22-12-2017 - 10:45

Thơ chọn - lời bình: Một vị tướng về hưu

Văn học viết về chiến tranh và đề tài người lính khá phong phú có nhiều thành tựu, thành công. Bài thơ  "Một vị tướng về hưu" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có nét riêng biệt. Nét độc đáo là ông viết về vị tướng đã nghỉ hưu, cuộc đời đã đi qua bao chiến trận, nhưng lạ thay dấu vết chiến trường, chiến tranh ít thấy. Mà ở đó là lời tự sự, tâm sự, chứa chan bao tình cảm xúc động, ở một con người tự tại, tự biết. Nhà thơ trong một lần trò chuyện ông nói rằng: Nguyên mẫu vị tướng trong bài thơ là Nguyễn Chuông – Nguyên Tư lệnh sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu. Tạp chí Hồng Lĩnh giới thiệu bài thơ "Một vị tướng về hưu" qua phần bình thơ của tác giả Người bình thơ

MỘT VỊ TƯỚNG VỀ HƯU


Thôi, đã dứt đường binh nghiệp
Tuổi hưu rồi bác ở quê
Chạnh nhớ bạn bè thuở trước
Cùng đi có đứa không về

Người vợ tuổi già như bác
Miếng trầu  nhai dập  chiều mưa
Hồi son trẻ xa nhau mãi
Giờ thương biết mấy cho vừa

Huân chương xếp vào góc  tủ
Nay  hàm tướng tá mà chi
Tuổi già công danh xem nhẹ
Cuộc đời như nước trôi đi

Thuở trước bạn cùng súng đạn
Nay khuây  hàng xóm bạn  già
Bao dốc bao rừng đã vượt
Lối mòn quanh quẩn vào ra

Ngày đi khuất bóng mẹ cha
Ngày về sửa sang mộ cũ
Âm thầm một tấc đất sâu
Hương khói tỏ mờ màu cỏ

Ngôi nhà nắng mưa vẫn đó
Đàn con mỗi đứa một nơi
Nếu không có trẻ hàng xóm
Tuổi già hẳn nhiều đơn côi

Những đêm gió thổi buốt trời
Vết thương cũ còn đau nhức
Ôi sư đoàn xưa giờ đâu
Người  cũ, ai còn, ai mất?

Về hưu giờ thôi quyền chức
Ai người nhớ bác lại chơi
Ai kẻ xa lòng, tránh mặt
Niềm riêng một mảnh trăng trời…

                                       Nguyễn Đức Mậu
 

Ảnh tư liệu Internet

 

Lời bình:

