15-06-2023 - 15:32

Phong cách giản dị, gần gũi trong bài nói chuyện của chủ tịch Hồ Chí Minh tại chuyến thăm và làm việc ở Hà Tĩnh (15/6/1957)

Vào ngày 15/6/1957,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm, nói chuyện với các đại biểu, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh. Tuy thời gian ngắn nhưng những lời căn dặn, chỉ bảo chí tình, khen chê thẳng thắn của Người đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Tĩnh luôn được mỗi người dân Hà Tĩnh khắc ghi, làm theo. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Phong cách giản dị, gần gũi trong bài nói chuyện của chủ tịch Hồ Chí Minh tại chuyến thăm và làm việc ở Hà Tĩnh (15/6/1957)” của Th.S Lê Đình Hùng, Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh.

PHONG CÁCH GIẢN DỊ, GẦN GŨI TRONG BÀI NÓI CHUYỆN

CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI CHUYẾN THĂM VÀ

LÀM VIỆC Ở HÀ TĨNH (15/6/1957)

                                                                                  Th.S Lê Đình Hùng

                                                   

            Phong cách Hồ Chí Minh là tổng thể những lề lối, cung cách, tác phong, phong thái gắn bó chặt chẽ với nhau thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm: Phong cách lãnh đạo, Phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt. Một trong những phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong các bài viết, bài nói chuyện của Người chính là Phong cách diễn đạt.

          Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện: Một là, cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Mục đích của nói và viết Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Hai là, diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, lượng thông tin chính xác, không thừa ý, thừa chữ, thừa lời. Ba là, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể. Khi nói, khi viết Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Bốn là, luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo; sự sôi nổi trong tranh luận; thiết tha trong kêu gọi; ân cần trong giảng giải; sáng sủa trong thuyết phục.

       Giản dị, gần gũi, ngắn gọn, dễ hiểu, thân tình ấm áp là phong cách biểu đạt chủ đạo, xuyên suốt bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu bài nói chuyện, Bác đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, không dài dòng “Bác có mấy điều nêu lên để các đồng chí ghi nhớ và cố gắng thực hành. Trong đó, Bác có nói những ưu điểm, có phê bình những khuyết điểm. Sau cùng, nêu lên những nhiệm vụ trước mắt. Nêu lên ưu điểm để cố gắng phát huy, Nêu lên khuyết điểm để cố gắng khắc phục”. Đó là phần đặt vấn đề làm cho người nghe dễ hình dung phần dàn ý tóm tắt bài nói chuyện của Bác. Bác đặt vấn đề nhẹ nhàng, không to tát, mệnh lệnh mà là “Ghi nhớ và cố gắng thực hành”,“cố gắng phát huy”,“cố gắng khắc phục”.

        Với tầm bao quát sâu rộng trên tất cả các vấn đề, Bác đã nêu rất gọn, rất đúng những ưu điểm, khuyết điểm và nhiệm vụ trước mắt về  tình hình của Hà Tĩnh lúc đó.

       Về ưu điểm: Bác nói Hà Tĩnh có mấy ưu điểm: Một là, “tích cực công tác”; Hai là, “tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình”; Ba là, “đã cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai, cố gắng kiện toàn tổ chức, cố gắng cùng nhân dân và lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất”.

         Để minh chứng cho những ưu điểm ấy, Bác đã rất khéo léo dẫn ra những ví dụ rất cụ thể trong muôn ngàn tấm gương tốt của Hà Tĩnh để chọn ra những gương rất điển hình, tiêu biểu có sức lay động như đồng chí Bí thư chi bộ Kỳ Hải đã ngâm mình dưới nước ngăn dòng lũ cho Nhân dân đắp chỗ đê sụt lở là “biết hy sinh cho dân”; chị Thiện nghèo, có bệnh vẫn hăng hái vận động bà con vùng giáo lập tổ đổi công “chẳng những trong nữ giới mà nam giới cũng phải noi theo”. Bác lại còn nêu thời kỳ kháng chiến, Hà Tĩnh đã cùng Hậu phương Thanh - Nghệ Tĩnh “đã tích cực lãnh đạo nhân dân, dân quân du kích, chống càn quét và và sản xuất có nhiều thành tích” góp phần được cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Chứng tỏ Bác hiểu rõ và nắm rất sâu từ những việc cụ thể nhất, nhỏ nhất như là người đồng hành với phong trào của Hà Tĩnh lúc đó. Từ đó làm cho bài nói chuyện của Bác có sức nặng, sức thuyết phục, hấp dẫn với tất cả mọi người.

