13-06-2018 - 15:02

Trở lại Mường Khương...

Tạp chí Hồng Lĩnh số142 giới thiệu bút ký "Trở lại Mường Khương..." của tác giả Nguyễn Thanh Đạm

Gần dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, từ Đà Lạt bay ra Hải Phòng, tôi theo đoàn công tác 35 người của Hội Nhà báo và Đài PTTH tỉnh Hưng Yên lên giao lưu văn nghệ chủ đề “Hát với biên cương” với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long và xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Chuẩn bị cho chuyến đi, các hội viên – nhà báo đóng góp được gần 130 triệu đồng để tặng 75 triệu đồng cho Quỹ học bổng Bùi Nguyên Khiết - Tả Ngài Chồ, tặng quà cho xã và đồn biên phòng Pha Long… Làm báo, làm văn nghệ trên Tây Nguyên xa xôi tôi cũng có nhiều dịp lên thăm Tây Bắc... nhưng hơn 30 năm chưa trở lại Mường Khương. Do vậy khi nghe Nhà báo Nguyễn Công Đán – Chủ tịch Hội Nhà báo Hưng Yên, GĐ Đài PT-TH Hưng Yên ngỏ lời mời tham dự cuộc giao lưu này, tôi cảm nhận quả là dịp hiếm  có... 

ẤN TƯỢNG MIỀN BIÊN VIỄN

Trải 40 năm làm báo, việc tôi đến Đồn biên phòng Pha Long trước đây là một sự kiện vinh dự, ảnh hưởng lớn tới nghiệp cầm bút của mình. Đôi lần gặp đồng nghiệp làm báo tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ (nay được tách thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai) tâm trạng tôi trào lên nỗi niềm xốn xang, bồi hồi khi nhớ một thời ở Mường Khương. Mường Khương là huyện vùng cao biên giới, cách thành phố Lào Cai trên 60 km. Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Mã Quan và Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với chiều dài trên 100 km, có 2 cửa khẩu quốc gia đất liền là Sín Tẻn và Pha Long. Mường Khương là tên gọi tiếng Việt mới có từ thời Pháp thuộc. Từ xa xưa dân địa phương gọi Mưng Khang (tức Mường Gang). Theo truyền thuyết: Ngày xưa, có một thầy địa lý mang theo túi mật ngựa đi chọn đất đai để sinh cơ lập nghiệp… Khi đến Mường Khương ông bỗng nhìn thấy dưới lớp đất là một biển nước mênh mông, có hai cột sắt ở giữa và bốn cột gang phía ngoài chống đỡ 4 góc làm cho mảnh đất này tồn tại vững chắc. Nên mới đặt tên Mưng Khang – vùng đất có gang, có thép. Tiếng địa phương phát âm Mưng Khảng. Mường Khương có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đông nhất là dân tộc H’mông,… 

