Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2023). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Chơi cờ cùng ông lão vui tính ở thành phố Điện Biên” của nhà thơ Vương Trọng qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
CHƠI CỜ CÙNG ÔNG LÃO VUI TÍNH Ở THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN
Vào pháo đầu, ông hát "Hò dô ta"
Giục tốt biên, bảo là đánh lấn
Chiếu con xe, gật đầu: Bộc phá tấn
Thua ván cờ, bảo Đờ Cát giơ tay...
Quán của ông vui vẻ suốt ngày
Người mua ít, người chơi cờ đông đúc
Khuyến mại ghế ngồi, khuyến mại nước
Lại rất kêu cái điếu thuốc lào.
Ông nhận mình nhiều thấp, ít cao
Mấy mươi năm vẫn mức cờ đại đội
Say chơi cờ lắm khi quên người hỏi
Khách tới mua lại hoá khách chầu rìa!
Người chê ông buôn bán thế kia
Ông bảo sống thế này là tốt
Một cánh tay gửi lại đồi A Một
Còn "một tay gây dựng cơ đồ".
Lão đi trước à? Thì "Hò dô ta"
Thì xem này, pháo xe mình nườm nượp...
Chuyện chiến trận hơn năm mươi năm trước
Lại hiện lên trong mỗi ván cờ!
Vương Trọng
Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries, ngày 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu)
Lời bình:
Đại tá nhà thơ Vương Trọng vốn là một người lính. Ông là người ham mê chơi cờ tướng và tính cách hàng ngày hóm hỉnh, dí dỏm. Chính các tố chất này đã giúp ông viết khá thành công bài thơ về Điện Biên Phủ với một tứ thơ độc đáo, sinh động mà cảm động.
Bài thơ có cái tên khá dài “Chơi cờ cùng ông lão vui tính ở thành phố Điện Biên” như một câu chuyện có lớp lang, có tình huống. Đó là người lính thương binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, giờ trở về với cuộc sống đời thường thật giản dị bán một quán hàng có bày bàn cờ tướng cho khách. Chính các thế cờ, nước cờ hồi hộp bất ngờ trên bàn cờ giúp ông liên tưởng và nhớ lại những tháng ngày lịch sử oai hùng đó khi cuộc chiến đã lùi xa nhưng trong kí ức của người lính vẫn vẹn nguyên không khí những ngày đào hào, đánh lấn ở mặt trận Điện Biên Phủ. Cái hay của tứ thơ là nhà thơ dùng lối viết tự sự, tâm sự với bao sẻ chia ân tình dựng lại hình ảnh người lính Điện Biên với thần thái an nhiên mà sống động lạ thường. Bắt đầu là một cuộc cờ nhưng tất cả đều như dựng lại một sa bàn trận đánh năm xưa, với xe, với pháo "Vào pháo đầu, ông hát "Hò dô ta" - Giục tốt biên, bảo là đánh lấn - Chiếu con xe, gật đầu: Bộc phá tấn". Những thuật ngữ quân sự thật tự nhiên cứ thế dẫn dắt đến: "Thua ván cờ, bảo Đờ Cát giơ tay". Một quán bình dân mộc mạc đơn sơ nhưng ấm áp tình người ở nơi chiến địa năm xưa dù đã cách đây 69 năm nhưng vẫn còn đó cánh rừng đại tướng ở Mường Phăng, hố bộc phá đồi A1 còn đó bao chiến tích lịch sử. Nhà thơ không đưa những chi tiết này vào thơ mà chỉ kể câu chuyện về cái quán "vui vẻ suốt ngày" và "Khuyến mại ghế ngồi, khuyến mại nước". Một tình cảm chân chất đôn hậu thân thiết là cái phông, cái nền cho nhân vật chính là ông lão chủ quán thương binh: "Một cánh tay gửi lại đồi A1 - Còn "một tay gây dựng "cơ đồ"; là tính cách hồn hậu thân thiết: "Ông nhận mình nhiều thấp, ít cao - Mấy mươi năm vẫn mức cờ đại đội". Chỉ một định lượng mức cờ "đại đội" thể hiện rõ phẩm chất của người lính về với cuộc sống đời thường vẫn mang tư thế tác phong và cả niềm tự hào một thời là anh "Bộ đội cụ Hồ"; vẫn say sưa thú vui cờ tướng đến nỗi: "Say chơi cờ lắm khi quên người hỏi". Thật ra ông đang chơi những nước cờ cho cuộc sống đời thường của mình với sự thanh thản, cao cả bình dị: "Người chê ông buôn bán thế kia - Ông bảo sống thế này là tốt". Người thương binh đó tàn mà không phế vẫn mang trong mình tất cả tinh thần truyền thống người lính Điện Biên năm xưa khi sống lại với: "Thì xem này, pháo xe mình nườm nượp...". Một mặt trận Điện Biên thu nhỏ lại cận cảnh trong một bàn cờ tướng, một thế hệ chiến sĩ Điện Biên được tô đậm dấu ấn là hình ảnh người lính thương binh chủ quán mê chơi cờ tướng. Nhà thơ Vương Trọng đã dựng dậy không chỉ là không khí một thời chiến trận mà còn lan tỏa niềm tin yêu với vẻ đẹp đời thường của người lính Điện Biên một thời và mãi mãi…
Hà Tĩnh, ngày 2 tháng 05 năm 2023
N.N.P