18-04-2018 - 08:38

Truyện ngắn: Một lần về quê

Tạp chí Hồng Lĩnh số 140 tháng 4/2018 giới thiệu truyện ngắn "Một lần về quê" của em Phạm Lê Huyền Chân, Lớp 8C - THCS Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Đây là tác phẩm dự thi (viết - vẽ) tuổi học trò lần thứ XII.

Nó là một đứa trẻ thành phố chính cống. Tất nhiên, tuổi thơ của nó bó hẹp trong những tòa nhà cao tầng, những con đường bụi bặm; cuốn trong nhịp điệu học ở trường, học ở trung tâm, học ở nhà... Và một thực tế đáng buồn là nó chẳng biết gì ngoài việc học. Bà ngoại bảo: “Mày chẳng khác gì một bông hoa được trồng trong nhà kính. Sau này lớn lên rồi cứ ngơ ngơ ngáo ngáo thôi con ạ”. Nhưng ý của mẹ nó là cứ học cho giỏi là được, những việc khác ra đời khắc biết. Tất nhiên là nó ủng hộ mẹ trăm phần trăm vì chỉ riêng việc học cũng đủ đứt hơi rồi. Nhiều khi nó cứ nghĩ, không biết đến lúc nào thì mình bội thực chữ. Còn đi chơi ư? Tất nhiên là có rồi! Nhưng đừng có mơ mộng về sân chơi ngoài trời, nó cũng hiếm có khó tìm như mảnh gốm trong nhà Thạch Sùng. Mặc dù vậy, lũ trẻ thành phố chúng nó lại được đền bù bằng vô số trò chơi hiện đại công nghệ cao nhan nhản khắp các con phố. Muốn chơi ư? Bạn chỉ cần vào một quán nét, sang trọng hơn thì vào một siêu thị hoặc trung tâm nào đó bạn sẽ được chơi vô số trò chơi ảo hót hòn họt trên máy, được chọn cho mình vô số đối thủ (tất nhiên là cũng ảo nốt) và PK cho đến khi mệt lử. Dù nhiều lúc chán tận cổ cái nhịp sống sôi động, ồn ào, gò bó ấy nhưng nó không có ý định thay đổi.
Một buổi chiều cuối năm học, thở phào nhẹ nhõm cho việc kết thúc nhịp điệu học, học, học chán ngắt, nó hớn hở về nhà. Trong đầu nó đang bùng nổ bao dự định quẩy cùng lũ bạn khi trước mắt là những ngày nghỉ hè sảng khoái. Thế nhưng tất cả kế hoạch ấy đổ vỡ từ trong trứng nước khi nó nghe tin sét đánh: Về quê! Mà những 10 ngày.

