07-11-2024 - 00:49

Tản văn Tương tư ngô đồng của tác giả Hồ Xuân Thủy

Cây ngô đồng là một phần không thể thiếu của làng quê Việt Nam tạo nên một khung cảnh nên thơ, hữu tình. Cây ngô đồng không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Tương tư ngô đồng của tác giả Hồ Xuân Thủy, hiện đang công tác tại trường THPT Nguyễn Trung Thiên, Hà Tĩnh.

TƯƠNG TƯ NGÔ ĐỒNG

 

                  Hồ Xuân Thủy

 

Giờ đây, mỗi lần đi qua con đường Nguyễn Phan Chánh, nhìn hàng phượng thẳng tắp thưa thớt lá mới trồng, tôi không khỏi nghe lòng mình trào dâng một nỗi trống trải mênh mông. Nỗi tương tư ngô đồng.

Nỗi tương tư ấy dường như cồn cào da diết hơn mỗi độ thu về. Nỗi tương tư ấy dường khắc khoải hơn khi những cơn mưa tháng chín ào ào trút xuống thành phố nhỏ, khi lũ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về đẩy con nước duyềnh mãi lên bãi bờ.

Nỗi tương tư ấy sục sạo trong kí ức tôi mà đánh thức câu thơ kinh điển của cổ nhân tưởng như đã từ lâu ngủ vùi trong trang sách:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ tận tri thu

(Một chiếc lá ngô đồng rụng

Cả thiên hạ đều biết là mùa thu đến)

Biết rằng mang tin thu đâu chỉ có mỗi lá ngô đồng. Với mỗi miền, đất trời có những tín hiệu riêng để chuyển đến lời nhắn nhủ: thu đã về. Với mỗi người, giác quan được đánh thức để cảm nhận sự sinh sôi chuyển biến của tạo vật theo một cách riêng.

Với Hà Nội, với những ai trót đem lòng yêu Hà Nội, thu là cốm xanh thơm thảo dịu dàng trên đôi tay gầy của bà của mẹ, trong lòng bàn tay thon mềm mại của cô gái thanh tân; là hoa sữa nồng nàn trong gió se mỗi khi đêm xuống; là sấu rụng thành thảm vàng rực sáng con phố Phan Đình Phùng mỗi sớm mai lên; là những gánh hàng hoa nên họa nên thơ trên mọi nẻo đường xuôi ngược, là sương chiều lãng đãng huyễn hoặc vờn nước Tây Hồ…

Tương tư Ngô đồng ( Minh họa: ST)

Với Hà Tĩnh quê tôi, thu bắt đầu bằng những ngày nắng gắt oi nồng từ xa xưa đã đi vào trong câu cửa miệng: “Nắng tháng tám, rám cùi bưởi”, rồi những cơn mưa như thác đổ trắng trời. Thu về mang theo bão gió lũ lụt dập dồn. Cánh đồng vừa gặt đã xác xơ chân rạ, bao la nước… Thu tròn đầy trong trái bưởi Phúc Trạch như ngàn vạn quả bóng vàng lúc lỉu treo trong vườn, chất chồng trên những sạp hàng hoa quả ở chợ, tràn vào mọi ngõ ngách phường phố, mang hương thơm vào tận mỗi căn nhà… Thu chín giòn trong từng trái hồng Yên Du ngọt lịm. Thu thanh mát ngọt dịu trong hương vị cam chanh bát ngát lưng đồi Vũ Quang,…

Có phải vì bao nhiêu hương sắc từ hoa, trái, cỏ, lá trải ra trước mắt ta, làm say đắm lòng ta khiến ngô đồng bị lãng quên trong miền cổ xưa xa ngái? Còn ai giật mình thảng thốt thu sang trên một sắc phai ngô đồng? Còn tôi bên sông vẩn vơ nỗi tương tư chút lá mong manh lênh đênh dòng nước. Nỗi tương tư ngô đồng.

