Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết "Sự kiện Việt Minh xã Nhượng Bạn mua súng của quân Nhật đồn trú ở Thiên Cầm vào thời điểm tháng Tám năm 1945" của tác giả Nguyễn Trọng Thanh
Khu nghỉ mát ở núi Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên (còn gọi là rú Cùm) do người Pháp xây dựng đầu thế kỷ thứ 20 theo phong cách kiến trúc châu Âu được người dân bản địa xã Kỳ La và xã Nhượng Bạn (nay là thị trấn Thiên Cầm và xã Cẩm Nhượng) quen gọi là “Nhà Mát”, chủ yếu phục vụ giới quan lại, công chức người Pháp trong bộ máy thực dân cai trị tại tỉnh Hà Tĩnh trước năm 1945.
Cuối tháng 3 năm 1945, sau thời điểm nổ súng hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm toàn cõi Đông Dương, quân phát xít Nhật Bản vào chiếm đóng, biến hệ thống biệt thự và nhà nghỉ ở Thiên Cầm thành đồn bốt. Xung quanh khu đồn được lính Nhật rào dây thép gai, xây dựng vọng gác với súng ống phòng bị khá nghiêm ngặt. Từ Thiên Cầm có một con đường hơn một cây số chạy thẳng xuống xã Nhượng Bạn. Hàng ngày, lính Nhật thường xuống chợ Hôm, chợ Mai ở xã Nhượng Bạn để mua thực phẩm. Nhiều trẻ em bản địa khi đi cào lá phi lao về làm chất đốt mỗi khi qua đây được lính Nhật gọi vào cho ăn uống, thể hiện thái độ thân tình nhưng mục đích là dò la, nắm bắt thông tin…
Toàn cảnh xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Vào những ngày tháng Tám sục sôi khí thế cách mạng, sau khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, đêm ngày 13 tháng 8 năm 1945, chấp ủy Việt Minh Nam Hà(1) tổ chức họp tại nhà ông Nguyễn Xuân Bường ở xã Nhượng Bạn quyết định thành lập ủy ban khởi nghĩa, đề ra nhiệm vụ lật đổ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền cách mạng ở tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, theo chỉ đạo của chấp ủy Việt Minh Nam Hà, chấp ủy Việt Minh xã Nhượng Bạn họp bàn kế hoạch mua súng của Nhật ở đồn Thiên Cầm để tổ chức lực lượng vũ trang giúp Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hà Tĩnh do đồng chí Phạm Thể(2) trực tiếp chỉ đạo. Chủ trương của Việt Minh Nam Hà là quyên góp tiền, vàng của nhân dân để mua súng đạn từ nhiều nguồn, trước mắt để hỗ trợ cho việc khởi nghĩa, lâu dài để trang bị cho lực lượng vũ trang cách mạng.
Về phía Việt Minh xã Nhượng Bạn không ai có thể nói được tiếng Nhật và cũng chưa hiểu được thái độ của quân Nhật như thế nào nên phải thực hiện một số hoạt động thăm dò bằng cách bố trí nhiều học sinh tiểu học đi tham quan ở núi Thiên Cầm. Khi học sinh đến chơi tại một con suối dưới chân núi, lính Nhật ra quan sát và nổ súng chỉ thiên xua đuổi vì chúng nghi ngờ các em bỏ thuốc độc vào nguồn nước…
Việc mua súng của quân Nhật được mọi người đánh giá và dự liệu nhiều khó khăn có thể xẩy ra nhưng theo yêu cầu cấp bách của cách mạng nên quyết tâm thực hiện bằng được. Đầu tiên là chuyển thư của chấp ủy Việt Minh xã Nhượng Bạn đến tay quân Nhật, nhiệm vụ này rất táo bạo, nguy hiểm, được ví như tay không vào tận “hang hùm”.
Qua nắm bắt tình hình, Việt Minh xã Nhượng Bạn được biết, quân Nhật đồn trú ở Thiên Cầm vẫn có thể sử dụng được chữ Nho để trao đổi văn bản qua lại. Sau khi bàn bạc và phân tích kỹ các tình huống, chấp ủy Việt Minh xã Nhượng Bạn thống nhất cử nhóm ba người do ông Nguyễn Sáu(3) phụ trách, cùng với ông Dương Đình Thâu và ông Tôn Đức Lang lên đồn Nhật ở Thiên Cầm chuyển bức thư của Việt Minh Nam Hà. Ông Dương Đình Thâu(4), Lý trưởng xã Nhượng Bạn, là người từng có một vài lần tiếp xúc, làm việc với sĩ quan và binh lính Nhật. Sau khi được chấp ủy Việt Minh xã Nhượng Bạn giác ngộ, vận động, ông Dương Đình Thâu đã sớm bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, con dấu cho chính quyền cách mạng và xung phong nhận nhiệm vụ do Việt Minh giao. Ông Tôn Đức Lang(5) là người dạy học trong làng rất thông thạo chữ Nho được giao nhiệm vụ soạn thảo bức thư và bút đàm khi gặp quân Nhật. Bức thư của xã Việt Minh Nhượng Bạn có nội dung:“Nhật đã đầu hàng, Nhật hoàng đã ra lệnh ngừng bắn, trước khi về nước các ông giúp chúng tôi một số vũ khí để bảo vệ làng. Nếu các ông muốn ở lại Việt Nam chúng tôi sẽ đảm bảo tính mạng và cuộc sống cho các ông”.(6)
Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, thực hiện theo như kế hoạch, ông Nguyễn Sáu, ông Dương Đình Thâu và ông Tôn Đức Lang từ xã Nhượng Bạn mang thư của Việt Minh đến đồn Nhật ở Thiên Cầm. Ba ông được binh lính đưa vào căn phòng lớn gặp viên sĩ quan chỉ huy. Ông Nguyễn Sáu liền nói, chúng tôi là người Nhượng Bạn được Việt Minh giao nhiệm vụ lên gặp các ông. Chúng tôi được biết, Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng quân đồng minh, chúng tôi cần một số vũ khí để bảo vệ làng xã, mong các ông bán lại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ trả bằng vàng…
