09-05-2020 - 06:54

Tác phẩm tham dự cuộc thi Viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIII đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5 - 2020

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Truyện ngắn "Trăng non" của em Nguyễn Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 8A Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh - Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIII được đăng tải trên Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5 - 2020.

       TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT - VẼ TUỔI HỌC TRÒ LẦN THỨ XIII                           

TRĂNG NON

                                                                 Truyện ngắn

 

Không có mấy bạn thích Hân. Ba mẹ em suốt ngày công tác xa nhà, Hân ở với bà mà lòng buồn não ruột. Hân thương bà lắm. Hân vẫn hay lấm lét nhìn bà lôi cái ảnh cũ mèm có anh con trai ra, trách thầm. Những lúc ấy em giận ba lắm. Ừ, ba cứ làm cho bà phải buồn. Hân có rất ít bạn, mà hầu như không có ai thèm chơi với em cả, ngoại trừ mấy con vật hoang tội nghiệp lảng vảng quanh xóm. Các bạn chê Hân bẩn, xì xào về nước da ngăm đen của nó, nói nó là một đứa trẻ mồ côi nghèo nàn, nếu không thì sao chưa một lần thấy ba mẹ nó tới đón khi trường tan học? Hân giận lắm, đâm ra ghét luôn cả đấng sinh thành ra nó, thà… thà nó chưa ra đời thì tốt biết mấy! Lúc buồn thì Hân nghĩ thế, nhưng nó vội lắc lắc đầu để xua tan ý nghĩ đó đi. Nó thương bà. Thương lắm lắm! Thương rất nhiều, có khi còn thương hơn cả ba, cả mẹ. Bà có nụ cười móm mém hiền từ, đẹp như bà tiên ấy, Hân cứ khen mãi, bà xoa đầu con bé: ‘‘Được cái khéo mồm y chang bố mày, vòi quà hở con..’’. Thế là hai bà cháu cùng cười tít cả mắt. Rồi bà khen khi cười mắt nó cong cong hình trăng non, nom rất đáng yêu. Ờ, giá mà đám bạn thấy mắt nó khi cười nhỉ. Mà làm sao thấy được vì có khi nào nó có cơ hội cười trước chúng bạn đâu! Đêm đêm, bà lại cõng nó ra sân, nằm trên chiếc chõng tre củ kĩ, ngả đầu lên tay, hai bà cháu cùng ngước mắt lên ngắm trăng. Từng dải sao rải chi chít trên bầu trời đêm, vẽ vào đôi mắt của con Hân một bức tranh tối thui đầy những lỗ hổng phát sáng, cứ như đằng sau những lỗ hổng ấy thật ra là cả một vùng trời trắng sáng tinh khiết một cách lạ thường. Ờ, có thể lắm chứ, Hân nhủ lòng vậy. Hai bà cháu nhìn mặt trăng sắc cạnh lưỡi liềm, mà thấy lòng khuyết một mảng to đùng. Bà nhớ ba. Thỉnh thoảng bà cứ vội quay đi để giấu những giọt lệ chực ứa nơi khóe mắt nhăn nheo một thời lá răm, cốt để đứa cháu nội bà thương nhất khỏi trông thấy. Nó có hỏi thì bà chỉ bảo là bà hơi mỏi cổ thôi, cháu à!

