12-10-2021 - 03:41

Phương thức thả rạo ở Nhượng Bạn và một số xã vùng biển Hà Tĩnh

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Phương thức thả rạo ở Nhượng Bạn và một số xã vùng biển Hà Tĩnh” của tác giả Nguyễn Trọng Thanh

Từ tên gọi rạo biển…

Thả rạo biển, hay nói cách khác là làm “ngôi nhà” dưới biển cho cá, mực đến trú ẩn, sau đó tiến hành đánh bắt. Đây là phương thức độc đáo, sáng tạo của ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản. Chính từ thực tiễn lao động sản xuất, ngư dân đã nắm bắt được tập tính của các loài cá và phát minh ra cây rạo biển để chủ động “nhử” chúng đến trú ngụ, sinh sống rồi tiến hành “giăng lưới, thả câu”.

Chữ rạo trong tiếng Việt có nghĩa là “hàng cây cắm giữa dòng nước để đóng đáy bắt cá”(1). Rạo là từ gọi chệch hoặc phái nghĩa của chữ rạn (rạn đá ngầm, rạn san hô trong lòng biển). Rạo là một quần thể sinh thái nhân tạo như rặng cây, bụi cây do con người thả xuống biển làm nơi cư ngụ, sinh sản cho các loài hải sản. Ngư dân vùng bắc miền Trung nước ta thường gọi là cây rạo (cây rạo biển), ngư dân từ Đà Nẵng vào đến miền Nam gọi là cây chà (cây chà biển). Chà nghĩa là lá cây chà là, loài cây được dùng để làm rạo. Ở Nhượng Bạn người dân còn dùng chữ “rạo chà” (hoặc rạo trà) để chỉ rạo biển.

Thuyền đi thả rạo - Ảnh Internet

Từ xa xưa, Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một trong những địa phương cung cấp nguồn hải sản chủ yếu cho người dân ở các làng xã lân cận thuộc huyện Cẩm Xuyên và các huyện trong tỉnh như Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê... Người Nhượng Bạn dùng thuyền chở các loại sản phẩm như cá khô, mực khô, ruốc khô, nước mắm, mắm tôm, muối… lên miền ngược bán và kết hợp buôn gỗ, tre, nứa, luồng, lá cọ, mây và  nông sản ở miền ngược, kết bè buông theo dòng nước về xuôi. Từ cửa Nhượng đi ngược các dòng sông có thể ra tới Đức Thọ, ngã ba Linh Cảm, rồi đến vùng miền núi Hương Sơn, Hương Khê.

Trước đây, để làm nhà cửa, đan thuyền, làm rạo biển và ngư cụ, ngư dân thường dùng các loại vật liệu như tre, luồng, gỗ, lá cọ. Vì vậy mà nghề buôn bè phát triển ở Nhượng Bạn. Nhiều gia đình trở nên khá giả và giàu có từ nghề này(2). Tầm vài ba chục năm trở lại đây, với sự đổi thay của cuộc sống và sự phát triển của giao thông đường bộ, các loại vật liệu này được chuyên chở bằng xe ô tô tải, nghề buôn bè ở Nhượng Bạn cũng dần mai một đi.

Thông thường, một cây rạo truyền thống được cấu thành bởi các bộ phận như phao tiêu, dây rạo, lá cây và đá tảng.

Phao tiêu, là phần bề nổi trên mặt nước của rạo, được làm từ cây tre rừng hoặc cây luồng (dân địa phương gọi là cây mét). Tre, luồng được chọn làm rạo phải là những cây lâu năm không bị sâu mọt, thân dài thẳng, cao từ từ 6 đến 9 mét. Dưới gốc cây được khoét lỗ để luồn dây. Người xưa đi biển không có thiết bị và sự hỗ trợ của công nghệ như ngày nay nên chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm như nhìn trời, mây, trăng, sao, con nước với những linh cảm nghề nghiệp để xác định vị trí của rạo hoặc các khu vực khác trên biển. Phần phao tiêu giúp ngư dân dễ dàng nhận diện vị trí của rạo. Sự tài tình khó lý giải của những ngư dân nằm ở chỗ, ra biển gặp ngày sáng trời mọi việc đều thuận lợi, tuy nhiên có những đêm tối trời hoặc gặp mưa gió, người cầm lái dường như ít dùng đến la bàn, con thuyền cứ lao băng băng trên biển. Mờ sáng chưa tỏ mặt, mọi người đã í ới gọi nhau buông neo, khi đó đã thấy rạo nằm sát mạn thuyền.

