16-05-2018 - 09:51

Truyện ngắn: Nàng Shakespeare

Tạp chí Hồng Lĩnh số 141 giới thiệu truyện ngắn "Nàng Shakespeare" của tác giả Nguyễn Thị Luyến.

Ẩm ướt, mặn mòi, nóng ấm. Nàng nghe thấy tiếng gió. Là cảm giác khi nàng đứng trên boong tàu từ đất liền ra đảo, hướng mặt ngược chiều gió, u u bên tai, khúc khơi xa. Nàng cảm thấy mạch máu rần rần trên má, rồi vuốt ve. Tóc nàng mềm quá, gió thì thào. Có tiếng ai oán thê lương theo gió, nơi này đã chôn vùi bao mạng sống? Trong lòng sâu đại dương kia, có bao xác những con thuyền, những con người, những chuyến ra khơi, và, cả những sinh vật biển… Trong lòng sâu đại dương kia, nơi nào cũng có thể là nghĩa địa của tất cả, nói văn vẻ như người ta, là biển sâu ôm trọn mọi sinh linh vào lòng. Đã có bao oan hồn theo gió mà đến khóc bên nàng? Đâu có, là khúc hát biển khơi đấy chứ. Là reo mừng, hoan ca. Là tự do bất tận. Và hãnh diện, vinh dự chào đón nàng, gió nói. Không. Ta nghe thấy lời bi thương, tiếng chết chóc. Những linh hồn, những ai oán đang trông chờ, chỉ đợi ta đến để kể lể vỉ van. Ồ, ta hiểu chứ! Đau khổ, mất mát, trong cõi đời này! Muôn lời khôn xiết! Tim ta cũng đau lắm, lòng ta cũng đau lắm! Ta có thể hiểu hết những lời này, nhờ gió mang tới. Vướng bận gì, khi thể phách chẳng còn vẹn nguyên… Ồ, người kia, anh đến từ phương nào, tại sao lồng ngực anh vỡ toang thế kia, trái tim của anh đâu mất rồi? Anh bị người tình phụ bạc ư, cô ấy đã lấy mất trái tim của anh rồi? Hay là, anh bị trúng đạn trong một cuộc chiến? Trời ơi, chị kia, tại sao phải tự mình thắt sợi dây thừng, để đu đưa bóng liễu trong gió. Kẻ nào đã khiến chị trở nên bi thương thế này? Gió, gió ơi, gió kìa, hãy ngừng lại, ông cụ kia đang co ro trong mảnh áo mong manh quá đỗi, thứ được gọi là quần trên thân thể cụ đã nát tươm từ lâu. Hãy ngừng lại gió ơi. Rét, rét quá, ông cụ chết mất thôi. Dường như ông cụ chẳng thể nhớ nổi đường về nhà, hoặc, cụ chẳng có nhà để về. Gió, gió ơi, hãy ngừng lại đi, hãy ngừng lại đi. Ôi, ông cụ đã gục xuống ven đường, vĩnh viễn ngủ rồi. Này gió tàn nhẫn, vị mặn mòi của biển từ đâu mà có? Tại sao càng xa bờ, ta càng thấy gió mặn và nồng hơn đến vậy? Có phải bởi gió mang trong mình muôn nỗi cô đơn của muôn dáng vẻ? Có phải bởi gió mang trong mình cả sự sống và cái chết của triệu triệu sinh linh? Có phải bởi gió có thể chứa hết sự sống và cái chết? Bởi gió gom tất thảy nỗi buồn và niềm vui nhân loại vào một cái túi khổng lồ vô tận? Niềm vui nhân loại ư, ta nào tin đời này có niềm vui nào đúng nghĩa. Kìa anh chàng thủy thủ, mừng vui chi vội khi đứng trên boong tàu đang tràn ngập nắng? Nụ cười ấy, chẳng phải là niềm vui đâu. Ta thấy được gương mặt anh đang khóc. Sắp