12-06-2023 - 00:22

Truyện – ký Nguyễn Ái Quốc và sự phản ánh sáng tạo hiện thực, lịch sử

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Truyện – ký Nguyễn Ái Quốc và sự phản ánh sáng tạo hiện thực, lịch sử” của Nhà Lý luận phê bình Hà Quảng

Từ khi còn là một thanh niên theo học ở Huế tham gia các cuộc biểu tình chống sưu thuế, là dân một nước thuộc địa nửa phong kiến, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành rất thấm thía nỗi đau trước nguy cơ dân tộc “bị đẩy vào hố diệt vong”, hiểu rõ hơn ai hết bản chất tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc và bè lũ phong kiến. Sau một thời gian dạy học ở Dục Thanh, Nguyễn  tìm đường cứu nước, không theo con đường Đông du mà Tây du, anh đã gia nhập vào đội ngũ cách mạng quốc tế. Nhận thức về kẻ thù càng rõ hơn, đó không chỉ là bọn thực dân Pháp mà là chế độ thực dân, là chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới, kẻ thù của dân tộc anh cũng chính là kẻ thù chung của cả loài người. Tâm hồn người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã thực sự giao cảm với những vấn đề lớn, những tình cảm lớn của thời đại.

Lòng yêu nước thiết tha và sự khao khát giải phóng nhân dân bị áp bức  dưới ánh sáng của tư tưởng cách mạng mới đã hình thành những “đề tài” quan trọng trong các tác phẩm đầu tiên của Người: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”( Lời nói đầu - Le Paria số 01 ra ngày 1-4-1922). Đó không chỉ là đề tài các tác phẩm chính luận mà còn là nội dung của những tác phẩm văn học. Văn học ở Người chính là phương tiện làm sáng tỏ các luận đề chính trị nhằm mục đích thực hiện lý tưởng Cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ảnh: Tư liệu

Những truyện, ký mà Người viết trong thời kỳ hoạt động trên đất  Pháp những năm 20 của thế kỷ XX như : Pari (1922- Nhân đạo), Lời than vãn của bà Trưng trắc (1922- Nhân đạo), Con người biết mùi hun khói (1922- Nhân đạo),Vi hành (1923- Nhân đạo), Đoàn kết giai cấp (1924- Người cùng khổ), Con rùa (1925- Người cùng khổ), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925- Người cùng khổ)…đã thể hiện một cái nhìn thông sáng riêng biệt, phản ánh sáng tạo hiện thực và lịch sử. Sự kín đáo kết hợp tư duy chính trị với phong cách kể chuyện, cách ghi chép tự nhiên rất dí dỏm đánh vào kẻ thù của dân tộc như là một thứ vũ khí lợi hại…

Truyện ngắn đầu tay “Pari” (1922) với sự đối lập cuộc sống các giai tầng nơi thủ đô hoa lệ Người đã lên án các cuộc chiến tranh phi nghĩa, nói rõ sự thống khổ của người dân lương thiện. Tháng 6 năm 1922, thực dân Pháp đưa  vua bù nhìn Khải Định sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa ở Macxây nhằm mục đích "làm món đồ hàng rao thuộc địa, cổ động đế quốc" Nguyễn Ái Quốc đã viết truyện ngắn "Vi hành"  để vạch trần bộ mặt xấu xa, bạc nhược ông vua bù nhìn, đả kích âm mưu xảo quyệt, bịp bợm của  thực dân Pháp.Truyện “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” (1925) vừa vạch trần thủ đoạn xảo trá của bọn thực dân muốn ru ngủ và lung lạc người yêu nước vừa chỉ ra bản chất phản bội của những kẻ cơ hội. Để làm rõ mặt chủ nghĩa cơ hội đầu hàng tác giả đã đưa ra hai hình ảnh tương phản: hình ảnh Phan Bội Châu “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đang xả thân vì độc lập” với Varen  kẻ giả nhân giả nghĩa. Bài ký “Đoàn kết giai cấp” (1924),  kể lại vụ xử án anh công nhân da đen Hôxê Lêanđrô đa Xinva ở Braxin. Anh tham gia bãi công, bị cảnh sát bắt, đánh đập tàn nhẫn, rồi bị đưa ra toà, bị kết án 30 năm tù khổ sai. Nhờ sự đoàn kết đấu tranh của thợ thuyền anh được xóa án. “Đoàn kết giai cấp” viết về một cuộc đấu tranh cụ thể, nhưng lại mở rộng ra những vấn đề rất lớn, xu thế thời đại. Truyện không phải chỉ viết về cá nhân anh Hôxê cũng không phải chỉ là “một vạn rưỡi công nhân” mà là giai cấp vô sản có tổ chức biết đấu tranh, dám đấu tranh và đấu tranh thắng lợi. Truyện ngắn tuy khép lại nhưng mở ra chân lý lớn của thời đại,

