29-01-2019 - 14:03

Tiểu vương quốc của tôi ( truyện thiếu nhi của Nguyễn Hoàng Hiệp)

Thực sự đến bây giờ tôi cũng đang khá khó hiểu về những gì đã lóe lên trong trí tưởng tượng thơ ấu. Hồi đó tính tôi cứ thơ thơ thẩn thẩn, thiếu tập trung, học hành chấm chơ qua loa, không đâu đến đâu cả. Lúc trong giờ học Toán, tôi chỉ ước sao mau chóng hết giờ để về kịp cái cung điện của mình, nơi có các thần dân đang ngóng đợi

     Nhà tôi nằm ở rìa ngoài thị trấn. Trước nhà có con đường hẹp khuất vào đồng ruộng, men bám theo dòng mương nhỏ. Năm tôi ba bốn tuổi gì đó, họ lấp mương đi, những con quái thú có chân to tròn ruỳnh ruỳnh lăn lu nuốt chửng nhựa đường. Tôi láng máng nhớ về hình ảnh các cô công nhân đổ đất lấp mương và các chú làm đường tay lăm lăm cái bay dính vữa loang lổ. Từ ấy, khu rìa ngoài thị trấn có vỉa hè, đủ chỗ cho lũ trẻ con chúng tôi nô nghịch mà không sợ xe cộ cứ mỗi lúc một đông hơn.
     Cũng từ ấy, nhiều nhà ven đường xây sửa cho khang trang. Cánh đồng mênh mông sau nhà tôi cũng đang oằn mình sửa soạn chờ dự án xây chung cư mới. Họ lấp ruộng đi, đổ đất và làm ra những đồng cỏ hình ô bàn cờ lọt giữa những con đường rải nhựa. Trong thời gian chờ chủ nhân đến mua đất và xây biệt thự, lũ cỏ hoang thi nhau viết trường ca. Chúng um tùm trèo lên cả từng ụn cát mà nhà thầu còn thừa rồi tập kết ngay sau nhà tôi.
      Lũ chúng tôi gọi trùng trùng những ụn cát ấy là dãy Hi Ma Lay A của tiểu vương quốc chưa kịp đặt tên. Tôi là đứa lớn nhất trong cả bọn, tự xưng vương và yêu cầu những đứa nhỏ con hơn mình phải nghe lời. Năm tôi biết xưng hùm xưng bá như vậy là năm tôi chín tuổi.