tới đây, khi cơn bão ập vào bờ, mái tranh bị hất tung xuống, dạt theo từng lớp sóng không đoán định, mẹ anh vợ anh chạy dọc bờ biển đau đáu nhìn hướng xa khơi. Kìa vị khách thượng lưu ở buồng hạng nhất, ánh mắt anh bừng hạnh phúc trong đợi chờ đến ngày sum vầy cô gái trong bức ảnh đám cưới kia, vợ mới cưới của anh đấy à. Trong bức ảnh, cô dâu chú rể thật rạng ngời. Niềm vui và hạnh phúc đó ư, chưa đâu. Chỉ là mới bắt đầu thôi, bắt đầu của những bi kịch. Những chuỗi ngày cãi vã vì các chi phí cho sữa, bỉm, tã, quần áo và việc học tập cho đứa con, các mối quan hệ xã hội, rồi những tiền điện tiền nước tiền thuế đủ kiểu, mới thực sự là bắt đầu bi kịch. Các người không nghe thấy sao, đời là bể khổ, dù có cảm thấy thế nào, rút lại vẫn chỉ là tích tắc trong vạn vạn tích tắc đằng đẵng khổ đau mà thôi. Nhân gian ơi! Ôi thôi!...
Khi tay gã vừa lần tay đến chiếc khuy áo ngực của nàng thì bị đẩy ra.
- Em sao thế?
Môi gã rời môi nàng. Gã hoảng hốt nhìn vào gương mặt tuyệt diễm đang đẫm lệ. Môi nàng run rẩy, chiếc hàm nhỏ xinh cũng lập cập không phải vì lạnh mà bởi sự đau khổ dâng ngập ánh mắt kia. Gã không biết phải nói gì, ôm nàng vào lòng nhưng lại bị đẩy ra lần nữa. Nàng quay mặt, cài lại hàng cúc áo. Đèn khuya lấp lánh đổ lên mái tóc đen, tràn ánh vàng lên sống mũi kiêu hãnh của nàng qua cửa kính lộng gió, khiến những miền sáng tối trên gương mặt thêm hấp dẫn. Gã đâm lúng túng, liền nhẹ nhàng xoay người nàng lại, nhìn vào mắt nàng, trìu mến:
- Anh xin lỗi!
Không. Không phải lỗi của anh. Nàng muốn nói đến những giọt nước mắt kia. Nhưng nàng không thốt được lời nào, vẫn im bặt, và không ngừng rơi lệ.
Là bởi nụ hôn. Nụ hôn khiến nàng cảm thấy vị gió biển. Nụ hôn khiến nàng ngỡ mình đang đứng trên boong tàu và nghe gió, trò chuyện với gió, khiến nàng trông thấy những nỗi khổ nhân gian kia, nên mới rơi lệ. Là gã đang hôn nàng, là nàng đang hôn gã, là hai người đang hôn nhau, trong xe của gã, trước cổng nhà nàng, dưới ánh đèn khuya, chứ chẳng có một con tàu nào đang ra khơi cả.
Nàng muốn ra khỏi xe. Gã nhanh chân bước ra mở cửa, như người ta chia tay ở đoạn cuối cuộc tiễn nhau. Gã chợt nắm lấy tay nàng, khẽ hỏi:
- Em có yêu anh không?
Nàng để yên cái nắm tay trong vài giây rồi chủ động rút tay ra. Im lặng và không ngoái đầu nhìn lại, nàng bước thẳng vào nhà.
Trời ơi, mình vừa làm gì thế này. Nàng dựa lưng vào cánh cửa phòng tắm. Trời ơi, mình đã hôn gã, và để cho gã hôn! 
Là do nụ hôn khiến ta cảm giác rõ ràng sự hiện diện của gió. Là bởi chỉ khi hôn ai đó, ta mới có thể nghe thấy, nhìn thấy và trò chuyện cùng gió. Trong gió, là bất tận bi kịch nhân gian, chỉ có ta, mỗi ta, mới có thể nghe thấy và cảm thấy… Gió!

