20-01-2018 - 14:05

Truyện ngắn: Những con thuyền

Tạp chí Hồng Lĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Những con thuyền" của tác giả Nguyễn Thị Luyến.

Anh đừng hỏi về đám mây hình cánh buồm căng ngày trước. Gió xua rồi, đã thành mưa rơi phía cuối trời xa.

Ngày nhiều gió vắng mặt trời. Bên ngoài cửa sổ, tiếng chim ríu ran, đám lá lô xô trên nền bê tông trong từng đợt gió lẫn với tiếng còi xe từ dưới phố vọng lại giữa những chửi rủa của mấy người bán hàng cạnh tranh nhau. Dịu dàng, êm ả hay đáo để chanh chua, cũng chừng ấy thời gian quay vòng. Người ta không còn dành khoảng riêng để nghĩ về những cảm xúc thật sự của mình, khi mà tất cả các giá trị được quy đổi thành những điều thấy tận mắt, sờ tận tay.

Anh ạ, em đã nộp đơn thôi việc mà không đợi xem phản ứng của sếp.

Em chẳng nhớ mình đã rời khỏi tòa nhà bằng cách nào sau một quyết định dứt khoát kết thúc hơn ba năm uể oải những níu kéo. Ngay đó, lái xe qua ngã ba ngã tư, em cũng hối hả như ngày làm việc đầu tuần, chỉ mới giật mình giữa lúc chen lấn qua những vòng xe, vòng người để nhận ra kỳ thực mình chẳng vội. Em tự hỏi không hiểu với số người số xe kẹt nhau hàng dài trên bản đồ giao thông rồi sẽ trú ngụ nơi nao mới đủ trả sự yên tĩnh cho phố đêm? Bên kia bờ đại dương, anh đang làm gì nhỉ? Em đã cố hình dung bao nhiêu lần căn phòng thí nghiệm trong lời anh kể, về những chú chuột được chăm nuôi cẩn thận với chế độ dinh dưỡng nhất định, để đến ngày nào đó nằm gọn trên bàn mổ. Hẳn anh phải tỉ mỉ lắm khi xem xét các tế bào cơ thể cũng như những biến đổi đặc biệt trong quá trình giải phẫu con vật bé nhỏ ấy? Đến lúc này, việc hình dung gương mặt anh trước những con số vừa phát hiện sẽ dễ dàng hơn với em. Anh gầy rộc trong bộ áo choàng và đôi găng tay trắng, cặp kính cận dày năm diop, à không, có lẽ bây giờ dễ đến bảy diop rồi, và mọi ánh đèn cần được tập trung. Ôi kìa, đã mấy ngày anh không soi gương thế, để râu không hợp với anh tí nào! Anh vui mừng đến mức tự mình nhảy một điệu valse trong phòng vắng bởi bất ngờ trước kết quả thí nghiệm, hay cau mày thở dài vì chẳng có gì mới mẻ? Em cứ nghĩ về anh như thế đấy, trong lúc đi quanh vòng xuyến. Nghĩ về anh. Nghĩ về chiếc ô tô đen mở kính phóng qua kịp để em nhìn thấy bên trong, phía sau người đàn ông cầm lái là thiếu phụ đang nô đùa cùng bé gái tuổi học nói, một gia đình nhỏ hạnh phúc chăng? Rồi ý nghĩ đó vụt đi khi ven đại lộ là cụ già đang ngồi bày bán mớ ngô tươi trắng nõn hạt đều, bên cạnh là nồi ngô luộc thơm ngọt man mát, nắng dãi dầu gương mặt nhăn nheo những mồ hôi. Em dừng xe mua hai bắp luộc, em nhớ anh rất thích đồ ăn này. Ý nghĩ về anh vừa nối tiếp, lại đứt đoạn khi chiếc xe máy từ đâu phía sau phóng vụt lên quệt vào khiến gương chiếu hậu bên trái của xe em lệch vuông góc hẳn, thêm một câu chửi thề vút theo tốc độ. Em sởn gai ốc biết mình còn đứng vững. Bà cụ bán ngô lầm bầm: “Tiên sư nó, người ta ghé sát lề đường rồi còn quệt phải, suýt nữa thì tai nạn! A Di Đà Phật!”. Treo bắp luộc lên xe, em đã nghĩ mình sẽ trở về phòng trọ, hoặc ghé vào quán cũ ngồi nhâm nhi ngô luộc với nỗi nhớ anh. Xe nổ máy, em đi giữa đại lộ như trôi vào ý nghĩ. Trung tâm thành phố xa dần, hương nồng nàn đồng nội đã căng đầy lồng phổi. “Chị ơi, tắt xi nhan đi kìa!” Có ai đó đi ngược chiều khoát tay trước mặt em và hét lớn khiến em giật mình. Ngày kỳ lạ, em đã giật mình như thế đến mấy lần, như ngủ mơ mấy lần bị đánh thức. Và nhận ra mình đang đi giữa cánh đồng ngoại ô bát ngát ngô mùa bung hoa. Con đường dẫn bước về vùng nông thôn gần thành phố nhất. Vùng quê ven đô chuyên cung cấp rau củ tươi, có cả bắp luộc mà em và anh ngày xưa vẫn cùng ăn. Khoai lang nướng nức mũi mỗi chiều xe hàng rong đi qua giữa phố não nề “mấy dấu chân lạc loài…” trong nắng hạ, cũng lấy nguồn từ cánh đồng ngoại ô màu mỡ phù sa này.