Tiểu vương quốc của tôi

        Tôi biết chọn cả nơi đóng đô cho vương quốc của mình. Đó là một ụ đất cao ráo trước cửa một cái nhà hoang, cỏ lởm chởm mọc dưới chân ụ đất. Trên đỉnh bằng phẳng đủ cho mấy đứa trẻ con ngồi xổm. Chúng tôi gọi đấy là núi Phượng Hoàng. Thực sự đến bây giờ tôi cũng đang khá khó hiểu về những gì đã lóe lên trong trí tưởng tượng thơ ấu. Hồi đó tính tôi cứ thơ thơ thẩn thẩn, thiếu tập trung, học hành chấm chơ qua loa, không đâu đến đâu cả. Lúc trong giờ học Toán, tôi chỉ ước sao mau chóng hết giờ để về kịp cái cung điện của mình, nơi có các thần dân đang ngóng đợi.Tất nhiên lúc đó kiến thức lịch sử của tôi không đủ để tôi biết Phượng Bào là trang phục của hoàng hậu. Cái tên núi Phượng Hoàng chỉ nảy ra, khi các bộ phim hoạt hình thường hay xuất hiện vẻ đẹp rạng rỡ của loài chim sang trọng ấy.
        Trước cửa nhà tôi có một cây xoài trồng gần mười năm mới ra vài ba quả xanh xiu xíu. Tôi bảo vì đây là cây xoài trước cổng nhà vua, lại có vị trí ranh giới giữa kinh đô và ngoại ô vương quốc nên là nó cây xoài tiên, trăm năm mới ra quả một lần. Trên thực tế ngay sau đợt đó, cứ đều đều hàng năm, cây xoài trĩu trịt quả. Tôi ngại với bọn thần dân kia quá, bào chữa rằng đó là nhờ đức sáng của nhà vua nên xoài ra nhiều quả. Tôi đã chết mê chết mệt bởi Tây Du Kí và một vài bộ phim kiếm hiệp cổ trang Trung Quốc, những bộ phim kì ảo trăm vạn phép thần thông vẫn được chiếu thường ngày khắp các kênh sóng truyền hình. 
           Thi thoảng cả bọn ngao du thám hiểm vùng đất mới và đụng độ với các vương quốc láng giềng. Đồng cỏ ô bàn cờ phía nam vương quốc suốt ngày ò ọ tiếng nghé của vương quốc du mục. Bọn trẻ con chăn trâu đã gây không ít khó dễ cho chúng tôi. Những con nghé lấc cấc cặp sừng cùn, hất hàm thách thức. Mà không hiểu vì lí do gì, cả lũ chúng tôi sớm có “tự tôn” ghê gớm, luôn coi vương quốc của mình là đại quốc trung tâm, là cái rốn văn minh của cả khu vực. Cũng phải, vì so với vương quốc du mục, chúng tôi đông nhà cửa xe cộ hơn (gần đường cái của thị trấn hơn); so với Tây vương quốc thì lại rộng về diện tích lẫn áp đảo về số dân, đồng thời luôn có nhiều sinh hoạt chung giữa quốc vương và thần dân hơn. Cái tư tưởng đó làm chúng tôi lắm lần sứt đầu mẻ trán và bị phụ huynh cấm phạt, không cho ra ngoài chơi nữa. Những thằng con trai lì lợm giương lên cái trán bướng cùng vết xước to tướng ở đầu gối, sểnh ra là chùm chìa khóa đào tẩu đã gọn gàng trong lòng bàn tay.
          Cuối cùng thì cuộc chinh phạt của chúng tôi thành công phần nào. Dãy Hi Ma Lay A sát sườn với ranh giới vương quốc du mục đã lọt thỏm trong bản đồ của chúng tôi. Hồi đó chúng tôi bắt đầu tập đi xe đạp. Xe đạp trở thành những chú lạc đà để chúng tôi tiếp tục khai mở cánh đồng cỏ rậm rạp bên kia ụn cát trùng trùng mang tên Hi Ma Lay A. Các vị tướng của nước du mục đã không còn vắt vẻo trên lưng bò hay chăn dắt bầy nghé như hồi hè nữa vì bận đi học. Mùa đông kéo tới hoang hoải cả mênh mông ruộng cỏ. Trên những con lạc đà không biết rét, lũ chúng tôi thong thả đi lòng vòng lòng vòng và vẽ được cả hình thù các ô bàn cờ trong dự án xây chung cư sắp sửa. Điều thú vị nhất là sau mấy cuộc ẩu đả, các vị mã tướng kia đã bỏ ngỏ cái ruộng cỏ, bỏ ngỏ luôn cái đầm ngập nước cùng bãi cát rộng.
          Cả bọn bì bõm lội qua cái đầm trâu tắm hệt các nhà thám hiểm tài ba và kiên nhẫn. Lội bì bõm để ra tới bãi cát trống chứ dứt khoát không đi từ đường bê tông xuống. Thi thoảng có các đoàn quân xanh đỏ ở đâu kéo tới đá bóng, chúng tôi không e ngại điều này, mở các giải giao hữu rất tình. Mấy gã mã tướng xem chừng đã cắt nhượng hẳn đất đai khi thấy chúng tôi vui vẻ chơi bóng cùng cả các anh lớn hơn, to cao hơn mấy gã gấp bội lần. Các gã không thấy họ hẹ í ới gì, dẫu là một câu.