Đọc lại các truyện, ký của Nguyễn ái Quốc, chúng ta đều nhận thấy từ tiêu đề đâu tiên đến câu kết, Bác đều dùng một giọng văn châm biếm hết sức nhất quán, nhưng đa dạng, đó là sự nhất quán trong mục đich, trong đối tượng nhưng lại đa dạng về giọng điệu, về bút pháp nghệ thuật. Nó thể hiện một tư duy sắc sảo và sức tưởng tượng phong phú của một nhà báo, nhà văn tài năng. Càng đọc, chúng ta lại càng thấm thía chiều sâu tư tưởng và tình cảm yêu nước nồng nàn của Nguyễn Ái Quốc được giãi bày bằng một văn phong rất nhẹ nhàng kín đáo, rất u-mua nhưng nghiêm túc và đanh thép. Ngòi bút của Người bám sát các hiện tượng, sự kiện, với những chi tiết tỉ mỉ cụ thể, đưa người đọc tiếp xúc với những hình ảnh sinh động của đời sống. Qua các trang viết, người đọc thấy hiện rõ lên trước mắt mình cái khu phố nghèo ở Pari với cái ống lò sưởi “lôi thôi và gầy guộc như  ngón tay mụ phù thủy già”, nghe được “tiếng răng lập cập, tiếng thét xé tai, tiếng nấc, tiếng thân người đổ xuống, tiếng khóc điên rồ” của đám dân thuộc địa ở một góc trời Châu Phi, bị bọn thực dân hun khói trong một hang đá, thông cảm với nỗi lòng lo lắng của “bà vợ một ông xã ở Việt Nam khi được tin quan sứ đòi chồng lên hầu”… Hiện thực cụ thể nhiều nơi nhiều nước nhưng được soi dọi bởi cảm quan của nhà cách mạng bằng một bút pháp nghệ thuật sinh động đã được xâu chuỗi nâng lên một tầm cao khái quát, để từ sự phản ánh những sự kiện, chi tiết ấy mà vẽ nên bức tranh toàn cảnh thế giới, thể hiện được những động lực, những đối tượng to lớn đang chi phối hiện thực, xã hội.

Cũng với luận đề chống đế quốc phong kiến, Người mở rộng sang đề tài lịch sử. Truyện ngắn “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, mà Nguyễn Ái Quốc viết cách đây gần thế kỷ có thể xem như một gợi ý mở đầu độc đáo và hấp dẫn  về  sự hư cấu sáng tạo trong khi viết về đề tài lịch sử. Để phê phán Khải Định nhân dịp sang dự Hội nghị đấu xảo thuộc địa, vạch trần bộ mặt thật xảo trá mị dân của thực dân Pháp, để khích lệ lòng yêu nước của dân tộc Nguyễn đã sáng tạo nên câu chuyện hồn ma vị nữ vương tiền bối Trưng Trắc hiện về trong giấc  mơ quở trách ông vua nhu nhược và lố bịch. Rồi chuyện vi hành cũng cúa ông vua này. Câu chuyện bịa hư ảo và có vẻ vô lý trong thực tế nhưng lại rất đúng với bản chất lịch sử của vấn đề. Hình tượng nghệ thuật hư cấu hoàn toàn nhưng vẫn đạt “tính chân thật lịch sử” cao và thuyết phục người đọc!