 Đêm đã về khuya, một đêm mùa hạ oi bức, mà nhà làm chi có quạt điện! Bà quạt tay cho nó suốt đêm, vừa quạt vừa à ơi hát ru, lại vừa trìu mến nhìn. Nó ngủ ngon lành chưa kìa! Bà vừa cười vừa khóc, bà đã ôm ấp cái bí mật đau xót ấy hẳn đã năm năm nay rồi. Ba mẹ con bé giờ này có lẽ đang một nơi cao trên khoảng trời kia, hay là đang vui chơi trên thiên đàng mặc kệ con bé? Bà không nỡ nói ra, phải làm sao kia chứ! Bà sợ lắm, sợ nó tủi thân, ít ra nó cũng có chút hi vọng rằng là ba mẹ nó đang đi làm, đi công việc. Ước gì con bé đừng có ngoan như thế, để bà được tét vào cái mông nó một roi, để bà bớt thương nó đi mà đỡ áy náy. Nó luôn biết thừa là bà khóc, nó thấy bà buồn lắm. Nhưng nó không hỏi, chỉ sà vào lòng bà, thơm bà một cái thật kêu, rồi mếu máo mà rằng: ‘‘Bà ơi! Bà đừng khóc nữa! Ngày mai ba mẹ sẽ về thôi..’’. Ừ! Ừ thì bà cũng mong thế con ạ! Nhưng rồi sao khi bà phải nói ba với mẹ chẳng về nữa đâu con ơi?!

Một thời bà đẹp lắm, trai làng mê như điếu đổ, cũng rất nhiều người dạm hỏi. Nhưng bà từ chối, vì bà chỉ yêu mỗi ông mà thôi. Chồng bà nghèo, nên các thân sinh đều phản đối chuyện tình ấy của hai người. Tuy thế, bà vẫn lén trốn đi cùng ông vào một đêm trăng non. Họ đáng ra đã là một gia đình nhỏ hạnh phúc nhưng định mệnh nghiệt ngã đã hóa thành một cơn sóng dữ cuốn ông đi xa, mãi mãi không trở về. Ông đi, để lại nơi ấy một người thiếu phụ trẻ cùng cốt nhục bảy tháng tuổi. Từ đấy bà thề rằng sẽ không còn yêu ai nữa, dốc hết sức lực ra nuôi đứa con trai ăn học đàng hoàng để lớn lên thành người tử tế. Nhưng hỡi ôi! Nó chỉ để lại nơi đây một đứa con gái rồi theo chân cha đi khuất. Nó không thương bà cũng được! Nhưng còn con Hân? Làm sao nó sống khi một mai bà cũng chẳng còn ở trần gian này nốt? Con ơi là con! Bà chấp nhận hết, chịu được hết nỗi khổ của trần gian để đổi lấy cho Hân một cuộc sống bình yên, một gia đình đủ đầy êm ấm… Ước gì!

Trời sáng. Hân nuốt vội cục cơm nguội rồi chào bà đi học. Năm nay nó học lớp bốn, là học sinh ngoan trong lớp, chính cô Thiên chủ nhiệm đã cho bà hay là như thế. Và bà cười. Nụ cười roi rói trong nắng sớm, bà tự hào về con bé thật nhiều! Từ nhỏ nó đã thiếu sữa mẹ, gia cảnh thì không được tốt, bà chỉ sợ con bé học kém hơn các bạn mà lại xấu hổ, tự ti. Giờ nghe cô giáo nói nó cũng là một học sinh thuộc tốp trên của lớp, bà thở phào một tiếng, run run mừng rỡ. Lấy chiếc xe đạp non hơi trong xó nhà, bà xách giỏ đi lượm ve chai như mọi khi, đếm lại vài chục nghìn lẻ trong túi áo, bà dắt xe ra đường cho đến khi bóng lưng gầy gầy mất hút sau tán cây phượng đỏ rực...

Trưa rồi. Bà về nhà với một bó nhỏ rau muống, à, còn hai quả trứng bác Huệ vừa cho dăm bữa trước đây mà, lát luộc cho con Hân một quả, chắc nó vui phải biết! Bà nhìn lên bầu trời cao xanh với những áng mây trắng xốp và mường tượng ra cảnh cô cháu gái nhào tới ôm và kể cho bà nghe thiệt là nhiều chuyện vui ở trường. Chà! Chắc giờ này nó sắp về rồi đây!

Mười một giờ rưỡi trưa. Đúng chính xác là mười một giờ rưỡi. Sao nó còn chưa về nữa? Cơm canh đã nguội từ lâu. Bà nhìn vào chiếc đồng hồ điện tử nhà hàng xóm, thấp thỏm nỗi lo đang chực trào dâng trong lòng bà - mười giờ hăm mươi là con bé về tới nhà cơ mà?

