Hướng tới Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 2023). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Thái độ của Nguyễn Thiếp đối với phong trào Tây Sơn (1771 -1802)” của tác giả Nguyễn Nga
Nguyễn Thiếp (1723 -1804) tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc nhỏ, Nguyễn Thiếp và ba anh em trai nhờ có mẹ chăm sóc và chú Nguyễn Hành kèm cặp nên đều học giỏi.
Năm 20 tuổi (1743), ông thi Hương trường Nghệ trúng Hương giải khoa Quý Hợi đời Lê Cảnh Hưng. Nhưng Đàng Ngoài rối loạn, phong trào nông dân bùng lên như bão táp, tập đoàn thống trị Lê - Trịnh ngày càng rối ren, mục nát, nhân dân đói rét, Nguyễn Thiếp bỏ về nhà làm ruộng, dạy học và lúc rảnh lại đi đây đó khắp vùng núi Hồng, sông Lam để ngao du ngắm cảnh và kết bạn.
Qua hơn 10 năm dạy học trong dân dã, uy tín của Nguyễn Thiếp được lưu truyền. Đến năm 1756, ông được triều đình mời ra làm chức Huấn đạo phủ Anh Đô (Đô Lương và Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Lúc ấy, ông 34 tuổi.
Sau 13 năm giữ chức quan nhỏ, năm 1768, Nguyễn Thiếp từ chức, trở về lập trại Bùi Phong dưới chân núi Thiên Nhẫn (Nam Đàn, Nghệ An) để dạy học. Học trò xứ Nghệ tôn gọi ông là Lục Niên phu tử.
Năm 1780, chúa Trịnh Sâm mời ông ra Thăng Long. Gia phả họ Nguyễn ghi rõ ý định của Trịnh Sâm bấy giờ là lật đổ nhà Lê, nhưng ông cương quyết can ngăn. Sau lần đó, Nguyễn Thiếp đã 60 tuổi, trở về trường cũ trong núi sâu và tiếp tục dạy học, nghiên cứu học thuật.
Vào năm 1786, vua Quang Trung ra Bắc (lần thứ nhất) nhằm diệt họ Trịnh. Cuối năm ấy, Nguyễn Huệ sai sứ đưa thư và vàng lụa lên sơn trại mời Nguyễn Thiếp ra giúp việc.
“Đại Nguyên soái nước An Nam
Kính thư gửi đến
La Sơn Phu tử mở ra trên bàn văn. Đã nghe từ lâu, Phu tử là người đức và tuổi đều cao, Kinh luân (1) chứa chất. Những toan thân đến trước cửa để được gặp mặt, đặng thỏa được lòng mong mỏi. Đệ vốn sinh ở miền Tây, xa lánh Bắc; nay được gần cánh đồng Nam Dương (2), may chăng có được nghe tiếng sấm mùa xuân để ngọa long (3) vươn dậy. Nên đặc sai một bì đinh thần mang vật mọn chẳng đáng gì (năm hốt vàng, 2 tấm lụa) gọi tỏ lòng thành bằng lễ nghi chưa đúng, mong không quở trách. Xin Phu tử hãy bớt thú vui tự tại, nghĩ đến nỗi đau đáu của lòng thành, để gác cần câu (4) làm sự nghiệp của Y, Khương (5). Đây chẳng những là điều may mắn cho bản quốc, mà cũng là điều may mắn lớn cho 12 thừa tuyên vậy, còn nhờ ở sự xem xét của phu tử, nay kính thư.
Ngày 18 tháng 12 năm Thái đức thứ 9”1.
Tuy nhiên, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp gửi trả lại phẩm vật, phúc thư lấy lý do mình kém cỏi, tuổi cao và phải lo hương hỏa gia đường để thoái thác.