        Tây vương quốc thì đã thần phục chúng tôi nhanh chóng, sau màn thất thủ khi bảo vệ kinh đô lớn (là trụ sở Chi cục Thuế của huyện tôi bây giờ, được xây khang trang rộng rãi, thỉnh thoảng mở cổng chính, lũ trẻ con thừa cơ lẻn vào chơi trốn tìm ở sân sau, trước khi bác bảo vệ phát hiện và bắt ra ngoài). Nhớ hồi đó họ đang dựng cái lán tre trong địa phận Tây vương quốc rồi lại bỏ hoang nó, mưa dềnh vào khu đất trũng biến cái lán thành kì quan nổi cho lũ trẻ thả lượt lượt thuyền giấy. Vì được thần phục, chúng tôi cứ thế nghiễm nghện bước vào lán, vốn là kinh đô tạm thời của Tây vương quốc sau khi bị thất thủ cái dinh cơ to bự kia. 
         Nhớ lại lần chinh phạt này cũng làm tôi không nhịn được cười. Vài ba thằng trẻ ranh chưa học hành gì về nghệ thuật quân sự mà đã biết bày binh bố trận và chế ra cả vũ khí hóa học lẫn sinh học. Chúng tôi đi lượm được rất nhiều quả của cây hoa xuyến chi mọc dại trong khu đồng cỏ phía nam. Loại quả có gai dính, nhất là cái quả như cầu đen tua túa sắc nhọn, dính vào áo quần thì cứ gọi là xong đời, ngứa ngáy không thôi. Từng trái đạn xanh lẫn đen hí hửng chờ xuất trận, chúng sôi sục trong tay chúng tôi đầy hiếu chiến, len lén những cái nhìn rất thâm hiểm.
         Ấy rồi, phụt phụt phụt, đạn bay vèo vèo dính áo đối phương. Chúng tôi vì đã biết lợi dụng địa vật là đống cát ngay biên giới để làm núi che chắn nên đạn thù không hề hấn gì. Sau một buổi chiều, thấy bên kia ra điều đình chiến, hẹn gặp lại nói chuyện không có vũ trang. Chúng tôi đi về trong ấm ức, rắp tâm hôm sau quay trở lại, chiếm cho bằng được dinh cơ nước bạn, ai bắt chúng nó chọn dinh cơ sát gần biên giới, làm chúng tôi cứ bị kích thích tham vọng bành trướng.
          Tôi giao cho một đứa vẫn được cả hội gọi với cái tên “Người rừng châu Phi” bởi nước da ngăm ngăm, gầy nhẳng và nghịch ngợm một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đại tướng chỉ huy quân đội. Nó sẽ phải nội trong đêm nay, sau khi làm xong đống bài tập, nghĩ ra thứ vũ khí bắt hội Tây vương quốc không ngóc đầu lên để đánh lại được, buộc chỉ có đầu hàng, không dám đình chiến hay có ý “câu giờ” nữa. Hôm sau, trên tay của tôi sóng sánh một thứ nước lỏng lỏng được đựng trong lọ thuốc tra mắt cũ. Nó bảo đây là chai mật gấu đã dùng hết của bà nó, nó đã trộn tro bếp với nhọ nồi rồi hòa vào nước lã, thảo nào lọ nước sóng sánh đen xám bí hiểm. Nó bảo lôi cái này ra dọa, hội Tây vương quốc sẽ sợ chết khiếp, không dám mở mắt ra. Tôi quán triệt thần dân cấm chỉ không được bắn vào mặt, vì vũ khí độc hiểm quá, chỉ dọa nạt hoặc bắn vào người thôi. Rút cục chúng tôi lại gây chiến với láng giềng bằng các màn ném đạn dính bay vèo vèo qua núi cát, chứ chưa dám lôi độc dược ra dùng ngay.
          Lọ thuốc đen xám có hiệu nghiệm khi bên Tây vương quốc đuối sức, rệu rã ý chí chiến đấu. Lôi ra bắn phun vài nhát, đích thân Quốc vương nước bạn đã xin hàng. Quốc vương của Tây vương quốc nhỏ thó, chỉ cao ngang ngực tôi đã chịu gọi tôi là anh, đúng vai đúng tuổi, không dám xấc láo hỗn hào mày tao nữa. Mà nó kể ra cũng khéo, hòa hảo thần phục lũ chúng tôi là cơ hội béo bở cho nước nó tiếp cận đồng cỏ của nước du mục một cách dễ dàng, không mất chút sức lực, không phải gây hấn hay tạo hiềm khích với bên du mục. Tôi đã rất tức giận khi thấy Tây vương quốc bắt chuồn chuồn với lũ du mục mà không dám nói gì. Vì kinh đô mới to rộng của chúng tôi là kinh đô cũ của hội Tây vương quốc, rồi dẫu sao cũng trót lỡ kết nghĩa anh em…
           Dần dà người ta nhòm ngó đến khu đồng cỏ sau nhà tôi nhiều hơn. Rất nhiều người thiếu ý thức đem rác ra vứt trộm ngay sau xóm, gây ra mùi tanh thối rất khó chịu. Ban đêm hay lúc trưa vắng thì không ai lại ra đồng cỏ để mà canh trông những kẻ thiếu ý thức được. Thế là tình trạng bị tiếp diễn cùng bao bức xúc của người dân. Tổ trưởng tiểu khu đã cùng mọi người chặn ngang lối vào chung cư bằng hai ống dừa rất lớn. Rác có vẻ giảm đi và lũ trẻ con lại thừa cơ nghịch ngợm bày trò.
          Lúc đó tôi đang học lớp năm, các bài học lịch sử rèo rèo những phi cơ B52 đã khiến tôi bắt thần dân phải gọi hai cái ống vững chãi kia là cầu Hiền Lương. Cầu Hiền Lương nhưng sông lại là sông… Amazon vì họ lợp rất nhiều lá dứa dại chắn người đi qua, dễ khiến bọn trẻ con nghĩ đấy là rừng rậm Amazon. Những liên tưởng bay bổng và hoàn toàn vô tư trong sáng, không giống cái lúc đi chinh phạt tẹo nào. 