Minh họa: QUỐC HÙNG

- Mẹ à, con không về đâu, về quê chẳng có gì chơi, chán lắm! Nó đưa ánh mắt năn nỉ về phía mẹ.
- Không bàn bạc! Cho mày về quê mươi ngày để tránh xa những trò chơi công nghệ vô bổ kia. Suốt ngày chỉ biết chúi mũi vào đó rồi lại đeo thêm cặp kính dày cộp cho xem. Với lại, con cũng dễ đến ba bốn năm không về thăm ông bà còn gì. Biết đâu về ít ngày lại mê tít cho mà xem. Thôi, nhanh lên, xe đang chờ!
Vậy là không tình nguyện, nó đành leo lên xe và bắt đầu hành trình “đày ải”. Ngồi trên xe, suy nghĩ của nó chỉ xoay quanh mấy thứ kiểu như: Ác mộng ngày hè; chán như con gián; mạng ơi, chào mi... Chỉ nghĩ đến không khí buồn lặng ở quê là nó đã muốn đập đầu vào miếng đậu hũ. Trời ạ! Làm sao mà vượt qua được 10 ngày! Tất nhiên, nó nghĩ việc nghĩ, xe đi việc xe. Sau khoảng hơn bốn tiếng lắc lư, gà gật, nó được mẹ lay dậy.
- Này, dậy đi con, sắp đến nơi rồi!
Sao nhanh thế nhỉ! Sao nó chẳng hề có cảm giác dằn xóc, ổ trâu, ổ voi như lần trước. Nó nhỏm dậy nhìn ra ngoài. Quê ngoại đây sao! Con đường đất vào làng bây giờ đã được đổ bê tông thẳng tắp, sạch sẽ. Hai bên đường là những bồn cây, hoa đủ màu sắc; những ngôi nhà khang trang sạch sẽ, vườn cây xanh mát mắt. Đường vào làng còn có cái biển rõ to: “Làng văn hóa”. Chà, mới ba bốn năm mà quê ngoại thay đổi nhiều ghê. Kiểu này có khi lại xảy ra những việc ngoài mong đợi đây. Trong lòng nó bắt đầu le lói hi vọng.
- Đến rồi này con! Tiếng mẹ kéo nó về thực tại.
Nhà ngoại không thay đổi nhiều. Vẫn con ngõ dài tít tắp, vẫn căn nhà gỗ ba gian in dấu năm tháng, vẫn khu vườn rợp bóng bao loại cây. Tất cả làm nên dấu vết cổ kính, rêu phong nhưng cũng thật yên bình.
- Cha mày! Mấy năm rồi mới nhớ về thăm bà nhỉ! Lớn tướng thành thiếu nữ rồi đấy! Ông nó ơi, mẹ con cái Trang về đây này.
- Biết rồi! Gớm, bà cứ xồn xồn lên! Thằng Hoan, con Hỉ đâu, ra đón chị!
- A, chị Trang! Chị về thật đấy nhỉ, vậy mà em đang tưởng mình được ăn quả lừa đấy. Mấy hôm nay ông bà cứ nhắc chị suốt, lại con dành cho bao nhiêu thứ ngon. Thiên vị quá đi mất!
Tai nó như ù đi bởi bao lời hỏi thăm của mọi người. Một cảm giác gần gũi, thân thiết dâng lên trong nó, cảm giác được trở về. Lạ thật! 
Có lẽ bởi cảm giác thân gần ấy, bởi sự quấn quýt, sôi nổi của hai đứa em họ, nó hòa nhập rất nhanh với môi trường mới. Quê ngoại của nó là vùng bãi bồi ven một con sông nhỏ uốn mình quanh co dọc con đê dài tít tắp. Mỗi buổi sáng, nó thỏa thích vùng vẫy trong dòng nước mát rượi, rồi thì theo chân hai đứa em đi chăn bò, cào lá, nhặt củi, chơi đánh trận giả... Và tất nhiên, những trò đó không thể thiếu sự tham gia của lũ trẻ làng. Và điều mà nó không ngờ là chúng còn nhớ nó.
- Ồ, Trang kều! Mày về lúc nào đấy? Mày còn nhớ tao không, tao là Diệp lùn đây! 
Nó đơ người một lúc rõ lâu. Trong trí nhớ nó hiện lên hình ảnh một con bé thấp, gầy, da ngăm ngăm, có mái tóc cháy nắng vàng như râu ngô, cái miệng lúc nào cũng lí lắc không ngừng. Và đặc biệt, con bé này là chúa bày ra bao trò tinh nghịch cho lũ trẻ làng.
- Tao nhớ rồi! Mà mày cũng có lùn lắm nữa đâu nhỉ, cao gần bằng tao còn gì!
- Thì thế, nhưng gọi thành quen mất rồi. Này, tụi bay lại đây! Có còn nhớ ai đây nữa không?
- Ha..ha.., Trang kều chứ gì! Ai chứ nó thì tụi này quên sao được! Gớm, cứ nhớ đến cái dáng cao lêu đêu như sếu của nó khi chơi nhảy dây, chơi đi chợ về chợ khi nó về đợt trước là tao lại toát hết mồ hôi. Bao phen bại dưới tay nó rồi mà! Tiếng một thằng con trai có quả đầu ba phân vang lên hồ hởi.
