Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Hình ảnh người “Mẹ” luôn được các loại hình văn học nghệ thuật khai thác và chuyển tải đến người nghe, người đọc, đặc biệt là lĩnh vực thi ca. Các nhà thơ lớn như cố nhà thơ Huy Cận có “Mẹ ơi đời mẹ”, nhà thơ Nguyễn Duy có “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” Nhà thơ Dương Kì Anh có “Đêm qua mơ thấy mẹ về”… Và ở lứa tuổi học trò của các cháu hiện nay: Em Trần Long lớp 10 Văn Phổ thông Trung học năng khiếu Hà Tĩnh (nay công tác tại Đài PTTH tỉnh) cũng viết tiếp thành công mạch thơ đó vào những năm 1992, 1993 của thế kỉ trước. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ "Mẹ" qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.
MẸ (1)
Biết chiều mai con về thứ bảy
Gánh rau xanh mẹ hái nhiều hơn
Chợ huyện cách xa, ngày đông tê tái
Bước chân gầy vẫn bấm chặt đường trơn
Nghĩ tới con mẹ sải bước dài hơn
Lòng ấm lại giữa chiều giá buốt
Gánh rau nặng thấm tình người, nhẹ bớt
Giọt mồ hôi nhỏ suốt quãng đường dài
Giọt mồ hôi hòa lẫn giọt mưa rơi
Trong lạnh lẽo ấm nồng tình mẹ
Những cọng rau trên dáng đời ngả xế
Gửi màu xanh theo nhịp chân gầy
Mai con về dù lạnh gió heo may
Nhưng đã có giọt mồ hôi mặn ấy
Nhưng đã có những ngày đông tê tái
In dáng người-trĩu nặng gánh rau xanh
Trần Long (Lớp 10 Văn PTTH Năng khiếu Hà Tĩnh - Giải Nhì cuộc thi Viết Vẽ tuổi học trò lần thứ Nhất)
Tình mẫu tử - Ảnh: Bùi Đình Hải
LỜI BÌNH:
Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Hình ảnh người “Mẹ” luôn được các loại hình văn học nghệ thuật khai thác và chuyển tải đến người nghe, người đọc, đặc biệt là lĩnh vực thi ca. Các nhà thơ lớn như cố nhà thơ Huy Cận có “Mẹ ơi đời mẹ”, nhà thơ Nguyễn Duy có “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” Nhà thơ Dương Kì Anh có “Đêm qua mơ thấy mẹ về”… Và ở lứa tuổi học trò của các cháu hiện nay: Em Trần Long lớp 10 Văn Phổ thông Trung học năng khiếu Hà Tĩnh cũng viết tiếp thành công mạch thơ đó vào những năm 1992, 1993 của thế kỉ trước. Bài thơ viết về Mẹ của em được tặng thưởng giải Nhì cuộc thi Văn Thơ tuổi học trò lần thứ Nhất. Bài thơ gồm bốn khổ thơ tám chữ với sư cân nhắc, lựa chọn kỹ càng từng chữ, từng câu để chuyển tải vào đó những day dứt, thương yêu, với tình cảm đằm thắm thiết tha khi nghĩ về mẹ. Một người mẹ tảo tần hai sương một nắng với gánh rau xanh nặng trĩu trên vai kiếm tiền lo cho con ăn học ở trường xa.
