10-09-2023 - 02:54

Tản văn Mùa Trám của Vũ Trọng Hoài

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Tản văn Mùa Trám của Vũ Trọng Hoài

vũ trọng hoài

mùa trám

                                                                                                 Tản văn

Vào dịp này, tầm tháng 6 tháng 7 âm lịch thì rộ mùa quả trám (quê tôi gọi là "trấy mui"). Trám là món ăn của người nghèo,  là thứ quà quê mê hoặc lòng người. 

Quả trám hái xuống, rửa sạch, cho vào nước 2 sôi 1 lạnh, om tầm 30 phút thì ăn được. Bóp nhẹ quả trám, hạt trám bật ra,  để lộ cùi thịt vàng ươm. Cùi thịt trám ăn vừa thơm vừa bùi, ngầy ngậy béo. Bóc cùi trám ra trộn đều với ít mắm tôm ăn với cơm thì no khi nào không biết. Hoặc lấy cùi trám kho với thịt lợn tuyệt ngon. Muốn để dành trám thì sau khi om, cho cả quả trám vào nước muối nhạt vừa đủ, đun nhẹ lửa, sôi liu riu tầm 15p thì tắt lửa. Chờ nguội nước cho vào bình cả trám lẫn nước, bỏ ngăn mát tủ lạnh ăn quanh năm. Trám để dành, ăn thịt săn, hơi mặn, thơm bùi như trám om, cũng rất tốn cơm.

Trám cơ bản có 2 loại, trám đen và trám trắng. Trám đen khi chín vỏ màu đen cùi vàng óng, trám trắng quả chín và thịt vàng tái nhạt. Trám đen ăn ngon hơn trám trắng. Trám trắng có nơi gọi là quả bùi, chủ yếu kho với thịt mới ăn được.

Trám ăn cùi còn hạt. Hạt trám 2 đầu nhọn vắt, lại cứng mà giòn. Lũ trẻ chúng tôi, lấy dao chặt hạt trám làm đôi, vót que tre nhỏ như cái tăm, chọt cái nhân bên trong ăn thơm và bùi lắm. Ăn xong, lấy hạt trám đóng xuống nền nhà đất thành hình rồng phượng hoặc đôi chim bồ câu quắn quýt nhau. Những hình này mỗi lần quét nhà lại được mài thêm một lần, càng lâu năm càng đen bóng lên và đẹp thêm.  

Tuổi thơ tôi gắn với trám. Vào rừng lựa cây trám nào to, sai quả, quả béo, chín đen, cắn ra thấy cùi dày, thịt bùi, thơm...thì chọn. Thường phải cây thật to,  tầm vài người ôm, cao vi vút thì quả mới ngon. Muốn lấy được trám không thể trèo hái mà phải niệt trám. Chặt cây giang bánh tẻ, xoắn giún cho săn, buộc 1 vòng xung quanh gốc cây, chặt 1 đọan cây gỗ to bằng bắp tay dài tầm 1,5m,  xỏ vào, đánh xoắn cây gỗ cho dây giang thít chặt vào thân cây trám, gông lại đó. 3 ngày sau quay lại, trám rụng đầy gốc cây, tha hồ mà nhặt, nhặt bỏ đầy bì đầy thúng gánh về. Trước khi về thì tháo niệt để khỏi trám chết, năm sau còn có mà lấy. Trám đem về, thứ để ăn chống đói, thứ thì gánh lên chợ bán mua gạo. Trám theo dân buôn mang hương vị núi rừng đi khắp chốn cùng quê.

Người dân sơn cước chúng tôi gắn với cây trám: quả trám ăn, nhựa trám thay dầu thắp đèn, làm hương, xông trừ hơi cho trẻ con sơ sinh, gỗ trám pha làm ván thưng nhà, củi trám có dầu đun đượm lửa...

Theo đông y thì quả trám có giá trị dược liệu rất cao, dùng để chữa được nhiều loại bệnh,  nhất là bệnh về họng, hô hấp và giải độc. 

Rừng ngày càng bị tàn phá cạn kiệt, cây trám được đưa về trồng vườn nhà. Quê tôi gần như nhà nào cũng có ít nhất 1 cây trám. Trám càng to tán càng rộng, chiếm càng nhiều đất, nên dần dà trám cũng bị đốn hạ và hiếm đi. Chỉ nhà nào có vườn rộng thì để lại vài cây. Và đến bây giờ thì những cây này trở thành của quý.

Khi mà đồ ăn thức uống ngập tràn, chán ngán với thịt cá dầu mỡ nhuốm mùi cám cò, tăng trọng và đủ loại hóa chất độc hại thì người ta quay lại tìm những thứ quà quê đạm bạc như trám. Thế là trám,  một món ăn quê nghèo lại trở thành sơn hào vương giả.  Và giá trám tăng vọt lên trời xanh.  1kg quả trám may được 400gam cùi có giá 100k,  có khi khan hàng đội giá lên 120k.  Nhà nào có cây trám sai quả thì coi như thắng lớn. Dân thương lái đến dạm mua khi quả còn non.

Biết xu thế các nhà ươm đáp ứng nhu cầu lai tạo ra 1 loại giống cây trám trồng 2 năm thì cho thu hoạch. Dân gọi là trám dự án. Cây chỉ cao bằng đầu người đã cho quả lúc lỉu.  Nhìn thì đẹp nhưng ăn thì kém xa trám thuần chủng, thịt rất nhạt và nhão nhoẹt.

Viết đến đây tự nhiên tôi ao ước,  giá như có những cánh rừng trám thuần chủng để vừa thỏa mãn thú ẩm thực,  ai cũng được ăn,  vừa lấy nguyên liệu làm thuốc thì giá trị biết mấy. Rồi mỗi lần đến mùa trám lại ngân nga câu thơ Tố Hữu:

"Mình về rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng măng mai để già"

                                                                                                        V.T.H

. . . . .
Loading the player...