Truyện ngắn “Con người biết mùi hun khói”, đăng trên báo L'Humanité (1922) là câu chuyện viễn tưởng về bộ tộc Hauxa (Haoussas) ở Tây Phi đã trải qua cảnh diệt chủng do đế quốc gây nên, nhưng rồi châu Phi được độc lập và thống nhất. Quang cảnh dân chúng tưng bừng chào đón lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng hoà Liên hiệp Phi tổ chức tại Hauxa (Haoussa) một thế kỷ sau, tác giả tiên đoán về thắng lợi tất yếu của sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa và hướng đi tới của loài người tiến bộ.        

Ở truyện ngắn này, Nguyễn Ái Quốc đã xử dụng lối viết “tiểu thuyết giả lịch sử” có những chi tiết tiến gần đến lịch sử viễn tưởng, đưa ra giả thuyết với các tình tiết lịch sử có tính huyễn tưởng về một “nước Cộng hòa” để làm rõ cái khung cảnh biến động của thời đại, của thế giới và giữa khung cảnh ấy có những lực lượng to lớn đang hoạt động, cũng  từ đó tỏ rõ một niềm tin vào thắng lợi, một tâm trạng lạc quan mạnh mẽ.

Những năm hai mươi, Người sống ở Pari - thủ đô ánh sáng, nơi các chủ thuyết các trường phái văn học luôn đi hàng đầu thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu những bút pháp của các bậc thầy để vận dụng vào tác phẩm mình. Chúng ta không lạ các thủ pháp như huyền ảo, tượng trưng, siêu thực, tin từc báo chí … đều dược người sử dụng một cách khéo léo nâng cao hiệu quả thẩm mỹ cho hình tượng nghệ thuật. Cuộc sống từng trải nhiều nơi, nhiều sự kiện trở thành chất liệu của những tác phẩm. Kinh nghiệm sống phong phú, tác giả chắt lọc, lẩy ra những chi tiết tiêu biểu đưa vào truyện ký, cộng với sức tưởng tượng phong phú đủ tạo một bức tranh giàu tính khái quát vừa hiện thực vừa lãng mạn. Hiện thực và lịch sử trong tác phẩm của Người không là bức ảnh phôtô-coppy mà là bức tranh đầy sáng tạo về đời sống. Có thể nói rằng nét sáng tạo độc đáo của tác giả là đã thu gom cả thế giới rộng lớn vào một ít tác phẩm quy mô nhỏ, gọn và điều thú vị là cái quy mô nhỏ gọn ấy vẫn biểu hiện được tầm cỡ to lớn của hiện thực, biểu hiện được thế chuyển động của lịch sử, sức mạnh tiềm tàng của nhân dân, của cách  mạng, cũng như tâm hồn cao thượng của tác giả. Đó chính là cái “sức nén lớn” ở các tác phẩm của Người, mà nhiều nhà nghiên cứu nói đến.

Sống giữa lòng thủ đô Ánh sáng, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu tầm cao học thuyết Cách mạng vô sản cùng  những quan điểm mỹ học cấp tiến ở các trường phái nghệ thuật mới, dựng nên những chân dung văn học mà cho đến bây giờ vẫn có ý nghĩa khai sáng. Sức nén của tính đa dạng nghệ thuật phản ánh hiện thực, lịch sử một cách sáng tạo góp phần tạo nên một phong cách nhà văn lớn. “… Loại truyện ký này vui, nghe thoải mái, thoạt đọc như mạn đàm, phóng bút mà chứa đựng một nội dung cao cả sâu sắc”(Phạm Huy Thông - Lời giới thiệu - Truyện và  ký Nguyễn Aí  Quốc - NXB Văn học Hà Nội - 1985). Đó cũng chính là nét đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn cũng như giá trị mở đầu của “sự phản ánh sáng tạo hiện thực, lịch sử” trong thể tài truyện, ký của Người ./.

H.Q

. . . . .
Loading the player...