“Rằm tháng Giêng” là bài thơ Bác Hồ viết năm 1948 trên chiến khu Việt Bắc lúc cuộc chiến chống Pháp đang vào thời kỳ cam go quyết liệt. Rằm tháng Giêng “Nguyên tiêu” là đêm trăng rằm đầu tiên của một năm. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Rằm tháng Giêng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.
RẰM THÁNG GIÊNG
Rằm xuân lòng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Hồ Chí Minh
Lời bình:
“Rằm tháng Giêng” là bài thơ Bác Hồ viết năm 1948 trên chiến khu Việt Bắc lúc cuộc chiến chống Pháp đang vào thời kỳ cam go quyết liệt. Rằm tháng Giêng “Nguyên tiêu” là đêm trăng rằm đầu tiên của một năm. Ở đây khung cảnh không gian bài thơ diễn ra trên một con thuyền ở giữa dòng sông trong đêm trăng soi sáng rạng rỡ, một cảnh bình yên và thơ mộng biết bao. Con thuyền trên dòng sông hay là con thuyền cách mạng qua lăng kính của một tâm hồn lãnh tụ của nhà thơ thật bay bổng lãng mạn biết bao. Qua bản dịch của nhà thơ Xuân Thủy từ bài thơ của Bác viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt man mác phong vị Đường thi chuyển thành bài thơ lục bát uyển chuyển, như nhịp mái chèo tạo ra những vòng sóng giao thoa của tâm hồn lan tỏa thật thi vị với những thi ảnh, thi tứ: Con thuyền, vầng trăng, sông xuân, nước xuân, trời xuân. Điều thú vị nhất trong nguyên tác bài thơ, câu thơ: “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên” điệp từ 3 chữ “xuân” liên tiếp đã làm cho mùa xuân tràn ngập cả không gian. Một bức tranh thủy mạc tuyệt mỹ về một đêm rằm xuân có một không hai trong năm. Xuân không chỉ nhuốm đầy cảnh vật nó tràn ngập lòng người, hồn người. Bác Hồ là người yêu thiên nhiên cỏ cây hoa lá, yêu không gian vũ trụ đặc biệt là trăng: “Trăng nhòm qua cửa ngắm nhà thơ”. Sống giữa núi rừng Việt Bắc, tâm hồn Người luôn đồng cảm với “Tiếng suốt trong như tiếng hát xa - Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Ở đây Bác đã chọn một tiêu điểm rất thi nhân với phong độ ung dung chủ động thư thái, toát ra một cảm quan, lạc quan cách mạng đó là khi: Bàn bạc việc quân trên con thuyền giữa dòng sông với vị trí này vừa đảm bảo bí mật, yên tĩnh, vừa dào dạt niềm tin, vừa hướng tới những mỹ cảm, dự cảm tốt đẹp. Sông, nước, mây, trời, khói sóng nhuốm màu sắc cảnh vật thi tứ Á Đông, mênh mang bát ngát và thơ mộng. Đó là cái nền để ngòi bút của người vĩ nhân, thi nhân tung tẩy những cảm hứng dào dạt mà lan tỏa.
Thường các câu kết thơ Bác bao giờ cũng mở ra một cảm hứng tương lai tốt đẹp theo sự chuyển dịch tuần hoàn của vũ trụ phù hợp với sự phát triển của cách mạng. Cảm hứng của Người luôn mang đầy khát vọng vươn tới sự biện chứng lạc quan của tâm hồn: “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao” thì ở đây trong bài thơ “Rằm tháng Giêng” câu kết trọn rất đẹp: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Chữ “ngân” không những chỉ màu sắc mà còn là tiếng reo vui dạt dào của những vòng sóng lan tỏa tạo ra sự cộng hưởng phấn chấn của lòng người và cảnh vật thiên nhiên. Cái thời điểm “khuya về” là khoảnh khắc tỉnh lặng đêm sâu sau khi bàn việc nước, việc quân đầy cam go và gian khó, đã định hướng được chiến lược của cuộc kháng chiến, lòng người như mở ra bao cung bậc tươi mới như sức xuân đang về. Đọc câu thơ ta còn thấy trăng với người hòa làm một, hình ảnh trăng tràn ngập thuyền chính là tâm trạng tràn ngập niền vui, niềm lạc quan báo hiệu một cục diện mới của cuộc kháng chiến dự báo những thắng lợi sắp đến.
Từ vẻ đẹp nghệ thuật vẻ đẹp thiên nhiên toát lên tinh thần sức sống mạnh liệt của người chiến sỹ cách mạng trước những thử thách của cuộc kháng chiến. Đúng như nhà thơ Huy Cận đúc kết đã tạc nên dáng vóc thật kỳ vỹ và đẹp đẽ: “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” của con người Việt Nam mà tiêu biểu là hình ảnh Bác Hồ kính yêu qua bài thơ “Rằm tháng Giêng” nổi tiếng.
Hà Tĩnh, ngày 19 tháng 2 năm 2024
N.N.P