01-05-2020 - 20:34

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Bé đi tàu

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ Bé đi tàu của nhà văn Phan Trung Hiếu qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.         

 BÉ ĐI TÀU

 

Con tàu vặn mình khùng khục

Ai nấy đều bảo tàu đi

Nhà cửa, hàng cây trôi ngược

Nào hay bé đang nghĩ gì?

 

Trong khoang chẳng ai bắt nhịp

Mọi người cùng ngã cùng nghiêng

Ngoài kia gió gầm như bão

Mà sao mây, nắng bình yên?

 

Hổn hển trườn qua đồng, bãi

Băng sông, vượt suối, trèo đèo

Tàu kêu “Mệt thật! Mệt thật!”

Dừng ga, hớn hở còi reo

 

Trên tàu ai cũng gà gật

Bao nhiêu cảnh đẹp thế này

Ơ mà, bé cũng ríu mắt

Tàu ru một giấc say dài....

                        Phan Trung Hiếu

 

LỜI BÌNH

     Khi viết bài thơ này nhà văn Phan Trung Hiếu sẽ gặp  hai việc khó: viết cho bé ở tuổi mẫu giáo với con tàu hỏa (một sản phẩm kỹ thuật khô khan). Thế nhưng với bài thơ “Bé đi tàu” ông đã vượt qua khá ngoạn mục khi đã huy động mọi giác quan, liên tưởng và hồi tưởng kí ức tuổi thơ của mình để tái hiện lại làm sống lại cái miền trong trẻo nhất của đời người mà ai cũng đã trải qua. Bởi thế mà có một thi sĩ đã từng nói thật có lý: “Thơ là kí ức tuổi thơ còn sót lại”...

Đi tàu hỏa (Tranh: Văn Tuấn)

     Bài thơ mở đầu bằng một nhận xét: “Còn tàu vặn mình khùng khục – Ai nấy đều bảo tàu đi” hai chữ “vặn mình” khá hay bởi đã nhân cách hóa nhưng ngộ nghỉnh nhất thú vị nhất lại là hình ảnh: “Khùng khục”. Và cũng chỉ có bé mới nhận ra: “Nhà cửa hàng cây trôi ngược”. Từ “khùng khục” đến “trôi ngược” không chỉ vẽ ra mà còn gợi, không chỉ quan sát mà còn tò mò tìm hiểu bằng trí tưởng tưởng của mình. Ta nhận ra ở đây có hai nhân vật: Một bé con trong một người lớn và một bé con muốn tập làm người lớn khi bất chợt nhận ra: “Trong khoang chẳng ai bắt nhịp - Mọi người cùng ngã cùng nghiêng”. Nhưng dưới con mắt của bé và trong trí tưởng tượng của trẻ thơ hiếu động và ngạc nhiên  thích tìm hiểu mới có nhận xét: “Ngoài kia gió gầm như bão – Mà sao mây, nắng bình yên”. Đặt câu hỏi và tự trả lời chỉ có trẻ thơ mới có phẩm chất này. Gió của thiên nhiên hay gió do tốc độ chạy của con tàu ở đây không cần câu giải thích chỉ biết đó là cảm giác. Cũng như khi: “Tàu kêu Mệt thật! Mệt thật!” không chỉ là nhịp bánh xe lăn trên đường ray mà còn là tiếng reo hồ hởi lắc lư của bé . Hình ảnh bé hiện lên thật hiếu động bắt chước làm theo hay là giao hòa thân thiện với con tàu khổng lồ cũng “hổn hển” với con tàu, cũng “băng sông, vượt  dốc, trèo đèo”.

     Nhà văn Phan Trung Hiếu đã rất đắc địa chọn lọc dùng nhịp thơ sáu chữ ngỡ như cân bằng tương xứng đã tạo ra được độ âm vang đối trọng giữa bé với con tàu, giữa lớn và nhỏ, giữa con người với thiên nhiên rộng lớn. Cái vòng tay hài hòa đã biến khối sắt thép nặng nề đang chuyển động với tốc độ chóng mặt thành cánh võng ru: “Trên tàu ai cũng  gà gật”. Cái kết bất ngờ thật ngộ nghĩnh hồn nhiên và đáng yêu biết bao khi: “Ơ mà, bé cũng ríu mắt – Tàu  ru một giấc say dài” .  Và trong giấc mơ của bé chắc sẽ hiện ra bao cảnh đẹp của non sông đất nước, bồi đắp thêm bao tình cảm nguyên sơ trong trẻo mà ấm áp thân thiện của con tàu chở nặng yêu thương tình yêu đối với con  trẻ . .

Mùa hạ, năm 2020

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

 

 

. . . . .
Loading the player...