22-03-2017 - 21:23

Tác phẩm và dư luận: Đọc "xách giày cao gót cho em" của Lê Văn Vỵ

NGUYỄN THANH TRUYỀN - Để đi qua những tháng năm gian lao, khó nhọc... (Đọc "xách giày cao gót cho em", Nxb HNV, 2017).

1. Nhan đề bài viết này mượn ý thơ của chính Lê Văn Vỵ trong bài “Hương ngô”: “Gió đưa hương ngô gội vào tóc tai ướp lên da thịt/ Tôi chìm đắm trong hương đồng để tận hưởng khoái lạc của làng quê/ Cho tôi nguồn sinh lực tràn trề/ Để đi qua những tháng năm gian lao, khó nhọc”. Những ý thơ như thế cứ gợi liên tưởng đến chặng thơ anh đã và đang viết. Qua những sáng tác mới nhất khi “đã ở chặng cuối cuộc đời/ nếm trải cay đắng ngọt bùi”, thấy thơ anh vẫn dồi dào sinh lực.
2. Lê Văn Vỵ thuộc “nòi tình”, “yêu tới bến mến tận cùng”; thơ tình của anh tươi nguyên và sâu sắc, dịu mát và ấm nóng, đa cảm và tài hoa, tinh tế và hiện đại. Hầu như trong các tập trước, tình yêu luôn được tác giả dành cho một vị trí xứng đáng. Cầm cuốn “Xách giày cao gót cho em” ai cũng nghĩ đây là tập thơ tình, vì cách tác giả chọn tên. Nhìn tổng thể, người viết bài này không thích cái tên sách ấy, nhưng cũng hiểu rằng rất có thể nhờ nghệ thuật đặt tên và vẽ bìa, thơ anh sẽ đến được với nhiều bạn đọc hơn, đặc biệt là bạn đọc trẻ lòng. Ấy là nói về tên sách, nhưng hẳn nhiên ở đây, thơ tình là mảng gây ấn tượng trước hết. Thơ và tình yêu là nơi của những điều mới mẻ, nên thơ tình luôn là nơi của những rung động rất riêng không lặp lại bao giờ.
Tình yêu trong thơ Lê Văn Vỵ có đủ sắc điệu. Có cái nhớ thường trực “Có bao nhiêu câu hỏi/ cứ lởn vởn trong đầu/ bao nhiêu niềm lo lắng/ cứ chập chờn lo âu”(Hỏi), có cái nhớ quặn thắt, có cái nhớ cào xé, có cái nhớ bất chợt bùng lên trong nỗi nén kìm “Lâu rồi chẳng nhớ ăn cơm/ thôi em đừng mở vung thơm anh thèm”. Lại có những khúc nhớ rất trong, chỉ có thể mượn thứ ngôn ngữ và cách nói tươi mới hồn nhiên của đời thường, của tuổi trẻ để thổn thức: “Chẳng có gì có thể so sánh được nỗi nhớ về em/ thì cứ gọi nhớ à, nhớ ơi, nhớ thế nào… nhớ như là nhớ…!”(Khúc nhớ). Đó là ngôn ngữ đặc trưng của tình yêu. Chỉ có ở tình yêu con người mới tươi trẻ đến vậy! Người trai trong thơ Lê Văn Vỵ tôn thờ tình yêu, trân trọng nâng niu bóng hồng của mình hết mực; và cũng chính vì thế, những xúc cảm ái ân được lọc qua tình yêu thuần khiết nhưng nhiều khi cũng hóa thành ngùn ngụt giận dỗi, ghen hờn. Hai thái cực ấy không ít lần đồng thời xuất hiện trong thơ anh: “Đang lên cơn sấm sét/ bỗng nhiên nắng dịu dàng/ lời yêu thương dịu ngọt/ như gió nồm mơn man”(Điện thoại). Vào thế giới thơ tình Lê Văn Vỵ, luôn gặp những rung động tinh khôi, nên rất ít khi gây cảm giác nhàm cũ bởi cảm xúc và hình ảnh thơ của anh có tính cá thể hóa rất cao. Có thể nhặt ra nhiều bài như thế ở tập thơ này: Trăng, Khúc nhớ, Hỏi, Màu áo thiên thanh, Em thổi đốm hồng Đà Lạt, Ngôi nhà mùa thu,...
