái tinh thần “pureness in collecting folktales” (sự thuần khiết trong sưu tầm truyện cổ), còn quan điểm thứ hai là sự tập hợp dị bản thì không những thống nhất, Nguyễn Đổng Chi còn “tập hợp được một số lượng dị bản phong phú hơn của từng type truyện so với anh em Grimm”.

       3. Nhưng hai anh em Grimm và Nguyễn Đổng Chi còn có sự gặp gỡ nhau ở chỗ, ngoài các nguồn tài liệu dân gian lấy từ trong thực tiễn điền dã, họ còn hướng tới nguồn tư liệu đã được văn bản hóa, tức là văn học thành văn. Theo một số học giả Đức gần đây như Heinz Rölleke hay Jack Zipes, cả hai anh em Jacob và Wilhelm Grimm không chỉ thuần túy khoanh lại trong nguồn dân gian mà có xuất phát từ các nguồn văn học viết, tham bác với nguồn tài liệu điền dã để cách tân, mở rộng, nâng cao phong cách các bản kể, chỉnh sửa lại về mặt ngôn ngữ, khiến cho văn bản hai ông kể lại đạt đến văn phong tinh luyện hơn, câu chuyện có sức thu hút hơn, và theo đó lịch sử đã ghi nhận đó là “truyện cổ Grimm”, tuy hai ông vẫn cố gắng không đi xa lời ăn tiếng nói của dân gian. Thì Nguyễn Đổng Chi trong cách xây dựng truyện cổ tích của mình cũng không hề bỏ qua. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được ông biên soạn dựa trên cả nguồn tài liệu văn học viết phong phú, đa dạng bằng chữ Hán Nôm do các nhà nho ghi lại, và nguồn tiếng Việt do người Việt ghi lại và người Pháp sưu tầm, lưu trữ. Ông không hề giấu diếm điều này. Chính vì thế từ nhiều chục năm nay, nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận phương pháp sưu tầm và xây dựng truyện cổ đặc sắc của Nguyễn Đổng Chi. Bộ sách kết hợp uyển chuyển giữa tài liệu điền dã và văn học viết của nhiều thời đại để nâng lên thành những câu chuyện kể đột xuất,có văn phong trong sáng, đã được xem như đó là phong cách tái lập Folklore của Nguyễn Đổng Chi khó trùng lẫn với ai, và Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam xứng đáng là kho tàng truyện cổ mang tên Nguyễn Đổng Chi. Bộ tuyển tập cổ tích lớn và hệ thống này khẳng định tâm huyết và quá trình lao động công phu ít người sánh kịp của nhà học giả, và cũng như hai anh em Grimm, nó in đậm dấu ấn của Nguyễn Đổng Chi cả về kết cấu,trình bày, và cả sự tinh tế trong việc lựa chọn cân nhắc tình tiết cũng như ngôn từ để giữ đúng được cốt cách, tâm hồn Việt Nam theo quan niệm của ông. Nếu số liệu thống kê do Bernhard Lauer đưa ra cho thấy sức hấp dẫn vô cùng lớn của Truyện cổ Grimm đối với bạn đọc Đức và bạn đọc thế giới, tính từ năm 1986 đến năm 1995 đã có đến 520 công trình, bài viết đề cập đến nó, thì Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam ngay từ lần in đầu tiên năm 1957 cũng lập tức tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với độc giả và giới nghiên cứu trong nước cũng như nước ngoài. Những luồng ý kiến đa dạng từ Maurice Durand, Lê Văn Hảo đăng trên BEFEO ở Pháp năm 1964 và các công trình nghiên cứu ở miền Nam trước năm 1975 cùng những đánh giá của Tạ Phong Châu, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Thị Huế, Hy Tuệ, Trần Gia Linh, Nguyễn Ngọc Côn, Bùi Văn Nguyên, Trần Thị An, v.v... tiếp nối về sau, đều coi Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam như một thành tựu lớn của ngành Folklore nước nhà. Cùng với những lần tái bản trong nhiều thời gian khác nhau trước đây, mỗi lần hàng chục vạn bản, có thể nói, cho đến nay kho truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi đã trở thành sách quý quen thuộc với độc giả, cả trẻ em và người lớn ở trong và ngoài nước. Điều đáng tiếc duy nhất là cho đến nay, bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vẫn chưa có một bản dịch ra tiếng Anh thật trọn vẹn, cho dù nó đã từng được tuyển dịch ở một số nước trên thế giới. Nếu có một bản dịch tiếng Anh thật hoàn thiện, chắc chắn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam còn tạo được ảnh hưởng lớn hơn trong giới học giả quốc tế.

       Do ảnh hưởng của tập luận án Tiến sĩ, Ôn Thị Mỹ Linh được học giả Folklore học nhiều nước biết đến. Vì thế, nhân dịp bộ Bách khoa toàn thư truyện cổ tích thế giới của Hoa Kỳ được tái bản, các học giả Hoa Kỳ đã tìm cách liên hệ với chị thông qua các học giả ở Đại học Đức, mời chị viết mục từ Nguyễn Đổng Chi trong bộ sách này. Ôn Thị Mỹ Linh đã nhận lời và hoàn thành công việc trong năm 2015 để kịp dịch ra tiếng Anh một cách hoàn chỉnh.

                                                                                                 Đ.T.H

. . . . .
Loading the player...