“Nói dối là có tội. Nếu con nói dối sẽ bị ...”. Lời răn dạy của các vị phụ huynh mong con sống lương thiện vẫn thường có nội dung đại loại kiểu như vậy......
Hồi nhỏ, Tin thường xuyên bị viêm amidal với những cơn sốt cao vật vã trên 39 độ C tái mét khiến bố mẹ nó bao phen chết lịm vì lo lắng nên Kem là một sự cấm kị tuyệt đối. Mỗi khi nghe tiếng “bọp bọp, bì bọp” từ xa vọng lại là bọn trẻ con xóm ào ra như những cơn lốc. Đứa chiếc dép, đứa vỏ lon bia, đứa thì mấy đồng bạc lẻ... rồi hớn hở trở về với những chiếc kem sắc màu trong tay. Những cái miệng trẻ con mẩn mê mút từng miếng Kem ngọt mát rồi phá lên cười khanh khách phá tan cái nắng gắt của mùa hè. Nước miếng nó tứa ra thèm thuồng. Lũ trẻ bạn nó thường mỉa mai bâng quơ:
- Làm gì mà kiêng cữ lắm thế? Bọn tao ăn có sao đâu? Mày nghĩ, chắc ăn cái Kem thì chết cả hay sao… Ra vẻ chích chòe này nọ….
Những lúc như vậy, nó tức lắm! tức bọn nhỏ thì ít mà anh ách với lời cấm đoán của bố mẹ thì nhiều. Nhưng nó vẫn không thử dù chỉ một lần vì sợ… Tiếng “bọp bọp, bì bọp” vẫn cứ mời gọi nỗi thèm thuồng “chính đáng” của một đứa trẻ lên chín… Một lần, bố mẹ đi vắng từ sáng sớm, giao cho nó ở nhà trông em. Ngay lập tức, ý nghĩ “làm cách mạng” bỗng lóe sáng. Nó thủ sẵn chiếc dép hư và chờ đợi cô bán kem đi qua nhà như mọi bữa. Lạ thay! Hôm nay đợi mãi vẫn không thấy bóng dáng cô ấy đâu làm nó cứ tha thẩn đi ra đi vào không yên. Nước miếng cứ tứa ra cùng vị kem ngọt mát trong trí tưởng tượng… “Bọp bọp”! kia rồi! ha ha! …chiếc kem màu nhiệm cuối cùng cũng nằm gọn lỏn trên tay. Bất chấp nỗi sợ hãi về những cơn sốt và lời đe dọa của mẹ, nó phi ra phía sau, đi thẳng vào nhà vệ sinh có mái tranh và bắt đầu đánh chén một cách ngon lành. Không hiểu sao, bao nhiêu mùi âm ẩm, thum thủm mọi hôm bỗng dưng biến đi đâu mất. Chỉ còn lại trên môi vị ngọt mát, thơm ngon của que kem đậu xanh và nỗi khoan khoái của một đứa trẻ bị cấm kị hôm nay cho phép mình “thả phanh”. Chao ôi! Đúng thật là không ăn một chiếc kem phí hoài cả tuổi trẻ. Triết lí của đứa trẻ ăn vụng mách bảo Tin như vậy.
-Tin ơi! Mẹ về rồi đây! Tin ơi
Thôi! Chết thật rồi! phải làm sao bây giờ. Không kịp tiếc nửa que kem đang ăn dở con bé “phi tang” ngay vào trong hộc nhà vệ sinh. Lau miệng, ngắt vội ngọn chè xanh nhai liên tục rồi mới lên tiếng đáp lời mẹ. Lần ấy coi như trót lọt. Nó thở phào nhẹ nhõm về chiến công ngoạn mục đầu đời của mình. Tối đó, không thấy mình bị sưng ammidal, không lên cơn sốt nào, bố mẹ coi như không biết gì về chiến tích của con gái. “Phù! Ú òa! Vậy là mình đã nói dối bố mẹ. Nhưng may mắn là không bị làm sao nên coi như không có lỗi.” Nó tự trấn an mình như vậy và tự hứa sẽ không bao giờ phạm lỗi nữa.
Tin vốn dĩ là đứa trẻ kháu khỉnh, nhanh miệng nên được nhiều người yêu quý, đặc biệt là bà nội. Bà luôn dành cho nó sự ưu ái hơn những đứa cháu khác trong nhà. Nó cảm nhận được điều đó rất rõ. Thỉnh thoảng sang nhà bà ngủ, nó được nghe bà kể chuyện “Phạm Công, Quốc Hoa”, chuyện về “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc”…. Hễ có gì ngon, bà đều để dành cho Tin. Một lần nọ, có con gà xổng chuồng trong mùa lúa chín, bị mấy ông trật tự xóm đuổi đánh gãy một chân, không cứu được nó nên bà nội đành làm thịt. Lần ấy, bà tiếc đứt ruột còn nó chuẩn bị tinh thần sắp được đánh chén một bữa ngon lành. Đang lúc nồi cháo sôi sùng sục trên bếp thì bà bảo nó:
- Con đạp xe xuống nhà bác Hai gọi anh Công, anh Toản lên ăn cháo!
Đang lúc cao hứng, nó liền phi một mạch. Vừa đi vừa hát nghêu ngao và nỗi thích chí khiến nó ra quyết định cho một việc làm hết “manh động”. Nó chuồi người từ trên yên xe đạp ra phía sau gác ba ga để đi thử giống bọn con trai trong làng.“Dễ ợt!” Nó lâng lâng, sung sướng, hài lòng nghĩ vậy. Bỗng “Uỳnh! Rầm”. Nhìn lại mình thì Tin thấy cả người lẫn xe đã nằm gọn xuống cái mương bên đường. May mà cái mương cạn không có nước. Ôi thôi! Quần rách một mảng to ở đầu gối; Gác đơ bu gãy, phanh đứt, pê đan rung rinh như cái tòng teng của lũ con gái điệu đà...
