22-09-2023 - 07:11

Tản văn NHỚ SAO BAO BỮA CƠM CHIỀU của NGUYỄN THANH NGA

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Tản văn NHỚ SAO BAO BỮA CƠM CHIỀU của NGUYỄN THANH NGA

NGUYỄN THANH NGA

NHỚ SAO BAO BỮA CƠM CHIỀU

                                                                                                Tản văn

Những cơn gió thổi từ nơi này tới nơi kia có khi nào là ngọn gió mùa đã cũ? Tôi theo đồng mà nương nấu, theo gió mà lớn lên. Chiều khói vương như màn sương giăng ngoài sông, ngoài bãi. Tôi lần theo lối cũ trở về nhà. Ngôi nhà ba gian cũ kỹ, không gian vẫn còn đây mà mọi thứ im lặng như tờ. Chiều nắng muộn, sao lòng tôi giăng mắc, nhung nhớ về bữa cơm chiều ngày xưa!

Những bữa cơm chiều, liêu xiêu cái liếp tre của bà hé mở. Tôi chân trần nhón gót để với cái kiềng sắt, đặt xuống giữa nhà. Chị Gái bắc cái mâm bằng đồng đi từ dưới bếp, đặt vào cái kiềng. Bao giờ cũng vậy, mâm cơm không có cao lương mĩ vị, chỉ có bát canh rau tập tàng, bát cà muối và mấy con cá khô. Vậy mà ngọt ngon đến lạ. Rau tập tàng chị tôi hái khi buổi chiều làm cỏ trên cánh đồng xa, mây la đà như muốn giũ sợi nắng còn sót lại. Mấy ngọn rau muối, rau rệu, rau rền…

Những thứ rau chúng thấy đất là mọc lên nhú đều và xanh non mơn mởn. Chị hái cho đầy nón lá, còn vương vít hương thơm của lúa đang trổ đòng đòng.

Bà quét sân bằng chiếc chổi nan ông làm. Ông pha tre thành từng gióng, chẻ tư, chẻ tám. Rồi lại chẻ ngang, chẻ dọc. Bà đem phơi nan rải đầy trên trên. Lạt cũng từ cây tre non dẻo dai mà tự bện anh em nhà tre của mình để thành chiếc chổi nan xoèn xoẹt trên nền đất. Làng tôi, ai cũng làm chổi từ tre. Tre hong đầy dưới nắng, tre đan trắng trên sân và đợi tới buổi chiều, bà gom lại thành từng đống đã khô vừa đủ. Bà tôi tảo tần trên đồng rồi lại thoăn thoắt  gánh chổi trên chiếc lưng còng lên buổi chợ phiên để bán. Hình ảnh của bà trong chiếc áo nâu màu gụ, cứ ngân ngấn trong đôi mắt tôi như muốn nhào ngay về những ngày đã cũ mà gặp bà trong đó. Bà ra đầu ngõ, gọi tôi về ăn bữa cơm chiều.

“Na ơi!”, tôi nghe giọng của bà nhưng vẫn còn la cà với đám bạn chơi trò bịt mắt bắt dê chưa muốn về. “Mang cái “dạ” về ăn cơm Na ơi!” Nghe tới đây, tôi biết, tôi phải lẩn về thật nhanh bởi có thể bó nan chổi của bà sẽ hạ xuống mông tôi vì tội ham chơi không chịu về bắc kiềng cho chị Gái dọn mâm, dọn bát.

Cả nhà tôi ăn cơm, bà lẩy mẩu cháy dưới đáy nồi để ông nhắm rượu. Cháy giòn như bánh đa, tôi cũng xin một mẩu cháy. Răng tôi sắc nên cháy giòn rụm trong miệng. Ông móm mém, khen tôi còn nhỏ, răng chắc khỏe chứ không như ông. Tôi mỉm cười mong ước sao mình chẳng bao giờ lớn lên nữa, cứ mãi qua tuổi lên tám rồi lại vòng xuống tuổi lên năm. Tôi hỏi ông, người ta có thể sẽ mãi nhỏ tuổi được như thế không? Ông cười khà khà, chỉ lên trời, ông bảo có mỗi trăng là tuần hoàn từ lưỡi liềm rồi tròn vành giữa tháng. Tôi phải lớn lên và ông phải già thôi. Chòm râu bạc và nước da ông đồi mồi, bên bữa cơm chiều tiếng bát đũa xô nhau nghe vui tai vồi vội.

Tôi thích nhất là nơi khoảng sân nhà, khi mùa thu nắng trải đầy, lây rây trên cành lá ổi bên vườn. Những trái ổi còn xanh tôi rủ lũ bạn cùng chơi bấm nát dấu móng tay, chỉ để mong mỏi khi nào chúng chuyển ương rồi chín. Chiều bịn rịn, bố mẹ tôi đi công tác trên thị trấn trở về, trong chiếc làn của mẹ, vài gióng mía và những quả thị vàng ươm đượm nắng mùa thu. Chị Gái dạy tôi thái bí ngô hình ô vuông dưới bếp. Bà mua thêm xâu cá diếc về kho dưa. Mẹ vo gạo nấu cơm, khi đàn gà mái mơ vừa dắt díu lũ con vào chuồng đi ngủ. Tôi đếm vừa đủ mười chú gà con lông vàng. Khói bếp nhà nhà bay lên, những mái ngói màu nâu nhuốm thời gian bạc thếch.

Buổi chiều đầm ấm trong tôi, cả nhà tôi quây quần trên chiếc chiếu hoa bà trải giữa nhà thay cho chiếc kiềng bằng sắt. Mâm cơm chị Gái dọn lên, tôi chia bát, so đũa và nghe râm ran những câu chuyện ở cơ quan của bố mẹ vui như ngô rang, pháo nổ. Ánh đèn bên hiên nhà vàng vọt bẫy những con thiêu thân lao vào ánh sáng. Trăng lưỡi liềm đầu tháng nghễu nghện trên nền trời. Buổi chiều vừa trôi qua, hoàng hôn vừa buông mành khép mắt.

Tôi đi qua bao bữa cơm chiều mà lớn khôn qua tuổi lên tám và đến tuổi lên mười. Từ cái ngày tôi phải kiễng cao chân mới với tới cái kiềng sắt. Cho tới khi tôi mười tám, lúc ấy chiếc kiềng sắt treo trên tường cao ngang ngực tôi. Ông bà tôi đã về với mây trời, ngày cưới chị Gái, mọi người đặt lên bàn thờ mâm cơm qua làn khói nhang để ông bà tôi biết. Chiều nay men theo lối cũ về thăm lại căn nhà. Đâu đây tiếng bà gọi tôi vang xa ngoài ngõ, dáng ông ngồi vê điếu thuốc bên hiên và cả nhà tôi lại quây quần điền viên, bên buổi chiều nồi cơm canh ấm nóng.

                                                                                                  N.T.N

ảnh nguồn ITN

. . . . .
Loading the player...