Điều đáng chú ý ở thơ tình Lê Văn Vỵ là những xúc cảm tình yêu không tuổi, kể cả khi nhân vật trữ tình tự nhận mình là đã “có tuổi” thì thơ ấy của anh vẫn không già, vẫn nóng ấm và tràn trề nhựa sống. Những cây bút cùng thế hệ với anh hiếm ai có được sinh lực thơ ấy! Thơ tình của anh có những bài đầy nhục cảm mà hòa quyện đắm say: “Mình bện vào nhau rạ rơm thử lửa/ con cúi đồng hoang thành tro nỗi nhớ/ từng sát na anh từng sát na em/ tan biến vào nhau cho thỏa khát thèm”(Chầm chậm), “Tình yêu hóa phép nhiệm màu/ cho em/ thổi những cánh hồng đỏ/ lên những tấm khăn choàng/ lên những áo len/ lên những tấm chăn// Anh đắp lên em/ trùm lũm/ những đóa hồng/ ngủ vùi trong cánh tay yêu”(Em thổi đốm hồng Đà Lạt); có những ý thơ táo bạo, đầy phát hiện: “Trúc xinh trúc mọc bên đình/ tôi như cây mía ngồi rình heo may”(Thu này…), “Xin em nhốt lại thịt da/ đừng đem nhử trước hiên nhà tội anh”(Xin em nhốt lại thịt da). Ở tập này của anh, tôi rất thích bài “Ngôi nhà mùa thu”; nhưng ấn tượng nhất với “Xách giày cao gót cho em”: “Phút giây thiêng liêng em đang trước cửa/ chỉ một bước chân thôi là đã đất đai hương hỏa nhà mình/ mơn man da thịt/ âm dương giao hòa/ nguồn mạch tổ tiên ngàn đời kế tiếp…/ anh xách giày cao gót cho em…”. Bài thơ gợi về chiều sâu thẳm của tình yêu – một tình yêu nồng nàn mà thanh khiết, giản dị mà thiêng liêng. Thoáng qua chút gì có vẻ thời thượng ở thi đề, nhưng bài thơ lại đưa người đọc lắng về niềm hạnh phúc đích thực của tình yêu. Yêu và được yêu, quấn quyện, giao hòa, trân quý. Chẳng phải tận đáy những trái tim yêu, ai cũng khát khao kiếm tìm một bóng hồng để mình được hưởng cái “vinh hạnh” khi xách giày cho nàng hay sao?! Chẳng phải hạnh phúc đích thực của người con gái cũng là có được người mình yêu trân trọng và nâng niu mình đến thế? Hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi có khi khởi đầu từ khoảnh khắc “chỉ một bước chân thôi là đã đất đai hương hỏa nhà mình”, cạnh bên người con gái có một người trai lịch lãm “lẽo đẽo xách giày cao gót cho em”!... Viết về mọi sắc điệu, dù chất chứa nhiều trải nghiệm, thơ tình Lê Văn Vỵ vẫn thuộc về tuổi trẻ.
