29-12-2021 - 13:31

Thơ chọn lời bình: Tờ lịch cuối năm

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Tờ lịch cuối năm” của Nhà thơ Ngô Minh qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

          Tờ lịch cuối năm

 

       Gió bay tờ lịch cuối năm

Rơi về một phiến tro than rơi về

       Mỏng như hơi rượu thảng nghe

Mỏng như xa khuất người đi vô tình

       Tay cầm tờ lịch nhẹ tênh

Ngày mang quá nửa đời mình đấy ư

       Phất phơ hai phía gió lùa

Ngày mai chưa tới, ngày xưa còn gì?

       Mình ngồi nghe tuổi mình đi

Thờ ơ như chẳng có gì với nhau?

                                                           Ngô Minh

Ảnh nguồn: Internet

LỜI BÌNH:

       Cuối năm con người thường lặng lẽ đối diện với mình, tự tổng kết một chặng thời gian đã qua được khuôn lịch lại trong một năm. Lịch - đó là thời gian văn hóa, thời gian được tính chính xác và tuần tự qua những con số. “Tờ lịch cuối năm” như khép lại một vòng tuần hoàn để mở ra một trang mới. Nhà thơ Ngô Minh đã chọn thời điểm này, khoảnh khắc giao hòa của tâm trạng này để có một tứ thơ nhiều ngẫm ngợi và chiêm nghiệm. Nhà thơ Hữu Thỉnh rất có lý khi cho rằng: “Thơ - chính là kinh nghiệm sống”. Ở đây Ngô Minh thật tự tại và chủ động khi “Mình ngồi nghe tuổi mình đi”. Nghe được tuổi mình qua phập phồng của tờ lịch mỏng, qua những biến đổi bất ngờ của thiên nhiên của cây xanh lộc mới, qua sự chuyển dịch tuổi tác tâm sinh - lý - Một sự tự biết để điều chỉnh cân bằng tâm thế nó bao hàm cả một triết lý nhân sinh của phương Đông. Anh ví tờ lịch như một phiến tro than đã cháy hết mình, đã sống hết mình để thanh thản hòa vào cõi vô vi của vũ trụ. Tứ thơ gợi, lời thơ hoạt, và tình thơ đằm để đẩy cái chuyến tàu tốc hành thời gian này bay lên thật nhẹ nhõm: “Mỏng như hơi rượu thảng nghe”. Nghe được tuổi mình, nghe được cả hơi rượu cả men đời ngây ngất tạo ra một hưng phấn giao cảm với đất trời, với con người và tạo hóa. Nhưng sự hưng phấn này lại ngoặt sang cái mạch ngẫm ngợi thâm trầm chứ không quá đà bay bổng bởi cuộc sống đời thường nhiều lo âu và biến động “Tay cầm tờ lịch nhẹ tênh/ Ngày mang quá nửa đời mình đấy ư

       Tôi tin rằng khi tác giả viết bài thơ này anh đã bước qua tuổi bốn mươi - Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam. Một ngày khép lại cả nửa đời người: “Phất phơ hai phía gió lùa/ Ngày mai chưa tới ngày xưa còn gì?”. Có thể nói “Tờ lịch cuối năm” là một trong những tứ thơ hay viết về thời gian, sự chuyển dịch tuần hoàn của vũ trụ. Ở đây ta không thấy những triết lý kinh nghiệm mà đầy ắp non tơ rạo rực hơi sống của cuộc đời. Phải thật yêu cuộc sống, phải thật bản lĩnh đồng cảm nhà thơ mới khép lại tứ thơ bằng một ứng xử: “Mình ngồi nghe tuổi mình đi/ Thờ ơ như chẳng có gì với nhau”. Nặng trĩu yêu thương lắm mà cứ thản nhiên như không; âu đó cùng là một triết lý sống Lão Trang. Nói “thờ ơ” chỉ là một cách nói ngược bởi quá đầy ắp sự giao cảm chia sẻ mới dám tự mình “thờ ơ” như thế. “Thờ ơ như chẳng có gì với nhau” là một cách chia tay tuổi tác, với quá khứ, quên cả thời gian để hướng tới một tương lai mới - Một trang lịch mới mở ra một trang đời mới. Đó cũng là sự chuyển dịch rất biện chứng của tâm hồn.

N.N.P

. . . . .
Loading the player...