Thị trấn Mường Khương

… Khoảng 6 giờ sáng 21-4-2018, rời thành phố Hưng Yên hiền hoà mờ sương một thời là thương cảng phồn thịnh trên bến dưới thuyền “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”, theo đường cao tốc lên Hà Nội rồi vi vút trải ngang qua các tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái và chỉ khoảng 11 giờ 30 chúng tôi dừng lại ăn trưa tại ngã ba Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) cách thành phố Lào Cai 7 km. 12 giờ 30, đoàn vào Mường Khương. Quốc lộ 4D thảm nhựa dài gần 60 km đường uốn lượn, lên xuống giữa chập chùng những dãy núi hình răng cưa. Bên vách núi chót vót, bên vực sâu, xe chúng tôi xuyên qua những rừng sa mộc ăn sương uống gió xanh biếc, những đồi dứa (thơm), đồi chè trải ngút ngát 2 giờ chiều đến thị trấn biên viễn Mường Khương. Sau khi ổn định chỗ nghỉ tại Khách sạn Hàm Rồng - cách trung tâm huyện 1,5 km, ở xã Tung Chung Phố có một quần thể 4 hang động, trong đó 2 hang chính nối liên hoàn với nhau dài gần 750m được đặt tên động Hàm Rồng – chúng tôi khởi hành vào xã Tả Ngài Chồ để chuẩn bị cho đêm giao lưu văn nghệ. 
 Duyên nợ của tôi với Mường Khương khởi nguồn là do đầu năm 1985 – tôi, đứa con đồng bằng châu thổ sông Hồng bị mê hoặc bởi những trang văn mở ra bao điều kỳ bí, lãng mạn về Tây Bắc của Tô Hoài (Vợ chồng A Phủ), Ma Văn Kháng (Đồng bạc trắng hoa xoè), Nguyễn Huy Thiệp (Những ngọn gió Hua Tát)… nên cùng nhà báo Lê Huy Nghĩa (nay Tổng biên tập Báo Sơn La), nhà báo Phan Ái (nay giảng viên Khoa Báo chí - Học viện BCTT) đăng ký đi thực tập khoảng 2 tháng tại Báo Hoàng Liên Sơn. Dịp này, tôi được Chi đoàn Báo chí khóa 5 giao nhiệm vụ lên tặng trên 100 cuốn truyện, 300 bì thư và một cây đàn gui-ta cho Chi đoàn Đồn biên phòng Pha Long đứng chân trên biên giới nơi nhà báo Bùi Nguyên Khiết bám chốt viết bài, chụp ảnh và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống bành trướng năm 1979… Chỉ sau mấy ngày trình diện Tòa soạn, tôi bày tỏ nguyện vọng - nhiệm vụ của mình, Ban biên tập nghe xong im lặng, gật đầu rồi lên tiếng: Hay lắm. Nhưng hành trình về Mường Khương – Pha Long không ít khó khăn. Cậu chuẩn bị tinh thần nhé...! Ban biên tập viết thư tay và giấy giới thiệu, tôi rời thị xã Yên Bái lên Lào Cai đến làm việc với Ban Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh. Các đồng chí biên phòng nhiệt tình ủng hộ, lưu tôi một đêm ở Lào Cai và ngày sau ra ngoài trạm, vẫy xe tải cho tôi quá giang tới đồn biên phòng trên lộ trình xe phải ngang qua.

  SỐNG MÃI HÌNH ẢNH NHÀ BÁO - NHÀ VĂN BÙI NGUYÊN KHIẾT

Đến Báo Hoàng Liên Sơn, tôi tìm gặp ngay các đồng nghiệp Trường Tuý, Phạm Ngọc Triển, Hữu Tê… và được các anh tâm sự: Bùi Nguyên Khiết sinh năm 1945, quê xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trước khi trở thành phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn, ông là giáo viên cấp 2 đã nhiều năm dạy học ở các huyện Bắc Hà, Sa Pa và thị xã Lào Cai. Ông từng học Lớp bồi dưỡng viết văn cho các nhà văn trẻ Việt Nam năm 1974. Bùi Nguyên Khiết viết nhiều tác phẩm văn học – báo chí tiêu biểu về mảnh đất và con người Lào Cai. Đó là các tập truyện ngắn: “Đi bên những vì sao”, “Dáng núi”, “Ngôi sao xanh màu lá mạ” (in chung với nhà văn Ma Văn Kháng), “Tiếng chim đổi mùa” (in cùng nhiều tác giả); các truyện ký, bút ký đăng các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam... Ngày 17-2-1979 tại một cao điểm ở vùng biên giới xã Tả Ngài Chồ, nhà báo cùng bộ đội địa phương và dân quân chiến đấu ngoan cường chống quân xâm lược, góp phần bảo vệ biên giới Tổ quốc. Sau khi hy sinh, Nhà báo - liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết được công nhận hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
  Tôi nhớ dịp đó, các đồn biên phòng của tỉnh đều nằm trên địa bàn “trắng” dân giáp ranh biên giới, đường sá xuống cấp lắm “ổ trâu, ổ voi” bởi cuộc chiến, xe tải chở hàng thương nghiệp, lương thực lưu thông trên cung đường này rất hiếm hoi... Vậy mà khi ngồi xe, khi khoác ba lô cuốc bộ tôi đã trải qua hơn 10 đồn, chốt biên phòng để đến với Pha Long. 
Tôi đã đến Pha Long trong vòng tay ấm áp chân thành, cảm động của các chiến sĩ và đặc biệt là các đoàn viên Chi đoàn đồn biên phòng. Anh em bùi ngùi thương tiếc kể cho tôi nghe về hình ảnh cao đẹp của nhà báo - chiến sĩ Bùi Nguyên Khiết trong những ngày bám chốt Tả Ngài Chồ đánh quân bành trướng. Với tôi đó là một bản hùng ca sống mãi cùng thời gian, một hình tượng lý tưởng mà các thế hệ người cầm bút cần rèn luyện, noi gương. Gần đây, được biết ông đã được truy tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phan-xi-păng lần thứ nhất vào năm 2002 - Giải thưởng Văn học nghệ thuật lớn nhất của tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần. Ngày 21-6-2014, kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tỉnh Lào Cai đã tổ chức lễ gắn biển đường phố mang tên liệt sĩ, nhà báo Bùi Nguyên Khiết trên một trong những tuyến đường chính trong khu đô thị mới Lào Cai - Cam. 

