07-08-2023 - 00:31

Truyện ngắn CHỢ KÝ ỨC của tác giả Trần Thị Tú Ngọc

Văn nghệ Hà tĩnh trân trọng giới thiệu Truyện ngắn CHỢ KÝ ỨC của tác giả Trần Thị Tú Ngọc

TRẦN THỊ TÚ NGỌC

CHỢ KÝ ỨC   

                              Truyện ngắn

- Chạng vạng chiều hôm nọ đi ngang qua bãi Mọ Ho, tôi thấy một con ma cụt đầu ngồi khóc.

Lão Tự xòe tay to bè cuốn lấy sợi dây mây bện xoắn mấy vòng rồi thong thả bắt đầu câu chuyện với giọng khàn khàn. Những người xung quanh nhìn nhau nửa tin nửa ngờ. Có ai đó cố nén cười quá cuối cùng bật ra thành tràng ho lục cục trong cổ họng. Cái lão này có bịa thì bịa vừa vừa thôi chứ. Ma cụt đầu thì biết khóc kiểu thế nào.

- Có khóc chứ sao không - Lão Tự nói tiếp với vẻ bình thản - Một đời người dài lắm cũng cỡ trăm năm, còn đời ma thì dằng dặc trong cõi u minh biết chừng nào mới hết. Trải qua bao nhiêu chuyện buồn vui mà nín hoài không khóc được thì chịu sao cho thấu.

Mọi người tự nhiên yên lặng hẳn đi, không khí chùng xuống tới nỗi nghe rõ tiếng con chim đêm ngang qua đập cánh rồi mất hút. Họ đang ngồi quây lại trên bãi cát ven triền sông Vạng, mấy ngọn đuốc thỉnh thoảng bị gió thổi bạt về các hướng khiến cho những chiếc bóng đằng sau lưng kéo dài ra thành muôn vàn hình thù méo mó kì dị. Đây là góc có đông đàn ông tụ tập nhất ở chợ đêm Phù Viêng. Ai nấy đều cố chờ để mua được một sợi dây do chính tay lão Tự bện từ cây mây rừng mọc trên đỉnh Giăng Màn sương phủ. Dây mây của lão Tự dẻo dai có tiếng, về buộc thừng dắt trâu bò, căng lên phơi quần áo hay chằng néo ghe thuyền thì cho dù có dãi dầu bao mưa nắng cũng chẳng đứt.

Lão Tự quay sang lấy con dao nhỏ sắc lẻm trong gùi ra cắt phựt chỗ mối nối, trao sợi dây cho người mặc áo xanh đang đợi. Người này mau mắn đặt vào chiếc hũ sành phía trước lão một tờ tiền giấy, nhỏm dậy định rời đi nhưng rồi lại nấn ná bởi lão Tự hắng giọng chuẩn bị kể tiếp.

- Lúc đó tôi đang kéo một mớ mây song rất nặng, định nín hơi cắm cổ đi qua cho được việc nhưng rồi lại không nỡ vì con ma khóc dữ quá. Ai đời chập tối rồi mà cứ ngồi bên mép vực nức nở như thế, hai cái vai xụi xọ hẳn đi còn phần cổ thì giật giật ra chiều đau đớn lắm. Tôi mới vứt cuộn dây rừng xuống lại gần tính hỏi xem nó có cần giúp gì không. Chẳng ngờ nó thở dài một hơi ngút khói rồi hụp đâu mất tăm, quay lại thì cả dao rựa lẫn dây nhợ đều biến mất. Cho nên đợt này xuống núi chỉ được chừng này thôi, bà con thông cảm chờ phiên chợ sau vậy.