Thi thoảng cả bọn ngao du thám hiểm vùng đất mới và đụng độ với các vương quốc láng giềng ( Tranh: Omario Brunelleschi )


        Chúng tôi đã thường xuyên rủ hội Tây vương quốc ra đi cầu khỉ và đốt lửa trại, xong đung đưa vắt vẻo trên cây cầu, ngắm từng tàn đỏ tí tách bay lên trong đêm tối. Chúng tôi chơi mãi tới muộn, hôm nào cũng bị phụ huynh réo gọi mãi mới về. Rồi sáng hôm sau, cái tàn dư đen xì của lửa trại sẽ khiến bác bảo vệ Chi cục thuế nhăn mặt và tìm gặp đại diện phụ huynh một đứa nào đó trong bọn. Tôi là kẻ đầu trò nhưng vô can vì không trực tiếp đốt lửa, vì bật lửa thì xui chúng nó “mượn” của ông nội, rơm thì xui chúng nó đi gom ở ngoài đồng. Tôi thoái thác hết mọi trách nhiệm, bị cả bọn hờn dỗi cạch xít mấy hôm liền. Mãi hôm sau khi tôi mất công mồm mép dịu xoa, chúng nó mới tạm nguôi ngoai. Sự việc diễn ra lặp lại thêm vài lần thì tôi bị lộ tẩy là kẻ đầu têu, bọn nó không nhịn tôi nữa, mách cả với bác bảo vệ, tôi tưởng đâu đã diễn ra đảo chính và tôi đã bị lôi tuột ra khỏi cái ngai vàng.
        Không. May quá. Tôi vẫn được ngồi ngai vàng. Cái ngai là hòn đá tảng bệ vệ mà không biết ai vô ý đặt ngay trước gần cổng Chi cục Thuế, suốt bao năm thơ ấu là cái ngai vàng của tôi. Đá tảng để tôi ngồi lên uy dũng sau khi nạt nộ được các em nhỏ tuổi hơn mình. Tôi biết bọn nó cũng chẳng sợ gì đâu, chỉ là chúng nó phục tôi cái khoản hay có mẹo luồn lách để thắng trong mấy trò chơi dân gian kiểu thả đỉa ba ba hay nhắm mắt đi tìm…Chỉ biết rằng ngoài tôi ra không đứa nào thích ngồi lên cái hòn đã tảng ấy.
       Sau mưa nắng dầu dãi, hòn đá ngai vàng hôm nào vỡ toanh nứt toác, mòn méo và rúm ró như thương xót một thời. Khu chung cư lợp lợp từng hàng mái tôn mái ngói của biệt thự. Cái đầm trâu đằm giờ thành sân bóng cỏ nhân tạo cùng một quán karaoke xập xình bên này. Các nhà hàng thơm nức lấp tràn tất cả những dấu vết thám hiểm khai mở vương quốc của chúng tôi. Trẻ con bây giờ không chơi game trong nhà thì sẽ xem youtube hoặc tivi. Chúng sẽ không rảnh như chúng tôi sẵn vườn sẵn đất trống để điên rồ cùng những trò tai quái nữa. Các phụ huynh sẽ không bao giờ phải lo con nghịch bẩn nghịch dại, không bao giờ phải sợ con nguy hiểm vì cứ yên trí ngồi nhà xem internet là an toàn nhất trên đời, không lo xây xước, không lo vấp ngã rách quần.
        Để tôi thấy vui mừng vì lũ trẻ con bây giờ đã sạch hơn chúng tôi rất nhiều, sướng hơn chúng tôi rất nhiều với những thay đổi chóng mặt chỉ sau khoảng một thập kỉ, khiến cho nhiều thứ đã khác và cả những lo ngại cũng đã khác...

 

Nguyễn Hoàng Hiệp

. . . . .
Loading the player...