*

- Mày có biết thiên hạ xếp hàng từ Móng Cái tới Đồng Tháp còn không qua vòng gửi xe để vào được công ty như thế?

- Đang làm việc trong tòa nhà lớn, biên chế ổn định, ngồi điều hòa máy lạnh bốn mùa, lương lĩnh hàng tháng không thích, lại bỏ về xó núi sống với vắt rừng?

Cha mẹ không thể chấp nhận chuyện em trở về quê núi. Rằng bao nhiêu năm cho con cái học hành, điều cuối cùng cha mẹ vẫn mong em thoát kiếp làm nông, có thể định cư giữa một thành phố xa hoa văn minh thì càng tốt. Nhưng cha mẹ quên một điều, là ngay từ đầu đã đồng ý cho em nhập học trường nông lâm. Đi xa tới đâu, em vẫn không thể thoát được bản năng, tiềm thức có sẵn trong người và tin rằng đó là một định mệnh truyền kiếp của người được chọn. Chẳng phải em trai, cũng chẳng phải chị gái, càng không là ai khác trong số những đứa cháu của nội, em là đứa duy nhất được nội chắc chắn cho kế thừa thung săng lẻ trong đồi.

Khác với cha mẹ, ông nội luôn khẳng định với em rằng, ông vẫn dành cho em căn chòi giữa thung. Căn chòi năm xưa em vẫn trốn vào ở với nội suốt mùa măng đắng, qua mùa hè, hết mùa mưa và cả những ngày rét mướt. Những mùa qua phố nghe lá xà cừ cuốn từng đợt sàn sạt trong gió khiến em thêm nhớ khoảng thăm thẳm huyền bí trong rừng săng lẻ của nội. Ngày anh về thung cùng em, đúng mùa săng lẻ nở hoa những lum chùm trăng trắng phơn phớt, đó là sau khoảng săng lẻ rụng lá không lâu. Bây giờ ở nơi xa kia, mỗi lần ngước lên núi đổi màu và có dạo chơi mùa phong rụng lá, anh hãy tin rằng em cũng có thể ngắm núi mùa đổi màu, chỉ cần trở về thung của nội. Núi đổi màu núi vẫn là núi, rủi thay con người chẳng thế, anh nhỉ?

- Nội ơi, nếu đã là kỹ sư lâm nghiệp mà vẫn phải về núi trồng rừng như chị Lam, thì cháu không thi vào trường đấy nữa!

Bé Phương đang học lớp mười hai, cũng từng ước trở thành kỹ sư lâm nghiệp trong một lần lên phố thăm em và được biết đến tòa nhà của công ty chỗ em làm việc.

“Em muốn rời khỏi núi, thoát khỏi rừng, mãi về sau ở phố.” - Đó là nguyện vọng thực sự của Phương, chứ không phải trở thành kỹ sư nông lâm. Cô bé còn sáu tháng để suy nghĩ kỹ về quyết định ra phố như thế nào. Anh biết không, hôm đó, hoàng hôn như lò lửa nấp phía sau dãy tường săng lẻ, tỏa bập bùng xuống những thân cây trắng lốp nõn nà rắn chắc. Ánh chiều xiên qua những cành những ngọn từ vời vợi, lấp lánh xuống mái tóc bạc trắng như cước của nội đang mỉm cười bên cạnh bé Phương. Rừng săng lẻ ấy, chỉ thua nội bảy tuổi. Họ đã là bạn của nhau, từ ngày nội mới là cậu bé với những thuổng, cuốc trồng cây săng lẻ đầu tiên.