*

Shakespeare là tên gọi một nhà bi kịch nổi tiếng người Anh. Nàng mê đắm bi kịch và tưởng như mỗi bản thân nàng mới có thể nhìn thấu những bi kịch cuộc sống quanh nàng. Lâu rồi, người ta quên tên thật của nàng. Lâu rồi, người ta gọi nàng là Shakespeare.
Nàng sống độc thân, trong căn nhà nhỏ cuối phố. Nhưng ngoài nàng, hắn cũng có chìa khóa vào căn nhà này. Hắn là người hàng xóm lâu năm của nàng.
Hắn mang hình hài của một người đàn ông trưởng thành, hơn nàng ba tuổi cơ mà. Nàng lắc đầu khẽ cười thầm, đàn ông dẫu lớn tuổi vẫn không thể giấu diếm hết phần một đứa trẻ! Một cậu bé dễ thương, luôn tỏ ra là người đàn ông chín chắn trước nàng. Mỗi lần nàng ốm, hắn ngược xuôi mua thuốc, mua loại trái cây tốt nhất và hợp khẩu vị người ốm, tự vào bếp nấu cháo rồi mang tới cho nàng. Từ tivi đến máy bơm nước trong căn nhà nhỏ này, hắn là người phát hiện và sửa chữa. Quanh năm, trong nhà nàng luôn có hoa tươi đúng mùa, là của hắn mang đến. Mỗi ngày, điện thoại từ hắn khiến nàng phát phiền. Nàng không nghe máy, không trả lời tin nhắn, mặc kệ. Hắn hốt hoảng ghé qua nhà chỉ để xem nàng khỏe hay ốm, rồi lầm lũi đi về. Đôi khi nàng thấy thương cậu bé, nên nụ cười đã nở trên môi nàng khi đối diện hắn. Nàng biết, thế cũng đủ khiến hắn vui lòng. Đối với nàng, thật không nỡ ngăn cản một cậu bé dễ thương như thế ghé thăm nhà. Đáng tiếc, hắn không biết chính xác ngài Shakespeare của nàng là người Anh hay người Tây Ban Nha, dù nàng có nhắc với hắn cả trăm lần. Hắn càng không biết Vicent van Gogh là ai, Socrates cũng chẳng phải là mối bận tâm của hắn, thuyết tiến hóa đúng sai thế nào, hắn chẳng có chính kiến. Mỗi lần hắn mời nàng đi uống nước, cà phê thì uống như nước lọc, trà đạo mà hắn dốc một hơi còn chê chén nhỏ quá… Một người như thế, dẫu có lớn tuổi bao nhiêu đi nữa, đối với nàng cũng chỉ là cậu bé, không phải là một người đàn ông. Chao ôi, bi kịch nhân gian cũng là đây, nàng thầm nghĩ và không nguôi trở trăn về sự hiếm hoi có nguy cơ tuyệt chủng của những người đàn ông thực sự.