“Kẻ hèn ở La Sơn Nguyễn Khải Chuyên bái dâng Đại Nguyên Soái các hạ; mở thư sáng của ngài ngày mồng 4 tháng giêng, được tiếp hai vị bề tôi Binh, hộ của quý quốc đem đến một bức thư mời cùng vàng lụa. Áy náy trong lòng mở thư kính đọc, rõ ràng lời ý. Thiết nghĩ kè hèn tính tình ngu lâu, tài năng học vấn chẳng có gì gọi là có thể hơn người, nay vì bệnh tật, gửi thân chốn lâm tuyền. Sự học của cả đời chỉ mỗi tứ thư (đại học, trung dung, luận ngữ, Mạnh Tử), còn như môn nhâm thao, lược (Kỳ môn độn giáo, lục thao, tam lược: sách lý học và binh thư), binh pháp lục nghê (lễ, nhạc, xạ, ngư, thư, số) thì chưa từng học đến. Quý quốc ở xa chỉ nghe tên, yên chí là vậy, sợ còn chưa rõ được điều thực. Lễ hậu xưa nay ít có, đã làm nhọc nhằn cho kẻ yếu đuối ở chốn lâm truyền. Với tấm lòng lạc thiện hiếu sĩ (chuộng kẻ sỹ), việc thường tình không thể so sánh được. Tự xét thấy mình bệnh tật nhiều thực là hổ thẹn; lấy nghĩa lý mà suy, có ba điều không thể vâng lời được: Trước tiên là mình kém cỏi dám trông đua như bậc Y, Khương; sau nữa không dám so với Gia Cát gặp buổi phong trần; hễ gặp việc thì tay chân bối rối, xét đến cùng ắt làm lỡ việc nước, nhục đến chủ; đó là điều thứ nhất không thể đi ra được. Từ cổ xưa người con trưởng của vợ đích (cả) không ra làm quan, huống chi cha, mẹ, anh em không còn ai, tôn đường và khuôn phép trong nhà thuộc về một thân; đó là điều thứ hai không thể đi ra được. Từ xưa theo lễ, người làm quan bảy mươi thì nghỉ, bản triều ưu ái tuổi già, 65 tuổi là lệ được xin hài cốt, nay mà đi ra mang tội nặng sao; đó là điều thứ 3 không thể đi ra được. Bởi 3 điều không đúng đó mà ra làm việc nước phỏng còn ích gì. Với tấm thân hèn trước thịnh tình, một bức thư mời, 5 hốt vàng, hai tấm lụa, tất cả đều không dám nhận, xin kính cẩn giao lại cho ngài Phan Khải Đức đem về để giúp vào việc khảo thưởng. Cúi xin Đại Nguyên soát xét cho. Kẻ hèn Chuyên bái trả lời.
Ngày 9 tháng giêng năm Cảnh Hưng 48”2.
Nguyễn Huệ lại gửi thư, sai sứ đến mời lần thứ hai rồi lần thứ ba, năm 1787, lúc này Nguyễn Huệ đã xưng là Chính Bình vương nhưng trong thư, vẫn tỏ rõ thái độ chân thành và kính trọng ông rất mực. Nguyễn Thiếp vẫn từ chối chưa chịu ra giúp Quang Trung. Nhưng cũng từ đấy giữa Nguyễn Thiếp và vua Quang Trung đã có quan hệ thường xuyên trao đổi thư từ.
Đến tháng tư năm Mậu Thân (1788), trên đường ra Bắc lần thứ hai (trừ Vũ Văn Nhậm), Nguyễn Huệ dừng lại Lam Thành (Hưng Nguyên), bèn gửi thư xuống mời ông hội kiến. Lời thư vẫn khẩn cầu tha thiết:
“Thư gửi đến bàn văn của La Sơn phu tử soi xét:
Hiện nay thiên hạ đảo huyền (rất nguy cấp) chẳng phải Phu tử thì ai là người gánh vác, kẻ ít đức Lễ tín hầu Nguyễn Quang thay đến để vấn an và mời Phu tử, để được nghe những lời chỉ bảo, kẻ ít đức này may lắm, thiên hạ may lắm nay gửi thư.
Ngày 18 tháng 3 Thái Đức năm thứ 11”3.
