28-06-2023 - 08:04

Thơ chọn lời bình: Dặn bà

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Dặn bà” của nhà thơ Lê Phương Liên qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

DẶN BÀ

 

Chào bà con đi học ạ

ở nhà bà nhớ phải ngoan

ipad con để trên bàn

bà đừng xem nhiều, hại mắt

 

Ở nhà bà đừng bày đặt

các bạn đồ chơi ngoan rồi

xếp thành hàng ngồi thẳng lối

họa mi vàng hót véo von

 

Bà nhớ trông nhà giúp con

ra vào phải luôn đóng cửa

khát thì bà nhớ uống sữa

trời mưa bà cất áo quần

 

Bốn giờ bà bước nhanh chân

qua trường đón con về nhé

nếu bà ngoan không khóc nhè

Thưởng bà ngồi đu quay nhé!

                          Lê Phương Liên

Bà và cháu. Tranh minh họa internet

Lời bình :

       Ngày 28/06 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp các gia đình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa hướng tới sự phát triển bền vững gia đình trong thời đại hiện nay. Trong đó tình cảm yêu thương giữa các thế hệ là chất keo dính kết là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp gia phong, gia tộc. Thật bất ngờ tôi được đọc bài thơ thiếu nhi “Dặn bà” của nhà thơ Lê Phương Liên có một tứ thơ khá độc đáo như một cách “nói ngược” với truyền thống xưa nay là bà “dặn cháu” thì ở đây là cháu “dặn bà”. Thường thơ viết cho thiếu nhi có hai cách: viết cho các em và viết về các em. Đây là bài thơ viết về các em, về một ứng xử thật tự nhiên nhuần nhị thường ngày đối xử hồn nhiên trong sáng hơi có vẻ “bà cụ non” nhưng thật xúc động làm lay thức cả tâm hồn người lớn như quan niệm của thi sĩ Lê Phương Liên: “Viết cho các em sao cho hay mà người lớn đọc cũng thấy hay”.

       Bài thơ tuần tự như một câu chuyện kể gợi cho ta không khí không gian sống của những gia đình có mấy thế hệ ở chung “tứ đại đồng đường” vốn là truyền thống lâu đời của người dân Việt nhất là vùng nông thôn. Nhà thơ Lê Phương Liên đã lên tuổi bà ở với con cháu vì thế mà chị đã hóa thân thật ngoan trước lời dặn của cháu để rồi với nhịp điệu thơ 6 chữ chậm rãi cân đối như một lời tự sự tự tình, như một giao cảm giao đãi ngân rung trong lòng mình với bao chia sẻ tâm tình không một lời bình luận chỉ chắm chú dõi theo lắng nghe. Trước hết là đứa cháu của bà rất ngoan rất lễ phép và chắc đã học được phép ứng xử cẩn thận của mẹ thường dặn dò con ngoan mà thốt lên dặn bà thật ngộ nghĩnh đáng yêu: “Chào bà con đi học ạ - ở nhà bà nhớ phải ngoan”. Trong mắt cháu, bà thật gần gũi như một người bạn thân thiết hiền lành và cũng hiếu động : “ipad con để trên bàn - bà đừng xem nhiều, hại mắt”. Trong xu thế hiện nay các em thường say mê với các đồ chơi điện tử đã ảnh hướng đến mối quan hệ lỏng lẻo của mọi người thân trong gia đình thì ở đây lời dặn của cháu cũng chính là sự nhận thức của cháu chắc hẵn sẽ làm vui lòng bà. Và khi con trẻ chú ý đến đôi mắt người già là một sự quan tâm thật tinh tế và cảm động. Ở đây ta thấy tư duy của cháu có vẻ “già” thì bất ngờ khổ thơ tiếp tạo ra sự hiếu động rất trẻ con của cháu: “Ở nhà bà đừng bày đặt - các bạn đồ chơi ngoan rồi - xếp thành hàng ngồi thẳng lối - họa mi vàng hót véo von”. Tôi cứ hình dung ra trong căn phòng của hai bà cháu có bao thứ đồ chơi được xắp đặt gọn gàng chắc cháu học được sự ngăn nắp của người lớn. Và trước lúc đi học cháu còn ngoái lại dặn dò “bà nhớ trông nhà”,đóng cửa” nhưng lại thật bất ngờ khi cháu dặn: “Khát thì bà nhớ uống sữa”. Chao ôi, tấm lòng con trẻ với nếp giáo dục gia phong truyền thống của gia đình Việt Nam ngàn đời đã cho em phép ứng xử như một phản xạ tự nhiên khi tuổi nhỏ của em được người lớn chăm sóc cho “uống sữa” nuôi lớn thể xác và cả nguồn sữa tình cảm nuôi lớn tâm hồn.

       Cứ tưởng sự vận động cảm xúc cứ tuần tự tiếp biến của tứ thơ thì lợi dặn sau cùng tạo ra một bước ngoặt mà người lớn không thể đoán trước được. Thì ra cả ba khổ thơ trên ra cứ tưởng cháu đã lớn đã “khôn ngoan” thì: “Bốn giờ bà bước nhanh chân - qua trường đón con về nhé” đã trả lại cho em tất cả tính cách hồn nhiên, trẻ thơ trong trẻo và đầy nũng nịu âu yếm. Đây như là mộ cử chỉ thật thân thương đáng yêu biết mấy. Trong cuộc sống với trẻ em, thì lời động viên hứa hẹn của người lớn như là một động lực một sự chăm sóc chu đáo ân cần rất quan trọng rất thiết thực thì ở đây lời dặn, lời hứa hẹn sau cùng của đứa cháu: “Nếu bà ngoan không khóc nhè - Thưởng bà ngồi đu quay nhé!”. Trả lại chất ngộ nghĩnh hồn nhiên của tuổi thơ lại có sức lay động biết bao sự hiểu thảo, ân cần trong mạch nguồn của tình cảm gia đình Việt. “Dặn bà” cũng chính là lời bà mong ước ở cháu…

Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 06 năm 2023

N.N.P

. . . . .
Loading the player...