   Từ đằng xa bà thấy nhao lên một đám đông đang xúm xít, và bác Huệ từ đâu chạy tới: “Hú vía bà ơi! Đằng kia có tai nạn!”. Trong một lúc bà thấy thời gian như ngưng lại hoàn toàn, hẫng một nhịp. Bà lắp bắp hỏi, cố xua đi cái ý nghĩ u ám bám trong đầu: “Ai.. Ai bị tai nạn đó bác?”. Bác Huệ nhận thấy ánh mắt bà tối đi dưới nắng trưa, bác trả lời, giọng có chút ngạc nhiên: “Ừ thì… Bọn thanh niên hay quẹo trái, quẹo phải với tiếng còi lớn inh ỏi trước ngõ mấy ngày nay ấy mà. Bọn ấy bị thế là cho chừa, chỉ xây xát một chút thôi...”. Cơ mặt bà giãn ra một thoáng, ngọn lửa hi vọng trong lòng bà vẫn còn leo lét cháy, nóng ran từng tế bào bám trên cơ thể người phụ nữ  già  đã ngót nghét sáu mươi tuổi đời. Không phải con Hân, thật là may! Rồi bà lại chạy đi, một cách vội vã, quên luôn cả bác Huệ đang đứng đó kể lể. Cho đến khi có người mách bà hay ở đằng kia có một cô bé...

- Hân?..Con đó phải không?

- B...bà!

Đứa trẻ ngước mắt lên. Ánh mắt nó long lanh, ngân ngấn. Bà khe khẽ rùng mình. Mắt nó sưng húp híp, đôi môi trở nên bầm dập và máu còn rỉ ra từ các vết thương ở mặt, chân và cánh tay. Đúng con Hân rồi! Bà ôm chầm lấy nó, ruột gan quặn thắt. Bà chợt nhận ra mình đã sợ mất nó đến như thế nào. Ui chao! Thật may quá! Bà hít hà mùi tóc nó khét nắng, xót xa nhìn các vết thương và thấy nước mắt nó ướt đẫm, mặn chát.

- Sao lại ra nông nỗi này hở con? Có chuyện gì mà sao con ngồi đây thế này?

Hân buông bà ra, giấu giếm ánh mắt sau rèm mi dài óng ánh nước.

Im lặng!  Nó chỉ im lặng!

Bà lấy hai tay chùi nước mắt. Có chuyện gì ghê gớm lắm đằng sau đôi môi mím chặt bé nhỏ ấy. Rồi bà cầm lấy tay nó, dắt đi: ‘‘Chắc con đang đói lắm, hở? Mình về ăn cơm đã nha con…’’. Hân cúi đầu, bước theo đôi chân trần sứt nẻ già cỗi của bà nội nó. Hai cái bóng lặng thinh phủ lên con đường dài và hẹp, mọi vật vẫn bình thản như thế đấy, từng chùm hoa vẫn nở rộ, lấp ló cái nhụy hoa đương độ đẹp nhất và trao cho gió hương thơm tỏa đi ngàn trời. Cây cối xanh mát, tô lên trời hạ vô lo một thứ sắc  thái dễ chịu, xua đi cái nóng nực thiên định là đặc điểm đậm đà của mùa thứ hai trong năm. Thoảng vang lên đâu đó tiếng mặc cả vài đồng của mấy bà nội trợ sắm đồ. Ấy thế mà họ vẫn bước đi, một tay che mặt cho khỏi nắng rát. Bao tử con Hân sôi lên sùng sục.