Sau đó, vua Quang Trung và Nguyễn Thiếp đã gặp gỡ nói chuyện ở đại doanh của Nguyễn Huệ đóng ở núi Nghĩa liệt (còn gọi là Rú Rum, ở bờ bắc sông La). Gia phả chép: “… Cụ đến, Huệ trách rằng: “Đã lâu nghe đại danh. Ba lần cho tới mời, tiên sinh không thèm ra. Ý tiên sinh cho quả nhân là thằng giặc nhỏ không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ chăng?”. Cụ trả lời: “Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lập lại nhà Lê. Với danh nghĩa chính thì anh hùng ai lại chẳng theo. Nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng, thì lại hóa ra một kẻ gian hùng”. Huệ bèn đổi sắc mặt, ngồi dịch ra mà tiếp đãi rất trọng…”. Như vậy, trong cuộc gặp này, Nguyễn Thiếp vẫn chưa chịu giúp Nguyễn Huệ, mà còn thẳng thắn nói rõ ý tôn nhà Lê, nhưng Nguyễn Huệ vẫn ủy cho ông giúp việc xem đất dựng đô ở Phù Thạch (Lam Thành) rồi ở Yên Trường (tức Phượng Hoàng trung đô)…
Cuối năm 1788, 29 vạn quân Thanh xâm lược đất nước. Trước tình thế đó, Bắc Bình Vương lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung nhằm “trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xã khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người”4. Vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh cả thủy lẫn bộ ra Bắc. Ngày 29 đến Nghệ An, vua Quang Trung mời Nguyễn Thiếp đến để hỏi mưu kế đánh giặc “Quân Thanh sang đánh, tôi sắp đem binh ra chống cự. Mưu đánh và giữ, cơ được hay thua tiên sinh nghĩ thế nào?”5. Nguyễn Thiếp khẳng định “Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh nên giữ ra sao. Chúa công đi ra chuyến này, không quá mười ngày giặc Thanh sẽ bị dẹp tan”6.
Đúng như lời tiên đoán của Nguyễn Thiếp, chưa đầy một tuần lễ, 29 vạn quân Thanh đã bị quân của Quang Trung đánh tan tác. “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”7.
Sau ngày Đại thắng quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung về đến Nghệ An vào tháng ba, lại mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự, trong đó có việc chuyển dời kinh đô từ Phú Xuân về vùng đất Yên Trường (Nghệ An).
Đầu tháng 7 năm Tân Hợi (1791), tiếp chiếu triệu của vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân. Ông dâng tấu lên nhà vua bàn ba việc mà ông cho là thiết yếu nhất:
“Ngày 14 đến châu Hóa trình ba việc:
… Bàn điều thứ nhất: Quân đức (đức của người làm vua) Người làm vua giữ được tấm lòng trong sáng đó là gốc của mọi việc, bởi thế người chủ gia đình phải luôn luôn xét nét lấy bản thân.
… Bàn điều thứ hai: Dân tâm. Dân là gốc của nước, gốc vững thì nước yên.
… Điều bàn thứ ba: Cách thức học. Ngọc không mài dũa không thành, người không học không biết đạo lý… Cúi xin Hoàng thượng ban chiếu thư để cho các trường ở phủ huyện, các trường tư trong dân, đến con chúa các bề tôi, đến các người làm việc cho triều cũ ở các trần, tùy từng nơi mà theo học. Tất cả đều dạy theo phép tắc của Chu Tử. Trước tiên học sách tiểu học để vun đắp phần căn bản, theo đó mà tiến dần lên, cho đến tứ thư, ngũ Kinh, chư sử. Từ rộng mà hẹp (phương pháp quy nạp), từ tri đến hành, có thế nhân tài mới có được thành tựu, nước nhà nhờ đó mà được yên minh, đó thực là mấu chốt quan trọng cho nhân tâm và thế đạo trong lúc này. Đạo làm thầy mà vững, thì người tốt nhiều thì triều đình đứng đắn, mà thiên hạ được trị bình vậy. Đây là mấy việc rãi bày lòng thành, không biết được viển vông của lời nói, cúi xin Hoàng thượng xét duyệt. Kẻ bề tôi hèn chuyên kính cẩn tâu.
Ngày 10 tháng 8 Quang Trung thứ 4”8.
Sau cuộc hội kiến chưa đầy 10 ngày, Nguyễn Thiếp về đến núi thì vua Quang Trung đã có chiếu truyền.
“Chiếu La Sơn dật sĩ Nguyễn Thiếp khâm tri. Ông tuổi đức đều cao, vào bậc san đẩu. Nay bốn biển đến độ thăng bình, Trẫm muốn dựng lại nền chính học, ông đã bàn về tà chính trong học thuật rất sâu sắc, Trẫm rất hài lòng. Nay chọn đất ở núi Nam Hoa, đặt thư viện sùng chính, phong ông làm viện trưởng viện Sùng chính, đặt hiệu là La Sơn tiên sinh, trông nom việc dạy học, theo học quy của Chu tử đế cho người tài có nơi mà thành tựu, phong tục trở nên tốt đẹp, từ nay đốc học của các ty nghiệp trong khắp quận quốc hàng năm hễ thấy ai là người có học hạnh, ghi họ tên, quê quán gửi tới thư viện, Trẫm sẽ cuống chiếu để ông kén chọn đức, nghiệp, hạnh, nghệ tâu lên triều đình cất nhắc bổ dụng. Hãy nêu con đường học sáng, có tâm đức lành để xứng với lời khen trọng vọng bậc đức cả như trong chỉ dụ, khâm vậy, đặc chiếu.