Minh họa: VIẾT DŨNG

Hắn không hợp với trà đạo, nhưng gu âm nhạc của hắn khá tốt, đúng ra là hợp ý nàng. Những bản nhạc kinh điển, bản nào nghe vào thời tiết như thế nào, thời gian nào trong ngày, không gian nào thì phù hợp, nàng chấp nhận đây là một ưu điểm ở hắn. Tan đêm nhạc ở tầng cao nhất tòa nhà, hắn dẫn nàng ra sân thượng. Chao ôi, là trăng! Trên vời vợi kia, trăng lãnh đạm rót mật vàng xuống trần gian, mặc kệ phố xá sáng bừng đèn điện. Chỉ đứng ở nơi cao nhất như sân thượng này, mới thấy được trăng phóng khoáng và bao dung cỡ nào. Nàng thấy không, bóng đêm huyền bí hơn chính nhờ thứ ánh sáng này, trăng nói. Nàng đừng chỉ nhìn xuống thành phố, hãy nhìn thấu những con đường làng, đến những cánh rừng nơi đầu nguồn nước, hãy trôi theo ánh trăng. Nàng có thấy không, con đường rợp bóng hoa đêm kia, dưới những tán cây, con đường nhỏ qua suối cạn rõ hơn, chính nhờ ánh trăng đấy. Những cánh vạc đi ăn đêm, những người nông dân đi cấy ban đêm chỉ vì ban ngày nắng nóng gió rát, những người làm vườn trồng cây thao thức vì chờ đợi những mầm chồi, là nhờ ánh trăng soi tỏ. Nàng còn có thể nhìn thấy đường mây bay vào ban đêm, là bởi trăng đấy. Ôi không, nàng thốt lên. Là sự hiu hắt của những con đường. Là những cuộc chia ly ở ga tàu ngập ánh trăng. Là những phận người gà gật trên nẻo đường góc chợ. Là những trăn trở khó ngủ của những con người cần mẫn mà cuộc đời không cho họ ngơi nghỉ. Trăng là nguồn cảm hứng dạt dào cho thi nhân nhưng lại là nỗi căm phẫn của kẻ đạo chích, chẳng phải thế sao? Ôi, là tiếng thét dài của những chú bò trong lò mổ! Ôi không, mùi máu! Là cái chết! Trăng làm soi tỏ thêm những đau đớn lẽ ra nên để bóng đêm ôm dịu đi! Và này trăng, trăng hãy nhìn lại xem, đêm trăng sáng, các vì sao trốn hết! Trăng chẳng phải rất cô đơn sao! Vì sáng quá nên đơn độc mãi ư trăng! Là ta đơn độc, lòng ta đơn độc và trống trải vô cùng, như ánh trăng kia vằng vặc mà cô đơn diệu vợi!
- Em sao thế?
Hắn lo lắng bởi nhấm được vị mặn của dòng lệ trên môi nàng. Sao nàng lại khóc, khi hôn hắn? Hắn có làm gì có lỗi ư? Nàng đang nghĩ gì? Hắn hôn lên những giọt nước mắt, nhưng bị nàng gạt ra. Ánh trăng khiến mắt nàng lấp lánh hơn bởi mọng lệ. Tại sao nét mặt nàng đau khổ đến thế? Hắn nghĩ mình đã gây ra lỗi gì đó. Nhưng hắn nhớ là đã rất khéo léo trong nụ hôn, không làm gì thương tổn đến nàng. Nàng quay mặt đi, vai run lên bần bật. Hắn xoay người nàng lại, ôm nàng vào lòng, vuốt nhẹ lên mái tóc. Nàng gạt tay hắn ra, giật mình. Nàng không thích bị một cậu bé vuốt lên đầu tóc.
- Anh xin lỗi!
Hắn bối rối thật sự. Nàng không trả lời, cầm lấy khăn mùi soa hắn đưa mà lau nước mắt. Hắn đưa nàng về nhà. Hắn mở cửa xe cho nàng, cầm lấy tay nàng, hỏi khẽ:
- Em có yêu anh không?
Nàng để yên cái nắm tay trong vài giây rồi chủ động rút tay ra. Im lặng và không ngoái đầu nhìn lại, nàng bước thẳng vào nhà. 
Ồ không, nàng nhớ ra là mình đã khóc. Không, là nàng khóc bởi cuộc trò chuyện với vầng trăng kia, bởi nỗi cô đơn trống trải nàng đồng cảm với trăng, bởi tất thảy những điều ai oán mà nàng nghe và thấy được khi trò chuyện với trăng. Chao ôi, là nàng đã hôn hắn, là hắn đã hôn nàng, dưới ánh trăng trên sân thượng, chứ không phải nàng phiêu du theo ánh trăng để nhìn thấu nhân gian. Chao ôi! Nàng rơi lệ đâu phải vì hắn gây lỗi gì. Nét đau khổ hiện diện nơi nàng, đâu phải lỗi vì hắn. Nàng muốn nói thế, nhưng đã im lặng. Cả gã và hắn, đều không thể nắm bắt được nàng, bởi họ không phải là đàn ông như nàng nghĩ.

