Mỗi lần theo mẹ về thăm ông bà ngoại Chút lại đi qua cửa nhà ông Thàng. Ông Thàng có cái cổng được uốn cầu kì bằng những bụi hóp (cùng một họ với tre nhưng đường kính thân chỗ to nhất chỉ bằng 3cm). Thân và lá đều có màu xanh thẫm...
Hai mặt bờ rào được cắt phẳng lì như một bức tường. Những bức tường sống động bằng lá và cành xanh mướt nhìn đẹp đến ngỡ ngàng. Điều bất ngờ hơn cả là chỉ với một chân, ông làm sao trèo cao để cắt tỉa lá cành hàng ngày tạo nên bức tường xanh không một vết lồi lõm phẳng như xây bằng gạch.
Thuở nhỏ, gặp ông Thàng dọc đường, Chút cứ bám chặt lấy áo mẹ, mắt nhìn chằm chằm vào cái chân cụt để mà sợ. Một chân ông to bè, một chân chắp bằng gỗ, ông Thàng bước đi cứ gõ lọc cọc... lọc cọc ...xuống mặt đường bê tông làm Chút càng sợ thêm. Lớn lên thêm một chút, Chút được ông bà ngoại và mẹ kể chuyện cái chân của ông Thàng, Chút mới không sợ và bắt đầu có cảm tình với ông.
Thuở đất nước còn chiến tranh, ông Thàng và ông ngoại cùng nhập ngũ một ngày và khi chỉ còn một tháng nữa thì kết thúc chiến tranh, ông bị đạn pháo giặc phạt đứt một chân khi đã ở ngoài cửa ngõ Sài Gòn. Chiến tranh kết thúc. Sau bốn tháng điều trị vết thương và an dưỡng, ông Thàng trở về quê với một chân, còn một chân ông để lại chiến trường.
Hai ông cháu ( Ảnh: Alin)
Rồi những lần các cụ cựu chiến binh đến nói chuyện ở trường, những ngày tháng đi đầu cùng đội thiếu niên trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, Chút càng ngày càng thấy mến ông Thàng hơn. Ừ nhỉ, nếu không có những người như ông Thàng và những người đã hi sinh cả cuộc đời cho đất nước cho nhân dân thì đất nước ta làm gì được như hôm nay. Nếu không có họ, Chút làm gì được học ở ngôi trường làng khang trang thế này, bố mẹ Chút có mơ cũng chẳng bao giờ có được chiếc xe máy để rảnh rỗi lại chở Chút đi đâu đó.
Chút càng ngày càng gần gũi với ông Thàng hơn. Cái sợ sệt của ngày xưa tan biến mất, bù vào đó là sự tin tưởng và kính trọng. Sáng nay cũng vậy, Chút vừa ra cửa đã gặp ông Thàng lọc cọc đi đâu đó. Chút đứng lại, vòng tay trước ngực, khẽ cúi xuống và nói to: “Dạ, cháu chào ông Thàng”. Ông Thàng hất mớ tóc bạc xõa trước trán về phía sau rồi ngồi xuống cầm lấy tay Chút ân cần: “Chào cháu, cháu đi đâu sớm vậy? Cháu ngoan quá”.
- “Dạ cháu vào nhà ông ngoại ạ”.
Hai ông cháu tỉ tê nói chuyện và khi câu chuyện đến hồi kết, ông Thàng bước lại gần hơn dúi vội vào tay Chút một quả ổi thơm lừng, vàng rộm. Chút mừng quá, bẽn lẽn cất tiếng: “ Ông cho cháu xin, cháu cảm ơn ông ạ!”.
Mỗi lần Chút đi chăn bò ngoài đồng, khi thì Chút hái cho ông Thàng nắm đọt khoai lang xanh rờn, khi thì mươi con cua đồng bỏ vào chiếc túi ni lông biếu ông. Quà của Chút tuy ít ỏi nhưng Chút không ngại. Mẹ đã nói người ta ăn ở với nhau cốt cái lòng chứ chẳng phải ở quà nhiều hay quà ít. Quà nhiều mà không thật lòng thì cũng bằng thừa. Vậy là mỗi khi trao quà, Chút không phải rụt rè nữa vì Chút thật sự kính trọng ông Thàng. Ông đã hi sinh một phần thân thể của mình cho dân, cho nước, thì món quà đồng nội của Chút có đáng là bao.
10-7-2019
Nguyễn Văn Thanh