Cánh đàn ông ồ cả lên. Ai đó chép miệng vì mất công đợi cả buổi mà không mua được sợi dây về xỏ mũi cho con nghé non đang nhớn nhác trong chuồng, người khác lại xuýt xoa mừng rỡ vì may mình đến sớm. Mặc cho đám đông đứng ngồi chặc chà với nhau, lão Tự cầm cái hũ sành lên xếp gọn vào gùi đeo lên vai, một tay cầm rựa một tay cầm đuốc, thong thả bước dần sang phía bên kia chợ.

*

Bà Doãn bần thần đi chợ Phù Viêng.

Chợ Phù Viêng họp mỗi năm một lần. Mỗi lần kéo dài từ chạng vạng đến nửa đêm. Người từ trên núi xuống, người từ trong lũng ra, người dưới đồng lên, cả dân vạn chài quanh năm lênh đênh tứ tán cũng gọi nhau tụ lại. Mặt trời lặn sau dãy Giăng Màn là chợ bắt đầu rộn. Đứng từ trên đồi Thượng nhìn sang có thể thấy rõ đống lửa lớn được đốt lên bên bờ sông, từ quầng sáng bập bùng ấy muôn vàn ngọn đuốc cháy rực nối nhau lan ra các hướng như từng vòng sóng.

Bà Doãn mang theo một chiếc giỏ tre, trong giỏ có hai chiếc khăn màu xám. Những chiếc khăn này bà bắt đầu đan khi trở về từ phiên chợ năm ngoái. Đám con cháu trong nhà mãi không hiểu nổi vì sao bà đan khăn lâu đến thế, mất cả một năm dài đằng đẵng mới làm xong mớ khăn len xám xịt u buồn.

Chuyến đò cuối cùng cập bến thì trời cũng vừa sập tối. Bà Doãn bước lên bờ, hòa vào dòng người đang chậm rãi nối nhau đi dọc triền sông, vòng qua đống lửa để châm đuốc rồi từ từ vào chợ. Những người đến sớm đã bắt đầu bày hàng ra từng tấm bạt trải trước mặt. Ngọn đuốc cắm bên cạnh, tàn rơi xuống nền cát ẩm lụi đi rất nhanh. Bà nhìn thấy bao nhiêu là hàng hóa. Gà trống, măng rừng, mộc nhĩ, nấm hương, mâm ngũ quả, hương vàng, quần áo, giày dép, mũ nan, chiếu cói, đồ ăn thức uống không thiếu thứ gì. Cả người bán và người mua đều lặng lẽ, không ai mặc cả, thậm chí có chỗ còn chẳng nói giá, ai cần lấy thứ gì cứ việc đặt một tờ tiền vào cái hũ bên cạnh rồi cầm lấy đồ mà đi.

Bà Doãn tìm được một góc trống bên bụi rì rì trổ hoa trắng xóa, cẩn thận lấy mấy chiếc khăn ra vắt một góc lên miệng chiếc giỏ tre rồi cứ thế lặng yên nhìn ra khoảng không đen thẫm phía xa. Rất nhiều người ngang qua trước mặt bà, thỉnh thoảng có vài người dừng lại một chút ngó nghiêng như tìm kiếm điều gì rồi lại lắc đầu bỏ đi. Quầng tối phía dưới ngọn đuốc che khuất phần chân của họ khiến bà cảm giác như ai nấy đều đang nhè nhẹ lướt trên cỏ chứ không phải bước.

Hồi lâu sau, có đôi chân mang giày vải đứng hẳn lại bên cạnh giỏ hàng. Bà Doãn thoáng giật mình khi bắt gặp vóc dáng quen thuộc của người hàng xóm cũ. Mới cách một phiên chợ mà tóc lão Tự đã bạc nhiều đến thế, trên gương mặt vuông vức có vết sẹo dài chạy từ má xuống tận dưới cằm hằn thêm mấy nếp nhăn.

- Bà đến chợ lâu chưa?

Lão Tự hỏi với giọng trầm khàn. Lão bỏ con dao rựa xuống để tháo chiếc gùi ra khỏi vai nhưng vướng mấy cọng dây nên mãi chưa gỡ được. Bà Doãn liền đưa tay đỡ lấy ngọn đuốc giúp lão.