Văn học viết về chiến tranh và đề tài người lính khá phong phú có nhiều thành tựu, thành công. Bài thơ "Một vị tướng về hưu" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có nét riêng biệt. Nét độc đáo là ông viết về vị tướng đã nghỉ hưu, cuộc đời đã đi qua bao chiến trận, nhưng lạ thay dấu vết chiến trường, chiến tranh ít thấy. Mà ở đó là lời tự sự, tâm sự, chứa chan bao tình cảm xúc động, ở một con người tự tại, tự biết. Nhà thơ trong một lần trò chuyện ông nói rằng: Nguyên mẫu vị tướng trong bài thơ là Nguyễn Chuông – Nguyên Tư lệnh sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu. Cái sư đoàn mà ông đã viết "trường ca sư đoàn" nổi tiếng với những câu thơ ám ảnh, ấn tượng : "Đồng đội tôi nếu về đông đủ - Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn" . Tướng Nguyễn Chuông khi nghỉ  hưu đã lập một bàn thờ, thờ những người lính đồng đội của ông đã hi sinh ở ngay trong ngôi nhà mình…
Bài thơ được viết ở giọng kể với thể thơ sáu chữ, vì thế tải được bao tâm trạng giải bày, bao cung bậc đan xen, bởi chính ở nhịp điệu cân đối, chậm rãi, trầm tĩnh. Ngay câu mở đầu bài thơ : "Thôi đã dứt đường binh nghiệp", cái chữ "Thôi" Như một động tác nhẹ nhõm, lịch lãm với bao trải nghiệm sống. Nhưng thôi, mà không thể dứt ra được bởi những ám ảnh của cuộc chiến đã qua. Hình ảnh của đồng đội đan xen với cuộc sống đời thường với bao lo toan tuổi tác, bao kí ức triền miên ám ảnh. Đó là hình ảnh người vợ bao nhiêu năm xa cách chờ chồng, giờ mới được sống trọn vẹn bên nhau khi mà : "Người vợ tuổi già như bác – Miếng trầu nhai dập đường mưa". Miếng trầu ấm áp tin cậy, đã khơi dậy bao nỗi niềm, để bù đắp bao nhớ thương  "Giờ thương biết mấy cho vừa" với  bao đong đếm đầy vơi. Khi ông tự tại : "Huân chương xếp vào góc tủ - Mang hàm tướng tá mà chi – Tuổi già công danh xem nhẹ… " đã hiện lên hình ảnh vị tướng già thật thanh thản, thật nhẹ nhõm với bao công danh nhưng lại trĩu nặng bao kỉ niệm bạn bè, đồng chí. Tự quên mình đi nhưng không bao giờ quên người khác đó chính là vẻ đẹp tâm nguyện sâu sắc. Đó chính là lúc vị tướng trở lại công việc thường ngày của một người công dân bình thường "Nay khuây hàng xóm bạn già với  Ngày về sửa sang mộ cũ " đến "Ngôi nhà nắng mưa vẫn đó – Đàn con mỗi đứa một nơi ". Chính cái giọng kể tâm tình với bao chia sẻ này đã tạo ra dư âm nốt lặng trầm lắng, nhưng không có chút gì bi lụy, bi quan mà luôn ánh lên niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người, tin yêu ở chính mình, làm chủ mình. Chỉ một chi tiết thôi : "Nếu không có trẻ hàng xóm – Tuổi già hẳn nhiều đơn côi" đã tạo ra bao xao xuyến, ấp  iu sum vầy. Câu thơ của Nguyễn Đức Mậu luôn nhòe mờ với những ước lượng như : "Cho vừa …", "Nay khuây… ", "Hẳn nhiều… ". Đó chính là những ngập ngừng, độ lượng dung dị chỉ có ở những phẩm hạnh đáng quý…
Vị tướng – người lính thương binh còn mang trong mình nhiều vết thương nhức buốt :  "Những  đêm gió thổi buốt trời – vết thương cũ còn đau nhức"  vẫn không nguôi nhớ về sư đoàn, nhớ về đồng đội.  "Ôi sư đoàn xưa ở đâu - Người cũ ai còn ai mất ", tôi bỗng hình dung ông đang thắp những nén hương trên bàn thờ đồng đội và gọi tên từng người trong khi cơn sốt rét rừng đang ăn mòn từng hồng cầu của ông. Chỉnh ở cái thời điểm buốt tê nhiều hững hụt mất mát đó, mà ông vẫn điềm đạm rạch ròi nhận ra những phải trái, đen trắng có thật với   bản lĩnh ung dung :  "Về hưu giờ thôi quyền chức- Ai  người nhớ bác lại thăm – Ai kẻ xa lòng tránh mặt… ". Giọng thơ chuyển đổi như sự phán xét của nhà thơ lại càng tôn vinh hình ảnh vị tướng đã nghĩ hưu. Nhưng chẳng thể nào "Hưu" được trước bao thế thái nhân tình mà vẫn ánh lên bao hi vọng : "Niềm riêng một mảnh trăng trời ". Phải chăng đó là ánh trăng Trường Sơn   năm nào, của một con người – một vị tướng qua bao trận mạc, vẫn vằng vặc sáng trong…


            Người bình thơ

. . . . .
Loading the player...