“Cái hay độc đáo của bài thơ là ông không tả mà chỉ kể - kể một hơi. Và hiệu ứng tâm lý được biểu hiện nâng cao dần cấp độ được phản ứng từ các trạng thái, tính chất của các cặp nước - lửa; nóng - lạnh; đói - khát; cái chết và sự hồi sinh”. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ “Người đẹp” của Nhà thơ Lò Ngân Sủn qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.
NGƯỜI ĐẸP
(Ai viết tên em bằng ánh sáng
Ai vẽ hình em bằng ánh trăng – Dân ca Dáy)
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói - Nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết - gặp người đẹp lại không muốn chết nữa.
Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người
Lò Ngân Sủn
Thiếu nữ - Ảnh: Ánh Dương
LỜI BÌNH:
Những năm gần đây các cuộc thi hoa hậu thường được tổ chức với một ban giám khảo khá nghiêm cẩn. Trong đó có cả chuyên gia nhân trắc học khi đo các vòng số thật chi li để chọn người đẹp. Nhà thơ Lò Ngân Sủn cũng là một giám khảo khi ông chọn một mẫu số chung của người đẹp bằng cách riêng của mình - cách chiêm ngưỡng của thơ.
Vị giám khảo thi sĩ thật vui tính, hóm hỉnh với cách tư duy thần phác, trực cảm của người miền núi. Như là một kiểu nói mệnh đề, vừa nhìn bằng mắt, vừa sờ bằng tay, vừa bộc lộ trực tiếp cảm xúc của con tim, thật hồn nhiên, ngạc nhiên trước những bất ngờ mới mẻ, những cảm thấu mới mẻ nối tiếp nhau có đặc tả, có khái quát. Rõ ràng đây là một bức tranh sống động của một con người thật, một biểu tượng cái đẹp vĩnh hằng của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà ông thi sĩ người Dáy này lại đưa hai câu dân ca của dân tộc mình như là một quan niệm gắn bó con người với thiên nhiên, con người hòa trong thiên nhiên. Và thiên nhiên là cái phong, cái nền để tôn vinh người đẹp - một vẻ đẹp thuần khiết trong trẻo, lấp lánh của ánh trăng, ánh sáng,…
Cái hay độc đáo của bài thơ là ông không tả mà chỉ kể - kể một hơi. Và hiệu ứng tâm lý được biểu hiện nâng cao dần cấp độ được phản ứng từ các trạng thái, tính chất của các cặp nước - lửa; nóng - lạnh; đói - khát; cái chết và sự hồi sinh. Chính cái sự nghịch lý: “Người đẹp trông như tuyết - Chạm vào lại thấy nóng - Người đẹp trông như lửa - Sờ vào lại thấy mát” theo kiểu tung hứng này đã gây được ấn tượng không những bằng thị giác, bằng xúc giác mà bằng cả cảm giác., tạo ra cái độ chênh chao, nghiêng ngã, bối rối trước một sắc đẹp không cụ thể mà cứ lan tỏa từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. “Người đẹp trông như tuyết” thì rõ ràng “Nhất dáng nhì da” như ông cha đã đúc kết - Một vẻ đẹp tổng thể, hình thể. Nhưng “người đẹp trông như lửa” thì tôi tin rằng ngọn lửa này là trong lòng thi sĩ. Vẻ đẹp không còn lạnh lùng vô cảm nữa mà sinh động hẳn lên, ấm áp hẳn lên và giao cảm hẳn lên. Cái ấm nóng nồng nàn tỏa ra từ thân nhiệt người đẹp đã “bốc lửa lòng” cho người chiêm ngưỡng. Từ một phản ứng tình cảm tự nhiên từ “chạm” e dè đến “sờ” đã xóa đi cái mặc cảm thiếu tự tin, nhưng vẫn giữ được cái ranh giới của giới tính để rồi tự vấn: “Không khát - cũng khát”, “không đói - cũng đói” bằng bản năng thật thà của con người. Đói và khát mới chỉ là cấp độ thường trực hằng ngày, nhưng khi nâng lên “muốn chết - không muốn chết nữa” thì rõ ràng “cái đẹp đã cứu rỗi thế giới” như văn hào Đốt đã từng nói
Bài thơ ngắn chỉ vỏn vẹn mười câu. Bảy câu thơ đầu Lò Ngân Sủn dùng để trào lộng, phiếm chỉ. Còn lại ba câu cuối là tiếng reo ngạc nhiên, hồn nhiên và khá nghiêm trang như một khúc ngoặt đường rừng đang bí ẩn, rậm rịt bỗng mở ra cả một ánh sáng của vẻ đẹp cánh đồng hoa tam giác mạch ở xứ Hà Giang: “Ơ! - Người đẹp l là ước mơ – Treo trước mắt mọi người”. Lấy cái đẹp vĩnh hằng làm cảm xúc thức dậy trong tâm hồn mình về phía ánh sáng của cõi thiện, mỹ rất nhân văn: người đẹp không của riêng ai mà là một ước mơ - Uớc mơ ngàn đời mà ta bao giờ cũng khát khao vươn tới. Thơ hay chính là nâng cánh lãng mạn của tâm hồn như vậy.
Nguyễn Ngọc Phú