Ngày 20 tháng 8 Quang Trung năm thứ 4”9.
Công lao lớn nhất của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đối với vương triều Tây Sơn là thực hiện chủ trương của Quang Trung: Chấn hưng, đề cao chữ Nôm, dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Đồng thời, La Sơn Phu Tử còn là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà cuối thế kỷ thứ XVIII.
Năm 1802, khi triều Tây Sơn bị sụp đổ, sau khi từ chối lời mời ra làm quan của Nguyễn Ánh, Nguyễn Thiếp quyết định lui về lại trại Bùi Phong. Gia phả họ Nguyễn ở Mật Thôn - Nguyệt Ao, chép rằng: “Cụ ở lại trên núi, tự lấy làm vui, không bận lòng đến việc trần ai nữa”. Nguyễn Thiếp mất năm 1804.
Đền thờ vua Quang Trung ở núi Quyết (phường Trung Đô, thành phố Vinh) - ảnh từ internet
Như vậy, thái độ của Nguyễn Thiếp đối với phong trào Tây Sơn là ủng hộ. Lúc đầu, vua Lê, dẫu chẳng ra gì song với ánh hào quang của nhà Lê, Nguyễn Thiếp không thể quên ơn nhà Lê. Hơn nữa, đối với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ chỉ là kẻ võ biền, vô học ở một “nước” xa đến, dù có trân trọng ông nhưng chắc chi đã thật lòng? Nguyễn Thiếp không thể không ngờ vực, mặc dù đã có những người như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích… ra giúp vương triều Tây Sơn. Tuy nhiên, với việc vua Lê Chiêu Thống thế cùng lực kiệt, sai người sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Thanh là Càn Long muốn nhân cơ hội này thực hiện âm mưu xâm lược nước ta để mở rộng lãnh thổ xuống phía nam. Cuối năm 1788, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân chia làm bốn đạo tiến vào nước ta. Tại Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị cho quân lính cướp bóc, đốt nhà, giết người rất tàn bạo. Lê Chiêu Thống được nhà Thanh phong là “An Nam quốc vương”, thực ra chỉ là vua bù nhìn. Hằng ngày, y tìm cách trả thù, báo oán rất tàn ngược. Người dân Thăng Long nói với nhau: "Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay, chưa thấy bao giờ có ông vua nào luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên Tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc"10. Trong khi đó, “Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỷ thần không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn”11. Trước sự kiên trì và lòng thành của Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiếp đã thấy rõ tâm và trí lực của nhà vua, ông đã quyết định cộng tác và giúp đỡ vương triều Tây Sơn.
Nguyễn Nga
___________________
1 Tập thư và chiều của vua Quang Trung trao đổi với thư và tấu biểu của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, tr.1
(Chú thích; (1) – Kinh luân: Tài trị nước yên dân.
(2) – Nam Dương: Cánh đồng mà gia đình Gia Cát Lượng cày cấy sinh sống.
(3) – Ngọa long (con rồng nằm) đây ý ví La Sơn phu tử với Gia Cát Lượng.
(4) – Ông Lã vọng tức Khương Tử Nha gặp thời loạn, đi câu cá ở sông Vị Thủy. Khi Văn Cương biết tiếng đem xe ngựa đến rước về làm tướng, trước tình tình đó, Lã Vọng đã gác cần câu để giúp vua Văn Vương.
(5) – Y là Y Doãn đi cày ở đất Hữu Sàn, Khương là Tử Nhạ Y Doãn giúp vua Thành Thang lập nên nhà Thương, Tử Nha giúp Văn Vương lập nên nhà Chu).
2 Tập thư và chiếu của vua Quang Trung trao đổi với thư và tấu biểu của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, tr.2
3 Tập thư và chiếu của vua Quang Trung trao đổi với thư và tấu biểu của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, tr.5
4 Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2005, tr. 354
5 Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2005, tr. 355
6 Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2005, tr. 355
7 Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2005, tr. 361
8 Tập thư và chiếu của vua Quang Trung trao đổi với thư và tấu biểu của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, tr.12- 13
9 Tập thư và chiếu của vua Quang Trung trao đổi với thư và tấu biểu của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, tr.13
10 Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nhà xuất bản Văn học, 2005, tr. 344
11 Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nhà xuất bản Văn học, 2005, tr. 352