Dây rạo, là phần nằm giữa phao tiêu với đá tảng. Trước đây ngư dân thường chọn dây rừng (còn gọi là dây trường, chạc trường). Ngày nay ngư dân dùng dây cước sợi lớn hoặc dây thừng làm dây rạo. Một đầu dây được cột với phần đá tảng thả dưới đáy biển, đầu dây còn lại được cột với phao tiêu (ở gốc cây tre, cây luồng). Phần dây rạo nằm âm dưới mặt nước biển từ 3 đến 5 mét thì được luồn vào gốc phao tiêu. Mỗi khi thủy triều dâng lên những cây tre, luồng sẽ trở nên dựng đứng hoặc nghiêng 45 độ. Khi thủy triều xuống, phần phao tiêu sẽ nổi trên bề mặt nước biển. Chiều dài của dây tùy thuộc độ sâu của nước biển ở vị trí đặt rạo. Rạo thả ở lộng gần bờ thì mực nước thấp dây ngắn, còn thả ở khơi xa bờ thì dây phải dài hơn. Đơn vị tính độ sâu nước biển của ngư dân là sải tay (thông thường từ 1,5 đến 1,7 mét một sải tay). Dây rạo phải bền và dẻo dai để chịu đựng sự khắc nghiệt của môi trường, khí hậu biển và sự quăng quật khi gặp bão tố hoặc sự di chuyển của các dòng hải lưu.

, là lá cây tết rạo. Ngư dân thường dùng lá cây chà là (ở Hà Tĩnh gọi là cây muồng, thuộc chi chà là). Đây là loài cây có thân và lá giống cây dừa (hoặc cây cọ) nhưng lá dài hơn, bẹ lá có nhiều gai nhọn và chịu được mặn. Cây muồng có quả rất bé, đậu quả vào tháng 5 đến tháng 6 âm lịch, quả chín có thể ăn được(3). Lá muồng được lấy ở rừng về tết thật dày và rậm với phần dây rạo. Đây được xem là phần chính của rạo. Hàng năm, ngư dân bổ sung thêm phần lá cho rạo bằng cách tết lá cây vào dây rồi lặn xuống cột vào phần đá tảng, gọi là “đâm mồi”. Ngoài lá cây muồng, ngư dân có thể dùng lá cọ, lá cây đùng đình để tết rạo.

Đá tảng, có chức năng neo giữ phần dây và phao tiêu khi thả rạo xuống biển. Đá được lấy ở núi về, bỏ vào sọt và cột với dây rạo. Hiện nay, ngư dân không đan sọt mà chỉ cột dây hình chữ thập vào đá rồi thả xuống biển hoặc dùng những tảng bê tông có trọng lượng lớn thay cho việc lên núi lấy đá tự nhiên làm phần đá rạo. Phần đá tảng được ví như mỏ neo giữ cho rạo khỏi bị xê dịch, vì vậy mới có câu thành ngữ “Vững như đá thả rạo”.

Một thực tế đáng báo động hiện nay, nhiều tàu thuyền có công suất lớn đánh bắt hải sản bằng phương tiện giã cào, lưới cản ở khu vực gần bờ. Phương pháp đánh bắt này không chỉ làm suy kiệt nguồn lợi hải sản, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái biển mà mỗi khi tàu thuyền giã cào, lưới cản đi qua những cây rạo được ngư dân đầu tư bao của cải, công sức, đều bị cuốn phăng. Nhiều ngư dân bị mất rạo, nguồn sinh kế bị ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống trở nên khó khăn.  Để đề phòng lưới giã cào, lưới cản va quệt trúng, ngư dân ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh buộc phải làm những cây rạo biển với chi phí đầu tư cao, bằng cách hàn các lồng i nốc với kích thước lớn thả xuống đáy biển và chất bên trong hàng chục khối đá làm chân rạo. Khi gặp những cây rạo biển kiên cố, vững chắc như thế, các tàu thuyền giã cào, lưới cản phải né tránh, nếu không, chẳng khác nào đụng phải rạn đá ngầm hoặc san hô. Ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, ngư dân thường dùng những con thuyền cũ nát lai dắt ra biển, nhấn chìm rồi chất đá vào khoang làm chân rạo. Xét cho cùng, so với các phương thức đánh bắt hải sản khác, nghề thả rạo tạo ra giá trị bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái biển hơn hết.