Anh còn nhớ Uyên không? Uyên tiểu thư, Uyên viết văn, đã hoàn thành cuốn sách thứ bảy trước khi tự sát. Cuốn sách thứ bảy, viết xong trước ngày sinh nhật tuổi hai bảy hoang mang nhan đề Những đường bay gãy cánh. Sinh nhật tuổi hai bảy, kết thúc cuộc đời hai bảy tuổi. Giờ thì em đã tự trả lời được rồi, rằng tại sao Uyên tiểu thư sau khi du học gần hai mươi năm trở về, lẽ ra nàng đã có thể có một công việc ổn định với thu nhập cao hoặc với những ý tưởng độc đáo của một cá tính, ít ra nàng có thể kế thừa và làm phát triển hơn chuỗi nhà hàng của bố mẹ, mà cuối cùng lại chỉ ở nhà viết văn và vẽ. Công việc ổn định để làm gì? Khi mà dường như tất cả chúng ta đều mải miết vì sự ổn định theo quy chuẩn trong mắt người khác mà bẵng quên hoặc phải tạm gác cảm xúc thực sự của bản thân? Nàng chẳng màng sách có thể in được hay không, tranh có bán được hay không. Những đường bay gãy cánh được bố mẹ Uyên cho xuất bản trong dịp bốn chín ngày mất, tranh bìa do nàng vẽ. Triển lãm tranh của Uyên, cũng sắp diễn ra rồi. Trong giây phút gồng mình xung đột với tác dụng của thuốc mạnh, hay tận hưởng cực khoái trong đớn đau ngọt lịm trước lưỡi hái thần chết, Uyên đã trả lời được chưa, những đường bay vì sao gãy cánh?

Di chúc của Uyên để lại, rằng phải em là người đầu tiên đọc bản thảo của nàng, nàng nhờ em lựa chọn cho nàng một trong hai bức tranh làm bìa cuốn sách. Anh thấy đấy, em là kỹ sư lâm nghiệp mà Uyên xem em như một người biên tập bản thảo. Em với Uyên, rất ít gặp nhau ở phố, chủ yếu chỉ trò chuyện qua email, nàng tin cậy và gửi gắm bản thảo cho em giống như sau một hồi trò chuyện ngay lần đầu tiên quen nhau, nàng đã chia sẻ trang blog hết sức riêng tư. Chẳng phải bởi bản thảo cuốn sách của Uyên, mà bởi những đám mây lừ đừ như những chuyến xe bus nặng nề độ tan tầm khiến em cũng đã bao lần tự hỏi như thế. Em chẳng có ý nghĩ tự sát như Uyên đâu, dù em luôn cảm thấy trước mũi chân mình là hố sâu vực thẳm. Không thể bước qua, thì phải làm thế nào để bay lên, chứ không thể nhảy xuống vực thẳm được. Biết đâu, Uyên đã cố bay lên để thoát khỏi vực thẳm đó, nhưng nàng bị gãy cánh, và chẳng có một cành cây lưng chừng nào níu giữ tuổi hai bảy của nàng?

Cầu đường bộ hôm ấy, không còn những linh hồn đi hoang, không còn những rung lắc chệnh choạng, không còn đám thanh niên nhập nhằng một góc cạnh lùm cây xà cừ già nhất phố. Chỉ mình em, mắt đuổi bắt những đèn xe nhấp nháy dưới lòng đường. Nơi trú chân của những dòng người kia... Ánh sáng từ những ô cửa sổ cả khi đã cố tình đóng kín, vẫn hé lọt ra ngoài báo hiệu một sự tồn tại. Không ít lần nhìn vào những ô cửa sổ ấy, em tự hình dung những cuộc sống từ bên trong. Trong căn hộ cao cấp, một bữa cơm đầy đủ gia đình: Người đàn ông như kẻ đói chỉ biết đến bát cơm của mình, xì xụp húp hết bát canh rồi qua ghế sô pha ngồi lướt Ipad. Người phụ nữ đợi đón xới cơm cho chồng và con, ánh mắt rơi lạc phương nào, chiếc Iphone màu hường nhấp nháy sáng cạnh nồi cơm điện. Còn đứa con gái, mắt lơ đãng nhìn theo ti vi, thức ăn trôi tuột vào dạ dày như chưa từng đi qua vị giác. Trong khung ảnh gia đình treo tường, những nụ cười đang ngả nghiêng, méo xệch. Bên cạnh khu chung cư cao cấp là dãy những ngôi nhà bình dân cấp bốn, những quán hàng ăn, đồ gia dụng... Từ một trong những ô cửa sổ ấy, tiếng quát tháo ầm ĩ, men rượu nồng nặc và có tiếng khóc rấm rứt, hay ai kia đang thổi một điệu sáo đến từ cõi mộng? Em cảm giác như mình đang ngẫm và thấy lại cả những cuộc đời đằng đẵng đi qua với bao hình ảnh, bao con người, bao khoảnh khắc còn em vẫn đứng đó, dù tuổi đầu chưa được nửa đời người.