Ông Nguyễn Sáu vừa dứt lời và chưa kịp trao thư, ông Tôn Đức Lang chưa kịp viết lời thoại lên giấy, viên sĩ quan chỉ huy hình như hiểu được nội dung bèn đùng đùng nổi giận ra lệnh cho lính gác cửa lấy súng lắp đạn. Tình thế hết sức căng thẳng. Thấy bất ổn, ông Dương Đình Thâu và ông Nguyễn Sáu nhanh chóng mở cửa phòng chạy thoát ra bên ngoài, còn ông Tôn Đức Lang bị lính Nhật bắt giữ. Viên sĩ quan người Nhật lệnh cho lính chĩa súng bắn đuổi theo hai ông, không may Dương Đình Thâu bị giặc bắn bị thương ở cánh tay. Khi chạy về đến gần miếu Đức Ngư Ông(7), do mất máu và kiệt sức nên ông Dương Đình Thâu ngất xỉu. Nghe tiếng súng nổ, Việt Minh và dân quân du kích Nhượng Bạn đến kịp thời băng bó và đưa ông Dương Đình Thâu ra Nhà thương Hà Tĩnh điều trị hơn sáu tháng mới bình phục. Vừa lúc đó, một số tay sai của quân Nhật thừa cơ phao tin nhằm mục đích gây hoang mang trong dân chúng “Nhật sẽ xuống khủng bố bỏ làng mà đi”. Việt Minh xã Nhượng Bạn liền đưa các em nhỏ là con của những người thực hiện chuyển thư mua súng đến nơi trú ẩn đề phòng tình huống bất trắc. Ngay sau đó, chấp ủy Việt Minh tổ chức ngay lực lượng tự vệ chiến đấu đi diễu hành xung quanh xã để trấn an tinh thần của người dân. Hơn 100 nam tự vệ trong các thôn xóm mình trần vác dùi tay vừa đi vừa hát: “Thanh niên ơi!, Quốc gia đến ngày giải phóng”. Riêng ông Tôn Đức Lang, sau khi bị bắt, không khai thác được gì, đến chiều cùng ngày được giặc thả cho về. Mặc dù tỏ ra hiếu chiến và khủng bố tinh thần ngay những người chuyển thư của Việt Minh nhưng sau đó thấy lực lượng và khí thế của nhân dân trào dâng như nước vỡ bờ, quân Nhật ở Thiên Cầm và những kẻ tay sai càng hoang mang lo sợ. Ngày hôm sau, quân Nhật đốt hết hồ sơ tài liệu, máy móc điện đài, chôn dấu vũ khí rồi thoát theo đường biển. Ra đến Thạch Hà, bọn chúng bị lực lượng tự vệ và nhân dân bắt gọn.
Mặc dù thương vụ mua súng từ quân Nhật theo chủ trương của Việt Minh Nam Hà bất thành nhưng đó là hành động anh dũng và quả cảm, những người thực hiện nhiệm vụ đã bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, khiến người dân trong vùng nức lòng khâm phục.
Tuy nhiên, với những biến động dữ dội và thăng trầm của thời cuộc, trải qua các cuộc chiến tranh trường kỳ để giành độc lập, thống nhất đất nước, đáng tiếc chi tiết lịch sử này ít được mọi người biết đến và gần như bị lãng quên. Trong ba người thực hiện nhiệm vụ mà Việt Minh giao duy chỉ có ông Dương Đình Thâu đã được Đảng và Nhà nước công nhận là người có công với cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa). Còn ông Nguyễn Sáu và ông Tôn Đức Lang chưa được công nhận, điều này khiến các bậc con cháu và nhiều thế hệ lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương xã Cẩm Nhượng không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Những ngày này, về với làng biển Cẩm Nhượng, nơi được xem là “Tổng hành dinh” phát đi mệnh lệnh của Việt Minh Nam Hà hiệu triệu các tầng lớp nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, đưa Hà Tĩnh trở thành một trong bốn tỉnh giành được chính quyền sớm nhất cả nước (ngày 18 tháng 8 năm 1945), góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong xanh cao lộng gió mùa thu. Tôi bâng khuâng chợt nhớ về mùa thu xưa ở Nhượng Bạn, nơi đó có những con người rất đỗi bình dị, cống hiến lặng thầm cho quê hương và đất nước.
_____________________
(1) Gồm các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Hà Tĩnh.
(2) Sau này là Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, Tổng Lãnh sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Indonsia, chuyên viên cao cấp Ban Đối ngoại Trung ương.
(3) Sau này là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến xã Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng ngày nay).
(4) Trước đó, theo sự vận động của đồng chí Trần Hữu Duyệt (sau này Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh), ông Dương Đình Thâu đã bố trí lực lượng, tổ chức canh phòng cho cuộc họp của chấp ủy Việt Minh Nam Hà bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Tĩnh đêm ngày 13/8/1945.
(5) Ông Tôn Đức Lang còn được còn gọi là ông Học Mậu là hương sư trong làng.
(6) Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Nhượng (1930-1945), xuất bản tháng 01/2005, trang 42.
(7) Nay thuộc thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng.