27-07-2019 - 07:08

Thơ chọn và lời bình: Em dâng cô một vòng hoa

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Văn nghệ Hà Tĩnh giới thiệu bài thơ "Em dâng cô một vòng hoa" của Nhà thơ Trần Đăng Khoa qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

EM DÂNG CÔ MỘT VÒNG HOA

Kính tặng anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi

 

Trưa nay em đến thăm cô

Nắng chiêm chín rực đôi bờ phi lao

Sắc hoa dâm bụt quanh ao

Tiếng chim vườn mẹ cũng vào thăm  cô (1)

Tiếng gì dưới cỏ non tơ

Xôn xao trong đất, nắng trưa bồn chồn

Vươn cao nòng pháo đầu thôn

Mồ cô nắng đắp vàng hơn mọi miền

   Cô ơi!

           Sông nước gọi tên

Nắng mưa phục kích, trăng lên đánh đồn

Thương cô sóng cuộn quanh cồn (2)

Nhát dao giặc giết…em còn thấy đau!

Em nghe mẹ kể đêm sâu

Hoe hoe đôi mắt, mái đầu phơ phơ

Thương cô bông lúa thêm mùa

Quả na bớt hạt, buồng dừa trĩu cây

Đồng em thêm tiếng máy cày

Mũ rơm đến lớp ngày ngày em chăm

Trăng suông sáng cả đêm rằm

Nhịp cầu vá vội ầm ầm xe qua

 

Em dâng cô một vòng hoa

Thoảng nghe tiếng súng trời xa vọng về…

                                                          1968

                                                      Trần Đăng Khoa

Uống nước nhớ nguồn - Ảnh: Hạnh Vinh

 

LỜI BÌNH:

         Đền ơn đáp nghĩa là một việc làm truyền thống của dân tộc Việt Nam ta đối với những người đã hi sinh xương máu và cả cuộc đời mình cho tổ quốc. Bài thơ “Em dâng cô một vòng hoa” được nhà thơ Trần Đăng Khoa viết ra khi ông vừa lên mười tuổi sau một lần đi thăm mộ anh hùng liệt sỹ Mạc Thị Bưởi.

         Chị Mạc Thị Bưởi quê ở Nam Tân Nam Sách tỉnh Hải Dương là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một chiến sỹ du kích không may bị giặc Pháp bắt vẫnmột lòng kiên trung với Đảng , với tổ quốc không chịu đầu hàng và bị chúng giết hại giã man năm 1951 lúc chị vừa tròn 24 tuổi. Bài thơ thấm đẫm chất người lớn trong một cậu bé lên mười.

         Bẳng nhãn quan của người làm thơ từng trải, bé Khoa ngày ấy quan sát kĩ lưỡng từng cảnh vật chung quanh ngôi mộ người anh hùng liệt sỹ không bỏ qua dù một chi tiết nhỏ nào để thốt lên thành lời: -“Trưa nay em đến thăm cô/ Nắng chiêm chín rực đôi bờ phi lao/ sắc hoa dâm bụt quanh ao/ Tiếng chim vườn mẹ cũng vào thăm cô…”Một sự trân trọng đối với hương hồn người đã khuất, sự suy nghĩ sâu sắc thấu đáo trong tâm tưởng của cậu bé trong cách chọn ngôn ngữ để em gửi nỗi lòng mình vào đó cho mùa chiêm thường hiếm nắng  cũng “chín rực” trên đôi bờ phi lao, để cho hoa dâm bụt quen thuộc ở làng quê rực rỡ khoe màu, cho tiếng chim trong vườn mẹ cũng theo về ca vang quanh ngôi mộ. Những suy nghĩ sâu sắc, những chiêm nghiệm sống lại thảng thốt run lên khi em đứng trước mộ người anh hùng liệt sỹ :-“Tiếng gì dưới cỏ non tơ/ Xôn xao trong đất, nắng trưa bồn chồn/ Vươn cao nòng pháo đầu thôn/ Mồ cô nắng đắp vàng hơn mọi miền.” Những cảm nhận bằng con mắt ngây thơ của đứa trẻ lên mười vượt lên bằng sự liên tưởng sâu sắc qua sự thanh lọc của tâm trạng. Đứng trước mộ chị Mạc Thị Bưởi, em kính cẩn đặt vòng hoa lên mộ. Trong giây phút thiêng liêng chung quanh em không gian tĩnh lặng đến vô cùng, trong sự tĩnh lặng đến vô cùng đóem như linh cảm và cảm nhận được những âm thanh phát ra từ dưới lớp cỏ non tơ, cảm nhận được ánh nắng trên ngôi mộ để đất cũng “xôn xao”, nắng cũng “bồn chồn,” và sắc nắng cũng “vàng hơn” những nơi khác.Và ở thể hiện tại để bảo vệ bầu trời trước sự đánh phá của máy bay Mỹ các cô du kích, các chú bộ đội bên khẩu đội pháo phòng không luôn vươn cao nòng đề cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Một cảm nhận tinh tế đầy tính nhân văn vượt lên trên lứa tuổi.

         Cậu bé Trần Đăng Khoa ngày đó mới lên mười lòng ngập tràn trong cảm xúc. Những liên tưởng nối tiếp nhau ùa về và khi nghe câu chuyện mẹ kể về chị Mạc Thị Bưởi. Xúc động và rung cảm trào dâng trong em để em bồi hồi thốt lên:-“Cô ơi! Sông nước gọi tên/ Nắng mưa phục kích, trăng lên đánh đồn/ Thương cô sóng quyện quanh cồn/ Nhát giao giặc giết…em còn thấy đau.”Những kĩ niệm về từng trận đánh, từng nhát dao giặc chém lên người chị Bưởi lại lần lượt hiên về rõ nét.

Những chiêm nghiệm vượt trội ẩn chứa trong tâm hồn của nhà thơ nhí khi nói về việc đền ơn đáp nghĩa ngày ấy lại hoàn toàn đúng cho đến tận ngày nay. Đền ơn đáp nghĩa không chỉ đơn thuần đến thăm viếng ở nghĩa trang, không chỉ “hoe hoe đôi mắt”mà theo em phải bằng việc làm cụ thể. Với người lớn đang canh tác nông nghiệp như bố mẹ em ở quêphải tăng “thêm mùa”vụ trên một đơn vị diện tích, chăm sóc và nhân giống cây trồng tốt hơn để quả na “bớt hạt”, “buồng dừa trĩu cây,” cải thiện điều kiện canh tác bằng “máy cày’’chứ không phải “con trâu đi trước cái cày theo sau”để  mùa vụ có thu hoạch vượt trội. Có như vậy mới thật sự thương cô, thương người đã hi sinh thân mình cho tổ quốc.Những ý tưởng và ước muốn của em ngày đó bây giờ đã trở thành hiện thực:-“Thương cô bông lúa thêm mùa/ Quả na bớt hạt,buồng dừa trĩu cây/ Đồng em thêm tiếng máy cày/ …Nhịp cầu vá vội ầm ầm xe qua.”” Đối với trẻ em thời đánh Mỹ thì việc làm thiết thực nhất để tránh mảnh bom mảnh đạn cho các em vừa  yên lòng cha mẹ là;_ “Mũ rơm đến lớp ngày ngày em chăm”đó cũng là một chuyện  có thật  của các em học sinh thời đó.Có như vậy thì sự đền ơn đáp nghĩa mới thực sự có ý nghĩa.

         Bài thơ Em dâng cô một vòng hoa là bài thơ hay có tư duy thơ vượt xa lứa tuổi.Với cảm quan tốt và những gì đã lắng sâu trong kí ức, mới lên mười cậu bé Khoa đã nói lên được những điều mang tầm ý nghĩa  rộng lớn của thời đại về việc đền ơn đáp nghĩa. Theo tôi nghĩ qua bài thơ trên ta nhận thấy những chiêm nghiệm và khả năng trực giác, sự kết tinh của ngôn ngữ đã làm nên một “thần đồng” thơ Trần Đăng Khoa giữa thế kỉ trước sáng ngời lên cho tới tận ngày nay.

N.V.T

________________

(1)- Vườn nhà cô Bưởi nơi giặc tra tấn cô trước khi giết
(2)- Cồn ở sông Kinh Thầy nơi cô Bưởi đi lại hoạt động

 

. . . . .
Loading the player...