19-07-2017 - 09:50

Thơ chọn lời bình: Bàn chân thầy giáo

Tạp chí Hồng Lĩnh số 131 tháng 7 giới thiệu phần thơ chọn "Bàn chân thầy giáo" qua phần bình của Người bình thơ.

Bàn chân thầy giáo
 
 
Thầy ngồi trên ghế giảng bài 
Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ 
Một bàn chân đâu rồi 
Chúng em không rõ 
 
Sáng nào bom Mỹ dội 
Phượng đổ ngổn ngang, mái trường tốc ngói 
Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi 
Thầy cầm súng ra đi 
Bài tập đọc dạy chúng em dang dở 
Hoa phượng 
Hoa phượng cháy một góc trời như lửa 
 
Năm nay thầy trở về 
Nụ cười vui vẫn nguyên vẹn như xưa 
Nhưng một bàn chân không còn nữa 
  
Ôi bàn chân 
In lên cổng trường những chiều giá buốt 
In lên cổng trường những đêm mưa dầm 
Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo 
Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo 
Như nhận ra cái chưa hoàn hảo 
Của cả cuộc đời mình 
 
Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh 
Hay Tây Ninh, Đồng Tháp? 
Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc 
Cho lẽ sống làm người 
Em lắng nghe thầy giảng từng lời 
Rung động bao điều suy nghĩ 
Nghe thầm vọng bàn chân đi đánh Mỹ 
Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường 
Em đi suốt chiều dài yêu thương 
Chiều sâu đất nước 
Theo những dấu chân người thầy
                                    năm trước 
 
Và bàn chân thầy, bàn chân đã 
                                               mất 
Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn 
                                    cuộc đời...
 
Trần Đăng Khoa
 

Lớp học đặc biệt của thầy giáo khuyết tật Đặng Tiến Dũng ở Phúc Đồng - Hương Khê. Thầy đã có gần 20 năm dạy học, chắp cánh ước mơ cho biết bao lứa học sinh nghèo đỗ đạt (Ảnh: Linh Châu)

Lời bình:
 
Thơ viết về đề tài Thương binh -  liệt sỹ nhiều bài cảm động. Có bài như tượng đài tạc vào thế kỷ một “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân). Nhưng chủ yếu là thơ người lớn viết qua những kinh nghiệm, chiêm  nghiệm sống của mình giải bày chia sẻ và cao hơn là lan tỏa đồng cảm hiểu rõ hơn về giá trị vô giá của sự hy sinh mất mát  …
Đọc bài thơ “Bàn chân thầy giáo” của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa ta thấy Khoa có vẻ “già” trong suy nghĩ nhưng lại tuần tự như lẽ tự nhiên không có gì phải gò ép khi viết mạch thơ này. Từ thấy đến nghĩ, từ nghĩ để thức nhận về mình. Bắt đầu từ hình ảnh người thầy giáo thương binh “Một bàn chân đâu rồi - Chúng em không rõ”. Từ cái ngơ ngác tự hỏi để trở về với những hồi tưởng nhớ ngày thầy lên đường nhập ngũ khi : “Sáng nào bom Mỹ dội - Phượng đổ ngổn ngang mái trường tốc ngói - Mặt bảng đen lổ chỗ vết bom bi” là mạch cảm xúc hợp lý. Ở đây nét đặc tả về mái trường và mặt bảng đen đã khảm sâu vào ký ức. Nhưng sự lặp lại hình ảnh “Hoa phượng - Hoa phượng cháy một góc trời như lửa” đã tạo ra cao trào điểm nhấn. Nhịp thơ như trào lên, cuộn lên để rồi tiếp đó lắng lại, chậm rãi như bước chân thầy giáo trở lại mái trường trên một bàn chân mình đã mất: “Ôi bàn chân - In lên cổng trường những chiêu buốt giá - In lên cổng trường những đêm mưa dầm”. Ở lứa tuổi ấy mà Trần Đăng Khoa đã nghĩ được: “Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo - Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo - Như nhận ra cái chưa hoàn hảo - Của cuộc đời mình” là những suy nghĩ khá sâu sắc mà không dễ gì viết ra được kể cả người lớn. Đích thực ở đây là một tài  năng thiên phú. Cái hay là liên tưởng giữa những lỗ đáo của dấu in nạng gỗ với  lỗ đáo của trò chơi tuổi học trò. Tôi có cảm giác nếu dừng tứ thơ ở chỗ này cũng đã tương đối trọn vẹn. Nhưng ở đây tài năng của Trần Đăng Khoa đã chủ động trong vận động cảm xúc của mình để nới rộng biên độ trí tưởng tượng như nhịp cao trào của một bản giao hưởng thật hào sảng: “Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh - Hay Tây Ninh, Đồng Tháp - Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc”. Cái bất thần này như sự vươn vai đứng dậy của Phù Đổng. Để: “Em đi suốt chiều dài yêu thương - Chiều sâu đất nước - Theo  những dấu chân người thầy năm trước” thì ta đã dự cảm được hiển nhiên cậu học trò Trần Đăng Khoa những năm cuối cấp sẽ sớm trở thành người chiến sĩ trẻ Trần Đăng Khoa trong quân đội…
Đặc tả bàn chân thầy giáo đã mất để rồi lan tỏa cái nhận thức: “Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất - Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời” là một khái quát có độ dư vang. Đó chính là cốt lõi thành công của bài thơ của sức tải  chắp thêm đôi cánh đôi cánh trí tưởng tượng có sức lay động sâu sắc. Sự hồi sinh cũng được bắt đầu từ mất mát như thế…
                                                                             Người bình thơ
. . . . .
Loading the player...