Và tất nhiên, đến lúc này thì nó đã nhận ra hầu hết lũ trẻ. Đó là thằng Quân đầu đinh với quả tóc ba phân muôn thuở, rồi Nhiệm thơm (vì nhà nó bán xà phòng), Vy béo, Ngân đen. Đặc biệt, nó còn nhớ như in thằng Khánh ngố, gọi là ngố vì mặt nó cứ đơ đơ. Vui nó cũng vậy, buồn cũng chẳng khác gì. Nhưng nó cũng là đứa nghịch ngầm ra trò, và cũng rất người lớn, sẵn sàng nhường nhịn khi lũ bạn cần.
- Mà tụi bay đang bàn chuyện gì mà sôi nổi đến vậy?
- À, tụi tao đang định quẩy. Là thế này: Bây giờ đang mùa bới khoai, mà nhà cái Ngân lại có một ruộng khoai bạt ngàn. Tụi tao định ra ruộng kiếm một ít về nướng. Còn nữa, củ chua me đất cũng già lắm rồi. Nhổ lên trộn muối ớt, chu choa... ngon tuyệt! Tất nhiên, trước đó chúng ta sẽ chơi trò tượng hình, tượng quả.
- Đó là trò gì vậy, chơi thế nào? Nó tò mò hỏi.
- Luật chơi là như này: Ta sẽ lập một đội chơi rồi oẳn tù tì xem ai thua, người thua sẽ phải đi bắt những người còn lại. Còn việc của chúng ta là chạy. lúc nào sắp bị bắt thì phải nhanh chân, nhanh miệng, nhanh tay một chút. Nghĩa là lúc đó cậu sẽ có hai lựa chọn: Một là ù té chạy thật nhanh, hai là đứng yên rồi nói “tượng” và gọi tên một loại quả bất kì. Điều thú vị ở trò này là chúng ta phải minh họa cho loại quả mà mình gọi ra. Còn nữa, nếu một người đang chạy mà đến gần một người đang tượng thì có thể nói “giật điện”, nghĩa là lúc đó người đang tượng sẽ được giải cứu. Đứa cuối cùng nói tượng sẽ là đứa đi bắt tiếp theo.
Cho tao tham gia với! Nghe mày miêu tả mà chân tao cuống cả lên rồi này!
- Vậy chúng ta chơi thôi.
Rất nhanh chóng chúng nó oẳn tù tì. May mắn, người đi bắt đầu tiên không phải nó mà là thằng Nhiệm thơm. Nhưng trước khi chơi còn một vấn đề cần giải quyết là ai sẽ phụ trách việc trông trâu bò. Chả đứa nào lên tiếng nhưng mắt chúng nó đều hướng về phía Khánh ngố. Biết sao giờ! Thấy ánh nhìn chằm chằm của lũ bạn, Khánh chẳng còn cách nào đành buông một câu:
- Tao trông, được chưa! Xong rồi nó nhảy lên trên một gò đất cao, tay ve vẩy cái roi chăn bò rõ dài.
- Mày đúng là đứa hiểu tụi tao nhất! Cái Ngân nói như cụ non.
- Thế chả có cổ động viên à? Quân đầu đinh hỏi.
- Vớ vẩn, kia kìa! Ngân đen chỉ tay về phía Khánh ngố.
- Nhưng, cổ động viên này có vẻ không chuyên nghiệp lắm thì phải. Mà phải có hoa cổ vũ chứ?
Nghe đề nghị có vẻ rất chi hay ho của tôi, thằng Nhiệm thơm mò xuống ruộng ngô hái luôn một bó hoa ngô lớn, buộc thành hai túm và gọi một cách rất chuyên nghiệp là dụng cụ biểu diễn. Đưa cho thằng Khánh, nó còn hướng dẫn cách cổ vũ. Nghĩa là phải kết hợp giữa hò hét và nhảy, cũng chẳng cần chuyên nghiệp lắm, chỉ cần thực hiện theo bài đồng diễn ở trường là được. Thật là một công đôi việc. Chiều bạn, bất đắc dĩ thằng Khánh cũng làm theo, nhưng động tác của nó thì lóng nga lóng ngóng y như khỉ ăn mắm tôm trong vườn thú.
-  Ha..ha..ha... Thôi, cho tao xin! Mày cứ làm tốt nhiệm vụ trông bò đừng để chúng sổng dây ăn bậy là được rồi. Thằng Quân vừa ôm bụng cười vừa nói.
- Được, vậy chúng ta bắt đầu chơi thôi!
Và người mở màn đi bắt là thằng Nhiệm. Dáng người nó loắt choắt nhưng nhanh như khỉ. Đảo mắt một vòng, nó chọn được ngay đối tượng để đuổi - Diệp lùn. Nhưng, chẳng dễ gì mà bắt được. Chưa đợi thằng Nhiệm đến gần nó đã hô ngay “dưa hấu’ rồi ngồi thụp xuống đám cỏ dại, hai tay vòng lên đầu, dáng lom khom trông chẳng khác gì một quả dưa. Trộm nghĩ, với hình dáng gần như tròn xoay đó, nếu đứa nào co chân đá một phát chắc nó ngay lập tức bay xuống ruộng. Đổi hướng, Nhiệm rượt theo Vy béo. Đừng tưởng nó trông ục ịch nhưng nhanh ra phết. Nó hô “chuối” và nghiêng người cong