- Tôi đến từ chập tối ông ạ - Bà Doãn khẽ trả lời, mắt vẫn nhìn vào màn đêm sâu hút.

Họ cùng ngồi xuống dõi theo những bóng người qua lại. Chợ đông mà yên tĩnh đến lạ lùng. Từng ngọn đuốc cứ thế lụi dần đi. Chần chừ mãi lão Tự húng hắng ho rồi nói:

- Muộn thế này vẫn không gặp được ai, có lẽ ta nên về thôi bà ạ - Lão nhìn mớ khăn len u buồn vắt trên giỏ, im lặng một lát rồi nói tiếp - Cho tôi mua hết luôn bà nhé. Gần nửa đêm rồi bà cẩn thận kẻo sương xuống lạnh đường trơn.

Nói xong không đợi bà trả lời, người đàn ông mang tiền trong hũ sành của mình ra đặt vào chiếc giỏ tre, cầm lấy hai chiếc khăn len rồi vội vã rời đi. Bà Doãn như sực tỉnh khỏi dòng suy nghĩ triền miên, gọi với theo định nói gì đó nhưng bóng người kia đã khuất.

Gà gáy eo óc báo sang canh. Chợ đêm Phù Viêng dần vãn.

*

Bà Doãn về đến nhà thì hai vợ chồng cô con gái đã bày xong ba mâm cơm cúng. Người con rể đang đốt một cây hương trầm thật lớn ngoài sân, khói quẩn lên từng vòng chập chờn dưới ánh điện sáng lạnh. Con gái bà đỡ mẹ ngồi xuống bậc thềm, ngập ngừng khẽ hỏi:

- Chợ tối nay có gì không mẹ?

Bà Doãn khẽ lắc đầu, đưa chéo khăn lên chấm chấm vào khóe mắt. Hai vợ chồng người con gái nhìn nhau trong một khoảnh khắc rất nhanh rồi khẽ khàng lại gần nhắc bà vào chuẩn bị để làm lễ cúng. Đồng hồ chỉ mười hai giờ đêm. Không chỉ nhà bà Doãn mà mấy nhà hàng xóm xung quanh cũng đang sáng đèn. Rất nhiều người chưa ngủ.

Làng Thượng có mười bảy gia đình ngày giỗ trùng nhau.

Chuyện xảy ra vào năm chiến tranh còn ác liệt, máy bay địch gầm rú trên bầu trời. Mọi sinh hoạt phải chuyển về đêm, trẻ con học bài dưới hầm, người lớn cấy cày nhờ ánh trăng, chợ Phù Viêng tháng đôi lần nhóm họp vội vàng bên sông Vạng khi trời chập tối.

Lần đó bà Doãn đang mang thai đứa con thứ hai. Chạng vạng chiều chồng bà nói hôm nay có phiên chợ nên sẽ qua sông mua ít đồ chuẩn bị cho bà nằm cữ. Đứa con cả mới lên năm tuổi đòi đi theo. Hai cha con dắt nhau đi dưới trời mưa nặng hạt, chuyến đò đầy rẽ mặt sông xám xịt vừa cập bờ bên kia thì bỗng có báo động phòng không. Ai nấy đều hoảng hốt bất ngờ vì mọi khi đến tầm này là máy bay địch không còn hoạt động nữa nhưng hôm nay chúng lại đi khác với quy luật thông thường.

Một loạt bom trút xuống. Đất trời rung chuyển trong tiếng nổ ầm ầm cùng với những đám khói đen và lửa cháy. Tiếng gào thét thảm thiết vang lên. Chợ Phù Viêng tan tác.