3. Bên cạnh đề tài tình yêu, trong số những tập thơ đã xuất bản, càng về sau những bài thơ về gia đình của Lê Văn Vỵ càng xuất hiện nhiều hơn. Những bài thơ ở mảng này từng là chủ đề chính của hai tập thơ “Thưa mẹ” và “Đi qua nỗi buồn”. Những cay đắng đã trải, anh hằng vẫn nén kìm chôn chặt, để sự sống tiếp diễn như quy luật ngàn đời(Ta tru lên như sói rừng hoang/ Hát khúc ca lá ngón/ Liếm vết thương bằng nước bọt chính mình – Đi qua nỗi buồn). Nhưng thơ không né tránh nỗi đau. Cái giật mình của vô thức làm hiển hiện dòng ý thức vẫn chìm lấp giữa ngày thường: “Lao đầu vào công việc/ tưởng lấp đi nỗi buồn/ nào ngờ đêm tỉnh giấc/ nước mắt lại trào tuôn// Thời gian rồi lên sẹo/ những mất mát tang thương/ bao nhiêu là khổ lụy/ rụng khô lá đầy đường”(Giật mình). Ở tập thơ này, đọc những bài viết về người con bạc mệnh, người đọc gặp những nỗi đau như dao cứa từ nỗi lòng người cha. Những yêu thương thấm đẫm sau những thi ảnh, hóa vào những thi ảnh. Khi đặt những bông cúc vàng lên mộ con: “những cơn gió heo may lạnh lẽo đã về/ khăn len ở đâu, con nhớ quàng ấm cổ/ những cơn đau xoang hành hạ con thật khổ/ đêm con ho buốt ngực bố đến tận bây giờ”(Những bông cúc vàng). Nghĩ về cỏ trên mộ, bố khóc cỏ cũng khóc, cỏ là hình ảnh của sự sống – sự sống đẫm nước mắt: “Mới đó mà đã một năm con về với đất/ đất cỏ lên xanh/ mộ con xanh cỏ// Cỏ nở hoa/ cỏ lại tỏa hương/ cỏ không lụi tàn/ cỏ không cô độc// Mà sao đêm đêm một mình cỏ lặng thầm khóc/ con ơi!”. Những hồi ức về con luôn đồng hiện, và sự tương liên giữa cha con còn đó: “Đừng đem đốt những bức ảnh này/ nụ cười ngoan hiền những ngày thơ bé/ đừng đem đốt những trang sách này/ sáng tạo của con thành tro, ra bể// Đừng đem đốt chiếc áo ấm này/ thương con lạnh mùa đông/ bố đã cởi áo nhường con/ cho con mặc lên lớp// Đừng đem đốt/ những gì thuộc về con/ đêm bố mơ con đang cầm tờ tạp chí khoe với bố/ một bài viết vừa in/ con cười rất tươi// Đừng đốt/ nụ cười của con”(Đừng đốt). Đừng đốt, vì còn đó những tinh anh, còn trong tinh anh những nụ cười, niềm hạnh phúc đáng gìn giữ.
Mảng thơ về gia đình của Lê Văn Vỵ ở tập này, cùng với những bài đã nói, có sức nén hơn và gợi hơn. Bài “Cụ mẹ, cụ con” rất khác những bài thơ anh đã viết về mẹ: “Mẹ tôi tóc trắng hoa lau/ còn tôi/ tóc trắng nhuốm màu thời gian//…Hôm nay chùa lễ Vu lan/ tôi đưa cụ mẹ vào làng đi chơi/ Gặp ai cũng nhỏn nhẻn cười/ xin mời hai cụ vào xơi miếng trầu”. Bài “Cha ơi!”, hình ảnh người cha nông dân dãi nắng dầm mưa hiện lên qua những hình ảnh cô đúc, qua nỗi nhớ và sự thấu cảm của người con: “Cơn gió thống phongtái tê ổ khớptrận mưa cảm hànho khan rạn ngực// Cha ơi!cha ơi!mùa đông buốt nhức”.