Khổ thơ đầu tiên mở ra một không gian của suy tưởng, một khoảng lặng của tâm hồn buổi cuối chiều thứ bảy. “Biết chiều mai con về thứ bảy/ Gánh rau xanh mẹ hái nhiều hơn.” Gánh rau xanh được hái nhiều hơn đó thể hiện tình thương yêu, trách nhiệm của đấng sinh thành đối với đứa con luôn nặng trĩu trong lòng người mẹ. Nỗi lo cơm áo đè nặng lên vai mẹ mỗi chiều thứ bảy. Hạnh phúc được gặp con sau một tuần xa cách gắn liền với trách nhiệm của người mẹ, người trực tiếp lo cơm áo gạo tiền cho con trong những tuần kế tiếp đã vượt lên tất cả. Khúc trữ tình độc thoại sâu thẳm trong tâm thức người con bỗng cất lên xót xa khi nghĩ về mẹ mình những lần gánh rau đi chợ bán, trong giá rét ngày đông, chân bấm lần từng bước trên con đường quê lầy lội; “Chợ huyện cách xa, ngày đông tê tái/ Bước chân gầy vẫn bám chặt đường trơn”. Những con đường nông thôn trơn trượt, lầy lội ngày chưa xây dựng “Nông thôn mới” cách nay mười bảy mười tám năm về trước.
Tất cả nỗi vất vả cực nhọc đó cũng vì con. Vì con, người mẹ đã vượt qua sự khắc nghiệt cũa cuộc sống trong cuộc mưu sinh. Trần Long đã kết nối những suy tưởng của mình với nhiều chiều liên tưởng khi nói về mẹ. “Nghỉ tới con mẹ sải bước dài hơn/ Lòng ấm lại giữa chiều giá buốt/ Gánh rau nặng thấm tình người nhẹ bớt/ Giọt mồ hôi nhỏ suốt quãng đường dài”. Em đã xây dựng nên hình ảnh thật đẹp của tình mẫu tử nâng nó lên một tầm vóc mới làm cho hình ảnh người mẹ luôn sáng ngời lên trong tâm trí chúng ta.
Và trong nỗi xót xa, thương cảm dồn nén đó, em Trần Long đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của ngôn ngữ để gửi gắm tâm trạng mình vào đó. Em nhớ tới: “Những cọng rau trên dáng đời ngã xế/ Gửi màu xanh theo nhịp chân gầy”. Nỗi lo toan cực nhọc của người mẹ gầy yếu, tuổi cao luôn dằn vặt buốt nhói trong trái tim con bà.
Những cụm từ “vẫn bám chặt” ở khổ thơ thứ nhất hay “dáng đời ngã xế”, “gửi màu xanh”. ở khổ thơ thứ ba, Trần Long đã vận dụng vốn ngôn ngữ chuyển tải vào đó những nút “nhấn” để tạo nên bước đột phá trong thơ. Em đã xây dựng thành công hình tượng người mẹ thể hiện sự quyết tâm vượt lên khó khăn vất vả của hiện tại để lo cho tương lai tươi sáng của con mình mai sau. Một sự hi sinh thầm lặng không bút mực nào tả hết. Đứa con của bà đặt hết lòng tin vào người mẹ của mình để có quyền mơ đến một ngày mai tươi sáng tràn đầy hạnh phúc. “Mai con về dù giá lạnh heo may/ Nhưng đã có giọt mồ hôi mặn ấy/ Nhưng đã có những ngày đông tê tái/…In giáng người nặng trĩu gánh rau xanh.”
Bài thơ “Mẹ” của em Trần Long mặc dầu còn nhiều hạn chế trong sủ dụng tìm tòi và sáng tạo ngôn ngữ thơ, nhưng mặt khác em đã thành công khi lập tứ. Và xoay quanh tứ thơ gánh rau của mẹ để nói lên nỗi lòng của em khi nghỉ về mẹ mình qua những ngôn từ gần gũi, bình dị của cuộc sống. Và điều đặc biệt là em đã chuyển tải đến người đọc tấm lòng của đứa con luôn nhớ về công ơn của người mẹ trong những năm tháng ăn học xa nhà. Một người mẹ luôn lựa chọn đặt gánh nặng của gia đình, của con cái lên đôi vai gầy yếu của mình. Hình tượng người mẹ thân quen gần gũi và sống hết lòng vì con trong thơ của em Trần Long sống mãi trong đời sống thường nhật của mỗi chúng ta.
N.V.T
____________________
(1) Trong tập thơ văn tuổi học trò “Hai sắc mặt trời”