Bà đoán đúng. Con Hân hình như đang rất đói. Nó húp canh sùm sụp, ăn ngấu nghiến món trứng trộn muối với bát lưng cơm cháy. Nó gật đầu khe khẽ khi bà hỏi có ngon không, nhưng nó vẫn im lặng, bầu không khí tự nhiên ảm đạm và ngột ngạt đến lạ thường. ''Con nói bà nghe đi, chuyện gì vậy con?'' Con Hân buông đũa. Nó nhìn đăm đăm xuống mấy hạt cơm vương vãi, hai tay miết nhẹ nhàng lên mặt bàn bẩn thỉu lang láng dầu lâu chưa được chùi rửa, rồi nó gục đầu xuống, lắp bắp mãi một câu mới ra tiếng: ''Bà..ơi... C...con..xin..lỗi''. Tự nhiên nước mắt nó chảy dài trên đôi gò má cao gầy guộc. Hân trước giờ là một đứa mạnh mẽ, bà hoảng hồn, bây giờ nó lại khóc ư? Bà toan ôm nó vào lòng thì nghe thấy tiếng động cơ xe máy rú kinh trước nhà, rất nhiều xe, linh cảm nói bà rằng đang  xảy ra chuyện gì đó không được tốt đẹp cho lắm.

Trước sân, một nhóm đàn ông hung tợn xách thùng xăng tiến lại, một vài người cầm trên tay chiếc bật lửa. Nắng cay xè. Ông Lớn rẽ đám người, từ sau bước ra, ông cười khẩy: ''Bà Hoan này, xem chừng bà có đứa cháu phúc đức quá nhỉ. Xin lỗi đã mạo muội đến đây đột ngột như thế, chỉ là có vài chuyện bé tí ti cần phải giải quyết, mong bà Hoan đây nhanh lẹ giải quyết cho xong há?''. Nói rồi ông lôi con đứa con gái ra, tay nó bó toàn những bột. Mẹ kiếp! Xem con nhãi ranh ấy đã xô ngã con Liên xuống cầu thang như thế nào thì biết! Gớm! Cái bọn nhà chúng mày xem ra gan cũng không có bé mấy đâu, há? Kêu con ranh đó ra đây! Hay nó sợ quá trốn biệt rồi, hử?''

Con Hân từ trong nhà chạy vọt ra, núp sau chân bà nội nó, đôi mắt trong màu đen giờ hiện ra cặp đồng tử đã dại hẳn đi, tay nó run lên bần bật, níu lấy ống quần đen nhàu nhĩ của bà.

- Con nói bà nghe đi, há? Họ lầm rồi, phải không con? Mình con thì làm sao có thể làm ra cái chuyện ấy được, con đã gây ai bao giờ đâu?

Con Hân nhìn thẳng vào mắt bà, cái nhìn chua xót của một con chim bị người ta nghẹt cổ: ''Bà ơi..Con..Con..Lúc ấy con Liên cứ cười con không có cha có mẹ, con bỏ đi mà nó vẫn bám trêu..Con bực quá cãi lại thì bị nó xô ngã..Lúc ấy con định bỏ về rồi.. Nhưng... Nhưng nó vẫn cứ... Rồi con có lỡ tay đẩy nó ra..Chỉ đẩy nhẹ có một lần thôi... Khi đó con không biết đang đứng ở cầu thang đâu bà ơi... Con.. Con xin lỗi..''.Con Hân cố kìm lại để khỏi bật lên những tiếng nấc, nhưng giờ thì bà nó đã chôn chân một chỗ.

Ngay từ hồi trước, bà đã nghe danh Ông Lớn nhiều lần. Người ta gọi lão già mập thịt này bằng cái tên trịnh trọng như thế không phải là không có lí do. Nghe đồn, lão làm gì mà tiền vô kể. Ngôi nhà to đẹp đắt tiền của lão cũng không cách xa khu này mấy, bên trong ngôi nhà đồ sộ ấy là hẳn mấy vợ bé cơ đấy. Tuy thế chẳng hiểu sao lão chỉ có độc mỗi đứa con gái duy nhất là con Liên. Vậy nên có lẽ lão có thể đạp đổ hết mọi thứ chỉ để làm vui lòng đứa con gái được yêu chiều rất mực kia, có thể lắm chứ.

