Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tác phẩm “Những lá thư cha không bao giờ gửi” của tác giả Nguyễn Doãn Việt.
Những lá thư cha không bao giờ gửi
Tôi sinh ra trong một gia đình khá đông anh chị em. Cha mẹ tôi sống ở làng quê và đương nhiên quanh năm suốt tháng chỉ biết đến ruộng vườn cấy hái. Hồi đó kinh tế hết sức khó khăn, nhà lại đông miệng ăn nên thiếu đói là điều không tránh khỏi. Là con đầu, trong khi các em tôi còn bé, tôi vừa đi học một buổi, một buổi phải phụ giúp cha mẹ việc đồng áng và việc nhà. Đó là khi tôi bắt đầu lớn, cha tôi vốn nóng tính, nên mỗi lần làm việc gì đó sai sót là i như rằng tôi sẽ bị những trận quát mắng liên hồi từ cha. Cha tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Hễ các em tôi bị lỗi gì đó là cha lại trách mắng tôi, cho rằng tôi là chị lớn mà không trông nom hoặc nhắc nhở em út. Khi đó tôi chưa hiểu gì nên giận cha nhiều lắm. Khác với mẹ, lúc nào cũng nhẹ nhàng, to nhỏ. Sự nghiêm khắc của cha làm tôi vừa ghét vừa giận nhưng lại luôn có cảm giác sợ sệt. Cha làm việc nhà, việc đồng luôn tay rồi còn nhận công việc thủy nông của xóm nên vất vả bận rộn vô cùng. Tay chân không lúc nào nghỉ, quần áo lấm lem, chiếc áo k82 mặc từ hồi đi bộ đội về đã sờn rách nhưng khi nào cha cũng mặc, vì ngoài cái đó ra cha chẳng có bộ quần áo nào tươm tất. Hình ảnh chiếc áo luôn thấm đẫm mồ hôi, hễ về đến nhà là giọng cha lại oang oang quát tháo in hằn trong tâm trí tôi mãi cho đến bây giờ.
Mặc dầu tính khí như vậy nhưng chưa bao giờ cha dùng roi vọt với tôi. Khác với cậu em, thi thoảng lại bị ăn vài lằn roi mây của cha. Có lẽ cha thương tôi là con gái bé bỏng yếu ớt chăng! Hay là con trai ngỗ nghịch phải dùng biện pháp mạnh còn con gái thì khác? Có lẽ đó cũng là phương pháp răn dạy con cái!
Những năm đất nước bước vào đổi mới, mọi làng quê như rạo rực hẳn lên. Không biết từ đâu xuất hiện phong trào đua nhau đi vào các tỉnh phía nam để làm công nhân trong các nhà máy, các khu công nghiệp. Học sinh lứa chúng tôi bắt đầu lác đác bỏ học để đi làm kinh tế. Bạn bè nghỉ học nhiều, xã tôi phải nhập trường cùng học với xã bên, trường học xa, xe đạp không có, tiền học và bộ áo quần đầu năm học mới cũng không. Cộng với tâm trạng chán nản, nên tôi quyết định bỏ học, vừa để có thời gian giúp đỡ việc nhà, vừa đỡ ra một khoản tiền dành cho các em tôi ăn học hằng ngày. Rồi mấy ngày tôi không đi học nhưng không dám nói vì sợ cha, thế rồi cha cũng biết. Cha quát mắng mấy ngày liền, tôi chỉ im lặng không dám hé răng nửa lời. Sau thì cha không nói nữa vì có lẽ cha cũng biết cái xu thế của xã hội giai đoạn ấy. Mấy ngày sau đó cha cứ trầm ngâm mỗi tối, trên chiếc ghế gỗ cha ngồi rít thuốc lào và trông chừng mấy đứa em tôi học bài. Cuộc sống gia đình vẫn cứ khó khăn mãi, những năm bước vào đổi mới, cha lên thị xã làm thêm nghề phụ hồ kiếm tiền trang trải cho cả nhà với đàn em tôi ngày một lớn.
Nghỉ học được một thời gian thì tôi dự định đi làm công nhân trong Sài Gòn. Nhưng cha tuyệt đối không cho đi, cha bảo cứ ở nhà rồi sang năm con học lại để sau này kiếm cái nghề cho khỏi vất vả. Mãi sau này tôi mới hiểu được tấm lòng của cha, cha muốn tôi ở nhà thêm một vài năm để cứng cáp lên chứ lúc ấy mà đi thì non nớt bé bỏng lắm. Nhưng ngày đó đâu hiểu được những điều như vậy trong sâu thẳm lòng cha!