cong bắt chước dáng quả chuối. Chao ơi, chưa bao giờ thấy một quả chuối nào vừa lùn vừa béo đến thế. Ha..ha... Thế rồi, đủ các kiểu tượng, đủ các dáng quả xuất hiện theo bước đuổi của thằng Nhiệm. Quân đầu đinh thì dứa, Ngân đen thì ngô - một bắp ngô cong vẹo. Còn anh em Hoan, Hỉ thì tượng theo hình dáng chả giống ai. Chúng chập người lại với nhau, tay xòe ra hai bên rồi kêu là “phật thủ”. Mà theo quan sát của nó thì giống như một con nhện tám chân trong Tây Du Kí hơn, chỉ còn thiếu mỗi Đường Tăng nữa là đủ bộ. Mải nhìn theo, mãi cười dáng điệu của chúng bạn, nó phải trả giá đắt - thay thằng Nhiệm trở thành người đi bắt. Nhưng cái vai này nó sắm quá thảm. Là một đứa chỉ quen ngồi trên xe đạp điện để đánh bóng đường nhựa, nó chẳng có được mấy hột sức mà rượt đuổi lũ bạn hết vòng này đến vòng khác. Nếu như là trò chơi vận động tay và mắt trên máy tính thì nó sẽ thắng ngay tắp lự, thắng tuyệt đối. Nhưng cái trò này lại chỉ yêu cầu nó nhanh mắt, nhanh chân. Nó thất bại thảm hại! Ấm ức không cơ chứ! Vua đường phố mà lại thua ở một đấu trường thôn quê. Nó ngồi xoài xuống, thở hồng hộc.
- Tao đầu hàng! Mà sao có kiểu trò chơi gì khiến người ta tiêu phí hàng nghìn kilo calo thế này cơ chứ. Hu hu… bất công quá!
- Mày đừng buồn! Vừa tham gia mà mày chơi được thế là khá lắm rồi. Biết đâu, ở đây một thời gian mày lại còn thắng cả chúng tao ấy chứ. Thôi, nghỉ mệt một tí rồi chúng ta tiến hành kế hoạch thứ hai.
- Đào khoai nướng à? Zê..ê..ê..!!! Vừa tưởng tượng cảnh có thể tham gia đào khoai, nướng khoai là mắt nó sáng bừng lên quên cả mệt. Theo chân lũ bạn, nó lội bộ một quãng đồng khá dài mới đến được ruộng khoai nhà cái Ngân. Và, bên bãi bồi gần mép nước, trước mắt nó xuất hiện những luống khoai bạt ngàn. Nó ngơ ngẩn. Hóa ra, những củ khoai nướng vàng rộm mà nó thường ăn ở các hàng quà vặt trên phố là được trồng thế này đây. Những vồng khoai được vun tăm tắp, luống luống đều nhau, những dây khoai xanh mượt bò ngoằn nghèo trên luống... thật thích!
- Thế củ khoai đâu, sao tao không thấy?
- Ơ, con này! Mày cứ như người giời ấy nhỉ! Mà quên trẻ con thành phố chúng mày thì làm sao biết phân biệt khoai với sắn chứ. Đây, mày nhìn.
Vừa nói cái Ngân vừa cầm cuốc gạt nhẹ lớp đất tơi xốp dưới chân. Và hiện ra trước mắt nó là những củ khoai tròn căng, đỏ đậm, nằm lăn lóc giữa luống. Mùi đất nồng nồng, ngai ngái hòa lẫn với mùi nhựa khoai tạo thành một thứ mùi, gì nhỉ, à, tạm gọi là mùi của đồng quê. Rồi thì cảm giác mát, mịn khi dẫm lên đất phù sa, cảm giác dò tìm đỏ cả mắt để nhổ những cây chua me đất nằm lẫn trong cỏ, sự sung sướng khi tìm được một củ rõ ro... Tất cả khiến nó say sưa, ngây ngất... Chao ôi, những điều này, nếu chỉ quanh quẩn giữa không gian chật hẹp, ồn ào của thành phố làm sao nó có được! 
Rồi suốt cả buổi chiều và những ngày sau đó, nó theo chân lũ bạn quẩy tung trời đất. Giữa không gian mênh mông đầy nắng, lần đầu tiên nó được ăn những củ khoai nướng ngon chưa từng thấy với vị thơm bùi, ngọt ngào thấm và lan từ đầu lưỡi; những củ chua me đất trộn muối ớt ăn chua chua cay cay tạo nên một thứ hương vị khó tả. Trong đầu nó bỗng xuất hiện mấy câu thơ của ai đó mà nó đã từng đọc: “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”... Và như đồng cảm với nó, trên bầu trời xanh thẳm vang lên tiếng sáo diều vi vu hòa cùng với tiếng cười giòn tan của lũ chúng nó vang lên trong ánh nắng còn sót lại của buổi chiều tàn...
      

 Phạm Lê Huyền Chân
Lớp 8C – THCS Hoàng Xuân Hãn – Đức Thọ - Hà Tĩnh.

. . . . .
Loading the player...