19-05-2017 - 21:31

Thơ chọn - Lời bình: "Trăng lên"

Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017). Tạp chí Hồng Lĩnh số 129 giới thiệu bài thơ "Trăng lên" của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh qua lời bình của Người bình thơ.

TRĂNG LÊN

 

 

Trăng lên kìa trăng lên

Quảng trường dâng  biển sáng

Ôi vầng trăng Ba Đình

Mênh mông và thiêng liêng

 

Con thấy cõi vô biên

Không như lòng đã nghĩ

Khi gặp nét thần tiên

Trong khuôn vàng dung dị

 

Trong Lăng Bác chợp nghĩ

Như sau mỗi việc làm

Trăng ơi trăng biết thế

Trăng bước nhẹ nhàng chăng

 

Như đầy thuyền trăng ngân

Rằm xưa sông Đáy hát

Bác luận bàn việc quân

Dưới trăng rừng Việt Bắc

 

Gió hàng tre dào dạt

Quanh Lăng như đẩy thuyền

Con được mang hình Bác

Vượt sóng thời gian lên

 

Con đứng gác bên thềm 

Con được là thuỷ thủ

Thả mái chèo êm êm

Trong mơ màng vũ trụ

 

Ôi vầng trăng xứ sở

Trong thơ Bác muôn đời

Xin được cùng gìn giữ

Hạnh phúc này thơ ơi

 

Cho sông núi đất trời

Biên cương và hải đảo

Thắng giặc, chúng con mời

Bóng trăng lồng sắc áo

 

Là người con hiếu thảo

Được gác với đêm rằm 

Mời vầng trăng yêu dấu

Bước lên thềm vào Lăng...

 

                                Phạm Ngọc Cảnh

 


Lời bình:
 

 

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người  tìm tòi đổi mới thi pháp. Nhưng với “Trăng lên” viết về Bác Hồ kính yêu ông lại chọn một cách viết dung dị. Với nhịp thơ 5 chữ truyền thống, giàu nhạc điệu, ngôn ngữ thơ trong sáng với nhiều liên tưởng... Nhất là khi nhạc sĩ Thuận Yến phổ thành ca khúc “Vầng trăng Ba Đình” thì giai điệu đã chắp cánh cho thi ca bay lên. Thơ và nhạc đã hòa quyện vào nhau chân tình, da diết ngân vang.


Lăng Bác Hồ - Ba Đình - Hà Nội

Từ lâu hình ảnh vầng trăng đã đi vào thi ca Việt Nam với một vẻ đẹp giao cảm, đồng cảm giữa con người và thiên nhiên, giữa thi nhân và cuộc sống. Bác Hồ cũng là một nhà thơ và trong thơ Bác nhiều lần  xuất hiện ánh trăng như một người bạn tâm tình: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” hay “Trăng nhòm qua cửa ngắm nhà thơ”. Ở đây “Trăng lên” khá đặc biệt trong một khung cảnh không gian địa lý thật thiêng liêng: “Trăng lên, kìa trăng lên - Quảng trường dâng  biển sáng - Ôi vầng trăng Ba Đình - Mênh mông và thiêng liêng”. Nhịp thơ chậm rãi như nhịp bước suy tư của nhà thơ khi bắt gặp hình ảnh trăng lên ở Quảng trường Lăng Bác:“Khi gặp nét thần tiên - Trong khuôn vàng dung dị”. Khuôn vàng đây cũng có thể là “khuôn trăng”, cũng có thể là khuôn vàng linh cữu Bác. Cả hai đều là biểu tượng của một vẻ đẹp lãng mạn nhưng không cao siêu mà hết sức gần gũi nồng ấm. Đó chính là vẻ đẹp lý tưởng hài hòa có sức lan tỏa, cộng hưởng. Câu thơ:“Trong lăng Bác chợp nghĩ - như sau mỗi việc làm” đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp ngày thường giản dị của Bác. Chữ “chợp” là một khoảnh khắc hiếm có, vì một đời Bác luôn nghĩ về dân về nước. Và mặc dù Bác đã vào cõi trường sinh nhưng mãi là bất tử. Người vẫn sống bên cạnh chúng ta hàng ngày. “Chợp” là một động thái tự chủ, tự tin.
Từ ánh trăng Ba Đình ta về với hình ảnh sông Đáy:“Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”như trong bài thơ “Nguyên tiêu” Bác đã viết. Với một tâm hồn thi nhân, lão thực, ung dung cốt cách như một tiên ông lại là lãnh tụ tối cao linh hồn của cuộc kháng chiến. Hình ảnh Lăng Bác như một con thuyền trong sóng tre dào dạt mà người lính gác là thủy thủ thả mái chèo êm đưa ta về với một không gian Việt, hồn quê Việt, tâm thức Việt và cao hết là tính cách Việt. Bác Hồ là người hội tụ tất thảy những nét đẹp cội nguồn từ ca  dao cổ tích đến phong thái hiện đại ứng xử rất linh hoạt trong đời sống hằng ngày, đến văn hóa ngoại giao với bạn bè quốc tế.“Trăng lên” chính là phút giây bừng sáng, hội ngộ. Hàng tre - Lăng Bác - Con thuyền - Vầng trăng... tất cả đã quyện hòa vào nhau trong một gam màu sáng tinh khôi, tinh khiết, không chỉ còn là ánh trăng của thiên nhiên mà còn là ánh trăng của tình người của vẻ đẹp lý tưởng:“Cho sông núi đất trời - Biên cương và hải đảo - Thắng giặc chúng con mời - Bóng trăng lồng sắc áo”. Ở đây nhà thơ không nói“chúng cháu” mà là “chúng con”. Tình cảm tự nhiên được nhân lên, đẩy lên ấm áp như trong một đại gia đình sum vầy gần gũi giữa cha và con, giữa người lính và lãnh tụ. Một hội tụ bao tình cảm thiêng liêng, một niềm tin yêu tỏa sáng từ trăng Ba Đình đến trăng biên cương, hải đảo cùng chung một lãnh thổ, bờ cõi. Và ánh trăng chính là tình cảm của Bác “muôn vàn tình thương yêu, trùm lên khắp quê hương” như nhà thơ Việt Phương đã viết.
“Trăng lên” như một lời tâm tình tự sự vượt qua thời gian, không gian, qua mọi ước lệ nghi thức. Đó chính là tiếng lòng của nhà thơ của những người lính cảnh vệ, của những người dân Việt Nam dâng lên Bác. Câu thơ kết lại nhưng cũng bắt đầu để tỏa rạng mênh mông:“Mời vầng trăng yêu dấu - Bước lên thềm vào Lăng”...

 

                                                                                      Người bình thơ

. . . . .
Loading the player...