“VÁCH ĐÁ LỚN” TẢ NGÀI CHỒ 

Trở lại xã Mường Khương xưa nay đã thành thị trấn huyện, núi rừng vẫn chập chùng hùng vĩ như xưa nhưng cảnh sắc đã khoác tấm áo thị tứ, nhiều cửa hàng cửa hiệu trưng biển sặc sỡ. Điện, đường, trường, trạm… xưa chỉ thấy trên phim ảnh thì nay là hình ảnh không xa lạ trên biên cương. Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Tả Ngài Chồ, Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Trường Minh – với nét đẹp điển hình của người H’mông như trán cao, mũi dọc dừa, mắt một mí mở rộng lấp lánh sự thông minh - nở nụ cười sáng khuôn mặt rạng rỡ, hồn nhiên và dí dỏm trả lời khi chúng tôi hỏi tuổi tác: “Mình sinh 1982 vì vậy ở thôn có đàn chó sủa suốt ngày. Tuổi Tuất mà”! Mọi người ùa cười vui trong không khí cởi mở, gần gũi. “Cũng chẳng trẻ đâu, các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã đều sinh 84, 85 cả”. Hoàng Trường Minh cho biết thêm: Anh quê ở xã La Pán Tẩn bên cạnh. La Pán Tẩn nghĩa là “Cái ghế đá già” bởi nơi đây xưa có tảng đá tựa cái ghế rộng tới mấy mét vuông nhưng tiếc là đã bị phá. Còn “Tả Ngài Chồ” tiếng người H’mông nghĩa “Vách đá lớn” vì địa phương có nhiều dãy núi đá chót vót. Minh cũng mới được điều từ Chánh Văn phòng Huyện uỷ về làm Bí thư xã từ tháng 10/2017… Gia đình sống ở thị trấn, vợ công tác tại Phòng Tài chính huyện, có cô “Cún con” học lớp 2. Hiện anh đang theo học lớp Cao học Luật trên tỉnh.
Tả Ngài Chồ là xã vùng cao, biên giới có tổng diện tích đất tự nhiên 2.137 ha, 9 thôn. Với đặc thù là xã vùng cao, trình độ của nhân dân không đồng đều; cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội đã được đầu tư xây dựng song còn thấp kém chưa tạo động lực lớn cho phát triển. Toàn xã có 562 hộ dân tộc H’mông với 2.930 nhân khẩu nhưng số hộ nghèo, cận nghèo tuy giảm nhiều trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao.
Xác định chuyển dịch cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp để thoát nghèo, làm giầu và nguồn lực bền vững để xây dựng nông thôn mới, Tả Ngài Chồ chú trọng vận động nhân dân trồng và thâm canh các cây lương thực như sử dụng giống ngô lai, lúa lai năng suất cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2017 đạt 1.636 tấn, bình  quân trên 500 kg/người. Tổ chức trồng quýt trong vùng quy hoạch xây dựng thương hiệu “Quýt Mường Khương”; chăn nuôi các giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao (lợn đen, gà bản địa). Hướng dẫn nhân dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để vay phát triển sản xuất. Thời gian qua, xã thường xuyên vận động bà con nâng cao nhận thức bảo vệ rừng. Đến nay, tổng diện tích khoanh nuôi, bảo vệ được trên 1.084 ha; trồng rừng mới 10 ha bằng cây hồi. Độ che phủ rừng đạt tỷ lệ gần 58% nên cơ bản giữ được nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Xây dựng nông thôn mới, Tả Ngài Chồ triển khai mô hình nhà sạch, vườn đẹp tại các thôn bản; đã chọn 4 thôn làm điểm thực hiện tiêu chí môi trường gắn với trách nhiệm của 4 cán bộ. Đến nay, xã đạt 8 tiêu chí ở mức tối thiểu. Kinh tế dần ổn định và các lĩnh vực văn hoá – xã hội cũng được quan tâm. Toàn xã có 999 học sinh, trong đó: Mầm non 347 