Ông Lớn cười nhạt, nụ cười mang một sắc thái ranh ma và xảo quyệt đến tận cùng. Ông quét mắt về phía căn nhà từ đầu chí cuối, rồi bằng thứ giọng khinh bỉ, lão nói lớn: “Một là bà cháu mày liệu xong năm triệu, trong một tiếng nữa phải nằm trên bàn tao, coi như chút ít tiền thuốc men, ấy là cái giá hời nhất rồi, coi như tao độ lượng. Còn không á, thì hẵng để tao đốt quách cái ổ chuột này đi, được xem bà cháu mày la lết mấy năm cũng kha khá đã con mắt. Cứ thoải mái mà lựa chọn!''. Bà khiếp đảm. Hết nhìn căn nhà rồi lại nhìn sang con Hân. Lần này con Liên bị gãy tay ắt không phải chuyện nhỏ nhoi gì, mà xưa nay hắn đã nói là làm, chưa nương tay với ai bao giờ. Nhưng mà bà bị choáng. Năm triệu ư? Cái số tiền lớn lao đó tự bà còn chưa dám mơ đến, huống chi là.. Hay là ta đi vay một ít? Ô, không được đâu! Nhưng ai cho bà vay, mà cho bà vay rồi thì họ sống cách nào đây? Không phải là quanh đây chẳng có nhà nào khá giả, mấy nhà như thế thì thiếu gì! Chỉ là... Làm gì có kẻ nào rỗi hơi mà cho bà vay với chả mượn! Có khi xuống mồ rồi bà còn chưa dứt nợ ấy chứ! Bà có muốn bán vài thứ kiếm tiền thì có ai thèm mua. Toàn mấy thứ mốc mếch, bẩn thỉu ấy thì có lẽ chỉ đủ dăm chục nghìn bạc rẻ phếch! Ôi chao ôi! Sao mà ông giời lại nhắm mắt nhìn bà cháu tôi ngày đêm khổ cực thế này!

Bà đứng lặng hồi lâu với những suy nghĩ miên man trước khi quỵ xuống, lết đến bên chân ông lớn, vái lấy vái để ông mà rằng: ''Ông ơi! Ông giàu sang phú quý, lũ con sâu cái  kiến như bà cháu tôi thì mỗi ngày cũng chỉ dựa vào ít đồng bạc này mà sống len lỏi qua ngày...Ông thương cho bà cháu nhà tôi với ông ơi! Thằng con với con dâu tôi mất sớm, tôi làm sao nuôi con Hân đây...Ông ơi..!''

Bà vừa bật ra cái điều ấy, cái điều tưởng như đã được bà chôn sâu dưới đáy lòng từ thuở nao. Không để ý rằng đứa cháu nội đang đứng như chôn chân xuống đất, mặt thất thần với đôi mắt mở to, bên trong con mắt ấy, một màu đen đã hoàn toàn ôm lấy gần hết cả, biểu lộ nỗi đau đớn kinh hoàng đến rồ dại. Ông Lớn dúi bà ngã nhào. Hân đứng chết lặng một chỗ! Vậy mà lâu nay nó cứ ngỡ ba với mẹ chỉ là đang đi công tác thôi ấy mà! Nó không muốn nghe, càng không muốn tin cái điều vừa nãy đây bà nó lỡ lời thốt ra. Mắt nó trân trân nhìn bà nội trong bộ đồ nâu đã xỉn màu, vẫn chưa thấy được cái điều gì đang diễn ra, đầu óc nó đau như búa bổ vô vậy. Chắc chỉ là bà lừa ông lớn mà thôi, chỉ thế mà thôi! Ba với mẹ nó đi gần cả chín năm nay rồi, lí do vì sao thế? Bà chỉ lặng im khi nghe nó hỏi, hình như nó đã không để ý đến sự đau khổ và vỡ nát ẩn bên trong mắt bà khi nghe nó hỏi, không để ý rằng là giọng bà nó đã run run mỗi khi nhắc đến tên ba.

