08-03-2022 - 04:24

Thơ chọn lời bình: Đàn bà

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Đàn bà” của tác giả Phạm Thu Yến qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

ĐÀN BÀ

 

Ngày nào tôi cũng đi chợ

Mặc cả mớ rau, đồng quà

Thiên chức của người nội trợ

Khôn ngoan cũng thể đàn bà

 

Chưa kịp vui vì mua rẻ

Lại thấy lòng vương nỗi buồn

Người bán hàng rong gầy yếu

Một ngày kiếm được bao lăm

 

Áo chị vá vài mảnh nhỏ

Tinh mơ dạo khắp phố phường

Chép miệng: Thôi đành hoà vốn

Tối về kẻo trẻ nó mong

 

Hạnh phúc khó co khó kéo

Người này được, người khác không

Tôi trả tiền thêm cho chị

Ngẩn ngơ chị tưởng tôi lầm

 

Cứ thế, ngày nào cũng thế

Tôi mặc cả, tôi tần ngần

Trái tim đàn bà trĩu nặng

Những điều nhỏ nhặt quẩn quanh.

                                          Phạm Thu Yến

Chờ má đi chợ. Ảnh: Internet

 

LỜI BÌNH:

 

Ca dao Việt Nam đã nói rất hay: “Đàn ông nông nổi giếng khơi - Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Tính nhẹ dạ, cả tin yêu bằng tai là một trong những điểm yếu nhưng rất đáng yêu của phụ nữ. Chính những phẩm chất đó đã dựng lên hình ảnh người đàn bà rất đời, rất người. Phạm Thu Yến là một người trong cuộc vì thế chị dựng chân dung “Đàn bà” chính là dựng chân dung mình bằng những phát hiện tinh tế, những tâm trạng, những cung bậc tình cảm qua những lần đi chợ là công việc thường ngày của phụ nữ thật sống động. Mở đầu bài thơ là những lời lẽ tự bạch thật thà có phần mộc mạc “Ngày nào tôi cũng đi chợ” - Đi chợ đó là thiên chức của người nội trợ để “Mặc cả mớ rau, đồng quà”. Không có gì to tát, chỉ là mớ rau quen thuộc của chợ quê, nhưng cũng tự hào ngầm với mình là được “mặc cả” được khen “Khôn ngoan cũng thể đàn bà”. Nếu chỉ vô tâm vậy chẳng có gì để bàn. Nhưng ở người phụ nữ này có một “Trái tim đàn bà trĩu nặng”. Phải là trái tim của một người đã sống, từng trải nghiệm cuộc đời, từng đắng đót, đã từng cam chịu nếm trải nhiều mất được mới nhận ra cái thảng thốt: “Chưa kịp vui vì mua rẻ - Lại thấy lòng vương nỗi buồn”. Chị buồn cho thân phận của người bán hàng rong gầy yếu. “Trái tim trĩu nặng” đó đã đi qua những rạo rực yêu thương phơi phới của thời đang yêu, thời thiếu nữ để trở lại với thiên chức làm vợ, làm mẹ như thế mới có thể nhận ra những điều thật đơn giản nhưng sâu sắc biết chừng nào: “Hạnh phúc khó co, khó kéo - Người này được, người khác không”. Phạm Thu Yến qua những nét chấm phá đã vẽ lên chân dung người phụ nữ bán hàng rong thật gợi, thật cảm, thật đời thường như ta bắt gặp hàng ngày: “Áo chị vá vài mảnh nhỏ - Tinh mơ dạo khắp phố phường”. Thế mà cũng có lúc: “Chép miệng: Thôi đành hoà vốn” thật thanh thản không trách cứ ai, không oán giận đời. Một phẩm chất cao đẹp toả sáng ở người phụ nữ có số phận không may mắn này khi được: “Tôi trả tiền thêm cho chị - Ngẩn ngơ chị tưởng tôi lầm”. Cả hai người, người bán và người mua đều có những cử chỉ đáng quý. Chỉ hai câu thơ giản dị ấy thôi nhưng đã tạc lên những phẩm hạnh đáng trân trọng của người đàn bà thật nhân hậu và độ lượng vị tha, chân chất đến chân quê. Lại nữa, nét tính cách sáng nắng, chiều mưa của người đàn bà: “Tôi mặc cả, tôi tần ngần” rất thật, rất đời. Nhưng bao trùm lên hết vẫn là một tấm lòng trĩu nặng với “Những điều nhỏ nhặt quẩn quanh”. Nhỏ nhặt nhưng không nhỏ mọn, quẩn quanh nhưng luôn khát vọng lan rộng được đồng cảm, được yêu, được sẻ chia, được nhận về mình những điều thua thiệt để dành hạnh phúc cho người khác đó chính là những nốt trầm sâu lắng sau cái vẻ tất bật hàng ngày của người phụ nữ - đặc biệt là người phụ nữ Á Đông.

N.N.P

. . . . .
  00:00           
00:00
 
00:00