*

Đang độ giữa mùa hạ, nắng rập rờn lên những cánh bướm trên khóm hoa. Nắng xiên khoai qua những tầng cây giữa thung lũng lộng gió. Nắng dát vàng lên mặt hồ nước thi thoảng xao động bởi gió lay. Nắng ôi, sao buồn thương đến thế! Nắng ơi, nhìn nắng rực rỡ mà lòng ta còn thấy lạnh lẽo và buồn bã hơn những ngày mưa ngâu! Có lẽ bởi đỉnh điểm của nỗi buồn không là khi đứng trước khung cảnh buồn bã, mà ngay trước những điều vui tai vui mắt nhất lòng vẫn không vui được! Ngắm nhìn nắng tràn đầy ánh sáng mà lòng nàng u ám chết chóc. Nàng không thể vui được, kể cả ngày nắng. Shakepeare không chỉ buồn vào ngày mưa, mà thấy con tim trĩu nặng kể cả ngày nắng! Dưới vầng dương ấm áp mọi người ca tụng, nàng vẫn thấy lòng mình buốt giá như cõi băng nghìn năm…
Nàng tạm rời khỏi gã và hắn bằng cách tắt điện thoại, không mang theo máy tính, không nói rõ địa điểm chính xác của mình với bất cứ ai. Một mình nàng, ở thị trấn núi. Không in tơ nét, không điện thoại, không máy tính, không xà phòng tắm, không dầu gội đầu, không nước hoa… Nàng muốn một lần được là sơn nữ. Nhưng sợ rắn rết và thú rừng, nàng không dám vào sâu một bản làng nào mà đến thị trấn núi, và tự hứa dù có cửa hàng cũng sẽ không mua thêm một thứ tiện nghi nào, kể cả đồ ăn nhanh. Không thuê nhà nghỉ hay khách sạn trong thị trấn, nàng ghé một gia đình người dân tộc thiểu số xin ở nhờ. Nàng nói với họ nguyện vọng của mình và sẵn sàng trả số tiền họ muốn. Gia đình đó dĩ nhiên vui vẻ đồng ý với một khoản tiền đã thỏa thuận. Một cặp vợ chồng người Thái đã có hai con, đứa lớn đi làm ăn xa còn đứa bé đang học cấp hai. May hay không may cho nàng, cặp vợ chồng đó kinh doanh buôn bán nên đã xuống phố ngay buổi chiều sau khi đồng ý cho nàng ở nhà họ đến khi nào nàng muốn rời đi. 
Nàng ngồi trên nhà sàn ngắm nhìn những tia nắng cuối ngày khuất dần sau đỉnh núi. Huy hoàng biết bao. Kiêu hãnh biết bao. Nhưng rồi tắt lịm. Và bóng tối bủa vây, sẽ ngay lập tức.
- Chị ơi, đi hái rau làm bữa tối với em nào!
Nàng đi theo cô bé con chủ nhà. Bên bờ suối có loài rau rừng mơn mởn xanh, cô bé thoăn thoắt hái rau vào rổ, chọn những cọng rau mập mạp non giòn nhất. Nàng vừa hái một cọng rau, gặp phải con sâu rau xanh rì lừ đừ trên lá mầm, liền hét toáng rồi vứt cả cọng rau xuống. Cô bé nhìn nàng lắc đầu, khẽ mỉm cười. Nàng đành lẽo đẽo cầm rổ chạy theo cô bé. Cô bé nhanh nhẹn, chẳng mấy chốc bếp lửa sáng rực cả một góc bếp sàn thi thoảng lép bép tiếng củi cháy. Nàng nhìn chằm chằm vào ngọn lửa, tiếng lửa hừng hực xen lẫn tiếng xèo xèo của khói và hơi trong thân củi trước lửa. Bữa cơm tối đạm bạc, chỉ độc bát rau rừng luộc với chẩm chéo. Chẩm chéo là gì, nàng hỏi. Đó là muối trắng trộn ớt tươi trộn gừng và củ hành nướng giã nhỏ cùng vài quả mắc khén. Nàng nhăn mặt khi cọng rau luộc chẩm chéo vừa đưa vào miệng, mùi thật lạ, cay thật cay, mặn đắng. Sơn nữ toàn ăn như thế mà lớn lên, cô bé nói. Nàng lặng thinh, nét mặt giãn ra, phải ăn xong bữa tối. Nếu chị dậy sớm được, sáng mai có thể lên rẫy cùng em. Nếu không, tự nấu bữa sáng nhé, có gạo có nếp đủ cả trong bếp. Cô bé nói với nàng khi nàng đang ngồi thõng chân bên cầu thang nhìn cô bé rửa bát.