Ngô đồng gắn với biết bao kỉ niệm vui buồn của lũ trẻ chúng tôi một thời thơ bé. Dưới cái nắng hè gắt gỏng của miền Trung, bóng ngô đồng là mái nhà xanh mát của chúng tôi. Lá ngô đồng được bọn con gái dùng để gấp đủ các loại bát, đĩa, xoong, chảo,… bày làm đồ hàng. Trái ngô đồng cho lũ con trai làm bánh xe, tha hồ tạo ra những chiếc xe đủ loại, đủ kích cỡ, được nặn, gọt từ đất sét, gỗ vụn, ống tre,… Chúng tôi đã mải mê biết bao trưa hè như thế dưới bóng ngô đồng cổ thụ, quên cả thời gian, quên cả lời mẹ dặn. Người lớn vì không cách gì gọi được lũ trẻ chúng tôi về ngủ trưa nên thường hù dọa: trong gốc ngô đồng có những linh hồn bơ vơ tìm đến trú ngụ, có ma quỷ tàng hình,… Cả lũ vì mải chơi nên chẳng biết sợ là gì. Thế nhưng, thi thoảng một mình đi qua một cây ngô đồng nào đó lúc vắng người, nhất là chiều muộn hay đêm tối, bỗng thấy rờn rợn, vừa chạy vừa ngoái cổ xem có ai đuổi theo mình hay không.

Tôi là kẻ duy lí, vốn không tin vào chuyện hoang đường, hay những điều không bắt tận tay, không thấy tận mắt. Nhưng tôi từng nghĩ, nếu là một linh hồn bơ vơ, hẳn tôi cũng sẽ tìm về dưới bóng ngô đồng mà nương náu. Bởi ngô đồng quanh năm tỏa bóng che nắng che mưa, là mái nhà an toàn và bao dung luôn mở rộng cửa. Bởi ngô đồng kiên gan trước bão dông, gió lớn có thể làm gãy cành và bay đi nhiều ít lá, nhưng khó có thể quật ngã được loài cây bám trụ vững chắc, ngay cả khi có vẻ như bấu víu chênh vênh bên bờ sông. Rồi có lúc nào, khi lìa xa cõi tạm, nỗi tương tư dẫn lối đưa linh hồn tôi trở lại bến sông xưa tìm một bóng ngô đồng?

Có những ngày tôi xuôi, tôi ngược trên cung đường Nguyễn Phan Chánh dài khoảng hai km men theo bờ sông Cụt, bắt đầu từ chân cầu Vồng đến gặp cầu Đò Hà cuối đường Hải Thượng Lãn Ông. Con đường nay đã rải thảm êm mượt, vỉa hè thông thoáng và sạch sẽ. Ấy vậy mà lòng cứ gợn một nỗi trống không. Nỗi vắng thưa những bóng ngô đồng.

Năm ngoái, để chỉnh trang lại con đường, trong quá trình thi công người ta đã chặt bỏ đi những gốc ngô đồng cổ thụ hơn nửa thế kỉ soi bóng dòng sông, rồi thay vào đó một hàng phượng, nghe đâu là phượng tím. Cả quãng đường dài chỉ còn lại chín cây ngô đồng mà có đến năm sáu cây trong số đó gốc nhỏ và tán hẹp. Tôi không biết về sau hàng phượng tím sẽ làm nên thơ nên mộng quãng bờ sông này đến thế nào, sẽ làm nao lòng bao vãn khách. Tôi cũng không tưởng tượng nổi về sau quãng sông này phượng có giăng một màu mây tím làm lòng tôi đắm say, làm vơi quên đi nỗi luyến tiếc những tán lá xanh um rợp bóng mỗi hè về và những chiếc lá vàng khẽ theo gió đáp xuống xào xạc con đường nhỏ, bồng bềnh mặt nước mùa thu.

Vẫn biết cuộc sống luôn đổi thay và cần thiết phải có những đổi thay. Vẫn biết những đổi thay vốn không chiều lòng những kẻ hay vẩn vơ hoài niệm. Nhưng nói đến cùng, tôi không ưa nổi những đổi thay theo lối tư duy “đồng phục” đang thịnh hành. Với tôi, mỗi con đường, ngõ phố, ngôi làng, miền quê… đều có những dáng nét, phong vị riêng, câu chuyện riêng của nó. Và câu chuyện của con đường Nguyễn Phan Chánh vốn được kể bằng lời của những bóng ngô đồng cổ thụ rợp mát, thâm u.

 

 

Hồ Xuân Thủy

. . . . .
Loading the player...