Phải đến nửa đêm dân làng mới gom nhặt hết những mảnh thi thể vương vãi suốt bờ sông đỏ máu đem về khâm liệm. Đám tang được tiến hành âm thầm ngay sau đó, chôn cất xong thì trời bắt đầu rạng sáng. Bà Doãn đã vĩnh viễn mất chồng và con trai chỉ sau một phiên chợ giữa mịt mù khói lửa chiến tranh.

Bến sông Vạng bỏ hoang, tên chợ Phù Viêng chìm vào quên lãng. Cho đến một ngày nọ có gia đình vạn chài neo thuyền giăng lưới trong đêm trăng mờ, nhìn lên chợt thấy một nhóm người đi lại tha thẩn mãi trên bờ sông như tìm kiếm gì đó. Ông lão chủ thuyền vốn là người bạo gan nên nhảy lên hỏi thăm, nhóm người đó buồn bã nói rằng họ đi chợ Phù Viêng mua đồ mà sao chờ mãi không thấy ai đến bán. Nhìn cách ăn mặc nói năng của họ kiểu như những người từ vài chục năm trước, ông lão giật mình bấm đốt ngón tay tính lại thì thấy hôm nay đúng là ngày ấy tháng ấy. Lúc đó thấy rờn rợn khắp sống lưng nhưng ông lão cố trấn tĩnh bảo rằng chợ này mất lâu rồi không có ai đến đâu nên đừng chờ nữa.

Nói xong thì một làn hơi trắng xóa từ dưới sông bất chợt đùn lên. Bóng họ nhòa đi trong sương mù rồi biến mất.

Chuyện ông lão vạn chài kể lại chẳng biết thực hư thế nào, thế nhưng từ đó mỗi năm một lần thân nhân những người đã khuất trong trận bom lại lũ lượt tìm về bên bờ sông Vạng. Họ nhóm lên ký ức về chợ Phù Viêng, hy vọng có cơ hội nhìn thấy linh hồn người thân đang lưu lạc đâu đó trong mịt mù bốn cõi.

Bà Doãn đan khăn để đi chợ hàng năm, ngậm ngùi gặp lại một ông lão ngày xưa từng là hàng xóm.

Lão Tự về đến ngang bãi Mọ Ho thì trời sắp sáng. Còn phải vượt qua hai con dốc với một đoạn khe sâu nữa mới đến nhà mà chân lão đã rã rời còn đầu ngây ngấy sốt. Lão ngồi xuống tựa lưng vào một phiến đá phủ đầy rêu, con dạo rựa để ngay bên cạnh.

Tiếng gà thưa thớt gáy từ những làng xóm dưới chân núi vọng lại bỗng nhiên gieo vào lòng lão một nỗi buồn rất đỗi xa xôi. Lão nhớ lại thuở còn thơ bé, mỗi sáng sớm mẹ nhóm lên bếp lửa bập bùng, cha lom khom ngoài chuồng buộc thừng cho con trâu Đen, mùi cơm mới thơm thơm, bầy gà lục cục nhảy ổ. Thế rồi chiến tranh ập đến như một đám mây đen kịt ầm ì dọa dẫm phía chân trời. Mười bảy tuổi lão lên đường ra trận, không hay biết làng cũ bị bom bỏ tan hoang. Ngày trở về anh em thân thích chẳng còn ai, mẹ cha đã nằm lại với cánh đồng đang mùa lúa trổ. Lão bỏ lên núi dựng lều sống bằng nghề đan lát.