Thôi, em chẳng cố hình dung hay lắng nghe cuộc đời phía sau những ô cửa nữa. Anh sẽ nghĩ gì khi biết em đã bỏ việc sau hơn ba năm gắn bó? Một công việc ổn định, không nhiều áp lực. Tại sao em lại bỏ đi trong khi hàng trăm người xếp hàng vào đó, hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, đầy rẫy những thạc sĩ tiến sĩ cuối cùng ngậm ngùi giấu bằng vào góc tủ. Anh có trách em không, rằng ngay từ đầu em không nên bước chân vào tòa nhà đó, chúng ta nên cùng nhau vượt đại dương đến chân trời mơ ước, sau những buổi căng thẳng ở phòng thí nghiệm, chúng ta đã có thể cùng đi xem phim vào chủ nhật, cùng ăn tối, nằm cạnh nhau nghe tuyết rơi suốt mùa... Em đã bỏ lỡ bấy nhiêu năm tháng chúng mình bên nhau. Anh có nghĩ là chúng mình bỏ lỡ cơ hội bên cạnh nhau trong bấy nhiêu năm tháng?

“Tháng Tư nắng tràn qua cửa sổ, rót dịu dàng xuống đường phố ồn ào. Hoa lá tháng Tư phức mùi nhựa mới căng tràn sức sống, ta hít hà chìm đắm trong mùi chuyển mùa. Có ai vừa đi qua đời ta, trong ý nghĩ ngọn gió mang đến một cái tên. Tháng Sáu mưa rào ngập cả đường lớn, lối đi mờ mịt trong màn mưa trắng xóa, kéo rêu phủ kín ngày tóc rối tóc dài, ta vẫn lang thang tìm dị hương ẩn mình trong phố. Có ai vừa gợi nhắc đến thời gian, ta giật mình ngỡ bước vào mộng mị. Đã bao lâu rồi ta chưa ghé chân vào quán cắt dạo ven đường? Đã bao lâu rồi ta chưa thực sự ngắm một nụ hoa vừa hé? Đã bao lâu rồi ta không còn định dạng rõ mùi hương nào của loài hoa nào hay của một hãng nước xả vải nào đó mà ai vừa đi qua?

Và chẳng mấy chốc, trên dòng người hối hả đi về nghĩa trang, biết đâu có lúc ta nằm trong linh cữu vẫn buông tiếng thở dài, ghi nhớ hình ảnh hàng người thản nhiên bước đi...”

Có thể nào, chính Uyên bị gãy cánh?

Con đường nhỏ hun hút giữa cánh đồng, sương chiều giăng giăng, em không định hình được đang là tháng Tư hay là độ cuối đông nữa. Trăng chiều lạnh đến nao lòng. Có điều gì đó dường như đã xảy ra, khi em muốn tạm biệt phố thị bằng ngày cuối tuần lang thang vô định. Có điều gì đó đang xảy ra, dường như. Con đường về vùng quê ven đô, em đã đi gần hết chặng. Con đường em gặp anh trong giấc mơ tuần trước. Anh áo choàng trắng cao gầy lầm lũi bước đi, giữa xung quanh một màn sương mù kín cả cánh đồng. Em gọi nhưng anh không nghe thấy. Chỉ khi gió lùa đám mây tách khỏi vầng cao, trăng ló ra lạnh đến gai người, buồn như một giấc mộng, thì anh mới ngoái đầu về phía sau. Em đã cố níu lấy gương mặt ấy, cánh tay ấy của anh nhưng giấc mơ tan biến. Chỉ còn độc ánh trăng lạnh lùng xuyên qua giấc mơ rọi vào cõi lòng em lạnh buốt. Sáng đó em tỉnh giấc, một nỗi buồn đau mênh mang cõi hồn cùng lúc đôi giọt nước mắt ấm nóng đang chảy xuống hai hõm tai, em ngỡ ngàng soi gương thấy mắt sưng mọng, nhớ rằng đêm trước mình thổn thức cả trong mơ, đã nghẹn ngào giữa giấc ngủ chập chờn hình ảnh anh.

Chúng ta như những con thuyền…

                                          N.T.L

 

. . . . .
Loading the player...