Với mỗi người Việt Nam ta hình ảnh vầng trăng đã gắn bó thân thiết ,gần gũi với đời sống cả trong tâm thức và tâm linh, đặc biệt là trăng rằm mỗi tháng. Một sự tròn đầy vành vạnh sáng ngời tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn. Trăng rằm Trung thu tháng 8 là vầng trăng sáng nhất, đẹp nhất, tròn nhất gắn với tết Trung thu truyền thống còn gọi là tết “ trông trăng” cái tết mà tất cả đều là sự tròn đầy sum vầy …
Bắt đầu là tiếng trống tưng bừng náo nhiệt, mặt trống căng tròn. Tiếng trống hân hoan như niềm vui con trẻ. Tiếng trống như sợi dây âm thanh náo nức liên kết cho chúng ta hình dung đám rước đèn trung thu khắp các ngõ làng thôn xóm. Rồi đèn kéo quân cũng tròn, vách đèn dán giấy mỏng thắp sáng ngọn nến xoay tròn tỏa ra bao hình ảnh thật sinh động của những bức hình theo trí tưởng tượng. Kéo quân hay kéo theo cả bao náo nức đợi chờ, bao hân hoan niềm tin hy vọng. Ở đó đèn không chỉ là một món đồ chơi mà còn chứa đựng cả bao ước vọng tỏa ra hào quang sức mạnh nội lực. Ngay từ thửa nhỏ trò chơi truyền thống đã thắp sáng ngọn đèn trí tuệ và học vấn của những ông tiến sĩ có đủ cân đai áo mũ. Tròn đầy của đêm rằm như quả bưởi mọng nước, trung tâm mâm cỗ trung thu. Những tép bưởi, múi bưởi xúm xít chung lưng vào nhau như một sự tương ái thân tình. Quả bưởi là quà tặng mà vườn quê nào cũng có và hình như thiên nhiên tạo hóa cũng ưu ái chọn lựa dành mùa quả tròn đầy này cho dịp rằm Trung thu. Tròn đầy như tấm bánh nướng, bánh dẻo mà khuôn bánh nở mang phúc hậu ăm ắp như ước nguyện của mùa màng, mùa gặt bởi đó chính là sản phẩm, sản vật trong đời sống hàng ngày của đồng quê. Từ gạo nếp dẻo thơm đến nhân đậu, nhân bánh ngọt bùi. Bánh trung thu không chỉ dành cho con trẻ mà còn dâng tặng cả người già. Cứ nghĩ đến hình ảnh nụ cười món mém của ông, của bà bên đàn cháu thân thương lòng ta đã ngập tràn bao niềm vui khấp khởi rạng ngời như trăng rằm tỏa sáng!
Vui đêm trăng rằm ( Minh họa : Internet)
Trăng từ lâu đã là hình ảnh thân thiết từ cái buổi: “Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”; Trăng là bước đổi thời gian trong khúc hát đồng dao mà cứ đọc lên đã thấy sự vun đầy tròn lại của trăng chính bắt đầu từ tạo hình các nông cụ sản xuất: “Mồng một lưỡi trai – Mồng hai lá lúa – Mồng ba câu liềm …”; Rồi trăng là hình ảnh trong tư duy tưởng tượng ngộ nghĩnh của các em với: “Chú Cuội ngồi ở trong trăng - Để trâu ăn lúa. . .” Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đã ví von: “Trăng tròn như mắt cá - Không bao giờ chớp mi”. Trăng là chị Hằng, trăng là ông Trăng. Trăng luôn đồng hành với ký ức tuổi thơ, trăng chia đều cho tất cả mọi miền là bạn chung muôn thửa. Lòng ta lại bồi hồi nhớ đến câu thơ của Bác Hồ kính yêu dành cho các cháu thật thương mến biết bao: “Trung thu trăng sáng như gương – Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. Trăng là tấm gương trong không chỉ soi mà còn cả chỉ đường ,chỉ hướng …
Đến dịp Trung thu hình như tất cả vạn vật thiên nhiên và con người như muốn nở nang, bừng sáng. Đèn ông sao năm cánh chấp chới cũng như muốn sáng hơn, sáng để tỏa rạng cho đám rước múa lân, múa sư tử uốn theo nhịp trống tưng bừng “tùng rinh…”. Để có niềm vui dào dạt và hứng khởi ấy ngay từ đầu tháng 8, ông đã ra vườn chọn tre để chuốt những nan, những vành để uốn, khéo léo tạo dáng chắp hình thành đầu lân , sư tử. Ông đã gửi gắm vào đó cả bao kí ức của mình với bao hy vọng lưu giữ vẻ đẹp khỏe khoắn truyền cho các cháu cảm hứng sức mạnh tinh thần, sức mạnh kết đoàn sự cộng hưởng. Mới hay đất nước mình , dân tộc mình bắt nguồn từ nòi giống rồng tiên, một sự uyển chuyển nhịp nhàng như điệu múa lân rồng rắn kéo dài nhuộm trong ánh trăng nhân ái theo bước chân trẻ nhỏ thức dậy, tỏa rạng trong lòng mọi người với: Trăng rằm tỏa sáng trung thu, tỏa sáng lòng nhân ái tình người thiết tha…
Hà Tĩnh, ngày 02 tháng 09 năm 2019
Nguyễn Ngọc Phú