… đến công đoạn thả rạo.

Sau khi chuẩn bị xong các vật dụng, việc quan trọng nhất là mang rạo thả xuống biển. Ngư dân phải chọn khu vực có nhiều luồng cá, loài hải sản sinh sống và di chuyển để đặt rạo nhằm thu hút chúng đến trú ẩn. Công việc tưởng chừng đơn giản vậy nhưng lại khó nhất, bởi ngoài những kinh nghiệm nghề biển còn đòi hỏi chủ rạo phải có cơ duyên và may mắn mới có thể có được những cây rạo tập trung nhiều cá, mực. Thực tế cho thấy, có những cây rạo sau khi thả xuống biển rất đông các loài hải sản đến trú ẩn, chủ rạo tha hồ đánh bắt, nhờ đó mà phát đạt về kinh tế. Ngược lại, cũng có nhiều ngư dân sở hữu những cây rạo “không”, vắng tôm thưa cá. Một số hoạt động tâm linh cũng được chủ rạo quan tâm như xem ngày giờ tốt, làm lễ thần biển, nhờ người “mát tay” từng thả những cây rạo lắm cá mực sang giúp đỡ. Ngư dân thả rạo tại nhiều vị trí theo độ sâu của nước biển, vì thế rạo biển được gọi là rạo 17, rạo 19, rạo 20, rạo 21, rạo 27, rạo 30, rạo 32 hoặc rạo Én ngâm, rạo Cồn lộng, rạo Cồn giữa, rạo Trà, rạo Bớc, rạo tàu bay(4)

Có thể coi cây rạo biển là sản phẩm kết hợp giữa đại ngàn núi rừng với biển cả và trí tuệ, công sức của con người nên nó rất quý giá như “khu vườn sinh thái nhỏ” của ngư dân trên biển.

Trên những con thuyền đánh cá, giữa mênh mông sóng nước trùng khơi, bất chợt nhìn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh rạo trong nắng vàng và gió biển mặn mòi, mang đến cho chúng ta những cảm xúc về tình yêu đất nước. Những cây rạo biển và những ngư dân bình dị mà kiên cường ấy đang ngày đêm bám giữ ngư trường, đóng góp một phần nhỏ bé của mình để bảo vệ không gian sinh tồn và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

N.T.T

________________

(1) Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 1996, tr. 793.

(2) Câu tục ngữ: “Muốn giàu buôn bè; muốn què leo cây”.

(3) Ở Nhượng Bạn còn lưu truyền câu ca dao “Tháng Năm ăn muồng bỏ vỏ; Tháng Sáu ăn vỏ bỏ muồng”. Tháng Năm lấy quả muồng về tuốt và luộc bỏ vỏ ăn hạt trắng bên trong có vị chát, sang tháng Sáu quả chín vỏ mọng đen căng tròn như quả trâm mốc, ăn có vị ngọt và dẻo, hạt cứng không ăn được phải bỏ.

(4) Rạo gọi tên theo số là độ sâu của làn nước, đơn vị tính bằng sải tay. Giai đoạn những năm 1965 -1970, một máy bay của không quân Mỹ bị lực lượng phòng không quân đội ta bắn rơi. Xác máy bay trở thành nơi trú ẩn của các loài cá biển nên gọi là rạo tàu bay. Năm 1993, người Mỹ có đưa lực lượng và thiết bị lặn ra rạo tàu bay tìm kiếm hài cốt phi công nhưng không tìm thấy.

 

. . . . .
Loading the player...