Hình như có một giọt nước mắt bất chợt ứa ra, lão Tự đưa bàn tay thô ráp lên lau đi rất vội. Chợt nhớ lại câu chuyện về con ma cụt đầu ngồi khóc một mình, lão bỗng nhiên bật cười khùng khục. Khắp bãi Mò Ho thấp thoáng bờ hoang bụi rậm dưới ánh trăng mờ lúc rạng sáng không có bóng dáng ai. Câu chuyện vớ vẩn về con ma là do lão bịa ra để giải thích lí do cho việc lần này xuống chợ chỉ mang theo được một mớ dây mây ít ỏi. Thật ra từ nửa năm nay lão thấy mình yếu hẳn đi rồi, vết thương cũ thỉnh thoảng lại tái phát, chẳng còn mấy hơi sức mà lên rừng nữa. Lão gắng gượng mỗi năm đi chợ Phù Viêng một lần chỉ để gặp lại một người hàng xóm. Chiến tranh rồi hòa bình. Cô đơn và mất mát. Những nỗi bất hạnh cùng đau đớn chia lìa. Chẳng ai có thể san sẻ bớt gánh nặng trong sâu thẳm cõi lòng cho ai. Nhưng mỗi khi nhìn thấy người hàng xóm cũ ấy, lòng lão chợt bình yên trở lại.

Bỗng nhiên cảm thấy một cơn ớn rét lướt qua, lão Tự đưa tay vào trong chiếc gùi mây, lấy chiếc khăn len màu xám choàng lên cổ. Hai chiếc khăn này hẳn là bà Doãn đan cho người chồng và đứa con trai xấu số ra đi trong trận bom năm xưa. Bà vẫn hy vọng sẽ gặp được chồng con giữa chợ đêm Phù Viêng, cũng như lão từng hy vọng sẽ gặp lại mẹ cha hay những bạn bè thuở bé. Thế nhưng chiến tranh giống như một nhát chém sắc ngọt đã cách chia họ thành hai thế giới vĩnh viễn xa nhau.

Cuối cùng thì mình chỉ còn lại một mình. Lão Tự thầm nghĩ khi gắng gượng bước qua bãi Mò Ho, ngược lên con dốc thứ nhất. Còn rất lâu nữa mới về đến nhà. Đấy là lão nghĩ về ngôi nhà cũ bên kia sông Vạng, nơi vẫn còn hàng rào dâm bụt trồng từ hồi trước khi máy bay đến ném bom. Khi quả bom đầu tiên dội xuống đầu làng, biết đâu con trâu Đen sẽ bứt thừng chạy kịp. Nó đã chạy xa quá đến nỗi lạc hẳn luôn, lão nghĩ thế khi vượt qua con dốc thứ hai. Nếu giờ nó quay về có khi lão chẳng nhận ra nữa. Nó trở thành một con trâu già, ta cũng đã trở thành một lão già. Cả ta và nó đi mãi mà vẫn chẳng thể nào trở về ngôi nhà cũ.

Lão Tự đã đi đến bờ khe. Lão ngồi sụp xuống run rẩy khóc.

*

Tháng Tư, tôi đi chợ Phù Viêng. Chợ họp vào cuối tuần, mỗi phiên kéo dài từ chập tối tới rạng sáng.

Một cây cầu lớn bắc qua sông Vạng vừa khánh thành, xe cộ ngược xuôi đông vui tấp nập. Bờ sông đã được đầu tư xây dựng thành quảng trường rộng rãi, đèn điện khắp nơi sáng trưng, những gian hàng bài trí bắt mắt đầy ắp đồ đạc. Người đi chợ chủ yếu còn trẻ tuổi, họ túm tụm lại mua bán, ăn uống, chụp ảnh, mang đàn ghi-ta ra cùng nhau ca hát.

Tôi đi lang thang khắp chợ đêm mà không gặp ông lão tóc chớm bạc gùi theo cuộn dây mây từ trên núi xuống. Tôi cũng không nhìn thấy bà lão lưng còng mang giỏ tre đựng hai chiếc khăn len xám xịt u buồn. Cầu mong họ có thể thanh thản trở về ngôi làng cũ bên những người thân. Một ngôi làng bình yên trước chiến tranh với hàng rào dâm bụt bốn mùa nở hoa đỏ ối.

                                   T.T.T.N

Chợ ký ức (ảnh: Phạm Ngọc Triển)

. . . . .
Loading the player...