Nó chạy thật nhanh tới, ngồi thụp xuống đất bên cạnh bà nó, ôm chầm lấy bà mà nước mắt hai người chảy ướt đẫm vai áo.

''Bà ơi. Con thương bà!''

Bà ngước mắt lên cao nhìn Ông Lớn và đám người đang cười hô hố ở kia, rồi bà đỡ con Hân đứng dậy. Bằng một ánh mắt lạnh và sắc, bà nói với một thứ giọng đanh thép:'' Trước khi mấy người làm gì với căn nhà này, chờ tôi một lát”. Nói rồi bà vuốt tóc con Hân và dặn nó cứ chờ bà ở đây, bà liêu xiêu đi vào căn nhà tội nghiệp chứa đầy những vương vấn lụi tàn cảm xúc còn sót lại của ký ức, cả hạnh phúc lẫn đau buồn, kể cả tiếng cười nói của ông nội con Hân lẫn tiếng chào để ra khơi công tác của ba mẹ nó lần cuối cùng bà còn nghe, ôi dào, tất cả sắp cháy rụi rồi! Bà cất cẩn thận tấm hình cũ nát có chụp ba mẹ con Hân ở trong, lấy những thứ lương thực còn sót lại cho vài ngày tới, cái nón cời, cái cặp sách cũ của con Hân với một vài thứ khác rồi quay ra. Như sực nhớ lại điều gì đó, bà quỳ xuống nền đất ẩm chính giữa căn nhà rồi đặt đôi môi khô nẻ xuống đó, thì thầm lời tạm biệt cuối cùng, thấm nhanh xuống đó sự khổ cực của cả một đời người cam chịu.''Tôi xin lỗi ông''!

Bà bước ra, tiến lại đặt hai tay lên vai con Hân, xoay người nó lại để hai bà cháu đứng quay lưng với căn nhà. Có cảm tưởng như là nghe thấy được tiếng những mảnh thủy tinh vỡ vụn trong hai từ nhẹ nhàng, gói gọn câu nói bà buộc phải thốt ra.''Đốt đi''!

Như loài thú chực con mồi, Ông Lớn cười sằng sặc rồi lại “dịu dàng” nói với bà: Là bà thách đấy nhé, sau này còn sống thì hai thân hèn mọn nhà mụ đừng oán thán nghe không! Thoắt cái lão trương đôi mày sâu róm đến nỗi tròng mắt như muốn ra ngoài hốc mắt,tay chém, miệng hét: bọn bay cho mụ già này toại nguyện!

            Kh..ô...ô...không! Tiếng thét thất thanh vang lên. Ông Lớn dật bắn người!

Con đã sai bố ạ, là con đánh con...bạn Hân trước và con trượt chân ngã. Mà bố đốt nhà thì bà cháu bạn ấy ở vào đâu! Nói rồi nó tiến lại phía Hân, ngồi bên Hân rụt rè cầm lấy tay Hân và nói: Cho mình xin lỗi nhé, mình tưởng bạn thật sự không có bố mẹ. Làm bạn với mình Hân nhé! Cười lên nào! Ơ, sao lại khóc!

          Không gian như lắng lại chỉ còn những ánh mắt khác nhau. Bà Hân nước mắt chực rơi, Hân ngồi như pho tượng nhỏ. Mình xin lỗi rồi mà, Hân cười lên nào, có lần bạn được cô khen mình thấy bạn cười đẹp lắm, cười như vầng trăng mới ló í. Cười đi Hân! Hai mái đầu chụm vào nhau, hai bàn tay bé nhỏ tìm đến nhau. Hân nhoẻn miệng cười!

         

 

                                                                            Nguyễn Phạm Quỳnh Anh

Lớp 8A Trường THCS Hoàng Xuân Hãn

 

 

. . . . .
Loading the player...