Ở nhà được gần hai năm thì cha đồng ý cho tôi đi. Mấy ngày trước khi đi cha bảo tôi ở nhà nghỉ ngơi không phải làm việc gì, rồi cha dặn dò đủ thứ từ những chuyện nhỏ nhặt của cánh phụ nữ tưởng chừng như đàn ông không bao giờ biết nhưng cha vẫn trò chuyện, bày vẻ rất tỉ mỉ. Lúc nào cha cũng loay hoay bên tôi cốt để dặn dò còn tôi thì chỉ nghe bâng quơ vậy thôi, nào có nhập tâm được hết. Trước ngày đi, cha vót cho tôi một đôi đũa tre và bảo: - Vào đó con dùng đũa tre này ăn cơm sẽ đỡ nhớ nhà hơn. Sau này chuyển qua mấy chỗ làm và chỗ trọ nhưng đôi đũa cha vót vẫn được tôi mang theo mỗi bữa ăn hằng ngày. Mỗi lần cầm đôi đũa lên là tôi lại trào dâng nỗi nhớ mẹ thương cha, nỗi nhớ nhà khôn tả. Hôm ấy, trên chiếc xe đạp, cha chở tôi lên đón xe tốc hành vào nam. Ngồi sau lưng cha, chiếc áo k82 sờn cũ đẫm mồ hôi, cha vẫn không thôi dặn dò tôi từng li từng tí. Tôi lên xe, cha đứng nhìn theo mãi. Tôi vào Sài Gòn tìm việc, cha trở về đồng ruộng và lúc nông nhàn lại lên thị xã phụ hồ kiếm thêm thu nhập để trang trải áo cơm.
Năm 2002, nhận được tin cha ốm phải nằm viện. Tôi tức tốc nhảy xe về. Cha nằm trên giường bệnh gầy nhom. Tôi không cầm được nước mắt. Cha như vui hẳn lên vì thấy con gái xa xôi trở về. Những ngày chăm sóc cha ở bệnh viện tôi luôn cầu mong cha khỏe lại. Còn nhớ hôm ấy, khi làm thủ tục để thanh toán chế độ bảo hiểm nên tôi về nhà để tìm giấy tờ của cha. Sau một hồi lục tìm trong chiếc rương gỗ đã cũ kĩ, bất chợt thấy những lá thư ngắn vỏn vẹn chỉ mấy dòng. Đó là nét chữ của cha tôi, những tờ giấy được cắt từ trang vở của em tôi, nhưng trang vở ô ly đã ố vàng, từng dòng chữ hiện lên đập vào mắt tôi nghẹn ngào xúc động.
Ngày, tháng, năm ....
... Cha nhớ con nhiều lắm, những gì con cho là nghiêm khắc mà cha dành cho con chính là để con ra đời khỏi vấp ngã... Cha nhớ và thương con gái nhiều lắm!
Ngày tháng năm ...
... Cha lại nhớ con, con nhớ giữ gìn sức khỏe. Mong con bình an và may mắn...
Ngày tháng năm...
...Con cứ yên tâm, cha vẫn khỏe, không phải lo lắng gì đâu nhé. Cuối năm này con có về ăn tết cùng gia đình ta không? Cha luôn mong nhớ con.
Ngày tháng năm...
...Cha xin lỗi đã không để cho con học hành đến nơi đến chốn, con cố gắng sống thật tốt, yêu thương, giúp đỡ mọi người, cha yêu con.
....
- Ôi! Một tập thư dày như vậy nhưng sao cha không gửi cho con một lần nào hả cha!!! Con chỉ nhận được thư của mẹ thôi, mẹ kể cha vẫn lên phụ hồ trên thị xã, cha vẫn đảm nhận công việc thủy lợi của làng..... Vẫn chiếc áo k82 cũ sờn ấy! Ôi! Tôi không ngờ lòng cha mênh mang đến thế, cha đã kìm nén lòng mình bao năm qua, cha đã không để bộc lộ lòng mình rằng cha cũng yêu thương con vô bờ bến. Những lá thư cha không gửi đã giúp con cứng cõi hơn trong cuộc đời.
Với vẻ bề ngoài nghiêm khắc đến khô khan như thế nhưng bên trong là cả một tấm lòng bao dung, yêu thương vô hạn mà cha dành cho đứa con gái đầu lòng bé bỏng của cha.
Tôi đã âm thầm cất giấu tập thư, coi như chưa tìm thấy chúng. Cha tôi dần khỏe lại và tôi cũng hết kỳ nghỉ phép quay trở lại Sài Gòn, mang theo những lá thư và nỗi niềm nghẹn ngào xúc động. Tôi tự nhủ lòng gắng làm một thời gian nữa rồi về quê, cất một căn nhà để gần gũi chăm sóc mẹ cha lúc tuổi già đau yếu.
Nhưng rồi, bệnh cha tái phát và chuyển nặng. Tôi không mua được vé máy bay. Chiếc xe giường nằm mất hai ngày đêm mới về đến quê nhà. Họ hàng đã đưa cha ra nghĩa trang trong chiều đã muộn. Nghĩa trang nằm giữa cánh đồng làng, nơi suốt cuộc đời cha một nắng hai sương đi về hôm sớm. Cha về với tổ tiên trong một buổi chiều, một buổi chiều mùa hè nắng nhạt, nắng trải ra trên cánh đồng vàng thẫm mênh mang. Tôi bật lửa, những lá thư giấy ô ly đã ố vàng cháy lên trong chiều cô quạnh. Tôi gửi lại những bức thư để nói với cha rằng con đã đón nhận được tình yêu thương vô bờ bến, như biển cả bao la, như máy trời lồng lộng mà cha đã dành cho con trong suốt cuộc đời này. Con mãi mãi khắc ghi hình bóng cha với chiếc áo k82 cũ sờn luôn đẫm mồ hôi và những bức thư như suối nguồn yêu thương bất tận.
N.D.V