4. Trong mạch vận động của thơ Lê Văn Vỵ, khuynh hướng thế sự cũng đầy lên thấy rõ, cả về lượng và về chất. Tập “Xách giày cao gót cho em” cũng thế. Anh làm báo, đi nhiều biết nhiều việc, phát hiện và phản ánh nhiều, viết nhanh và viết khỏe. Nhưng có những vấn đề thời sự và thế sự người làm báo phải nhường cho nhà thơ lên tiếng. Sinh lực thơ của anh thể hiện rõ nhất ở mảng thơ này, ở sự nhạy cảm, sắc sảo phát hiện và thể hiện, ở sức khái quát của ý thơ cất lên từ những sự việc, hiện tượng, vấn đề cụ thể. Anh là người gắn bó với quê hương, đất nước bằng tình yêu cho văn hóa ngàn đời, cho những phận người đương thời lam lũ và cho muôn đời sau. Tình yêu ấy, một mặt, bộc lộ trong sự hướng về giá trị văn hóa kết tinh trong di sản của tiền nhân (Cánh diều Tượng Sơn) hay sự đắm say với vẻ đẹp nguyên sơ của quê hương: “Làng mơ mộng trong thung mây/ không đau ngọn cỏ cành cây bao giờ”(Làng Cù Lần), “Hoàng hôn đủng đỉnh tre làng/ đồng quê đốm nắng bò vàng mang theo// Lửa liêu xiêu, khói liêu xiêu/ hình như rơm rạ rất nhiều mộng mơ”(Hoàng hôn). Mặt khác, tình yêu và trách nhiệm công dân của anh bộc lộ trong những suy tư, đớn đau về muôn mặt đời sống. Đến với làng tranh Đông Hồ, tiếc cho một thời vàng son của một nét văn hóa, nghĩ về sự quẩn quanh của làng tranh, của cái thú chơi tao nhã trong thời kinh tế thị trường thực dụng: “Bây giờ hàng mã lên ngôi/ tiếc thương giấy điệp một thời vàng son// Mộc bản mối mọt gặm mòn/ hứng dừa, cưới chuột chỉ còn trong mơ// Đồ âm phủ với tiền đô/ như cơn lốc cuốn làng Hồ bay theo”(Hàng mã). Đến với làng hoa Ngọc Hà, nơi ươm trồng cái đẹp để cho cái đẹp tỏa đi muôn nơi, góp phần tạo sinh khí cho thời khắc xuân về Tết đến, anh xót xa đồng cảm với người trồng hoa, xót cho Cái Đẹp: “Giọt này đỏ mắt hoa đào/ khóc xuân chưa đến mà sao vội tàn?// Giọt này khóc nỗi gian nan/ nắng mưa lam lũ Tết làng trắng tay// Hình như Cái Đẹp xứ này/ cũng không chia sẻ đắng cay với Người!?”(Nước mắt làng hoa). Đến làng biển, thương cho những người làm nghề lặn biển “sóng vùn/ mộ nước mông lung”, Lê Văn Vỵ thấu hiểu nỗi gian nan của tình cảnh “làng lặn biển/ rặt đàn bà/ đàn bà lặn biển/ ơi à…/ mưu sinh”. Đáng nghĩ hơn, “Lên bờ/ biển lặn vào mình// Về nhà/ lặn cạn/ nổi nênh/ sự đời”, sau những lăn lộn mưu sinh đắp đổi qua ngày tháng, là những bấp bênh kiếp người chờ đón (Những người lặn biển). Lặn biển đã “khóc cười mong manh”, “lặn cạn” còn đáng sợ gấp vạn lần.
Thơ thế sự của anh luôn chất chứa nhiều ngẫm suy và gợi nhiều suy ngẫm. Những câu thơ đầy ám ảnh, bởi sức công phá của nó vào nếp nghĩ, bởi sức đồng cảm của nó với những day dứt mà những người nặng lòng với thế cuộc vẫn đa mang: “Người ma chen lấn trên đường/ giả thật sai đúng khó lường mình ơi!”(Cô hồn), “Trời nhá nhem/ đất nhá nhem/ Cánh dơi chập choạng/ ăn quen nhập nhòa// …Nhá nhem chuột đục lan tràn/ cánh chim hét lợn cuối làng lên ngôi// Nhá nhem đất/nhá nhem trời/ Thương ai/ quơ gậy/ khóc cười/ nhá nhem”(Nhá nhem), “Chợ cá vắng tanh/ người bán cá treo tranh/ con mèo đói mồi/ giơ vuốt nhe nanh”(Tranh cá).