“Bỗng lòe chớp đỏ”… Thôi rồi! Tin ơi. Phen này, chết là cái chắc.Thoát được chắc là ông Trời ngủ gật không thấy. Ăn đòn mới phải đạo. Mọi người nghĩ gì khi biết mình đi xe kiểu bố láo như vậy? Bà nội chắc sẽ nghĩ là do mình tham ăn nên mới đi nhanh phanh gấp? Nghĩ kiểu gì thấy mình cũng xấu xa…Thôi xong! lại phải nói dối... Đường vắng tanh, Tin nhếch nhác kéo chiếc xe lên rồi lê từng bước nặng nhọc đi về phía nhà bác Hai.Vừa đi nó vừa mếu máo, xanh xẩm mặt mày. Đến cổng, nó cố gào thật to và méo dệch cái mặt rõ thảm thương khi anh Công nhìn thấy chiến tích của cả người lẫn ngựa. Sau đó, miệng lẩm bẩm, nước mắt chảy ròng ròng Tin tiến hành kể khổ với anh Công:
- Lúc nãy, đi qua chỗ nhà ông Tứ Châu (người đàn ông nghiện rượu nặng sống một mình) ... Hu …hu…em bị …một thằng bán kem …ép xe nên …ngã xuống mương. Hu …hu…hu
Mặt anh Công đỏ rực lên vì tức giận. Không hỏi thêm điều gì anh bảo nó ngồi lên xe và chở đi tìm thằng bán kem. Hai anh em lao vun vút đi truy tìm thủ phạm. Gặp xe bán kem nào anh Công cũng hỏi :“Thằng này phải không?”. Nó lắc đầu…Đi mãi cũng không tìm thấy kẻ gây ra thương tích cho em gái vì …làm gì có thằng bán kem nào xô ngã nó. Dù sao, nó vẫn thấy mình còn chút “lương tâm” khi không đỗ lỗi cho một ai mà thoát được cái tội to đùng của mình. Bà nội vẫn tin rằng nó bị xô ngã, anh Công vẫn ấm ức vì không tìm được đứa nào xô ngã em mình, còn nó thì vẫn được thưởng thức bữa cháo gà ngon lành. Đó là lần thứ hai Tin nói dối. Cho đến bây giờ, khi nó kể lại với người viết câu chuyện này thì anh Công vẫn không hề biết rằng chính Tin đã nói dối mình.
Tuổi thơ ( Tranh: Nguyễn Hiển)
Năm 12 tuổi, bố Tin chuyển công tác, mẹ nó có thêm em nhỏ, bà nội già yếu cần mẹ chăm sóc, Tin phải theo bố ra thành phố học. Nó buồn lắm nhưng biết rõ tình thế nên nó đành chấp nhận xa nhà. Đêm nào nó cũng khóc ướt nhòe gối, sáng ra mắt húp vì nhớ mẹ. Nó biết, bố cũng rất nhớ mẹ và nhớ em Chíp. Nó nhớ bà, nhớ mẹ nhiều, nhớ cả cái miệng em Chíp thường ngày bi bô, bi bô nhõng nhẽo. Nhưng nó vẫn nhớ mẹ nhiều nhất. Bố biết nó khóc, xa gần hỏi khéo để an ủi. Nó lại nói dối…
- Con có khóc đâu!,
- Con ở lại một mình cũng được bố ạ!,
- Chơi với các bạn ở đây con vui lắm…
Bố Tin biết rằng, con gái mình đã lớn, nó sâu sắc hơn những gì mà bố nó nghĩ lâu nay. Nó đã biết chịu đựng, đã biết sẻ san với những nỗi vất vả hàng ngày của người lớn. Bố thừa hiểu rằng nó đã buồn nhiều đến mức nào. Chắc thế mà bố thương nó nhiều hơn. Bố mua thêm cho Tin nhiều sách truyện, báo hoa học trò; thi thoảng có thời gian rỗi thì chở nó đến chơi nhà những đồng nghiệp thân thiết. Cứ thế, Tin đã trưởng thành theo năm tháng.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, giờ Tin không còn là đứa bé trốn mẹ ăn kem trong nhà vệ sinh thuở nào, không còn nói dối bà nội và anh Công… Cô bé ngày nào giờ đã làm mẹ của những đứa trẻ con. Nhưng Tin lại tiếp tục nói dối… Mua cho bố mẹ già lọ thuốc bổ có mấy trăm ngàn, Tin nói dối có bạn biếu để ông bà yên tâm sử dụng vì người già hay tiếc của…Tin vẫn nói dối nhiều hơn như vậy để giấu đi những lo âu trong cuộc mưu sinh thường nhật. Giấu đi những giọt nước mắt của kẻ đa sầu đa cảm để có thể cười nhiều hơn trước cuộc sống vô thường. Chao ôi! Tin vẫn không bỏ được tật nói dối...! Và Tin biết rằng, trên thế giới này có biết bao nhiêu người bị bệnh nói dối giống mình… Nhưng thật kì lạ,Tin vẫn thấy mình vẫn sống trung thực, thánh thiện giữa bao nhiêu bụi đời lấm lem./.
Phan Thị Hồng Cẩm