11-11-2021 - 02:51

Thơ chọn lời bình: Bè xuôi sông La

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Bè xuôi sông La” của Nhà thơ Vũ Duy Thông qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

BÈ XUÔI SÔNG LA

 

Bè ta xuôi sông La

Dẻ cau cùng táu mật

Muồng đen và trai đất

Lát chum rồi lát hoa

 

Sông La ơi sông La

Trong veo như ánh mắt

Bờ tre xanh im mát

Mươn mướt đôi hàng mi

 

Bè đi chiều thầm thì

Gỗ lượn đàn thong thả

Như bầy trâu lim dim

Đằm mình trong êm ả

Sóng long lanh vẩy cá

Chim hót trên bờ đê

 

Ta nằm nghe, nằm nghe

Giữa bốn bề ngây ngất

Mùi vôi xây rất say

Mùi lán cưa ngọt mát

Trong đạn bom đổ nát

Bừng tươi nụ ngói hồng

Đồng vàng hoa lúa trổ

Khói nở xòa như bông

 

Gỗ tía như mật đông

Gỗ vàng như sắc lụa

Gỗ phau phau men sữa

Gỗ lên vân mượt mà

Xẻ ra thành bên chắc

Dựng lên thành nguy nga

 

Bè đi trong sao sa

Gỗ gối nhau nằm thở

Như bao mùa lá hoa

Rừng già đang trăn trở

Lũng sâu hoa dẻ nở

Hương ấm lừng không gian

 

Bè bơi giữa xóm làng

Như một bàn tay ấp

Sóng vỗ lườn dập dềnh

Nghe thình thình nhịp đập

Cùng bao ngày khó nhọc

Trải bộn bề chân ta

 

Sông La ơi sông La

Trôi mềm như lá lúa

Có nghe gỗ vặn mình

Đổ ầm lưng vách đá

Có nghe tiếng rìu cưa

Cần cù suốt nắng mưa

Có nghe Ngàn Trươi thét

Thác lao vào ngang mặt.

 

Nghe sức ta, lòng ta

Chở Trường Sơn cao ngất

Gỗ khép lòng sông chật

Sào vút ngang trăng ngà

 

Bè ta xuôi sông La

                    1969

            Vũ Duy Thông

Xuôi dòng sông La - Ảnh: Anh Đức

LỜI BÌNH:

       Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ nhà thơ Vũ Duy Thông là phóng viên Thông tấn xã tại Việt Nam thường trú tại Hà Tĩnh. Bài thơ ‘‘Bè xuôi sông La” được ông viết trong những năm tháng đó và đạt giải Ba cuộc thi thơ của tuần Báo Văn nghệ năm 1969 và được chọn in vào sách giáo khoa. “Bè xuôi sông La” viết theo thể thơ năm chữ gần với nhịp điệu thể loại “hát dặm” của dân ca Nghệ Tĩnh. Vì thế tạo ra nhịp điệu của miền sông nước, của tiếng sóng vỗ, của lòng náo nức và cao hơn hết là sự lạc quân của bài ca lao động ngành lâm nghiệp trong những ngày chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Những ngày mà nhân dân đã dỡ cả nhà mình ra lót đường để cho xe qua vào chiến trường. Vì thế hình ảnh “Bè xuôi sông La” chính là nguồn vật liệu vô tận và quý giá được khai thác trên rừng kết bè xuôi dòng sông mang tên một nốt nhạc để dựng nhà, dựng cửa. Lạ thay khúc ca thơ trữ tình này không có tiếng gầm của bom đạn quân thù mà chỉ thấy phơi phới dạt dào của những bè gỗ muôn sắc màu, muôn chủng loại, muôn hình khối nối nhau kết lại tạo ra âm hưởng của bài ca lao động.