Nàng thấy ánh lửa bập bùng ở góc bếp. Cô bé đang nướng cơm lam. Nàng nghĩ nàng sẽ vùng dậy, xem cơm lam nướng thế nào thì đủ chín, và có thể nàng sẽ được biết thêm cách làm cơm lam nếu hỏi chuyện cô bé. Nàng thấy cô bé vẫn chỉ mỉm cười, dắt nàng leo qua những con dốc hun hút về phía núi cao hơn. Rẫy ở đằng kia, nửa tiếng đi bộ nữa thôi, cô bé nói. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nàng muốn dừng lại để thở, nhưng cô bé đi rất nhanh, đã xa nàng quá. Nàng đuổi theo, nhưng cô bé mất hút trong rừng. Nàng không biết lối nào lên rẫy khi đứng trước một ngã ba lối mòn. Có tiếng thú rừng cười rợn như trong những bộ phim nàng vẫn xem. Gió chẳng hề đến, có lẽ đang bận vi vu ở thung lũng nào đó nhiều mây. Một con chim lớn bay tới, bộ móng vuốt của nó chồm thẳng phía trước như sẽ cào vào mặt nàng. Hốt hoảng, nàng hét lớn, vang vọng cả núi rừng, và bật dậy thở dốc. Thì ra chỉ là mơ!
Nắng đã lên quá con sào, ngôi nhà sàn vắng vẻ. Cô bé đã lên rẫy từ tinh mơ, nàng biết điều đó. Thế là nàng chẳng thể biết sơn nữ thực sự thế nào khi lên miền này rồi nàng vẫn quen dậy muộn. Đánh răng, rửa mặt. Nàng toan vào tủ lấy phở để pha nhưng chợt nhớ nơi nàng đang ở không có những thứ đó. “Tự nấu bữa sáng nhé, có gạo có nếp đủ cả trong bếp”, nàng nhớ lời cô bé dặn đêm qua. Nấu bữa sáng khi không có nồi điện, không có bếp ga, không có bếp từ bếp điện. Ôi chao, phải làm sao, mình không biết nhóm lửa! Lần đầu tiên trong đời nàng thấy việc nhóm bếp lửa thật khó khăn. Nếu có gã ở đây, thì nàng không phải đụng tay vào những thứ đầy nhọ nồi này. Nếu có hắn ở đây, thì thắp sáng bếp củi này chẳng có gì là khó khăn. Không mì tôm, không phở, không đồ ăn nhanh! Hoặc phải tìm cách nhóm lửa, hoặc nhịn đói! Nhưng bếp lửa thường được nhóm bằng củi gì bắt đầu đây? Nếp nương, gạo rẫy, bao nhiêu nước thì đủ chín thành cơm? Ôi chao, sơn nữ phải biết hết những thứ này sao? Socrates nói gì về lượng nước vừa đủ chín một nồi cơm nhỉ? Ngài Shakespeare nói thế nào về quá trình nhóm một bếp củi?
Nàng đang loay hoay thì gặp đàn kiến hành quân từ trong bếp ra mái hiên. Những con kiến nối đuôi nhau chạy bắng nhắng cả lên, thỉnh thoảng chúng lại chụm đầu vào nhau, chúng chào hỏi báo tin gì đó? Nếu muốn biết tổ kiến ở đâu, đi theo hàng kiến này sẽ rõ! Ôi chao, con người rồi cũng thế này mà thôi! Cứ mải mê quẩn quanh nhau trong thế giới bé xíu, mà chẳng thể nào biết được có một giống loài khổng lồ khác mình đang ngồi quan sát cả vương quốc thế giới của mình với những toan tính, hoặc sẽ cười nhạt trước những toan tính trong thế giới bé xíu đó. Vậy thì, chỉ còn cách tung mình lên thật cao, tách xa những cái nhỏ mọn ấy, sẽ nhìn thấu được thế giới, sẽ biết thế nào là nên hay không nên! Chao ôi! Cái thế giới bé bỏng kia, những kẻ trong đó tưởng mình to lắm, mà nào biết còn những thế giới mênh mông hơn, bất tận hơn! 
Bi kịch, thật đáng thương cho loài người, nàng lẩm bẩm…


                    N.T.L

. . . . .
Loading the player...