        Nếu như phần ưu điểm Bác nói rất đúng, rất trúng về tình hình Hà Tĩnh thì sang phần khuyết điểm, Bác bắt mạch đúng khuyết điểm, hạn chế của cán bộ, đảng viên Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Bác nghiêm khắc chỉ ra: “Có hiện tượng trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết kém”. Bác phân tích: “Các cô, các chú biết đoàn kết là sức mạnh của mình. Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta kém đoàn kết làm lực lượng ta kém sút một phần. Vì vậy, khuyết điểm ấy phải cố gắng sửa chữa cho kỳ được”. Bác tiếp tục dẫn ra một loạt khuyết điểm: “ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém...”,“…sợ khó, không thích làm, hoặc chọn việc dễ, là không có tinh thần trách nhiệm, làm giảm bớt lực lượng của Đảng...”; “suy bì so sánh cá nhân”; “thấy người này chánh, người khác phó, bậc này cao, bậc kia thấp mà suy tỵ, kèn cựa”; “thắc mắc về phụ cấp, cấp bậc, do đó không yên tâm công tác”, “cấp trên cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chưa mật thiết...”. Bác còn nhắc nhở thêm : “Đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, phục vụ giai cấp”, “Có những bộ phận tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi, nước mắt của đồng bào... như vậy là có tội với chính phủ và Nhân dân”; “... Đảng viên, cán bộ ở Nghệ An cũng như ở Hà Tĩnh, một số có óc công thần, cho rằng “choa” đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xô - viết... nên tự kiêu, tự đại không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn...”; “càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác, chứ vác mặt lên trời, làm quan cách mạng, lão thành cách mạng thì không ăn thua gì”...

        Những lời Bác nói thực sự thấm thía, đi vào lòng người, vẫn còn nguyên giá trị và tác dụng giáo dục rất to lớn cho đến hôm nay và mai sau.

Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu

       Sau khi nghiêm khắc phê bình, Bác nêu thẳng vào mấy nhiệm vụ trước mắt của Hà Tĩnh cần thực hiện và nói rõ Trung ương đặc biệt quan tâm đến Hà Tĩnh vì Hà Tĩnh trong cải cách ruộng đất có sai lầm lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, do tả khuynh, máy móc, giáo điều nên “phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn” “Các nơi khác đã làm được gọn, tốt rồi thì Hà Tĩnh cũng làm được”. Bác cũng chỉ rõ, trong điều kiện cách mạng khó khăn lúc bấy giờ, đại bộ phận cán bộ, đảng viên  thiếu kiến thức, chưa được học về lý luận “có khi vì công tác, vì điều kiện, vì trình độ một phần nên chưa nghiên cứu được về chủ nghĩa Mác - Lê Nin” do đó chưa hiểu thấu đáo và còn rất trừu tượng về chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác giải thích ngắn gọn chủ nghĩa Mác – Lê nin: “Bác chỉ nói một điểm rất đơn giản “có thực mới vực được đạo” “đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin”, sản xuất vật chất quyết định sự tồn tại xã hội, do đó “Phải chú ý tăng gia sản xuất” Bác còn căn dặn tỉ mỉ, cặn kẽ về lĩnh vực nông nghiệp là ngành sản xuất chính.“Muốn ăn là phải sản xuất, trước hết chăm lo vụ Bát, vụ Mười cho tốt, chăm sóc tốt chưa đủ. Nghề nông phải đấu tranh với đất là làm cỏ, bón phân, cày bừa kỹ; đấu tranh với trời là chống thiên tai như sâu, chuột, bão lụt, hạn hán. Vì vậy, ngoài việc chăm bón, làm cỏ, bỏ phân thì việc đắp đê chống lụt rất cần, mà đê ở đây đắp chậm...”. “Muốn tiến lên CNXH thì phải xây dựng. Nhờ các nước bạn giúp đỡ, giai cấp công nhân cố gắng mà ta đang xây dựng được khá nhiều xí nghiệp... Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở nhân dân, tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt”. “Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ tự phê bình và phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí”.