Khuynh hướng thế sự trong thơ Lê Văn Vỵ trước đến nay, nói theo cách của lý luận sinh thái, thường nghiêng về “nguy cơ sinh thái tinh thần nhân văn”, về môi trường xã hội – văn hóa. Những bài thơ vừa nhắc đến ở trên thuộc về khía cạnh ấy. Gần đây, một nhánh nữa của vấn đề sinh thái trong xã hội tiêu dùng hiện đại được Lê Văn Vỵ hướng đến là “nguy cơ sinh thái tự nhiên” khi anh có nhiều bài thơ sâu sắc về môi sinh môi trường. Người đọc đã từng gặp ở tập trước những câu thơ mang hoài niệm về môi trường trong lành thời thơ ấu: “Còn tôi loi nhoi đi về phía người đàn bà khấp khởi hiện hình cánh đồng tuổi thơ chưa ngộ độc. Nghe tôm cá lóc bóc trong lòng và lúc nhúc cua béo ngậy ẩn dưới gốc rạ; lăn lóc lưỡi nhủi xé nước. Nghe khai khai mùi bùn, mùi da thịt đất đai đang hồi sinh tôm cua không chỉ cho người đàn bà, cho tôi mà cho cháu con ngàn đời kế tiếp…”(Người đàn bà bắt cua đồng). Trong tập này, anh có nhiều hơn những bài thơ như thế. Sự mẫn cảm của một hồn thơ đầy trách nhiệm công dân đã thúc đẩy ngòi bút Lê Văn Vỵ viết một loạt bài thơ nhức nhối về sự cố biển nhiễm độc. Anh viết những câu thơ như thế này khi đến và sẻ chia với đồng bào miền biển, từ cái nhìn của người trong cuộc (mà chúng ta đâu có ai ngoài cuộc!): “Thắp nén tâm nhang/ cho hồn biển trở về với biển/ hãy gào lên sóng ơi cho thỏa/ có nỗi đau nào như nỗi đau chết cá?/mắt cá trừng trừng nhìn Vũng Áng, nhìn tôi// Hoành Sơn ơi!/ mây vảy cá ngổn ngang trời Vũng Áng/ nước da lươn tê tái biển Đèo Ngang(Vũng Áng). Hóa thân vào giấc mơ kinh dị của một con cá “ngoi lên giữa dòng sông/ thoi thóp mùi tử khí, nhà thơ mô tả hành trình ghê rợn của nó trong môi trường nước. Hình ảnh thơ có tính dự báo và cảnh báo cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên – môi sinh của chính con người: “Đàn bà, đàn ông, người già, con nít ôm nhau khóc hu hu/ những giọt nước mang dáng hình giọt lệ(Giấc mơ nước). Thấm thía hơn bao giờ hết ân huệ của tự nhiên đối với bản thân mình, nhà thơ khát khao những đời sau người người được thụ hưởng điều đó, khát khao trong xa xót: “Bây giờ, trời ơi, làm sao tôi giữ được/ Cho cháu con ngàn đời thân thuộc/ Những cánh đồng những bờ bãi ven sông/ Những nương ngô thơm đến nao lòng ?(Hương ngô). Không khua chiêng gõ trống, nhà thơ chỉ cất lên tiếng nói từ trải nghiệm riêng mình, để sẻ chia. Nhưng tôi nghĩ, những câu thơ thấm tình thế sự của Lê Văn Vỵ đủ sức “làm thay đổi mắt ta nhìn, óc ta nghĩ” (mượn chữ của Nguyễn Đình Thi)!
5. Sau những trang thơ là nhịp thở của mạch đời. Là thi sĩ thực thụ, mọi xúc cảm suy tư của Lê Văn Vỵ đều đến tận cùng, thơ là nơi kết tinh chất sống, sức nghĩ, nơi những rung cảm thẳm sâu mà mới mẻ của anh lên tiếng. Đó vừa là cõi để anh ký thác vừa là nơi để anh tựa vào. Sinh lực thơ Lê Văn Vỵ ở tập “Xách giày cao gót cho em” đem lại cảm giác vừa quen vừa lạ. Vẫn là Lê Văn Vỵ của mấy chục năm cầm bút – tinh tế, nhạy cảm, tài hoa, sắc sảo trong cả điệu tâm hồn và trong lối viết. Nhưng lạ, thú vị với một Lê Văn Vỵ không chịu để chữ nghĩa trói mình, không chịu để những nếp cảm nếp nghĩ quen quen ràng buộc, không chịu chồn chân trong hành trình sáng tạo.

                                                                                          Tháng 1/2017
                                                                                               N.T.T

. . . . .
Loading the player...