12-04-2020 - 13:40

Thơ chọn lời bình: Hồn làng bóng cỏ

Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh năm 1948 ở Nghệ An, thuộc dòng dõi họ Mạc, hậu duệ đời thứ 29 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông là tác giả của một số tập sách như: Hạnh phúc hôm nay (ký sự, in chung), Bầu trời Quảng Trị (truyện ký, in chung), Dư âm (truyện ngắn, in chung), Đường chân trời (tập thơ, in chung), Dấu vết ngày tháng (thơ), Trầm tích (Trường ca, được dịch sang tiếng Anh), Quà tặng của hành tinh (thơ). Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ " Bóng cỏ" của ông qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

BÓNG CỎ

Anh sẽ về quê kiểng
Nằm xoài trên cỏ non
Mặt không cần úp nón
Nhấm ngọn mưa đầu nguồn

Ngày trong trong mắt buồn
Nắng trổ ngồng hoa cải
Màu dưa vàng đáy vại
Giấu mặt trời qua đêm

Hăng hăng đám cỏ mềm
Bãi   chiều sông mướt sóng
Nắng cuối ngày chín mọng
Rụng xuống đồng trống trơn

Vạt mưa chừng xanh hơn
Khi chạm vào bóng cỏ
Xa nhà đến cả gió
Cũng lần hồi lang thang    

Anh sẽ về xóm nhỏ
Nơi cỏ xanh bóng làng

              Hoàng Trần Cương

 


LỜI BÌNH THƠ


       Nhà thơ tài hoa Hoàng Trần Cương khá thành công ở mảng thơ anh viết về quê hương: vùng quê nghèo của mảnh đất miền Trung nhiều nắng và nhiều gió – gió Lào cát bỏng. Thơ anh cũng nhiều nắng và nhiều gió – những ngọn gió ngang tàng mở ra nhiều liên tưởng phóng khoáng trong các trường ca, còn nắng thì lại nén chặt cô  đọng, bức xạ trong những tứ thơ ngắn mà vẫn ngân vang tươi rói. Thế mạnh trong thơ Hoàng Trần Cương là trường liên tưởng nhiều lớp, nhiều tầng, bất ngờ và chọn lọc. Chính những chi tiết của đời sống được anh nhìn nhận qua lăng kính của cảm giác vì thế nó gợi mở và tung tẩy, nhiều lúc thảng thốt đầy trực cảm. Mạch thơ ngỡ như dâng lên ồ ạt nhưng được nén lại bất ngờ lung linh kiểu như: “Màu dưa vàng đáy vại – Giấu mặt trời qua đêm”. 

Bóng cỏ ( Tranh: Nguyễn Thị Xuân Hoa)

        Thơ Hoàng Trần Cương thường ám ảnh ở những hiện tượng đời sống tưởng như là phi lý tạo ra hiệu quả thẩm mĩ bùng nổ dây chuyền từ sự đối nghịch của hai cực bởi thỏi nam châm tình cảm hút hồn ta và neo giữ ta lại. Anh có khả năng phân thân, hồn nhiên mà nhiều ngẫm ngợi khát khao đồng cảm, chia sẻ kiểu như : “Nằm xoài trên cỏ non – Mặt không cần úp nón – Nhấm ngọn mưa đầu nguồn”. Nhấm mưa hay nhấm cỏ đều có lý cả. Mạch thơ đi thật tự nhiên bộc trực, chân chất quê kiểng như người xứ Nghệ không rào đón đòi hỏi. Cứ tưởng anh kể lể giãi bày nhưng đột ngột từ cái chất mộc mạc thô ráp ấy vụt lên ánh sáng ảo, lấp lánh của: “Nắng trổ ngồng hoa cải” đến “Nắng cuối ngày chớm mọng”. Nắng chiều hay tâm hồn chín dậy rạo rực, mây mẩy tràn đầy sức sống từ: “Bãi chiều sông mướt sóng”. Ngôn ngữ cỏ luôn ám ảnh anh đến nỗi nhìn sóng của dòng sông cũng liên tưởng đến sự mượt mà của cỏ. Hai câu thơ hay cứ bâng khuâng day dứt mãi trong tôi: “Xa nhà đến cả gió – Cũng lần hồi lang thang”. Con người và thiên nhiên cùng hòa quyện vào nhau tìm được tiếng nói chung đồng điệu không cần giải mã. Tôi có cảm giác thơ Hoàng Trần Cương như một tiếng chuông gõ vào thinh không để lại những vòng sóng âm thanh lan tỏa. Những vòng sóng ấy gợn lên cả những nếp gấp chứ không phẳng lì bợt bạt. Để có được hai câu thơ xuất thần trên  ông đã có sự chuẩn bị cho: “Vạt mưa chừng xanh hơn – Khi chạm vào bóng cỏ”.  Nhà thơ không nói đến áo mà ta nghĩ đến áo: áo cỏ, áo làng, áo nâu của mẹ bắt đầu từ “Vạt mưa”. Thổn thức, đó là một  phẩm chất đáng quý của thơ. Sức bám của nó như phù sa dính bệt vào kí ức chứ không hời hợt khoe mẽ bằng những bộ áo cánh sặc sỡ của ngôn từ. Trở lại với “Bóng cỏ” ta thấy anh hoàn toàn có lý khi nhận ra: “Cỏ xanh bóng làng”. Bóng cỏ chính là hồn làng, nơi lưu giữ và trưng bày bao ký ức của làng, là tờ giấy thấm phiên bản của làng trong đó có bóng dáng cuộc đời thi sĩ Hoàng Trần Cương. 

Nguyễn Ngọc Phú

 

. . . . .
Loading the player...