       Kết thúc buổi nói chuyện, Người căn dặn: “Phải đoàn kết. Đó là cái gốc” của mọi thắng lợi. “phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết Nhân dân”; “Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được”

       Chuyến thăm và làm việc của Bác tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng hình ảnh, giọng nói, cũng như phong cách gần gũi, giản dị trong Bài nói chuyện của Người như vẫn còn vang vọng, mãi khắc ghi đậm trong lòng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh. Những lời căn dặn, chỉ bảo chí tình, khen chê thẳng thắn của Người luôn được Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh ghi nhớ, học tập, làm theo. “…Tiếng Người sao nghĩa tình như nhắc nhở, khuyên răn, nhớ làm tốt, sửa sai, trồng thêm ngô và lúa. Muốn thắng giặc xâm lăng kết đoàn thành một khối, miền xuôi và miền núi giúp nhau cùng kháng chiến…” (Mời anh về Hà Tĩnh, Nhạc: Trần Hoàn).

            Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản Tư tưởng, đạo đức, phong cách mà Người để lại cho dân tộc ta. Phong cách đó của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.Vì vậy, việc học tập và rèn luyện theo phong cách của Người có ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ, đảng viên hiện nay. Học tập và làm theo phong cách diễn đạt của Người đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên phải không ngừng trau dồi, rèn luyện, nghiêm túc học tập khi diễn đạt cần chân thực, thẳng thắn, tức là nói, viết đúng quan điểm, đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình nói, viết cần kết hợp ngôn ngữ cho phù hợp với đối tượng, không làm trừu tượng hoá, phức tạp hoá vấn đề, nghiên cứu kỹ về đối tượng để nói, nắm bắt những đặc điểm cơ bản của các địa phương để có những ví dụ phong phú, có sức thuyết phục. Trong diễn đạt cần giản dị, nhưng không dễ dãi, cẩu thả, không nói dài, không nói cụt.  Học tập cách nói, thuyết trình trước công chúng.

Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh năm 1957. Ảnh tư liệu


            Trong nói, viết, phát biểu của một số cán bộ, đảng viên hiện nay còn một số hạn chế, như đặt vấn đề còn dài dòng, không đi thẳng vào vấn đề định nói; nói không đúng trọng tâm, trọng điểm hoặc đi lạc vấn đề; diễn đạt lúng túng, không mạch lạc; đặc biệt nói dài, nói dai; đề nghị người khác nói ngắn nhưng đến lượt mình nói hoặc kết luận lại nói dài; không chuẩn bị kỹ trước khi nói dẫn đến đuối ý, đuối lý, ít cô đọng; hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý chưa cao. Vì vậy, chúng ta cần học tập ở Bác rất nhiều về phong cách diễn đạt, ứng xử.

         Những lời chỉ bảo cùng phong cách giản dị, gần gũi của Người thông qua bài nói chuyện trong chuyến thăm lịch sử ngày 15/6/1957 không chỉ có ý nghĩa, tác dụng trong thời điểm lúc bấy giờ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị có tác dụng nhắc nhở, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Tĩnh đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh anh hùng, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh phát triển giàu mạnh, văn minh.

 

L.Đ.H


 

. . . . .
Loading the player...