       Mở đầu bài thơ là hình ảnh các loại gỗ quý: “Muồng đen và trai đất - Lát chum rồi lát hoa”. Trong khung cảnh ngỡ như hiền hòa, ngỡ như không có chiến tranh: “Bè đi chiều thầm thì - Gỗ lượn đàn thong thả - Như bầy trâu lim dim - Đằm mình trong êm ả” “thầm thì”, “lim dim”, “thong thả”, “êm ả” đó chính là sự điềm tỉnh chủ động của “Bè xuôi sông La” với một khung cảnh rất thơ mộng của con sông La: “sông La ơi sông La - Trong veo như ánh mắt”. Cái tài của thi sĩ Vũ Duy Thông là ông đã tạo ra cảm giác thơ với những nét tả thực mà nghe cả âm vang rạo rực lòng người chính là nhịp điệu quấn quýt kết lại một tường thành vững chãi của niềm tin giữa bộn bề sông nước. Ông không nói sóng mà ta nghe được cả tiếng sóng lòng da diết. Thơ thời kỳ chống Mỹ có một nét chung là đưa được hơi thở đời sống nóng hổi vào thơ với những chi tiết rất thực và cảm động. Thì đây, ngòi bút tài hoa của Vũ Duy Thông đã đưa được cả cảm nhận các giác quan thật tinh tế để đặc tả cái sắc màu, cái hương vị của các loài gỗ thật gợi cảm và lung linh biết bao: “Gỗ tía như mật đông - Gỗ vàng như sắc lụa - Gỗ phau phau men sữa - Gỗ lên vân mượt mà”. Từ đó khái quát: “Xẻ ra thành bền chắc - Dựng lên thành nguy nga”. Cái chất lạc quan tươi tắn và rất lãng mạn là một trong những yếu tố tạo nên cái nền phong thái, cái chất thơ bay bổng vượt lên hiện thực hướng về tương lai. Đó cũng chính là lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp vượt lên những tháng ngày ác liệt bom đạn ấy. Từ cái tư thế thật bình thản: “Ta nằm nghe, nằm nghe - Giữa bốn bề ngây ngất - Mùi vôi xây rất say - Mùi lán cưa ngọt mát - Trong đạn bom đổ nát - Bừng tươi nụ ngói hồng”. Đến: “Nghe sức ta, lòng ta - Chở Trường Sơn cao ngất” tạo ra âm hưởng điệp khúc cứ ngân vọng, cứ vang xa, cứ tiếp nối, bè xuôi sông La giống như một đoàn quân đang rập bước vào chiến trường. Một sự song hành, một khát khao ước vọng, một đắm say hy vọng, một tưng bừng mở ra dù qua bao gềnh thác vẫn băng ra biển lớn với một sức mạnh diệu kỳ. Và đây, nhịp điệu câu thơ như một lời thề rắn rỏi như một thử thách sẻ chia: “Có nghe gỗ vặn mình - Đổ ầm lưng vách đá - Có nghe Ngàn Trươi thét - Thác lao vào ngang mặt - Vì thế “Bè xuôi sông La” mang chất giao hưởng, cộng hưởng có điệu thứ, điệu trưởng có bè trầm, bè bổng. Nhưng âm hưởng chính vẫn là khúc hát lạc quân với một niềm tin chiến thắng. Sông La không còn là địa danh của một địa phương mà rộng ra là con sông đất nước. Bè xuôi sông La chính là mạch nguồn tuôn chảy băng băng về phía trước bởi hai bải bờ là xóm làng thôn mạc đã đắp bồi phù sa - phù sa của tình người, phù sa của tháng năm và cao hơn hết là phù sa của truyền thống   nhân nghĩa. Chính điều đó đã tạo ra cho nhà thơ một cảm hứng nhân hóa: “Bè đi trong sao sa - Gỗ gối nhau nằm thở”. Bài thơ khép lại với hình ảnh rất đẹp đầy âm ắp: “Gỗ khép lòng sông chật - Sào vít ngang trăng ngà” nhưng lại mở ra bao bất ngờ từ: “Bè ta xuôi sông La…”

N.N.P

. . . . .
Loading the player...