cháu, Tiểu học 415 học sinh, THCS 237 học sinh. Năm nay, xã phấn đấu thêm trường cấp 1-2 đạt chuẩn, nâng lên 3/3 trường đạt chuẩn… Cùng với tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào, Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Seo Sà cho biết: Xã đang kêu gọi các nhà đầu tư phát triển tiềm năng du lịch của địa phương. Địa bàn Mường Khương cũng như Tả Ngài Chồ, Pha Long có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hoá phi vật thể độc đáo. Nơi đây năm 1959 đã phát hiện ra trống đồng Pha Long (thuộc Hêgơ I) nổi tiếng có niên đại cách đây 4000 năm. Có quần thể hang động Cao Sơn chập chùng cao chót vót không chỉ là chứng tích “phơi thây xác giặc” phong kiến phương Bắc với huyền thoại “khe diệt Hán” mà còn là căn cứ hoạt động cách mạng chống Pháp. Vùng đất cũng lưu giữ các lễ hội dân gian như: Hội Cúng rừng cấm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; Lễ tết 23 tháng 6 của người Pa Dí với xôi màu các loại tưởng nhớ tổ tiên đã phù hộ cho họ chiến thắng giặc ngoại xâm, có cuộc sống phồn vinh hạnh phúc; tổ tiên như mái nhà che nắng đỡ mưa đã trở thành biểu tượng mũ đội đầu người phụ nữ Pa Dí. 
Đang mải câu chuyện thì chị Bùi Thị Mỵ, em gái liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết từ Hà Nội lên và cháu Thanh Điệp (cháu nhạc sĩ Triệu Lam Châu) từ Chi nhánh Viettel Cao Bằng về để trong đêm giao lưu sẽ hát bài “Bùi Nguyên Khiết phố” (thơ: Lê Nhuệ Giang, nhạc: Triệu Lam Châu) bước vào phòng với nụ cười phấn chấn, thông báo đã hoàn tất công việc trọng đại… Hai cô cháu vừa lên đồi A5, xin nắm đất biên cương nơi nhà báo Bùi Nguyên Khiết hy sinh để mang về quê tưởng thờ… Trời đã chạng vạng chiều, anh em của nhà đài dựng sân khấu ở trường học phôn cho Trưởng đoàn Nguyễn Công Đán: Công việc ổn rồi! Lãnh đạo huyện và Đồn biên phòng Pha Long cũng đã tới… Mời mọi người về liên hoan ẩm thực do các thầy cô giáo “biên soạn”! 
33 năm trôi qua, nay trở lại, cảnh sắc biên cương thay đổi giàu đẹp lên nhiều, khiến tôi nghĩ tới hơn ba thập niên trước đây lên Mường Khương - Pha Long, tuy trong gian khó bộn bề và vẫn còn đấy âm mưu chống phá, xâm lăng của thế lực thù địch nhưng vùng biên cương vẫn sặc sỡ muôn màu sắc ngày chợ phiên; tiếng khèn lá, sáo Mèo vẫn dìu dặt những đêm trăng gọi bạn tình. Và đặc biệt ấn tượng là trong sương buốt giá tháng ba, hoa đào vẫn kiên trì bám vào vách đá bừng khoe sắc thắm khắp núi rừng. Tín hiệu lạc quan, giàu sức sống đó đã thể hiện bản tính yêu cuộc sống thanh bình và ý chí quyết liệt, quật cường để gìn giữ độc lập - tự do của đồng bào các dân tộc miền biên viễn. Điều tôi thầm nghĩ trước đây đã trở thành hiện thực sinh động trong gần 40 năm qua, người Mường Khương, Tả Ngài Chồ - nơi máu đào nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết cùng bao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân từng thấm đỏ - đã luôn là phên dậu vững vàng, thành lũy gang thép của Tổ quốc. Tôi hy vọng, với tình cảm và trách nhiệm cả nước hướng về biên giới, Mương Khương – Tả Ngài Chồ sẽ sớm trở thành một vùng biên cương giàu đẹp.


                                   N.T.Đ

. . . . .
Loading the player...